Lại thêm một vụ án oan?

Nguyễn Ngọc Chu

Trường hợp bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hưng Nguyên, bị TAND huyện Hưng Nguyên (26/4/2023) tuyên phạt 5 năm tù, vì thanh toán trái quy định 44 triệu 700 ngàn đồng trong vòng 5 năm (2012-2017) đang gây lên một làn sóng phản đối trong xã hội. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một vụ án oan.

clip_image002

1. Án oan và nguyên do

Những năm gần đây, án oan được phát hiện mỗi ngày một nhiều hơn. Có nhiều vụ kinh hoàng được biết đến như Huỳnh Văn Nén (17 năm 5 tháng tù oan vì bị quy tội giết người), Trần Văn Chiến (16 năm 3 tháng tù oan với tội danh giết người) Nguyễn Thanh Chấn (10 năm ngồi tù oan vì bị quy tội giết người), Nguyễn Minh Hùng (2 lần tuyên án từ hình dù không buôn ma tuý)…(https://toplist.vn/.../vu-an-oan-noi-tieng-nhat-cua-viet...). Có những vụ án oan kéo dài hàng chục năm chưa kết thúc như Hồ Duy Hải, Thủ Thiêm… Không tránh khỏi các vụ án oán ở mức mất mạng mà chưa được phát hiện.

Tại sao vào thời hiện tại, với xã hội văn minh hiện đại hơn mà án oan xuất hiện mỗi ngày một nhiều? Ngoài dân số tăng làm hoạt động xã hội rộng mở kéo theo nhiều vụ án và kiện tụng xảy ra, thì còn có các nguyên do khác nữa. Dưới đây xin nêu ra một số.

1.1. Sự không hoàn chỉnh của luật pháp

Cuộc sống phức tạp và phát triển không ngừng. Nhưng các điều luật thì cố định, hữu hạn, rời rạc, nên không bao quát hết được cuộc sống. Dẫn đến, luật pháp luôn nằm trong trạng thái không hoàn chỉnh. Nêu một ví dụ: Khung hình phạt rộng, phạt ở mức nào là do HĐXX quyết định, nên không tránh được tính chủ quan. Lại có các trường hợp hai nghĩa. Quyết định nghiêng về phía nào cũng được. Luật pháp không hoàn chỉnh nên không phải lúc nào cũng đạt được công lý.

1.2. Sự không độc lập của Toà án

Ở nước ta, toà án nằm trong sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Toà án không có sự độc lập hoàn toàn.

1.3. Tác động của quyền lực và tiền bạc

Có nhiều nhân tố luôn tìm cách tác động lên Toà án. Nhất là quyền lực và tiền bạc. Khi Toà án không có tính độc lập hoàn toàn thì quyền lực và tiền bạc càng dễ ảnh hưởng đến Toà án.

1.4. Chủ quan và mục đích cá nhân

Công lý có thể không đạt được do hạn chế về năng lực. Nhưng công lý cũng có thể bị bóp méo do mục đích cá nhân.

1.5. Trình độ thẩm phán và kiểm sát viên yếu

Rất nhiều vụ án bị xử oan do trình độ yếu của thẩm phán và kiểm sát viên. Như Chánh án TANDTC đã từng thừa nhận:

“Chánh án tòa tối cao cũng chỉ ra nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung khiến dư luận đặt câu hỏi về thẩm phán: “Ok thì nhẹ, không ok thì nặng”. Đây là thách thức lớn khi sắp tới ngành tòa án sẽ công khai bản án lên cổng thông tin”…“trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn” (https://tienphong.vn/nganh-toa-an-se-moi-giao-vien-den...).

2. Luật cho quan và luật cho thứ dân có khác nhau?

Về lý thuyết, luật cho quan và thứ dân đều như nhau. Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng như vậy.

Đối với các cán bộ có chức có quyền, có vai vế, thì tội rất to, gây thất thoát số tiền khổng lồ, nhưng án phạt lại rất nhẹ. Thí dụ thì nhiều, chỉ lấy 2 trường hợp cụ thể để minh hoạ:

- Trường hợp thứ nhất là Ông Đặng Thanh Bình, cựu Phó thống đốc NHNN. Ông Bình đã có bút phê thực hiện trái chỉ đạo của Thủ tướng, gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng. Theo HĐXX TAND TP HCM (10/12/2018), hành vi của ông Bình là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chỉ xử phạt ông Đặng Thanh Bình có 3 năm tù, lại cho hưởng án treo (https://vnexpress.net/nguyen-pho-thong-doc-dang-thanh...).

- Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Nguyễn Quang Tuấn nhận 10.000 USD từ nhà thầu, gây thất thoát hơn 53,6 tỷ đồng, nhưng TAND TP Hà Nội (21/4/2023) chỉ tuyên phạt ông Nguyễn Quang Tuấn có 3 năm tù giam (https://laodong.vn/.../ong-nguyen-quang-tuan-bi-tuyen...).

Trong khi đó, thì đối với cán bộ cấp thấp và người dân thường, thì tội rất bé, thất thoát kinh tế rất ít, nhưng hình phạt lại rất nặng. Cũng chỉ lấy 2 trường hợp cụ thể để minh hoạ.

- Trường hợp thứ nhất là Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1997) bị TAND huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang (16/3/2017) xử 7 năm tù giam vì bắt 1 con vịt trị giá 174.000 đồng về nhậu (https://dantri.com.vn/.../mot-thanh-nien-lanh-7-nam-tu-vi...).

- Trường hợp thứ hai, vừa mới hôm qua, là bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Bà Lê Thị Dung bị TAND huyên Hưng Nguyên (26/4/2023) tuyên phạt 5 năm tù, vì thanh toán trái quy định 44 triệu 700 ngàn đồng trong vòng 5 năm (2012-2017)( https://tuoitre.vn/lanh-5-nam-tu-vi-thanh-toan-trai-quy...).

Những thí dụ như trên còn rất nhiều, không thể viện dẫn ra hết. Nó chứng minh trên thực tế, luật pháp cho người có quyền chức và cho thứ dân là không phải lúc nào cũng như nhau.

3. Có hay không sự trù dâp vì không nghe theo lãnh đạo?

Báo điện tử Ngày mới, ngày 26/9/2019 đã đăng bài viết “Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An: Tại sao lại “bới lông tìm vết” để thi hành kỉ luật bà Lê Thị Dung”? Trong bài báo này có đoạn viết:

“Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên cho rằng, việc UBND huyện ra công văn yêu cầu Trung tâm phải kí hợp đồng không xác định thời hạn đối với bà Nguyễn Thị Phương Thúy là không đúng quy định, nên Trung tâm không đồng ý. Do đó, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên liên tục ban hành các kết luận và quyết định thanh tra đối với Trung tâm để “bới lông tìm vết” kỷ luật bằng được bà. Bên cạnh đó, kết luận trên có nhiều dấu hiệu sai trái, trù dập cá nhân bà Dung...”

“Trong một số buổi họp kiểm điểm tôi thì lời lẽ phát biểu của ông Hồ Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Tuy căn cứ theo pháp luật nhưng phải theo chỉ đạo của Thông báo 25 của đồng chí Chủ tịch huyện là có kỉ luật và phải kỉ luật… kiểm điểm xem xét kỉ luật chứ không phải điểm điểm rút kinh nghiệm; kiểm điểm rút kinh nghiệm thì lại là vấn đề khác… chúng ta phải xem xét ở mức độ nào để đề xuất, nhưng tư tưởng chỉ đạo vẫn là như thế…”.

Còn ông Ngô Phú Hàn, Chủ tịch UBND huyện phát biểu: “Yếu kém hơn cả những người ngoài chợ, học hành mức độ, nhận thức mức độ… xử lý kỉ luật theo Nghị định 34 gây mất đoàn kết… phải đưa ra khỏi nguồn quy hoạch huyện”.

“Báo điện tử Ngày mới đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An vào cuộc làm rõ những phản ánh trên, nhằm đảo bảo tính thượng tôn pháp luật” ”(https://ngaymoionline.com.vn/huye-n-hung-nguyen-tinh-nghe...).

4. Đề xuất

4.1. Nghệ An là tỉnh rộng lớn nhất cả nước, với dân số đứng thứ tư trong 63 tỉnh thành, nhưng lại có thu nhập đầu người đứng thứ 47/63 (thống kê năm 2019, https://cafebiz.vn/dia-phuong-co-thu-nhap-binh-quan-dung...). Thu ngân sách năm 2022 của Nghệ An tăng 40,9% đạt 21.152 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đủ chi (32.543 tỷ đồng), dân đông, đất rộng mà chưa thuộc nhóm 10 tỉnh thành có thu ngân sách lớn nhất cả nước.

Vụ án bà Lê Thị Dung xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ. Số tiền thanh toán chưa đúng quy định (quy định này đã được trình công khai trong suốt 5 năm, được ngân hàng huyện kiểm soát, là lý do mà bà Dung không chịu nhận sai phạm) liên quan đến cách tính giờ dạy, mỗi năm trung bình chưa đến 10 triệu đồng. Các vị hiệu trưởng các trường học (đại học, THPT, Trung Tâm GDTX. THCS, Tiểu học) trên toàn quốc sẽ không tránh khỏi lỗi thanh toán sai quy định như kiểu bà Lê Thị Dung. Và số tiền thanh toán ở nhiều trường sẽ còn lớn hơn nhiều so với 10 triệu đồng/ 1 năm của bà Dung. Chính mâu thuẫn nội bộ đã đẩy bà Lê Thị Dung vào tù, chứ không phải số tiền chi sai quy định 44 triệu 700 ngàn đồng.

Bởi thế, Lãnh đạo Nghệ An cần có biện pháp để trả lại công lý cho bà Lê Thị Dung và ổn định đoàn kết nội bộ. Có đoàn kết nội bộ mới phát triển được. Hàng trăm các vị hiệu trưởng các trường đại học, THPT, THCS, Tiểu học và Trung tâm GDTX trong tỉnh Nghệ An đang nhìn vào trường hợp bà Lê Thị Dung để soi chiếu. Chi phí cho điều tra, họp hành, xử án, và giam giữ bà Lê Thị Dung sẽ tốn kém hơn nhiều lần số tiền 44 triệu 700 ngàn đồng.

4.2. Chánh án TANDTC và Chánh án TAND Nghệ An cần có biện pháp kịp thời, để trong vụ xét xử phúc thẩm tới đây, trả lại công lý cho bà Lê Thị Dung. Chi sai quy định chỉ có 44 triệu đồng 700 ngàn trong vòng 5 năm mà xử 5 năm tù, trong khi làm thất thoát 15.000 tỷ đồng chỉ có 3 năm tù treo (ông Đặng thanh Bình), thất thoát 53,6 tỷ đồng, nhận 10.000 USD (ông Nguyễn Quang Tuấn) cũng chỉ có 3 năm tù – là sự bất công vô cùng to lớn. Chắc chắn vụ án bà Lê Thị Dung là một vụ án oan.

Vụ án bà Lê Thị Dung là một vụ án đơn giản, số tiền sai phạm rất bé, thế mà trở thành một vụ án oan, vậy các vụ án phức tạp, số tiền cực lớn, thì sẽ như thế nào?

4.3 Trung tâm GDNN-GDTX theo quản lý ngành dọc cũng là cấp dưới của Bộ GD&ĐT. Nên Bộ GD&ĐT cần phải lên tiếng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ giáo viên và bảo vệ sự trong sáng của môi trường giáo dục. Sự im lặng của Bộ GD&ĐT sẽ có tác động tiêu cực lên học sinh và giáo viên toàn quốc.

Vụ án bà Lê Thị Dung có dấu hiệu của việc sử dụng quyền lực ảnh hưởng lên quá trình xử án. Thêm một lần khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm tính độc lập cho ngành Tư pháp. Chừng nào ngành Tư pháp còn chưa độc lập thì quyền lực, tiền bạc và quan hệ còn có cơ hội làm sai lệch quyết định của Toà án.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn