Những ấn tượng và những câu hỏi xuyên dọc năm Canh Tý

Bạn đọc và cộng tác viên thân mến,

Năm Canh Tý 2020 qua đi với không ít sự kiện nhỏ to, đến hôm nay còn hằn sâu trên gương mặt nhân loại khá nhiều ấn tượng, có nhẹ nhõm cũng có nặng nề, từ bất kỳ vùng miền nào của trái đất.

Trước hết, xin được nêu lên ba chuyện nhìn ở phạm vi thế giới mà vào những giờ khắc năm hết tết đến, kể lại cũng là một cách nhắc nhở cho nhau:

Chuyện con Coronavirus bùng phát cuối năm 2019 ở tận thành phố Vũ Hán Trung Quốc, bị bưng bít suốt trong nhiều tháng, khiến một BS tên Lý Văn Lượng phải liều đánh đổi tính mạng nhằm đánh động cứu nguy. Cho đến đầu năm 2020 thì không bít được nữa mà từ Vũ Hán Coronavirus lây lan ra khắp Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc, trở thành một thảm họa mang tầm vóc toàn cầu, kéo theo mọi hệ lụy: sản xuất, giao lưu ngưng trệ, chết chóc thất nghiệp tràn lan, kinh tế trượt dài xuống dốc, buộc cả loài người phải chung tay giành lại sự sống cho mình. Thế mà mãi sang đầu năm 2021 này, tuy nhiều loại vaccine phòng nCoV-2019 đã tìm ra, ánh sáng cuối đường hầm xem chừng vẫn chỉ mới hiện lên le lói. Những ai ở Vũ Hán vào thời điểm mở đầu đại dịch, hay ở New York lúc dịch đã lên đến cao trào, chứng kiến người thân của mình chết, nghe một tiếng réo gọi ngoài cửa của người có trách nhiệm đến mang xác đi; hoặc không được chứng kiến trực tiếp mà chỉ nghe thông báo qua điện thoại, nhìn lên tivi để biết các quan tài xếp chồng chất ở bệnh viện dã chiến chưa kịp chuyển đến lò hỏa thiêu trong đó có bố mẹ mình… thì giờ đây, hồi tưởng lại những giờ phút đau đớn ấy ai mà không ứa lệ.

Chuyện thứ hai là cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Vào tháng cuối năm 2020 bước sang nửa đầu tháng Giêng 2021, rộ lên trên các đài báo, tin chiến thắng áp đảo của ứng cử viên Joe Biden – ông già Bảy Đờn. Nhưng đồng thời với đó, lại cũng nghe tiếng kêu “bầu cử đã bị đánh cắp” và “hãy chiến đấu đến cùng”, “hãy đến đó – Washington D.C.– sẽ rất dữ dội!” của ông Donald Trump dõng dạc vang rền khắp nơi như hiệu lệnh, chính nó dẫn đến phát sinh tấn kịch bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, khiến các Nghị sĩ Quốc hội đang họp kiểm phiếu phải tháo chạy và kết cục lấy đi 5 mạng người, chưa kể 2 cảnh sát an ninh sau đó phải tự tử. Với sự kiện bi thảm này, một thần tượng, một người hùng chống chủ nghĩa Nazi Trung Cộng và “tát cạn đầm lầy Nhà Trắng” thốt nhiên lộ diện là một “tay chơi cá độ bài bây” không hơn không kém, bị dân chúng Mỹ khước từ, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hạ bệ chóng vánh. Cả thế giới nín thở nhìn vào nước Mỹ, sau đó mới thở phào. Nền dân chủ có nền móng vững chắc của Hoa kỳ ngờ đâu suýt nữa đã trở thành “cộng hòa chuối”. May sao chỉ trong gang tấc nó đã được cứu nguy.

Đến chuyện thứ ba là những cuộc biểu tình kéo dài hết năm này tháng khác nhằm bảo vệ truyền thống tự do dân chủ của đặc khu Hong Kong, gieo vào lòng người theo dõi khắp bốn phương biết bao hy vọng. Từ phong trào Dù vàng bước sang cuộc vận động tẩy chay Luật Dẫn độ, lại đến cuộc đấu tranh chống Luật An ninh… khí thế ngày một dâng cao làm bao nhiêu người náo nức. Bỗng một sớm tháng 5/2020 đội quân khoác áo dân sự của ngài Tập Cận Bình tràn từ Đại lục sang quyết dẹp cho bằng xong. Và mánh lới nhà nghề của họ Tập đã tỏ ra lợi hại, lực lượng biểu tình đông đảo là thế bị thổi bay tả tơi, các gương mặt lãnh đạo non trẻ tiêu biểu cho nhân quyền của hòn đảo đều sa lưới. Họ Tập lợi dụng thời cơ bèn ngấm ngầm lật lọng, định xóa sổ luôn thể chế tự trị của hòn đảo đặc khu vừa mới được nước Anh trao trả về cho Trung Quốc 23 năm, ít hơn một nửa thời gian trong Hiệp định 50 năm ký kết với Anh.

Trở lên, có thể coi là những chuyện nằm trên bề nổi của cả một năm 2020, để lại cho toàn thế giới, trong đó có rất đông người Việt, những ký ức nặng lòng. Nhân loại đã mất mát, đã trả giá bằng những vết thương trầy da sẩy trán, trước con virus hung hiểm chưa biết nguồn gốc thực từ đâu, cũng như trước một thế lực độc tài hết sức hung hăng mà ngoài miệng thì cứ luôn luôn thơn thớt. Riêng trong tâm tư người Việt thì năm 2020 còn nhuốm thêm nhiều nỗi buồn đau khác do chính dân tộc mình gánh chịu.

***


Vào đúng đêm rằm tháng Chạp năm Kỷ Hợi, tức đêm 9/1/2020, chỉ trước Tết nguyên đán 15 hôm, người dân nước Việt bàng hoàng thức dậy vì nhiều tràng súng nổ ở Đồng Tâm. Những phát đạn đã xuyên thấu tim cụ Lê Đình Kình 84 tuổi – một đảng viên kỳ cựu sắp tròn 60 năm tuổi đảng, người cho đến tận lúc chết chắc vẫn đang ấp ủ niềm tin vào những gì mình theo đuổi kể từ lúc bắt đầu cầm tấm thẻ đảng trong đời. Cái chết của cụ Kình đã phủ bóng lên mọi hy vọng trong mùa Tết 2020 mà hẳn rằng trong con tim bất cứ ai, rất lâu về sau, vẫn có nguyên hình bóng cụ già đôn hậu ấy, khuôn mặt quắc thước nhưng cũng lẫn những nét ngây thơ, và đôi mắt mở to trừng trừng như một dấu hỏi: Ai, hay cả dân tộc này, đã phản bội lão?

Sau cái chết của cụ Lê Đình Kình chỉ vừa 4 tháng, lại một hình ảnh khác hiện ra ám ảnh tâm trí đông đảo người dân từ Bắc đến Nam: ông Nguyễn Hòa Bình Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải tại Hà Nội vào 3 ngày 5-8/5/2020. Vụ án đầu đuôi như thế nào và kết quả phiên tòa như thế nào ai cũng đều biết cả, khỏi cần nhắc lại ở đây. Duy phải nhắc đến hình ảnh người Chủ tọa phiên tòa, bởi đó là một khuôn mặt gây một nét hằn bất nhẫn trong con mắt cả nước. Khuôn mặt hoàn toàn vô cảm khi đứng lên đọc bản tuyên án sau 3 ngày xử mà luật sư không được phép tranh tụng hay cung cấp thêm bằng chứng, dù bằng chứng ngoại phạm của bị cáo được nhiều người tự nguyện bổ sung sau khi xử sơ và phúc thẩm đã chồng lên mấy lớp cao. Trong tư cách đóng cả “3 vai” vai nào cũng đều có dính dáng đến vụ án (thời điểm xảy ra vụ án ông Nguyễn Hòa Bình là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra; thời điểm Viện KSND tối cao ra quyết định không kháng nghị vụ án ông là Viện trưởng Viện KSND tối cao; và khi xét xử Giám đốc thẩm, như đã nói ở trên, ông ngồi ghế Chủ tọa), cái ông Nguyễn Hòa Bình đó đã tuyên một bản án lạnh lùng ráo hoảnh, với 100% thành viên Hội đồng Thẩm phán giơ tay như máy: thẳng thừng bác bỏ ý kiến kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao đương chức, đưa bản án trở lại kết luận sơ thẩm, giữ nguyên Hồ Duy Hải ở mức án tử hình. Cảm giác của chúng ta mỗi khi nhớ lại khuôn mặt ông Chủ tọa Hòa Bình trong mấy ngày xử án này quả là chẳng hòa bình chút nào, trái lại là một cảm giác đắng ngắt, đi kèm một câu hỏi nhức nhối mà đến nay lời đáp chưa thể tìm thấy: Ai, hay chính dân tộc này đã tự nguyện đẩy vô số con dân vào tình trạng chồng chất án oan?

Và sau hình ảnh Nguyễn Hòa Bình, hỏi còn gì nữa trong năm 2020? Không biết bạn đọc có quên hay không nhưng theo chúng tôi thì vẫn còn nhiều. Có điều, ký ức in dấu tiếp theo không phải là hình ảnh một con người hiện ra riêng rẽ nữa mà là đông đảo nhiều con người khác nhau, từ khắp mọi miền góp lại. Đó là những người đang không ngừng nối gót bước vào nhà tù, trong đó có nhiều cái tên không xa lạ: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy từ Văn đoàn Độc lập, Phạm Đoan Trang từ NXB Tự do, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, dân oan Dương Nội... Nếu kể thêm cho hết những người chưa mấy ai biết thì chắc còn nhiều lắm. Họ theo chân các thế hệ tù nhân lương tâm tiền bối vào trú ngụ đông đúc trong các trại giam. Theo dõi hình ảnh của những con người kể trên, và nghe những lời khảng khái của họ, chẳng hạn những phát biểu không chấp nhận làm đơn kháng cáo của các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… ta tưởng như còn vọng lên đâu đây những câu hỏi nghi ngờ, ẩn sau những nụ cười chua chát: Ai, hay chính cả dân tộc này đã tình nguyện đứng ngoài cuộc để cho vô số đứa con của mình không được tự do nói lên nguyện vọng sâu xa của dân tộc, bằng thái độ hờ hững vô cảm nhìn chúng bị bịt miệng và lũ lượt hết đứa này đứa khác bị đẩy vào nhà giam?

Bạn đọc và các cộng tác viên thân mến,

Một năm Canh Tý đã trôi qua rất nhanh. Nhưng các câu hỏi mà con tim chúng ta phải đối diện trong suốt hành trình của một năm – ở trên chúng tôi vừa nhắc – thì vẫn còn đọng lại. Và có lẽ sẽ còn đọng rất lâu. Trong năm qua, BVN đã có dịp phơi bày dưới nhiều hình thức nhằm mở ngỏ nội hàm một phần trong số những câu hỏi chất chứa tâm trạng kia, cũng như cố gắng tìm ít nhiều nhịp cầu liên thông để quý bạn gần xa có dịp đem trí tuệ phóng chiếu vào những nơi đang ẩn giấu trữ lượng của bao nhiêu điều chưa soi tỏ, nhằm giúp nhau thức ngộ ra dần.

Hy vọng trong năm Tân Sửu đang tới, ngày rộng tháng dài, chúng ta sẽ có thêm nhiều dịp cùng nhau đàm đạo, theo kiểu “thanh đàm” thời Tấn hoặc “minh đàm” thời chúng ta. Càng có thêm những cuộc đàm đạo, trong tinh thần cởi mở, thì không những mọi thứ đang đọng lại sẽ sớm được hóa giải, mà cũng là cách giúp cho dân trí được mở rộng và nâng cao. Ước nguyện tha thiết của chúng tôi là ở đấy.

Xin kính chúc quý bạn một năm Tân Sửu an nhiên, mọi việc đều thông thỏa.

Bauxite Việt Nam

Bauxite Việt Nam xin phép nghỉ Tết đến ngày 7 tháng Giêng năm Tân Sửu tức ngày thứ Năm, 18/2/2021

Hẹn gặp lại.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn