Cập nhật chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine 17.8.2022 10AM

Cù Tuấn

clip_image002

Nổ kho đạn của quân đội Nga tại làng Mayskoye (quận Dzhankoi, bán đảo Crimea) ngày 16-8. Ảnh: PLANET LABS

Có nhiều tiếng nổ đã vang lên tại các căn cứ Nga ở Crimea, khi Moskva cáo buộc đây là hoạt động phá hoại, trong khi Kiev không chính thức thừa nhận. Đám khói đen lớn ngày 16/8 bốc lên trên bầu trời Dzhankoi, một trung tâm đường sắt quan trọng ở phía bắc bán đảo Crimea mà Nga sử dụng để vận chuyển binh sĩ và thiết bị tới Melitopol, miền nam Ukraine. Vài vụ nổ khác cùng ngày đã phá hủy kho đạn và trạm biến áp gần đó, cách chiến tuyến với lực lượng Ukraine khoảng 200 km.

Truyền thông Nga cũng đưa tin về một vụ nổ khác ở sân bay quân sự tại làng Hvardeyskye, cách thủ phủ Simferopol của bán đảo Crimea không xa. Người dân cho biết đã nghe thấy những tiếng nổ lớn. Ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ không quân có một lượng lớn máy bay chiến đấu Sukhoi. Vụ nổ dường như do máy bay không người lái (UAV) gây ra. Một số kênh tin tức Nga cho hay lực lượng phòng không tại căn cứ đã bắn rơi một UAV.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đây là các "hành động phá hoại", nhưng Ukraine đến nay không công khai nhận trách nhiệm thực hiện loạt vụ tấn công. "Sáng 16/8, do một hành động phá hoại, kho đạn gần thị trấn Dzhankoi đã bị hư hại", Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/8 ra thông cáo cho biết. "Một số cơ sở dân sự cũng chịu thiệt hại, gồm đường dây điện, một trạm biến áp, một tuyến đường sắt và nhiều nhà dân". Bộ Quốc phòng Nga cho hay vụ nổ kho đạn ở làng Maiskoye, cách thị trấn Dzhankoi 25 km về phía đông nam, không gây thương vong nghiêm trọng, nhưng không nói rõ lực lượng nào đã có "hành động phá hoại".

Quân đội Ukraine không sở hữu các loại vũ khí tầm xa đủ sức vươn tới mục tiêu ở Crimea. Pháo HIMARS do Mỹ viện trợ chỉ có tầm bắn hơn 80 km, không thể bắn trúng căn cứ Nga ở bán đảo này. Dù vậy, các quan chức ở Kiev đã úp mở về khả năng các cuộc tập kích Crimea là do lực lượng du kích thực hiện, sau khi họ được cổ vũ bởi những thành công từ các cuộc tập kích bằng pháo HIMARS mà Ukraine thực hiện gần đây, hoặc do những bất đồng nội bộ trong chính quân đội Nga. Một cựu quan chức cấp cao Ukraine giấu tên xác nhận rằng Ukraine đã cài cắm lực lượng tình báo nằm sâu sau phòng tuyến của Nga. Moskva từng cho rằng bán đảo Crimea nằm ngoài phạm vi tác chiến của Kiev.

Trên mạng xã hội, các trợ lý cấp cao trong chính phủ Ukraine tỏ rõ vui mừng trước thông tin về các vụ nổ ở Crimea. Mykailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho rằng các cuộc tấn công là "lời nhắc nhở" đối với lực lượng Nga trên Crimea, bán đảo mà Kiev cho rằng đã bị Moskva sáp nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ. Bộ Quốc phòng Nga cũng thừa nhận các nhóm vũ trang trung thành với Ukraine đang gây tổn hại đến tuyến hậu cần quân sự và đường tiếp tế trên lãnh thổ mà Moskva kiểm soát tại bán đảo Crimea.

Anh hôm nay cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga hiện đang gặp khó khăn trong nỗ lực kiểm soát vùng biển hiệu quả, với các cuộc tuần tra thường chỉ được tiến hành ở vùng biển gần bờ Crimea. "Hạm đội Biển Đen tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để hỗ trợ các đợt tiến công trên đất liền, song đang gặp khó khăn trong kiểm soát hiệu quả vùng biển. Hạm đội này mất soái hạm Moskva cùng lượng đáng kể tiêm kích, cũng như không còn kiểm soát đảo Rắn", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong báo cáo tình báo ngày 15/8.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định các chiến hạm mặt nước thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga "tiếp tục theo đuổi thế trận phòng thủ chặt chẽ", các cuộc tuần tra thường giới hạn ở vùng biển trong tầm nhìn từ bán đảo Crimea. Điều này trái ngược với hoạt động ngày càng gia tăng của các hạm đội Nga khác.

Tại chiến trường miền nam Ukraine, giao tranh tiếp tục diễn ra. Quan chức Ukraine cho biết thành phố Nikopol thuộc tỉnh Dnipropetrovsk, nằm đối diện bên kia sông Dnipro với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, đã tiếp tục hứng chịu hỏa lực pháo binh, rocket từ Nga, khiến 4 người bị thương. Valentyn Reznichenko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực tỉnh Dnipropetrovsk, cho biết thành phố Nikopol thường xuyên bị bắn phá từ căn cứ của lực lượng Nga ở bờ đối diện sông Dnipro. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết phía Nga hiện vẫn đang tập trung nỗ lực giành quyền kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ ở miền đông Ukraine. Tại tỉnh Donetsk, quân Nga tấn công liên tục vào các TP Kramatorsk, Bakhmut và Avdiivka, bằng pháo ống và pháo phản lực. Bên cạnh củng cố vị thế tại nơi đã kiểm soát, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết Moscow cũng đẩy mạnh tấn công tại những nơi chưa thể chiếm giữ. Theo đó, Moscow dội pháo vào các tỉnh Chernihiv, Sumy, Slovyansk, Novopavlivsk, Zaporizhia.

Tại Kherson, nơi Nga kiểm soát trong những tuần đầu chiến sự, giới chức Ukraine và phương Tây cho rằng lực lượng của Moskva ngày càng gặp khó khăn khi các cây cầu trọng yếu bắc qua sông Dnipro đã bị phá hủy. Họ thêm rằng Nga đang chuyển các sở chỉ huy từ phía bắc sông Dnipro sang bờ nam.

Theo đài RT, ông Vladimir Rogov - thành viên chính quyền quân sự-dân sự Zaporizhia do Nga hậu thuẫn - nói rằng quân Ukraine đã bắn nhiều tên lửa vào hệ thống làm mát và bãi chứa chất thải hạt nhân bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. “Một trong những tên lửa dẫn đường đã rơi cách các thùng chứa chất thải hạt nhân chỉ 10 m, phần còn lại thì cách xa hơn, tầm 50 đến 200 m" - ông nói và cảnh báo nếu các thùng chứa này bị bắn trúng sẽ giải phóng một lượng phóng xạ tương đương với “quả bom bẩn”, gây ô nhiễm hạt nhân toàn khu vực. Vị quan chức này giải thích vì khu vực lưu trữ ở ngoài trời, nên chúng dễ bị tổn thương hơn nhiều và việc hư hỏng chúng có thể dễ dàng gây ra một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn thảm họa Chernobyl năm 1986.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), tổ chức tư vấn ở Mỹ, hôm 14/8 cũng nhận định quân Nga có thể di chuyển sang bên kia sông "để tránh mắc kẹt tại Kherson". Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nỗ lực tái kiểm soát Kherson của Ukraine sẽ vấp nhiều thách thức, khi Moskva vẫn chiếm ưu thế vượt trội ở khu vực này.

Cố vấn tổng thống Podolyak nói Ukraine lên chiến lược phá hủy tuyến hậu cần nhằm gây rối loạn lực lượng Nga. "Chiến lược của chúng tôi là phá hủy hệ thống hậu cần, đường tiếp tế và kho đạn, cũng như các cơ sở quân sự khác. Điều này đang gây ra hỗn loạn trong lực lượng Nga", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ngày 16/8 cho biết. Ông Podolyak tuyên bố cách tiếp cận của Ukraine trái với chiến thuật của Nga là dùng sức mạnh pháo binh để mở rộng vùng kiểm soát ở vùng Donbass, trong đó có thành phố Mariupol và Severodonetsk. "Nga dạy mọi người rằng một cuộc phản công đòi hỏi lượng nhân lực khổng lồ và chỉ đi theo một hướng, song cuộc phản công của Ukraine sẽ rất khác. Chúng tôi không sử dụng chiến thuật của những năm 1960-1970", ông Podolyak nói. Theo ông Podolyak, việc thiếu nguồn cung nhu yếu phẩm lẫn đạn dược sẽ "buộc người Nga phải chiến đấu như họ đã làm trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến". Guardian đánh giá bình luận của ông Podolyak dường như thừa nhận Ukraine đang chật vật tập hợp số binh sĩ và vật tư quân sự cần thiết để duy trì cuộc phản công toàn diện ở miền nam nước này, vốn đòi hỏi lực lượng đông gấp ba lần đối phương.

Theo Hãng tin AFP, ngày 16-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đang tìm cách kéo dài xung đột ở Ukraine và châm ngòi cho các cuộc xung đột ở những nơi khác trên thế giới. "Tình hình ở Ukraine cho thấy Mỹ đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột này. Và họ cũng hành động theo cách tương tự, đó là châm ngòi cho các cuộc xung đột ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin" - ông Putin nói trên truyền hình ngày 16-8. Ông cũng nói về chuyến thăm Đài Loan vừa qua của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi: "Cuộc phiêu lưu này của Mỹ trong mối quan hệ với Đài Loan không chỉ là chuyến đi của một chính khách vô trách nhiệm, mà còn là một phần trong chiến lược có mục đích của Mỹ nhằm gây bất ổn và làm hỗn loạn tình hình trong khu vực và trên thế giới". Ông Putin cho rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi cho thấy Mỹ "thiếu tôn trọng đối với chủ quyền của các quốc gia khác và đối với các nghĩa vụ quốc tế (của Washington)". "Chúng tôi coi đây là một hành động khiêu khích đã được lên kế hoạch cẩn thận", ông Putin cáo buộc.

Ngoại trưởng Kuleba cho hay nhiều đồng nghiệp phương Tây liên tục hỏi Ukraine cầm cự được bao lâu, ám chỉ khả năng chấp nhận nước này đầu hàng Nga. "Tôi thường được hỏi trong những cuộc phỏng vấn và đối thoại với các ngoại trưởng phương Tây là Ukraine sẽ trụ được bao lâu nữa, thay vì họ có thể làm gì để giúp chúng tôi đánh bại Nga trong thời gian ngắn nhất có thể. Những câu hỏi như vậy cho thấy nhiều bên đang chờ chúng tôi thua trận và các vấn đề của họ sẽ biến mất", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 16/8. Ông Kuleba cho rằng nhiều nước phương Tây đã sẵn sàng chấp nhận việc Ukraine đầu hàng và nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga, điều mà Kiev từng nhiều lần bác bỏ.

Thủ tướng Ba Lan cáo buộc Pháp, Đức điều hành EU như "đầu sỏ chính trị", phớt lờ những tiếng nói cảnh báo về Nga từ lâu. "Nhiều lãnh đạo châu Âu đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin cám dỗ. Giờ họ đang bị sốc", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki viết trong bài đăng trên nhật báo Le Monde của Pháp hôm 16/8. "Sự trở lại của chủ nghĩa đế quốc Nga không có gì đáng ngạc nhiên với chúng tôi". Theo ông Morawiecki, EU đã không chú ý đến những cảnh báo từ lâu của Warsaw về Nga, cho thấy "vấn đề lớn hơn" trong khối này. "Trên lý thuyết, tất cả quốc gia thành viên EU đều bình đẳng. Nhưng thực tế chính trị cho thấy sức nặng của tiếng nói Đức và Pháp đang chiếm ưu thế. EU trên nguyên tắc là một thể chế dân chủ, nhưng thực tế là quyền lực trong khối do những đầu sỏ chính trị mạnh nhất nắm giữ", Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh. Từ khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2, Ba Lan là một trong những nước đi đầu trong việc lên án Moskva, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất có thể với Nga và cung cấp lượng lớn vũ khí cho Ukraine. "Châu Âu lâm vào tình cảnh hiện tại không phải vì không hội nhập đầy đủ, mà vì họ từ chối lắng nghe sự thật, tiếng nói vốn có thể được nghe thấy từ Ba Lan trong nhiều năm", ông cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Sergey Shoigu nói rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine đã xóa tan huyền thoại về các siêu vũ khí của phương Tây, và những vũ khí này không gây ảnh hưởng đáng kể trên chiến trường. Theo đài RT, hôm 16-8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Sergey Shoigu nói rằng các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Kiev không gây ảnh hưởng đáng kể đối với chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Ông Shoigu nói rằng những vũ khí được cung cấp cho Kiev không gây ảnh hưởng đáng kể trên chiến trường như những gì phương Tây đã tuyên bố. “Ban đầu, đó là việc cung cấp hệ thống chống tăng Javelin và một số máy bay không người lái độc đáo. Gần đây hơn, hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS và các lựu pháo tầm xa được phương Tây đề cao vai trò là siêu vũ khí. Tuy nhiên, tất cả vũ khí này đang bị phá hủy trong trận chiến” – Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh. Ông Shoigu nói thêm lực lượng Nga đang “kiểm tra cẩn thận” những hệ thống thu giữ được của phương Tây trên chiến trường Ukraine, đồng thời đang “xem xét những tính năng và chất lượng cụ thể” của những vũ khí này khi lập kế hoạch tác chiến.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thành phố Lviv (miền Tây Ukraine) vào ngày 18/8. Các cuộc thảo luận có thể sẽ xoay quanh vấn đề vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine và nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc – Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Guterres đã được Tổng thống Ukraine Zelensky mời đến Lviv. Ngoài ra, ông Guterres cũng sẽ đến thăm Odessa – thành phố cảng nơi các chuyến tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen vừa được khởi động lại sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hồi tháng 7. Cuộc họp 3 bên sẽ tập trung vào việc duy trì hợp tác vận chuyển ngũ cốc, và chấm dứt xung đột Nga – Ukraine thông qua con đường ngoại giao, văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố. Sau khi rời Ukraine, ông Guterres sẽ đến thăm Trung tâm Điều phối chung ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi các quan chức Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đang quan sát các chuyến tàu chở ngũ cốc từ Ukraine.

Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết giá khí đốt tới châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa đông vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm.

"Giá khí đốt giao ngay sang châu Âu đã lên mức 2.500 USD cho 1.000 mét khối. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, giá sẽ vượt 4.000 USD trong mùa đông này", tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết hôm nay. Dòng khí đốt từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu của châu Âu, đang giảm trong năm nay, sau khi Ukraine đóng một đường ống chuyển khí đốt chạy qua lãnh thổ. Gazprom cũng giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức xuống mức 20%, sau nhiều tranh cãi liên quan tới thiết bị nén khí, khiến giá khí đốt tăng mạnh.

Nga nói không cần dùng vũ khí hạt nhân để đạt mục tiêu đề ra ở Ukraine, cho rằng những đồn đoán liên quan việc này đều là "dối trá". "Từ góc độ quân sự, không cần phải dùng đến vũ khí hạt nhân ở Ukraine để đạt các mục tiêu đã đề ra. Mục đích chính của vũ khí hạt nhân của Nga là để răn đe một cuộc tấn công hạt nhân", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu tại hội nghị an ninh quốc tế Moskva hôm 16/8. Truyền thông đang lan truyền đồn đoán Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến dịch quân sự đặc biệt, hoặc sẵn sàng dùng vũ khí hóa học. Đó hoàn toàn là dối trá", ông bổ sung, cho rằng những cáo buộc này xuất hiện nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các hoạt động sinh học quân sự bị cấm của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine.

Phó thủ tướng Đức Habeck nói nước này đã loại bỏ và không bao giờ quay lại mô hình kinh doanh phụ vào năng lượng giá rẻ Nga. "Đức đã phát triển mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ Nga. Mô hình này đã thất bại và sẽ không bao giờ trở lại", Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết hôm 15/8. Ông Habeck nói rằng vì Nga "tùy tiện" làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), Đức cần "giải cứu các công ty đang gặp khó khăn và cả nền kinh tế phải gồng mình gánh chịu". Phó thủ tướng Đức gọi đây là "thuốc đắng mà Berlin phải uống". Bình luận của ông Habeck được đưa ra trong bối cảnh nước này công bố sẽ áp mức thuế đặc biệt lên khí đốt tự nhiên, nhằm hỗ trợ các công ty trong nước đối phó khủng hoảng khi Nga giảm nguồn cung năng lượng.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ cảnh báo, cách cư xử của Washington trên trường quốc tế có nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo hãng tin RT, trong một tuyên bố đăng trên kênh Telegram, Đại sứ quán Nga tại Mỹ viết: "Hiện nay, Mỹ tiếp tục hành động bất chấp an ninh và lợi ích của các quốc gia khác, điều này góp phần làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân. Các bước đi của Mỹ nhằm tiếp tục tham gia vào một cuộc đối đầu hỗn hợp với Nga trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine đang đầy rẫy sự leo thang khó lường và một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân". Đại sứ quán Nga lưu ý rằng gần đây Washington đã rút khỏi hai thỏa thuận kiểm soát vũ khí then chốt. Đó là Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, vốn cấm một số loại tên lửa đặt dưới mặt đất và Hiệp ước về Bầu trời mở năm 1992, vốn cho phép thực hiện các chuyến bay trinh sát ở lãnh thổ của nhau.

Phần Lan cho biết sẽ cắt giảm 90% thị thực du lịch Nga so với mức hiện tại kể từ ngày 1/9, nhằm phản ứng với xung đột Ukraine. "Thị thực du lịch Nga không thể ngừng cấp hoàn toàn, nhưng số lượng sẽ giảm đáng kể", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói hôm nay, khi thông báo thị thực loại này sẽ bị giới hạn ở mức 10% so với hiện nay. Ông Haavisto thêm rằng thị thực du lịch cấp cho công dân Nga sẽ bị giới hạn bằng cách hạn chế giờ mở cửa nộp đơn xin thị thực, bởi lệnh cấm hoàn toàn dựa trên quốc tịch là điều không thể. "Điều này có nghĩa các loại thị thực khác như thăm thân, làm việc hoặc học tập sẽ được ưu tiên hơn", ông giải thích.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã ghi nhận 13.212 người thương vong, trong đó hơn 5.514 người thiệt mạng, kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine hôm 24/2. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo gần 10,7 triệu lượt người rời Ukraine và hơn 4,5 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong gần 6 tháng xung đột. Cơ quan này cũng ghi nhận gần 6,4 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm:

Lãnh đạo thân Nga đã bỏ chạy khỏi Kherson. Hai tuần tới sẽ mang tính quyết định đối với Kherson.

HTD News

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn