Hoang tưởng và áp đặt về 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi cho học sinh

Chu Mộng Long

Nhiều bạn thắc mắc về khái niệm "phẩm chất" và "năng lực" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Tôi thì cho rằng, mọi khái niệm đều có tính quy ước, không nhất thiết phải tranh luận về nghĩa của khái niệm. Cứ xem như "phẩm chất" gồm có 5 tiêu chuẩn: Yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ, nhân ái. Và "năng lực" gồm có 10 tiêu chuẩn: tự chủ và tự học, thể chất, thẩm mỹ, tin học, công nghệ, khoa học, toán học, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác. Các tiêu chuẩn đó coi như đã là định nghĩa cho khái niệm. (Hình dưới)

Nên nhớ, đó là các tiêu chuẩn "chủ yếu" và "cốt lõi" buộc học sinh phải đạt được và từ đó phát triển cao hơn, rộng hơn, theo lời giải thích của một trong những chủ biên chương trình.

Về phẩm chất, đối với học sinh phổ thông mà đạt cả 5 đã là... hơn cả thánh. Tôi càng thắc mắc, nếu không nói là hoảng hốt, về cái gọi là "năng lực chuyên môn". Đã gọi là "chuyên môn" thì chỉ có một. Trong xã hội hiện đại, khi sự phân công lao động đã được chuyên môn hoá, thì không thể nào có một cá nhân có đến 7 chuyên môn (trong 10 năng lực) khác nhau. Ngay trong huyền thoại, thần thánh ở trên trời cũng chỉ có một chuyên môn: thần chiến tranh, thần thợ rèn, thần nghệ thuật, thi ca... Các vị thần tối cao như Zeus, Thượng Đế, gọi là toàn năng nhưng xét đến cùng cũng chỉ có sức mạnh của kẻ độc tài. Nếu toàn năng thật thì đã không cần các thần thánh khác.

Tôi không thể hiểu nổi, ông Thuyết, ông Thống hay các nhà giáo dục học nào nghĩ ra một học sinh phổ thông phải đạt đến 5 phẩm chất, 10 năng lực gọi là "chủ yếu" và "cốt lõi" như vậy, trong khi thánh nhân cũng chỉ đạt một vài phẩm chất và không hơn một năng lực mà anh ta rèn luyện và phấn đấu cả đời.

Riêng cá nhân tôi, thú nhận một cách trung thực rằng, tôi chỉ đạt được một phần rất nhỏ bé trong các phẩm chất và năng lực trên!

Chỉ có hoang tưởng và áp đặt mới tạo ra một bảng tiêu chuẩn như vậy!

Tôi hình dung, các ông sẽ bào chữa rằng, đó là tinh thần triết lý "giáo dục toàn diện" hay "vừa hồng vừa chuyên" như cụ Hồ đã dạy. Sự thực, "toàn diện" hay "hồng" mà cụ Hồ nói chỉ là xây dựng một nền tảng kiến thức tối thiểu ở phổ thông để học sinh lấy đó làm bệ phóng cho sự phát triển chuyên môn trong tương lai ở cấp học cao hơn, chứ không phải là một "năng lực chuyên môn" gồm đủ các loại chuyên môn mà một học sinh phổ thông phải có như là tất cả các nhà chuyên môn cộng lại.

Nếu đó chỉ là trang bị hệ thống kiến thức nền thì không thể gọi là "năng lực chuyên môn", trừ phi người đưa ra các chuẩn này... dốt tiếng Việt. Tiếng Hán, tiếng Anh càng đặc cán mai, vì không có nghĩa "chuyên môn" nào là "toàn diện" cả!

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao từ sau nhiều cuộc cải cách giáo dục, chương trình càng ngày càng quá tải đối với học sinh. Quá tải ở đây là vừa đồ sộ vừa vượt quá tầm tiếp nhận của học sinh.

Về phẩm chất, các sách thi nhau nhồi đủ thứ từ yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ đến nhân ái. Đến mức, ngoài Đạo đức công dân, Đạo đức an ninh quốc phòng, Đạo đức chống tham nhũng..., trẻ em mới vào lớp Một đã phải học sách "Đạo đức Bác Hồ đối với lớp 1" (có nghĩa là sẽ có Đạo đức Bác Hồ đối với lớp 2, rồi lớp 3... cho đến lớp 12).

Về năng lực, các sách thi nhau đẩy nội dung có tính chuyên môn sâu ở cấp đại học xuống phổ thông để nhồi vào đầu trẻ, từ Ngôn ngữ học, Âm nhạc, Hội hoạ, Tin học, Công nghệ, Toán học, Vật lý, Hoá học, Văn học, Địa lý, Lịch sử, Triết học, Thể dục - Thể thao... Học sinh phải đạt chuẩn "chuyên môn" như những nhà khoa học chuyên ngành, lại còn phải đi học nghề suốt từ THCS đến lớp 11 để có chứng chỉ nghề nữa!

Hiển nhiên, các nhà giáo dục sẽ nói, sự thật là nhiều năm qua các cháu đã đạt cả đấy! Đạt qua các kỳ thi, còn làm "chuyên môn" hay "nghề" được không ai cũng biết. Chúng thuộc bài mẫu rồi quên hết. Đứa nào không quên, ắt loạn não, tức bị tâm thần!

Tôi xem Mô hình kỹ năng thế kỷ 21 do Tổ chức Đối tác cho giáo dục thế kỷ 21 (Partnership for 21st century learning) công bố năm 2002 chỉ có 3 lõi kỹ năng rất khái quát:

- Kỹ năng sống và nghề nghiệp;

- Kỹ năng học tập và sáng tạo; và

- Kỹ năng thông tin, truyền thông và kỹ thuật.

Trên cái lõi ấy, người ta thiết kế các chuẩn đầu ra và đánh giá cho từng cấp học, thiết kế chương trình và phương pháp học tập, phát triển nghề nghiệp và tạo môi trường học tập phù hợp (Hình dưới).

Tuyệt đối không có bắt buộc học sinh, cả sinh viên, phải đạt tất cả các phẩm chất và năng lực kinh khủng như giáo dục Việt Nam.

Yêu cầu phẩm chất và năng lực của giáo dục Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các nước phát triển mà tại sao không quốc gia nào thừa nhận bằng cấp của ta nhỉ? Có ai trả lời được rằng, vì sao một giảng viên đại học ở Việt Nam qua Mỹ sống mà không xin được việc gì, ngoài phải đi học nghề làm móng tay không?

Tôi đề nghị sát hạch ông Thuyết, ông Thống và các nhà giáo dục chóp bu ở Việt Nam theo 5 phẩm chất và 10 năng lực mà các ông đó đưa ra. Ông nào đạt được thì cho về trời làm thánh, không đạt thì xuống địa ngục làm quỷ, Nên làm gấp cho con cháu chúng ta nhờ!

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn