Hoan nghênh lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nhưng đợi chờ các biện pháp mạnh mẽ và thiết thực hơn

Nguyễn Ngọc Chu

Có người nhắn tin nói “Huyện ủy Hưng Nguyên ra chỉ thị các thầy cô giáo không được like, bình luận và chia sẻ các bài viết liên quan đến cô Lê Thị Dung”. Tôi không rõ thực hư của thông tin này như thế nào nên không khẳng định được. Tuy nhiên, nếu đúng thì cũng “thường thôi, có gì đâu mà ầm ĩ”.

Đã từ lâu, trong các cơ sở giáo dục và cơ quan nhà nước nói chung, đây vẫn là một “luật lệ” bất thành văn: không được tương tác với các bài viết nhạy cảm trên mạng xã hội. Còn thế nào là “nhạy cảm” thì chẳng có văn bản nào hướng dẫn, quy định cả. Mà thường thì “nhạy cảm” nhất là những việc liên quan trực tiếp tới lợi ích của người đứng đầu cơ sở và địa phương, việc càng nghiêm trọng thì càng “nhạy cảm”, thế thôi. Tôi ngày còn đi dạy cũng thường vẫn phải nhận những cái mệnh lệnh công khai thế này trong các buổi họp hội đồng sư phạm, chứ có xa lạ gì đâu.

Những cái “luật” kiểu này đã đã bịt mồm giáo viên và viên chức nói chung, biến họ thành những kẻ câm lặng nếu không có bản lĩnh và ý thức sâu sắc về lẽ phải, điều thiện và cái đẹp. Lâu dần, họ trở nên vô cảm, ươn hèn, quay lưng với cả những sai trái, bất công ngay bên cạnh mình, để cho cái xấu, cái ác hoành hành ngang ngược như giữa chốn không người.

Mà cũng thật đau lòng, nghe dân địa phương nói bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên bây giờ lại là học trò cũ của cô giáo Lê Thị Dung. Cái tình thầy trò, cái đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, ôi chao... Phải chăng vì thế mà cô Dung, trong những ngày bị giam cầm ở chốn lao tù mới cảm thán mà làm ra bài thơ “Trò chức quyền” vừa bi thường, vừa khí phách dưới đây? Nhưng không rõ "học trò" trong bài là ám chỉ ai.

Thái Hạo

Án oan cô giáo Lê Thị Dung không thể là chuyện nhỏ, không phải là chuyện của một cá nhân. Đó là chuyện lớn của toàn xã hội. Vì nó huỷ hoại lòng tin vào công lý. Vì nó đang thể hiện “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.

Khi bị Pháp bắt (1888) vua Hàm Nghi không muốn để lộ thân phận mình. Pháp cho đón nhà vua vào thành, bắt lính xếp hàng đón chào. Nhà vua thản nhiên nói:

“Tôi chỉ là bề tôi, không dám nhận lời chúc mừng của các ông. Vua Hàm Nghi của chúng tôi hiện ở trong rừng sâu”.

Biết nhà vua là người giữ lễ, Pháp đưa thầy giáo cũ của vua Hàm Nghi là thầy Nguyễn Nhuận đến. Khi thấy thầy giáo cũ, vua Hàm Nghi đứng dậy vái chào. Người Pháp biết đích thực là vua Hàm Nghi (https://vtc.vn/cau-chuyen-ve-vua-ham-nghi-va-thay-giao...).

Nay nghe nói một lãnh đạo đương chức rất cao của huyện Hưng Nguyên là học trò cũ của cô giáo Lê Thị Dung (vừa bị TAND Huyên Hưng Nguyên tuyên 5 năm tù giam ngày 26/4/2023). Lại được đọc bài thơ sau đây của cô giáo Lê Thị Dung vừa viết trong nhà giam:

TRÒ CHỨC QUYỀN

Học trò chức trọng quyền cao ơi

Nhân nghĩa ân tình đi đâu rồi

Kính thầy mến bạn cứ quên hết

Áo rộng, ghế cao người đơn côi

Học trò chức trọng quyền cao ơi

Óc rỗng, tim đen ta biết rồi

Ăn chơi, đàn đúm còn vênh váo

Cô giáo oan sai ngươi bỏ rơi

Cô giáo oan sai chỉ vì ngươi

Tham quyền giữ ghế nên buông lơi

Mặc cho một lũ quân gian ác

Đày đọa cô ngươi đến hết đời

Tù tội cô ngươi vẫn thanh cao

Nhân, nghĩa, hiếu, trung vẫn cuộn trào

Trí dũng oai hùng cười ngạo nghễ

Bất lễ bất tình ai dạy ngươi???

Nghĩ đến truyền thống của người Việt: “Mồng Một giỗ Cha, Mồng Hai giỗ Mẹ, Mồng Ba giỗ Thầy” mà ứa nước mắt.

clip_image002

Bảo vệ cấp dưới là thước đo giá trị của cấp trên.

Vận động viên bóng rổ Mỹ Brittney Grine bị Nga quy tội buôn bán ma tuý và tuyên 9 năm tù, nhưng chỉ sau 10 tháng đã được Chính phủ Mỹ đưa về Mỹ bởi cuộc trao đổi tù nhân người Nga Viktor Bout. Hai công dân Mỹ tham chiến ở Ukraine là John - Robert Drueke và Huỳnh Ngọc Tài bị Nga bắt giữ ở Ukraine cũng được trả tự do nhờ Chính phủ Mỹ đàm phán với Nga qua trung gian Ả Rập Xê Út.

Tại sao hộ chiếu của các quốc gia mạnh có uy lực? Là vì công dân họ được Chính phủ bảo vệ mạnh mẽ. Bảo vệ công dân là thước đo giá trị của Chính phủ.

Nay rất mừng khi nghe tin Bộ GD&ĐT đã lên tiếng bảo vệ cô giáo Lê Thị Dung. Theo ông Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết thì Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Lãnh đạo Nghệ An, bày tỏ mong muốn cơ quan pháp luật Nghệ An xét xử công bằng, khách quan cho cô giáo Lê Thị Dung.

Giáo dục ‘bảo vệ lẽ phải’ là trụ cột quan trọng của nền giáo dục mọi quốc gia. Cô thầy giáo là người truyền dạy cho học trò biết sống nhân nghĩa, không bị tiền bạc cám dỗ, không sợ hãi trước quyền lực, phải bảo vệ chính nghĩa, phải bảo vệ lẽ phải. Nay cô giáo Lê Thị Dung bị tù oan mà Lãnh đạo Bộ GD&ĐT không bảo vệ được thuộc cấp của mình, thì làm sao các thầy cô giáo trong cả nước có thể truyền dạy cho học trò biết sống vì lẽ phải?

Rất hoan nghênh Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có động thái đầu tiên về trường hợp cô giáo Lê Thị Dung. Nhưng trao đổi chưa đủ để minh oan cho cô giáo Lê Thị Dung. Hy vọng rằng ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đọc được bài thơ của cô giáo Lê Thị Dung viết trong tù mà có những hành động mạnh mẽ hơn, bằng công văn, bằng trợ giúp pháp lý, bằng mọi biện pháp có thể để bảo vệ cô giáo Lê Thị Dung, chứng minh cho học trò và thầy cô giáo cả nước thấy sự toàn thắng của lẽ phải.

Án oan cô giáo Lê Thị Dung không thể là chuyện nhỏ, không phải là chuyện của một cá nhân. Đó là chuyện lớn của toàn xã hội. Vì nó huỷ hoại lòng tin vào công lý. Vì nó đang thể hiện “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”’

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn