Đại diện Bộ Y tế: Kiến nghị cấp phép vắc xin Nano Covax là 'nóng vội, chưa đầy đủ dữ liệu khoa học'

Hoàng Lộc thực hiện

TTO - Đại diện Bộ Y tế khẳng định một loại vắc xin muốn được cấp phép sử dụng phải đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ. Vắc xin Nano Covax nghiên cứu dù có tính sinh miễn dịch tốt nhưng chưa đủ cấp phép khẩn cấp.

Văc xin Việt Nam: Phải chờ đầy đủ dữ liệu khoa học

Cách đây 45 phút, GS Trần Tịnh Hiền đã viết một stt mới với nội dung đại ý như trên. Tôi xin chia sẻ sau đây:

“ Bộ Y tế lần này rất chính xác!

TS Nguyễn Ngô Quang nhận xét đúng, không thể nóng vội quá được vì chưa đủ dữ liệu cần thiết (có lẽ đã có ý kiến của HĐĐĐĐ trong nghiên cứu y sinh học trên người)

Cập nhật: Chúng ta chưa quên vụ Vaccine SXH Dengue ở Philippines một số quan chức BYT bị truy tố ra toà vì triển khai tiêm cho 800,000 trẻ khi chưa xong pha 3 chỉ dựa trên sinh miễn dịch gây cho mấy chục trẻ chết do SHX nặng!

Như vậy, Nanogen nên làm pha 3 nhanh thì vừa tăng số mẫu cần thiết vừa tiêm được thêm một số người nhưng cũng là chỉ trong khuôn khổ nghiên cứu!

Trước đây tôi phê phán Sputnik V vì chưa xong pha 3 mà Bộ Y Tế phê duyệt!”

(Hết trích)

Như vậy, những ý kiến GS Hiền về độ tin cậy đối với phương pháp nghiên cứu là không thay đổi và như tôi nói cuối bài khi thông tin về Novavax (Hoa Kỳ) là chúng ta cần thông tin từ CT Việt Nam Nanogen về thực trạng nghiên cứu của họ. Và tuy ta chưa có thông tin gì từ Nanogen nhưng đã sớm có trả lời của Bộ Y Tế về kiến nghị xin được cấp phép lưu hành khẩn cấp của công ty này. Đường link đọc bài về trả lời của Bộ Y Tế xin đọc phần bình luận bên dưới.

Như vậy, chúng ta vẫn còn phải chờ Vac xin Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ các giai đoạn nghiên cứu cần thiết để công bố khoa học và cung cấp cho cơ quan chức năng đầy đủ dữ liệu khoa học. Thời gian chờ là bao lâu, chắc chắn cần thông tin tiếp của Nanogen để người dân rộng đường lựa chọn.

Vũ Kim Hạnh

Đại diện Bộ Y tế: Kiến nghị cấp phép vắc xin Nano Covax là nóng vội, chưa đầy đủ dữ liệu khoa học - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế)

Trả lời Tuổi Trẻ Online sau kiến nghị của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Nanogen, Khu công nghệ cao TP.HCM) về việc xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax, ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) - khẳng định:

"Trong bối cảnh hiện nay, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vắc xin phòng COVID-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên tất cả phải trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học, phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi lớn là: Có an toàn không, có sinh miễn dịch không và điều đặc biệt quan trọng đó là có hiệu lực bảo vệ không?".

* Như vậy với vắc xin Nano Covax, ông đánh giá đã đáp ứng các dữ liệu cần thiết chưa?

- Tôi không nói là vắc xin này không an toàn, không đảm bảo tính sinh miễn dịch và không có hiệu lực bảo vệ. Nhưng hiện đang còn trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chưa xong và chưa có dữ liệu gì cả.

Kiến nghị này rất khó được chấp thuận bởi đây thuộc thẩm quyền chuyên môn của Bộ Y tế. Và để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không, Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học.

* Khi đưa ra kiến nghị này, Nanogen có nêu kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vắc xin khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn…

- Đó chỉ mới là tính sinh miễn dịch. Nhưng miễn dịch này liệu có giảm được tỉ lệ mắc COVID-19, hoặc mắc rồi có giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không thì chưa có kết quả.

Hiện nay vắc xin Nano Covax đã đi qua giai đoạn 2 của cuộc thử nghiệm và theo đánh giá có sinh miễn dịch rất tốt. Tuy nhiên việc nghiên cứu mới chỉ ở cỡ mẫu vừa phải (mấy trăm người), chưa "nói lên điều gì", trong khi với vắc xin đòi hỏi cỡ mẫu phải vào chục ngàn người.

Tương tự giai đoạn 3 cũng mới chỉ tiêm xong mũi 1 cho 1.000 người và cỡ mẫu này vẫn chưa đủ để đánh giá. Trong khi theo kế hoạch cỡ mẫu giai đoạn 3 thử nghiệm trên 13.000 người.

Ngoài ra sau tiêm thử nghiệm mũi 2 (sau 28 ngày), cơ quan chuyên môn cần phải tiếp tục đánh giá sau 36, 45, 56 ngày sau tiêm. Trên cơ sở đó mới đủ tiêu chuẩn đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ ra sao. Như vậy ít nhất phải sau 2 tháng và thử nghiệm trên cỡ mẫu này mới có thể đánh giá.

* Vậy về kiến nghị này của Nanogen, quan điểm của ông như thế nào?

- Quan điểm của Bộ Y tế cũng như cá nhân tôi là hoàn toàn ủng hộ cho sự nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước để chủ động được nguồn vắc xin của Việt Nam. Đây là chỉ đạo rất đúng của Chính phủ.

Nhưng trước khi một loại vắc xin đưa ra tiêm rộng rãi cho người dân, về nguyên tắc Bộ Y tế phải có các dữ liệu về an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt là hiệu lực bảo vệ. Bởi vì vấn đề này sau này Bộ Y tế và tôi phải giải trình với xã hội, với người dân: "vắc xin này có hiệu quả hay không", "căn cứ vào đâu để nói là hiệu quả" và "tại sao đồng ý cấp phép".

Mục tiêu của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe người dân. Do đó với trách nhiệm là cơ quan phát triển công nghệ và cơ quan quản lý phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt vắc xin, chúng tôi không thể nói loại vắc xin này tốt lắm để cấp phép khi chưa đủ các dữ liệu khoa học cần thiết.

* Vậy trước đó kiến nghị này Bộ Y tế có được biết và thông qua trước không, thưa ông?

- Là người theo sát phản biện, góp ý và hướng dẫn cho Công ty Nanogen trong suốt quá trình nghiên cứu nhưng tôi hoàn toàn không được biết về kiến nghị này.

Nhưng đây là quyền của doanh nghiệp, nếu họ thấy cần thiết thì kiến nghị, còn cho phép hay không, cơ quan quản lý phải căn cứ vào các quy định.

Tôi cho rằng kiến nghị của Nanogen là quá sớm và nóng vội khi chưa đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học.

H.L.

Nguồn: Tuổi trẻ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn