Kế cao tay của Mỹ: Lời mời trong cuộc điện đàm với TT Putin khiến Trung Quốc "giật mình"

Minh Khôi | 25/04/2021 06:00 AM


Kế cao tay của Mỹ: Lời mời trong cuộc điện đàm với TT Putin khiến Trung Quốc "giật mình"

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, Tổng thống Biden đã đề xuất một cuộc gặp trực tiếp trong những tháng tới. Ông Tập đã không nhận được lời mời nào tương tự.

Cuộc điện đàm ít ồn ào nhưng khiến Bắc Kinh đề phòng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn đã dành sự quan tâm lớn nhất đến hội nghị thượng đỉnh ngày 16/4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Nhưng cuộc điện đàm ít ồn ào hơn giữa Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin 3 ngày trước hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Suga có thể đã khiến Trung Quốc giật mình kinh ngạc. Trong cuộc điện đàm thứ 2 kể từ cuối tháng 1 của lãnh đạo Mỹ - Nga, Tổng thống Biden đã đề xuất một cuộc gặp trực tiếp với ông Putin ở nước thứ ba trong những tháng tới.

Ông Tập đã không nhận được lời mời nào tương tự. Ông Tập Cận Bình và ông Biden đã có một cuộc điện đàm kéo dài vào ngày 10/2, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng với việc các nhà ngoại giao của cả hai nước xung đột ở Alaska hồi tháng trước, hai bên chưa thể sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo.

Đề xuất của Biden với Putin đặc biệt gây sốc đối với Trung Quốc vì nước này đặt ra khung thời gian cho cuộc gặp là trong những tháng tới.

Giải mã "ngoại giao chiến lang": Từ lần "buột miệng" của ông Dương Khiết Trì ở Hà Nội đến "khẩu chiến" ở Alaska

Suy đoán cho thấy hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào tháng 6, điều gây khó chịu cho Bắc Kinh. Vào ngày 1/7, Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập - một thời điểm quan trọng.

Tại sao Biden muốn gặp Putin? Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phân tích động thái này.

Liệu Tổng thống Mỹ đang cố gắng giải quyết các vấn đề trên toàn thế giới - chẳng hạn như việc Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi Afghanistan - để ông ấy có thể dồn thời gian và sức lực để đối đầu với Trung Quốc? Mối nghi ngờ ở Bắc Kinh đang gia tăng.

Theo quan điểm của Trung Quốc, mối quan hệ của nước này với Nga là tốt. Hai nước đã và đang tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều mặt để chống lại Hoa Kỳ.

Nhưng Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh. Không có gì đảm bảo rằng Moscow sẽ luôn đứng về phía Bắc Kinh.

Mặc dù Mỹ và Nga không có khả năng xích lại gần nhau một cách nhanh chóng, nhưng Trung Quốc vẫn đang cố gắng.

Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc là thách thức chiến lược nhất, một nhà phân tích Trung Quốc nhận xét. "Không có logic nào để quan hệ Mỹ-Nga trở nên tồi tệ hơn quan hệ Mỹ-Trung", vị này nói thêm.

Ông Putin tuyên bố sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Biden - gạt sang một bên các lệnh trừng phạt mới của Washington đối với Moscow. Nếu ông Putin hy vọng có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với Biden trong những tháng tới, thì việc nhà lãnh đạo Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu như một màn dạo đầu cho cuộc gặp song phương là rất hợp lý.

Sách lược cân bằng tinh tế của ông Biden và Trung Quốc không ngồi yên

Ông Tập có thể đã nghĩ đến những diễn biến này vào thứ Tư khi ông đưa ra quyết định vào phút chót là tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu. Từ Bắc Kinh, ông Tập sẽ "có một bài phát biểu quan trọng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thông báo.

Tổng thống Biden đã cử ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống về khí hậu, đến Thượng Hải vào ngày 14/4. Ông Kerry, người từng là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã có một cuộc thảo luận trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính.

Đồng thời, Biden đã thực hiện một động thái ngoại giao quan trọng khác trên eo biển Đài Loan.

Một ngày sau khi ông Kerry đến đại lục, một phái đoàn không chính thức của Mỹ đã đến Đài Bắc để hội đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Phái đoàn bao gồm cựu Thượng nghị sĩ Chris Dodd, người thân cận với Biden, và các cựu phó ngoại trưởng Richard Armitage và James Steinberg.

Đó là một hành động cân bằng tinh tế đối với Biden. Trong khi ra hiệu sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, tổng thống đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Đài Loan trên mặt trận an ninh.

Đây cũng là một bước đi có tính toán đối với cuộc hội đàm ngày 16/4 của ông với Suga, trong đó hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trở thành tâm điểm.

Về phần mình, ông Tập đã phát động một cuộc phản công ngoại giao. Ông đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến không được thông báo trước về biến đổi khí hậu vào ngày 16/4 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Tập sẽ không ngồi yên và để Mỹ chủ động.

Mối quan hệ của Bắc Kinh với Liên minh châu Âu đã trở nên rạn nứt gần đây, sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc liêm quan đến vấn đề Tân Cương.

Nhưng biến đổi khí hậu là một chủ đề mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Pháp và Đức có thể thảo luận thoải mái. Họ đã trao đổi quan điểm về hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU mà hai bên đã ký trước lễ nhậm chức của ông Biden.

Nhìn lại các sự kiện trong tháng này - cuộc điện đàm giữa 2 Tổng thống Biden và Putin, chuyến thăm của ông Kerry đến Trung Quốc, chuyến đi không chính thức của phái đoàn Mỹ tới Đài Loan, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Suga tới Washington và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ dẫn đầu - những sự kiện dường như đã được dựa chặt chẽ vào chiến lược lớn hơn của Nhà Trắng đối với Trung Quốc.

Khi nào Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Tập và ông Biden? Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể cần theo dõi và chờ hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ để lên kế hoạch cho động thái tiếp theo của họ.

M.K.

Nguồn: soha.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn