Đã đi rồi mà thế giới không quên

(Chiếc bóng đổ dài của Trump và bước đường cùng của uy tín Mỹ)

Jonathan Kirshner, Foreign Affairs, tháng Ba/tháng Tư, 2021

Trần Ngọc Cư dịch

Trong bài giảng đầu tiên của bất cứ phần dẫn nhập nào về lớp quan hệ quốc tế, sinh viên thường được cảnh báo về những hậu quả thô bạo của tình trạng hỗn loạn quốc tế. Chính trị thế giới, họ được cho biết, là một hệ thống tự lực cánh sinh: trong trường hợp không có một thẩm quyền toàn cầu để thực thi các luật lệ, không có gì đảm bảo rằng hành vi của những nước khác – đôi khi, những nước khác nguy hiểm và thâm độc — sẽ được kềm chế. Với sự sống còn của mình có thể bị đe dọa, các quốc gia phải lường trước khả năng xấu nhất về thế giới bên ngoài, lập kế hoạch và hành xử tương ứng.

Giống như hầu hết các điều trừu tượng khác, cách mô tả của lớp nhập môn quan hệ quốc tế [IR101] về các hậu quả của tình trạng hỗn loạn quốc tế là một sự đơn giản hóa triệt để, hữu ích thật đấy, như một kỹ thuật lập mô hình không chính thức, nhưng có những hạn chế của nó. Trong thế giới thực – nghĩa là đối với hầu hết các quốc gia, ở hầu hết mọi thời điểm – sự sống còn của một quốc gia thực ra không bị đe dọa khi họ quyết định áp dụng chính sách nào trong các chính sách đối ngoại khác nhau. Và các quốc gia hiếm khi rút vào thế co cụm phòng thủ, theo kiểu không muốn tin tưởng bất kỳ quốc gia nào khác, hoặc bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi rằng nước bạn hiển nhiên ngày hôm nay sẽ trở thành một kẻ thù không đội trời chung vào ngày mai.

Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết những điều trừu tượng khác, có một sự thật cốt lõi bất khả xâm phạm đối với câu chuyện ngụ ngôn về tình trạng hỗn loạn của thế giới. Rốt cuộc, cái thế giới gồm các quốc gia riêng rẽ thực ra là một hệ thống tự lực cánh sinh. Và vì thế các nước nhất thiết phải đưa ra những phỏng đoán về hành vi dự kiến trong tương lai của những nước khác — về những gì có vẻ có thể xảy ra và về tầm ảnh hưởng của những điều khả thể và những điều hợp lý.

Đây là lý do tại sao mặc dù Donald Trump đã trở thành hội viên của một câu lạc bộ khá độc đáo – các Tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ – nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ có những hậu quả lâu dài đối với quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Leo Tolstoy cảnh báo rằng “không có điều kiện nào mà người ta không thể làm quen, đặc biệt nếu anh ta thấy rằng nó được những người xung quanh chấp nhận”. Đặc biệt đối với hầu hết những người Mỹ thiển cận và cục bộ, việc mặc nhiên bình thường hóa những gì trên thực tế là một đường lối phá vỡ chuẩn mực trong chính sách đối ngoại, là một chuyện dễ dàng xảy ra. Mặc dù người ta có thể đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào về bàn tay thường nhuốm máu của anh khổng lồ Mỹ trên sân khấu thế giới, nhưng chính sách đối ngoại của Trump thì khác: thiển cận, có tính giao dịch, bốc đồng, không đáng tin cậy, thô lỗ, cá nhân chủ nghĩa và có luận điệu, lập trường và tín lý cực kỳ phản tự do.

Một số người hoan nghênh sự chuyển đổi mà Trump thể hiện, nhưng hầu hết các chuyên gia đối ngoại, các nhà thực hành chính sách và các thứ chuyên gia khác đang thở phào nhẹ nhõm rằng một giai đoạn giao thời vô cùng đáng tiếc, và về nhiều mặt đáng hổ thẹn, đã trôi qua. (Rất khó có khả năng một Tổng thống Mỹ tương lai nào đó sẽ trao đổi “những bức đẹp” và bày tỏ “tình yêu” của mình dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.) Nhưng sự nhẹ nhõm rõ rệt ấy chắc chắn đã giảm bớt do một sự thật rất nản lòng, bắt nguồn từ khái niệm hỗn loạn quốc tế này: thế giới không thể xoá bỏ ký ức về nhiệm kỳ Tổng thống Trump. (Thêm một điều không kém phần quan trọng là thế giới sẽ không thể nào quên cách hành xử của những thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã hành xử trong những tuần cuối cùng của chính quyền Trump, bỏ phiếu theo tinh thần cơ hội chủ nghĩa để mưu toan lật ngược kết quả một cuộc bầu cử và góp phần kích động bạo lực tại trụ sở Quốc hội Mỹ.) Từ thời điểm này trở đi, các quốc gia khắp thế giới sẽ phải tính toán lợi ích và kỳ vọng của mình với sự hiểu biết rằng chính quyền Trump là thứ mà hệ thống chính trị Hoa Kỳ có thể tạo ra một cách hợp lý.


Những đánh giá lại như vậy sẽ không có lợi cho Hoa Kỳ. Trong 75 năm qua, giả định phổ quát cho rằng Hoa Kỳ đã cam kết bảo vệ các mối quan hệ và định chế mà nước này đã tạo ra và các chuẩn mực mà nước này công bố, đã ảnh hưởng thế giới theo những cung cách ưu đãi lợi ích của Mỹ. Nếu ngày càng bị coi là vô trách nhiệm và ích kỷ, Hoa Kỳ sẽ thấy thế giới là một nơi nguy hiểm hơn và ít thân thiện hơn.

Quyền lực và mục đích

Một quốc gia cố gắng dự đoán hành vi chính sách đối ngoại của quốc gia khác bằng cách đưa ra đánh giá về hai yếu tố: quyền lực và mục đích. Việc đo lường quyền lực có vẻ đơn giản, mặc dù thông thường thì không. (Pháp có vẻ tự hào về một quân đội đáng gờm vào năm 1939, và Liên Xô được coi là một siêu cường trong nửa thế kỷ sau đó, nhưng cả hai nước đều sụp đổ đột ngột và bất ngờ dưới sức ép.) Đo lường yếu tố thứ hai – mục đích – trên thực tế đòi hỏi nhiều phỏng đoán hơn nhưng thậm chí còn quan trọng hơn. Một quốc gia là bạn hay thù, và trong cả hai trường hợp, trong bao lâu? Lời nói của một quốc gia có phải là một phiếu nợ của nó, hay những cam kết của nó là phù du và những lời tuyên bố của nó chỉ là một sự lên gân hời hợt, cơ hội chủ nghĩa? Rốt cuộc, đây là những câu hỏi liên quan đến sự tin cậy và sự tự tin, đòi hỏi các hành vi phán đoán. Và dù tốt hơn hay xấu hơn, việc hợp tác với một quốc gia mà định hướng chính sách đối ngoại cơ bản của nó bắt nguồn từ các mục đích nhất quán một cách hợp lý qua thời gian, sẽ là một việc dễ làm hơn.

Tuy nhiên, đối với các đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á, châu Âu và Trung Đông, các ưu tiên của Washington trên trường quốc tế hiện nay cần được tra vấn kỹ lưỡng và bất cứ kết luận nào mà người ta đạt được cũng cần đến những cân nhắc từ tốn chứ không bằng sự tin tưởng vội vàng. Và không có gì mà Tổng thống Joe Biden và đội ngũ chuyên gia hoàn hảo của ông có thể làm để ngăn chặn điều này. Kể từ bây giờ, tất cả các quốc gia, ở mọi nơi, phải đề phòng trong việc đặt cược vào Hoa Kỳ – điều này sẽ làm các đồng minh khiếp sợ nhiều hơn các đối thủ. Dù với bất cứ lời hứa nào được đưa ra và những hành vi tốt nhất nào được thực hiện trong vài năm tới đi nữa, thì sự trỗi dậy của chủ nghĩa lạc hậu “nước Mỹ trên hết” vẫn cứ xuất hiện đầy đe dọa trong bóng tối. Khả năng đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên kết luận của các quốc gia khác về mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, ngay cả khi gần như mọi nhà lãnh đạo thế giới đều vội vã bắt tay tân Tổng thống Hoa Kỳ.

Do đó, ngay cả với sự đắc cử của Biden – một người ủng hộ trật tự quốc tế tự do truyền thống, thuộc cánh giữa, phát xuất từ cùng một khuôn khổ chính sách đối ngoại cơ bản của mọi Tổng thống Hoa Kỳ (trừ một vị) trong suốt chín thập kỷ qua – các quốc gia giờ đây phải biết đề phòng trước viễn cảnh của một chính sách ngoại giao thờ ơ lạnh lùng, không can dự, và thiển cận vụng về của Hoa Kỳ. Rốt cuộc, tình trạng thiếu một trật tự quốc tế cũng đòi hỏi các quốc gia phải nhìn nhận thế giới như nó hiện hữu, chứ không phải như họ mong muốn. Và các tín hiệu cảnh báo loé sáng hơn bao giờ cả, cho thấy rằng Hoa Kỳ có lẽ không còn là một quốc gia như nó từng xuất hiện trước đây.

Mặc dù biên độ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 rất rộng (hai ứng cử viên cách nhau bảy triệu phiếu bầu, cách biệt 4,5% trong số phiếu phổ thông và 74 phiếu đại cử tri), nhưng theo bất cứ sự tưởng tượng nào đi nữa, thì nó không phải là một sự từ bỏ Trump. Vào năm 2016, một số người cho rằng việc Trump đắc cử là một sự may mắn. Điều này luôn luôn là một thái độ tự trấn an (như một kẻ huýt gió khi đi qua nghĩa địa), nhưng là một điều có thể biện minh. Dẫu sao, việc Trump đắc cử năm ấy chỉ xoay quanh khoảng 80.000 phiếu bầu, trải rộng trên ba bang. Ngay cả với sự kiện này, nếu không có những điều kỳ quặc địa lý ngẫu nhiên trong lịch sử của Michigan (bán đảo phía trên của bang này) và Florida (vùng cán chảo), những tiểu bang đó có thể đã rơi vào tay phe Dân chủ. Và ứng cử viên Đảng Dân chủ, Hillary Clinton (người thực sự đã thắng phiếu phổ thông với tỷ lệ lớn), đối với một số khối cử tri quan trọng, là một ứng cử viên không được tin tưởng.

Cuộc bầu cử năm 2020 đã chấm dứt huyền thoại trấn an, cho rằng sự đắc cử của Trump năm 2016 là một may mắn. Trump là nước Mỹ – hoặc ít nhất là một phần rất lớn của nó. Nhiều người Mỹ sẽ nghẹn ngào với tình cảm đó, nhưng các quốc gia khác không có được cái xa xỉ là bám vào một phiên bản được lý tưởng hoá nào đó của dân tộc tính Hoa Kỳ. Trump là đầu mối của hàng chục vụ bê bối đạo đức, những sai sót nghiêm trọng về thủ tục và những bất cẩn đáng kinh ngạc, hầu hết trong số đó sẽ kết thúc sự nghiệp của bất kỳ nhân vật chính trị quốc gia nào khác trong nửa thế kỷ qua. Nhưng việc chà đạp các chuẩn mực quốc tế của ông hầu như không được công chúng Mỹ ghi nhận. Sự kém cỏi kinh hoàng tuyệt đối của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ đã đuổi Trump khỏi chính trường trong nỗi ô nhục. (Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với Jimmy Carter, một người tử tế đã được chia một tay bài khó xử bởi cú sốc dầu lửa và cuộc khủng hoảng con tin Iran. Những sự kiện đó đủ để khiến tỷ lệ chấp thuận của Carter giảm mạnh xuống những con số 20% và sớm đưa ông ta ra khỏi Nhà Trắng sau thất bại long trời lở đất trong cuộc bầu cử 1980.) Đúng hơn, Trump đặc biệt coi đại dịch giết chết hơn một phần tư triệu người dưới quyền lãnh đạo của ông chỉ là một sự bất tiện cá nhân, cần được kiểm soát một cách độc đáo vì lợi thế chính trị mà ông nhìn thấy. Mặc dù vậy, 74 triệu người đã bỏ phiếu cho ông – nhiều hơn chín triệu so với năm 2016 và số phiếu bầu nhiều nhất từng được dành cho một ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ, ngoại trừ Biden, người đã thu được 81 triệu.

Người ta không thể vẽ một bức tranh về chính thể Mỹ và chính sách đối ngoại tương lai của nước này mà không bao gồm khả năng to lớn về một vai trò quan trọng dành cho chủ nghĩa Trump, dù có hoặc không có bản thân Trump trong Phòng Bầu dục. Nhìn về bốn năm trước mặt, những người theo dõi tình hình Hoa Kỳ phải dự kiến rằng cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo có thể diễn ra hoàn toàn khác. Điều này không mang lại điềm báo tốt lành nào cho lợi ích và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong nền chính trị thế giới. Như Mark Leonard, Giám đốc của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, đã nhận xét: “Nếu bạn biết rằng bất cứ điều gì bạn đang làm sẽ kéo dài tối đa cho đến cuộc bầu cử tiếp theo, thì bạn sẽ nhìn mọi thứ một cách tuỳ tiện hơn.”

Thật vậy, câu chuyện về cuộc bầu cử năm 2016 không chỉ nói về chiến thắng của Trump đối với Clinton; từ quan điểm của các quốc gia khác đang cố gắng đoán tương lai của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, những gì đã xảy ra trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm đó thậm chí có thể cho nhiều thông tin và có thể khá rùng rợn. Trong cuộc thi đua của Đảng Cộng hoà, một người mới tập tễnh làm chính trị, một ngôi sao truyền hình thực tế, một doanh nhân khoe khoang có tiếng tăm đáng nghi vấn và một thành viên hững hờ, không thường xuyên của đảng, tự mình xoay xở để đánh bại một võ đài hùng hậu gồm các đối thủ có tên tuổi, bằng cách miệt thị các anh hùng của đảng và chà đạp các tín lý chính sách cốt lõi của đảng về sự tham gia các hoạt động toàn cầu. Bởi vì nó diễn ra trong Đảng Cộng hòa, biến động đáng kinh ngạc, không lường trước được này, không thể được gán cho những sai sót có thể có của Clinton hoặc cho sự tự do thái quá trong các cuộc chiến văn hóa, tức những giải thích tiếp đó đã được đưa ra sau cú sốc của cuộc tổng tuyển cử. Và một câu chuyện tương tự đã được chứng kiến ​​trong quá trình đề cử của Đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont – một người ngoài cuộc khác, một nhân vật xã hội chủ nghĩa kỳ cựu từ một bang nhỏ bé – đã tiến rất gần đến việc giành được giải thưởng từ một guồng máy chính trị hùng mạnh được bộ máy đảng hậu thuẫn hoàn toàn.

Trump và Sanders có điểm gì chung? Hầu như không có gì – ngoại trừ việc họ từ chối chủ nghĩa quốc tế. Cuộc vận động tranh cử năm 2016 cho thấy rằng sự đồng thuận theo chủ nghĩa quốc tế của lưỡng đảng thời hậu chiến, với những rạn nứt có thể nhìn thấy và ngày càng lớn trong nhiều thập kỷ, đã bị tan vỡ. Một thương vong đáng kể đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa quốc tế Mỹ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương [TPP], một thỏa thuận thương mại sâu rộng giữa hàng chục quốc gia Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm cả Hoa Kỳ. Thỏa thuận này là trung tâm của “trục xoay” sang châu Á của chính quyền Obama. Clinton, với tư cách là Ngoại trưởng, đã dàn xếp các cuộc đàm phán khó khăn để tạo ra hiệp ước và ca ngợi rằng hiệp ước đặt ra “tiêu chuẩn vàng trong các hiệp định thương mại để mở ra thương mại tự do, minh bạch và công bằng”. Tuy nhiên, trong cuộc chiến gay cấn để giành được sự đề cử của đảng Dân chủ, bà buộc phải từ bỏ TPP, điều mà nhiều người trong đảng của bà đã cảnh giác. (Sanders dẫn đầu cáo buộc chống lại những gì ông mô tả là “một thảm họa thương mại khác”.) Trên thực tế, thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Đảng Cộng hòa ở cả hai viện của Quốc hội. Trump đã rút khỏi hiệp ước vào thứ Hai đầu tiên ngay sau khi nhậm chức.

Trở nên tồi tệ hơn

Kéo dài liên tục cho đến chính quyền Biden, do đó, là nhận xét cho rằng trọng tâm chính trị ở Hoa Kỳ đã chuyển khỏi chủ nghĩa quốc tế mang tính đặc trưng của 75 năm trước Trump và hướng tới một cái gì đó gần hơn với chủ nghĩa cô lập, vốn có một truyền thống lâu dài trong lịch sử Hoa Kỳ. Khi đánh giá quỹ đạo tương lai của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, các nhà quan sát bên ngoài sẽ phải đưa ra đánh giá về từng đảng phái chính trị. Ngay cả khi Trump mãn nhiệm, Đảng Cộng hòa có thể sẽ từ chối việc tách mình khỏi chủ nghĩa Trump, vì nhiều quan chức dân cử sống trong nỗi sợ rằng Trump sẽ biến khối cử tri to lớn và trung thành của mình thành những kẻ chống phá những người chỉ trích ông. Ít nhất thì về luận điệu, đảng này có thể sẽ vẫn giữ thái độ “sinh quán chủ nghĩa” [nativistic – dành ưu tiên cho người sinh ra tại Mỹ so với người nhập cư] và dân tộc chủ nghĩa đối với phần còn lại của thế giới. Các chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ mặc dù có thể bớt ác ý hơn một cách công khai, nhưng sẽ không mang lại nhiều trấn an đối với bên ngoài. Người ta có thể kỳ vọng Biden sẽ làm tràn ngập lĩnh vực này với một đội ngũ chính sách đối ngoại đầy ấn tượng và mang đến mọi cảm tưởng trấn an rằng Hoa Kỳ sẽ hành xử như một cường quốc có trách nhiệm, một cường quốc gắn bó với thế giới, tôn trọng luật lệ và tuân theo các chuẩn mực. Nhưng sứ mệnh của ông ta có giới hạn.

Biden, được bầu chủ yếu trên một chính sách nhắm vào tất cả những gì Trump không có, có một ít vốn liếng chính trị quý giá nhưng có thể ông sẽ không triển khai nó cho mục đích đấu tranh cho các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình. Đảng Dân chủ, thống nhất trong nỗi kinh hoàng của họ trước nhiệm kỳ tổng thống của Trump, bị chia rẽ về nhiều thứ khác. Các vết nứt có thể nhìn thấy chạy qua đảng, thường ở các đường phân chia thế hệ, giữa cánh giữa của đảng và cánh tả. Và khối cử tri trung gian của nó, mặc dù không theo chủ nghĩa sinh quán hay chủ nghĩa dân tộc, nhưng có thể được mô tả là cảnh giác đối với với chủ nghĩa toàn cầu và thậm chí là tò mò với chủ nghĩa cô lập. Các xung đột trong Đảng Dân chủ sẽ càng trở nên trầm trọng hơn do độ tuổi của Biden vào thời điểm ông nhậm chức (78). Cho rằng chính bản thân Biden đã nhiều lần ám chỉ rằng ông rất có thể trở thành tổng thống chuyển tiếp, một nhiệm kỳ, các thành viên Đảng Dân chủ của ông sẽ nhanh chóng bắt đầu tranh giành vị trí trong cuộc chiến dự kiến ​​giành vai trò lãnh đạo đảng. Do đó, việc dự đoán hành vi của Hoa Kỳ một lần nữa sẽ đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng con đường phía trước về các hậu quả chính trị có thể xảy ra trong bốn năm tới.

Tệ hơn nữa, các đánh giá của người nước ngoài về Hoa Kỳ phải xét đến khả năng nước này sẽ sớm hoàn toàn bị loại khỏi cuộc chơi đại cường. Nhìn một cách khách quan, Mỹ tự hào có một nền kinh tế khổng lồ và chỉ huy một quân đội ấn tượng nhất thế giới. Nhưng như một câu ngạn ngữ nói về các đội thể thao, họ không chơi trò chơi trên giấy và ta có đủ lý do để đặt câu hỏi liệu Washington có đủ tiềm lực để hành xử như một diễn viên có mục đích trên sân khấu thế giới và theo đuổi lợi ích lâu dài của mình hay không. Vấn đề không chỉ là, khi chính trị nội bộ không chịu dừng lại trên mé nước [trên bờ đại dương], chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có thể thay đổi khó lường từ chính quyền này sang chính quyền khác. Vấn đề là, nước đang tràn vào con tàu Hoa Kỳ. Đất nước này đã bước vào thời đại chỉ có thể được coi là thời đại phi lý trí [an age of unreason], với những mảng dân số đông đảo theo thuyết âm mưu hoang đường. Hoa Kỳ ngày nay trông giống như Athens trong những năm cuối của Chiến tranh Peloponneso hay giống nước Pháp trong những năm 1930: một nền dân chủ vững mạnh một thời đã trở nên xơ xác và dễ bị tổn thương. Pháp, rơi vào chính sách nhượng bộ vô nguyên tắc đối với Đức Quốc Xã, sẽ sớm minh họa rõ ràng rằng một quốc gia chỉ tập trung vào xung đột xã hội trong nước không phải là một quốc gia có khả năng thực hiện chính sách đối ngoại hiệu quả, có thể dự đoán hoặc đáng tin cậy.

Không còn được hưởng những tấm séc để trống

Kịch bản về một tương lai u ám này có thể không trở thành hiện thực. Nó thậm chí không phải là tương lai dễ xảy ra nhất của Mỹ. Nhưng logic của tình trạng hỗn loạn trật tự quốc tế đòi hỏi rằng tất cả các quốc gia ít nhất phải tiến hành tìm hiểu sự phân cực và rối loạn chức năng trong nước của Hoa Kỳ, suy nghĩ chín chắn về tác động của kịch bản có hậu quả khó lường, và tưởng tượng một thế giới trong đó Washington, dù với tất cả sức mạnh thô bạo của nó, ít liên quan đến chính trị thế giới. Triển vọng này sẽ đưa đến các tái thẩm định quan trọng [major reassessments] về hành vi của Hoa Kỳ.

Một số sửa đổi chính sách sắp xảy ra sẽ lành tính và thậm chí có lợi từ quan điểm của Hoa Kỳ. Về mặt tích cực của sự kết toán sổ sách đối ngoại, các nước Trung Đông cuối cùng có thể bắt đầu hình dung cuộc sống không có các cam kết quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực. Vào năm 1990, người ta có thể hiểu được rằng các đồng minh của Hoa Kỳ đã hoan nghênh cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo để giải phóng Kuwait khỏi sự chiếm đóng của Iraq. Nếu cuộc xâm lược đó không được chặn đứng, Iraq có thể đã đạt được sự thống trị chính trị đối với trữ lượng dầu hỏa khổng lồ của toàn bộ khu vực Vịnh Ba Tư. Do đó, trong bối cảnh không có một đối thủ quân sự ngang hàng hoặc một mối đe dọa an ninh cấp bách, Hoa Kỳ đã có một vị trí thuận lợi để đẩy lùi cuộc xâm lược đó.

Nhưng nhiều điều đã thay đổi trong ba thập kỷ qua. Hoa Kỳ hiện là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới; Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iraq, Kuwait và Saudi Arabia; vả lại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ nên tìm cách ngăn cản, không trợ cấp, việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Ngày nay nếu có một ai đó đang thiết kế chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ đầu, thì sẽ rất khó biện minh cho cam kết an ninh của Hoa Kỳ ở Vùng Vịnh. Đặc biệt, mối quan hệ của Hoa Kỳ với Ả Rập Xê-út luôn là một cuộc hôn nhân tuỳ tiện hơn là một tình bạn sâu sắc. Điều đó đặc biệt rõ ràng dưới thời Trump, nơi có mối quan hệ mờ ám giữa các ông hoàng với nhau, giữa con rể của Tổng thống, Jared Kushner, và Mohammed bin Salman, thái tử Ả Rập Xê Út. Nhưng các quan hệ cá nhân lại là những quan hệ phù du nhất. Chúng giải thích cho việc chính quyền Trump gần như im lặng trước vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post (được cho là do chính thái tử ra lệnh) và sự chấp thuận ngầm về cơn ác mộng nhân đạo là cuộc chiến của Ả Rập Xê-út ở Yemen. Ngược lại, với tư cách là một ứng cử viên, Biden nói rằng nếu ông được bầu, Ả Rập Xê-út sẽ không còn được hưởng một “tấm séc để trống nguy hiểm.” Luôn luôn có khả năng là các luận điệu lúc tranh cử sẽ dẫn đến thực tế của chính trị quyền lực, nhưng khi đánh giá an ninh quốc gia của chính mình trong những năm tới, Ả Rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh không có lựa chọn nào khác ngoài việc ít nhất phải lường trước sự rút lui của quyền lực Mỹ từ khu vực này.

Israel phải đối đầu với những tính toán tương tự. Dưới thời chính quyền Obama và sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra quyết định cực đoan, hiếm có và mạo hiểm trong lịch sử ngoại giao, là giao số phận cho một đảng chính trị nước ngoài hơn là cho một quốc gia. Bằng cách tránh mặt Tổng thống Barack Obama để làm việc trực tiếp với các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội và sau đó bằng cách ôm hôn Trump, Netanyahu đã móc cổ xe chiến lược của mình vào ngôi sao của một tổng thống Mỹ, vốn là người không nhìn xa hơn những lợi thế chính trị nội bộ được nhận ra từ chính sách Trung Đông. Trump đáp lại bằng cách nhanh chóng đưa ra một tấm séc trống chính trị khác, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tránh đưa ra những lời chỉ trích về bất kỳ hành vi sai trái nào của nước này (và do đó từ bỏ khái niệm cho rằng Hoa Kỳ có thể là một nhà môi giới thành thật trong các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine), và về cơ bản là hối lộ một số quốc gia để họ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel – tất cả đều không nhận lại được bất cứ điều gì từ góc độ lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Chúng ta vẫn còn phải chờ xem liệu các mối quan hệ song phương giữa Israel và Hoa Kỳ sẽ trở nên bình thường hay không khi mà chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở Trung Đông đã được chuyển giao từ tay một nhóm lợi ích nhỏ bé gồm các cố vấn Trung Đông của Trump.

Hậu Hoa Kỳ

Nếu nhận thức của thời hậu Trump về Hoa Kỳ ở Trung Đông có thể là tin tốt cho sức mạnh và lợi ích của Hoa Kỳ, thì điều tương tự không thể xảy ra đối với việc rà soát lại chính sách sẽ diễn ra ở phần còn lại của thế giới. Và trái ngược với ở khu vực Vùng Vịnh và Trung Đông nói chung, ở Châu Âu và Châu Á, Hoa Kỳ có những lợi ích địa chiến lược, chính trị và kinh tế to lớn như nó đã có trong một thế kỷ nay. Những gì xảy ra ở châu Âu và Đông Á, vốn là những trung tâm hoạt động kinh tế quan trọng của thế giới, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa Kỳ. Việc giảm bớt sự tham gia và cam kết với các đối tác ở những khu vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho kẻ khác có thể là những tác nhân sẽ tỏ ra thờ ơ hoặc thậm chí xung khắc với những gì Hoa Kỳ mong muốn trên thế giới. Những thách thức này khiến một hành động trấn an dễ dàng trở thành khó chấp nhận. Một cách chắc chắn (và khôn ngoan), Biden sẽ tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với NATO. Không có khả năng liên minh này sẽ tồn tại dưới một chính quyền Trump thứ hai, do sự mâu thuẫn của Trump với các đồng minh dân chủ nói chung và sự tham gia vào cái mà một cách kỳ lạ ông đã coi là một tổ chức trả phí, nói riêng. Liệu liên minh này có tồn tại sau năm 2025 không? Có nhiều lý do để nghi ngờ.

Vào năm 1993, học giả về quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa hiện thực Kenneth Waltz lập luận rằng khi Liên Xô sụp đổ, NATO không còn hữu ích và ông dự đoán, “NATO không biến mất trong ngày một ngày hai, nhưng sẽ biến mất trong những năm tới.” Tất nhiên, liên minh này đã tồn tại hàng chục năm tuổi thọ. Điều mà Waltz bỏ sót là NATO luôn luôn không phải chỉ là một liên minh quân sự hẹp; nó còn là một cộng đồng an ninh rộng lớn gồm các quốc gia cùng chí hướng và là lực lượng ổn định trên một lục địa thường xuyên xảy ra chiến tranh trong lịch sử. Như vậy, liên minh đã thúc đẩy cái mà một học giả theo chủ nghĩa hiện thực khác, Arnold Wolfers, gọi là “mục tiêu môi trường” các biện pháp được thiết kế để làm cho môi trường quốc tế trở nên lành tính hơn. NATO đã cố gắng đạt được những mục tiêu này với chi phí rất thấp, vì cho rằng không có khả năng Hoa Kỳ sẽ cắt giảm chi tiêu tổng thể cho quốc phòng và do đó tiết kiệm tiền nếu rút khỏi NATO.

Nhưng giờ đây, NATO phải đối mặt với các mối đe dọa sống còn ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Ở châu Âu, sự lùi lại với chế độ độc tài ở Hungary, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa khái niệm liên minh như một cộng đồng an ninh có cùng chí hướng. (Chính quan niệm này đã khiến Tây Ban Nha gia nhập liên minh vào năm 1982, sau khi nước này chuyển sang chế độ dân chủ.) Một NATO bao gồm các thành viên độc tài sẽ mục ruỗng từ bên trong. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, sự hoài nghi ngày càng tăng đối với chủ nghĩa toàn cầu có thể có nghĩa là nước này không còn hứng thú với việc theo đuổi các mục tiêu môi trường thế giới. Washington có thể chỉ cần nhặt đồ chơi của mình và về nhà. Châu Âu sẽ bị buộc phải kiểm tra lại cái lý thuyết cho rằng liên minh là một lực lượng duy trì sự hài hoà và ổn định. Nhưng tác động của việc Mỹ từ bỏ NATO sẽ vượt xa khỏi lục địa này. Nó cũng có thể báo trước một thế giới hậu-Hoa Kỳ đen tối hơn, độc tài hơn và ít khả năng giải quyết các thách thức tập thể hơn.

Không có khu vực nào trên thế giới mà những cuộc tái thẩm định về địa vị của Hoa Kỳ sẽ quan trọng hơn Châu Á. Nhiều nhà quan sát lo ngại về viễn cảnh một cuộc chiến tranh nổ súng tàn khốc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi Bắc Kinh muốn quyết đoán những gì họ coi là vị trí chính đáng của mình với tư cách là cường quốc thống trị trong khu vực. Các cường quốc mới nổi với khát vọng theo chủ nghĩa xét lại không có gì mới và thường gây bất ổn, khi họ luôn giẫm chân lên những người bảo vệ bằng lòng với nguyên trạng. Tuy thế, tương lai của châu Á sẽ được quyết định bởi những tính toán chính trị hơn là đối đầu quân sự. Các vai chính trong khu vực, một lần nữa, sẽ phải đưa ra những phỏng đoán về xu thế quốc tế và độ tin cậy trong tương lai của Hoa Kỳ.

Cuộc đánh giá địa chính trị quan trọng mà các cường quốc khu vực sẽ phải thực hiện không phải là liệu Hoa Kỳ có thắng trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc hay không; mà là liệu Hoa Kỳ có tiếp tục can dự hay không. Liệu Washington có giữ nguyên các cam kết liên minh hay không? Liệu nó có thể hiện đủ sự can dự chính trị và năng lực quân sự trước mắt thế giới để mang lại cho các cường quốc khu vực sự tự tin trong việc cân bằng chống lại Trung Quốc? Nếu các quốc gia cho rằng Hoa Kỳ không quan tâm hoặc thờ ơ, thì nhiều nước sẽ quyết định rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với Trung Quốc, căn cứ trên sức mạnh khống chế của nước này. Nếu rõ ràng rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ không được kiểm soát, các quốc gia trong khu vực sẽ ngày càng tuân theo các đòi hỏi của Trung Quốc trong các tranh chấp song phương và bày tỏ sự nương nể lớn hơn đối với các đặc quyền của họ nói chung.

Mặt bằng châu Á đang chuyển dịch rõ rệt. Washington đã từ bỏ hiệp định thương mại lớn của riêng mình, TPP, và một TPP bao gồm Hoa Kỳ sẽ không có khả năng trở lại. Vì các hiệp định thương mại quốc tế gần như chắc chắn sẽ vẫn là một cột thu lôi và thậm chí có thể là một phép thử đối với các khối cử tri trong cả hai đảng chính trị tại Mỹ, việc cố gắng tạo sức sống trở lại cho TPP bằng cách gia nhập hiệp ước kế tục nó khó có thể thành công cũng không được coi là đáng giá trước các phản ứng bất lợi về chính trị mà người ta dự kiến. Ngược lại, Trung Quốc đã nhặt được quả bóng rơi đó và gần đây đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Tuy ít tham vọng hơn TPP, nhưng hiệp định đó tự hào có sự tham dự của các quốc gia trước đây dự định gia nhập hiệp ước do Hoa Kỳ dẫn đầu: Australia, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và Hàn Quốc, cùng những nước khác. Và cần nhớ rằng chính trị và kinh tế quốc tế không dễ gì tháo rời ra khỏi nhau. Trump thường coi các đồng minh quân sự là những kẻ ăn bám và coi quân đội Mỹ đóng quân ở nước ngoài, kể cả ở Hàn Quốc, là lực lượng đánh thuê vì lợi nhuận. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc và Hàn Quốc bán cho quốc gia đó gần gấp đôi so với Mỹ. Nếu Seoul đánh giá rằng một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ có thể cắt đứt quan hệ liên minh của Hoa Kỳ với Hàn Quốc, thì Hàn Quốc có thể ngày càng rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mang sẹo suốt đời

Tương lai ảnh hưởng của Hoa Kỳ – ở Châu Âu, Châu Á và mọi nơi khác – phụ thuộc rất nhiều vào những gì Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ làm và vào việc họ có thực hiện các hành động một cách nhất quán hay không. Biden có khả năng làm theo lời hứa. Nhưng trong một thế giới thiếu trật tự quốc tế, ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ phụ thuộc ít nhất cũng bằng như vậy vào một yếu tố khác: cung cách các quốc gia khác đo lường mục đích lâu dài của Hoa Kỳ. Bằng cách đẻ ra một nhiệm kỳ tổng thống của Trump và kêu gọi sự chú ý đến những rối loạn chức năng cơ bản trong nước, cho phép diễn ra một sự phát triển tình hình không thể tưởng tượng trước đây, Hoa Kỳ giờ đây đã bị thế giới nhìn vào bằng con mắt khác xa so với trước đây. Những nhận thức mới và có nhiều hậu quả này sẽ tồn tại trong một thời gian.

Một chính quyền Trump thứ hai sẽ gây ra thiệt hại không thể cứu vãn cho Hoa Kỳ với tư cách là một vai chính trong chính trị thế giới. Nhưng ngay cả với sự thất cử của Trump, phần còn lại của thế giới không thể bỏ qua những vết sẹo sâu và biến dạng của nước Mỹ. Chúng sẽ không sớm lành lại.

· JONATHAN KIRSHNER là Giáo sư Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế tại Boston College và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản An Unwritten Future: Realism and Uncertainty in World Politics [Một tương lai chưa viết: Chủ nghĩa hiện thực và sự bất ổn trong chính trị thế giới.]

Bản gốc: https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2021-01-29/trump-gone-not-forgotten

J. K.

Dịch giả gửi BVN



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn