Thành tích nhân quyền của Việt Nam đang được săm soi trước thỏa thuận khí hậu trị giá 15 tỷ đô la

Michael Copley

Ngày 26 tháng 5 năm 2023

Nguyễn-Khoa Thái Anh lược dịch

Lời Dịch giả

Nhiều người hỏi tại sao ở Mỹ với một chính quyền dân chủ pháp trị như thế, mà sao tôi vẫn ta thán, chê trách thậm tệ chế độ Cộng hoà, chính ra là Đảng Cộng hòa, trong nhiều năm nay?

Bởi vì chính một nền Cộng hòa – kết cấu bởi 3 ngành trong Chính phủ – nhiều lúc do sự kết hợp thái quá của hành pháp và lập pháp đã tự cho đảng mình là đại diện của toàn dân, nên đưa ra đạo luật áp chế giảm bớt tiếng nói phải chăng của lý trí.

Có khác gì chính quyền ông Trump đã thúc đẩy năng lượng than, phủ nhận vấn đề về biến đổi khí hậu để tiếp tục cho giới tài phiệt lạm dụng và làm ô nhiễm môi trường. Không khác gì việc nhà nước VN thay vì hợp tác với các nhà hoạt động khí hậu nhằm cứu vãn một hệ sinh thái đã lâm vào tình trạng quá nghiệt ngã, lại bỏ tù, giam giữ các tiếng nói tích cực cho đất nước…

***

Michael Copley

Về vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà phân tích và những người ủng hộ môi trường nói rằng Việt Nam cần nguồn tài trợ mà JETP cung cấp. Đất nước đang gặp rủi ro nghiêm trọng do lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt, và số tiền này sẽ giúp Việt Nam cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá – nguồn năng lượng thải khí carbon lớn nhất đang thúc đẩy sự hâm nóng toàn cầu. Nhưng các chuyên gia nhân quyền và các nhà phân tích nói rằng ngay bây giờ dường như mối quan tâm hàng đầu của nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam là duy trì quyền lực chính trị của mình.

Trong bài tường trình của NPR (Đài Phát Thanh Quốc gia) sau đây, chúng tôi tự hỏi tại sao các vấn đề môi trường và xã hội dân sự không phải là đối tác tuyệt hảo giúp cho nhà nước VN quản trị tốt đất nước của mình?

Trong vài năm tới, Việt Nam sẽ nhận được hàng tỷ đô la từ các quốc gia giàu có và các nhà đầu tư để giúp nước này chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo. Mục tiêu nhằm chống biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Số tiền ít nhất là 15,5 tỷ đô la được hứa sau khi các nhà hoạt động khí hậu ở Việt Nam thúc đẩy Chính phủ cam kết loại bỏ hoặc bù đắp lượng khí thải carbon dioxide của đất nước trong vòng nửa thế kỷ tới. Hoa Kỳ cùng với những nhà ủng hộ chương trình tài trợ này, được gọi là Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nói rằng hình thức vận động kế hoạch này rất quan trọng để đảm bảo lợi ích của thỏa thuận khí hậu sẽ được chia sẻ rộng rãi ở Việt Nam.

Nhưng các nhà hoạt động môi trường hiện có rất ít phương tiện để hoạt động trong nước. Những nhà vận động môi trường thúc đẩy chiến dịch bảo vệ khí hậu – mở đường thành lập JETP – đã bị bỏ tù vì tội danh trốn thuế. Các chuyên gia nhân quyền nói rằng các vụ giam giữ là một phần của chiến dịch đàn áp các nhóm xã hội dân sự trong những năm gần đây của Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam.

Để đối phó với những cáo buộc vi phạm đó, các nhóm xã hội dân sự ở khắp nơi trên thế giới đồng thúc đẩy các chính quyền và tổ chức tài chính muốn Việt Nam loại bỏ than đá gây áp lực với nhà nước VN về các hoạt động nhân quyền trước khi họ gửi tiền.

Một nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một trong những nhà hoạt động khí hậu đang bị bỏ tù – Đặng Đình Bách – người đã tuyên bố sẽ tuyệt thực vào tháng 6 để phản đối việc bỏ tù mình. Ngoài ra, một liên minh gồm 36 tổ chức nhân quyền và môi trường đã viết thư cho Tổng thống Joe Biden và 9 nhà lãnh đạo thế giới khác vào đầu tháng này, kêu gọi họ gây áp lực để Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động đã bị bỏ tù oan. Họ cũng muốn Chính phủ Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với xã hội dân sự. Liên minh đã gửi những bức thư tương tự tới Tập đoàn Tài chính Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu, những tổ chức được cho là sẽ giúp tài trợ cho thỏa thuận khí hậu.

“Sẽ không có quá trình chuyển đổi 'công bằng' trừ phi Việt Nam giải quyết và khắc phục được chính sách áp chế và các cuộc đàn áp của họ đang diễn ra đối với những người bảo vệ môi trường hàng đầu của đất nước”, 36 nhóm xã hội dân sự viết trong thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới. "Nhân quyền và không gian dân quyền không được phụ thuộc vào ngoại giao về khí hậu".

Những gì đang xảy ra ở Việt Nam đang làm rõ nét một thách thức rộng lớn hơn trong vấn đề đảm bảo quyền con người được tôn trọng khi các quốc gia cố gắng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Khắp nơi trên thế giới, ngày càng có nhiều lo ngại rằng những nỗ lực của dân tình nhằm hạn chế sự hâm nóng toàn cầu đang gặp phải sự đẩy lùi của nhà nước cùng với vi phạm nhân quyền.

Những kiểu trả thù đó có thể làm phương hại đến nỗ lực cắt giảm khí thải. Các chuyên gia nói rằng nếu không có một xã hội dân sự tích cực, thật khó để biết tiền cho các chương trình phát triển khí hậu đang được sử dụng như thế nào, và liệu những nỗ lực cắt giảm khí thải hoặc giúp cộng đồng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt và sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới có thực sự hiệu quả hay không.

“Những gì chúng tôi đã nghe được từ một số nhà đầu tư quốc tế là sự minh bạch khả quan hơn sẽ thúc đẩy niềm tin của họ khi đầu tư vào một số quốc gia và khu vực nào đó”. Shuang Liu, người đứng đầu Trung tâm Tài chính Bền vững tại Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết.

Nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc nhận thấy việc giam giữ Bách là tùy tiện và việc đối xử với anh ta là vi phạm luật pháp quốc tế. Một nhà hoạt động khác, Ngụy Thị Khanh, được cho là đã được trả tự do vào đầu tháng này, cho thấy tài trợ quốc tế có thể được sử dụng để giành được những nhượng bộ. Nhưng những người chỉ trích Chính phủ Việt Nam nói rằng còn quá sớm để biết liệu các nhà lãnh đạo của đất nước này có sẵn sàng thay đổi cách họ đối xử với xã hội dân sự hay không.

Nhà Trắng đã không trả lời các tin nhắn mong được hồi đáp. Phát ngôn viên của EU từ chối bình luận. Canada cho biết họ và các chính phủ khác ủng hộ thỏa thuận này đã làm việc với Việt Nam “để đảm bảo việc tham vấn thường xuyên với xã hội dân sự”.

Tòa Đại sứ Việt Nam ở Washington đã không trả lời các tin nhắn yêu cầu bình luận.

Người phát ngôn của Tổ chức Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á nói rằng các tổ chức này có chính sách ngăn chặn vi phạm nhân quyền trong các dự án mà họ tham gia.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào, và khi nào những chính sách đó sẽ được áp dụng. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì thành tích nhân quyền của Việt Nam thật là "tàn khốc trong hầu hết các lĩnh vực”. Và với việc bỏ tù những người vận động khí hậu, Chính phủ đã gửi một thông điệp rõ ràng, Ben Swanton, người làm việc về các vấn đề nhân quyền tại Dự án 88 cho biết: Hoạt động khí hậu đã "vượt quá lằn ranh cho phép”.

Các nhà hoạt động khí hậu đã bị bỏ tù khi thỏa thuận được thực hiện

Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được chọn để nhận tài trợ khí hậu thông qua chương trình JETP. Mỗi quốc gia đều có những thách thức riêng của mình. Được biết ở Nam Phi, nơi đốt than để sản xuất hầu hết điện năng, tình trạng cúp điện kinh niên và chính sách cai trị gai góc của họ đã làm cho các nhà đầu tư khó ở. Tại Indonesia, giới quan sát lo ngại thỏa thuận của Chính phủ với các nhà tài trợ và đầu tư chỉ là "lời nói suông" khi nước này tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.

Than cũng xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Các nhà máy điện mới đang được xây cất. Nhưng việc Chính phủ gạt ra rìa các nhóm xã hội dân sự đặt ra một thách thức cơ bản đối với sáng kiến khí hậu nhằm mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương.

“Điều quan trọng là toàn bộ xã hội dân sự phải được tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh ở tất cả các giai đoạn và không ai bị bỏ rơi phía sau”, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết khi chương trình được công bố vào năm ngoái bởi nhóm bảy nước dân chủ giàu có (G7), cộng với Liên hiệp Âu châu, Đan Mạch và Na Uy.

Nhưng đến lúc đó, một số nhà hoạt động khí hậu hàng đầu của Việt Nam – một nhóm được gọi là Bộ Tứ Việt Nam – đã bị cầm tù.

Emilie Palamy Pradichit, một luật sư nhân quyền có trụ sở tại Thái Lan và là người sáng lập Quỹ Manushya, cho biết việc thỏa thuận được ký kết dù sao cũng là một điều "gây sốc”. Cô ấy nói rằng điều đó cho thấy các quốc gia giàu có và các nhà đầu tư "không thực sự quan tâm nhiều đến việc xã hội dân sự và các nhà hoạt động khí hậu bị bỏ tù".

Sau khi thúc đẩy Chính phủ Việt Nam giảm sự phụ thuộc của đất nước vào các nhà máy nhiệt điện than và đặt mục tiêu giảm phát thải, Bách, Mai Phan Lợi và Bach Hung Dương đã bị bắt vào tháng 6 năm 2021 và bị buộc tội trốn thuế. Ngụy Thị Khanh, người đoạt giải thưởng danh tiếng về môi trường của Goldman, đã bị bắt giữ vào đầu năm 2022 và cũng bị buộc tội trốn thuế.

Dự án 88 cho biết trong một báo cáo gần đây rằng các cáo buộc dường như đã được "áp dụng tùy tiện cho mục tiêu đàn áp chính trị".

Theo báo cáo, được trích dẫn trong các bức thư gửi tới các quốc gia và tổ chức tài chính đang hỗ trợ JETP của Việt Nam, mỗi nhà hoạt động đều bị truy tố trong các phiên tòa kín. Bản án tù của họ có thời hạn khoảng từ hai đến năm năm.

“Họ đã thách thức vấn đề độc quyền của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách”, Swanton, tác giả của báo cáo, nói về Bộ Tứ Việt Nam. Nhưng một khi điều đó xảy ra, ông nói rằng họ đã gặp phải một "phản ứng rất khốc liệt”.

Vài ngày sau khi bà Khanh bị kết án vào năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà và các nhà hoạt động môi trường đang bị bỏ tù khác. Nhưng Việt Nam vẫn giam giữ họ. Sáu tháng sau, Hoa Kỳ và các đối tác công bố thỏa thuận khí hậu với Việt Nam.

Murray Hiebert, người làm việc trong chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Mỹ có chỉ trích Việt Nam về nhân quyền”. “Nhưng đó là lời nói, và Hoa Kỳ không trừng phạt”.

Các nhà hoạt động kêu gọi thay đổi sâu rộng ở Việt Nam

Chính quyền Biden muốn có quan hệ thân thiết với Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng trong một khu vực mà Hoa Kỳ và một số đồng minh của họ đang cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam được mời tham dự cuộc họp G7 với tư cách khách mời vào tuần trước tại Nhật Bản. Nhật Bản đã không trả lời một tin nhắn yêu cầu bình luận về việc Việt Nam bị cáo buộc đàn áp các nhà hoạt động khí hậu.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà phân tích và những người ủng hộ môi trường nói rằng Việt Nam cần nguồn tài trợ mà JETP cung cấp. Đất nước đang gặp rủi ro nghiêm trọng do lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt, và số tiền này sẽ giúp Việt Nam cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá – nguồn năng lượng thải khí carbon lớn nhất đang thúc đẩy sự hâm nóng toàn cầu. Nhưng các chuyên gia nhân quyền và các nhà phân tích nói rằng ngay bây giờ dường như mối quan tâm hàng đầu của nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam là duy trì quyền lực chính trị của mình.

“Tất cả các chính phủ cộng sản đều rất lo lắng [về] các cuộc cách mạng màu”, Hiebert nói, đề cập đến các cuộc nổi dậy ở Liên Xô cũ và Nam Tư.

Một kế hoạch về cách thức thực hiện thức JETP dự kiến sẽ được công bố vào tháng 11.

Không rõ Việt Nam sẽ chuẩn bị đi những bước tiến khả quan nào để đảm bảo sẽ nhận được tiền. Các nhà hoạt động đã ký các bức thư gửi cho Hoa Kỳ và những người ủng hộ thỏa thuận, họ muốn đảm bảo rằng các nhóm xã hội dân sự sẽ có thể tự do tham gia vào việc thiết kế và giám sát cách thức JETP được thực hiện.

Luật sư nhân quyền Pradichit nói: “Việt Nam cần cho phép xã hội dân sự phát triển thịnh vượng, và đóng vai trò giám sát, kiểm tra và cân bằng chính phủ”.

Người phát ngôn của Liên minh Tài chính Glasgow cho Net Zero, đại diện cho các nhà đầu tư tư nhân dự kiến sẽ huy động một nửa tài khoản cho JETP, cho biết: "Sẽ cần phải tham vấn thường xuyên với các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác".

Tuy nhiên, trong khi áp lực quốc tế dường như đã đóng một vai trò trong việc trả tự do cho Khanh, không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi lớn hơn trong cách chính phủ đối phó với xã hội dân sự, một người từng làm việc với các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam cho biết. Người này từ chối phát biểu với chính danh vì họ sợ Chính phủ trả thù.

Swanton nói rằng Chính phủ Việt Nam đã cho thấy “họ không mong muốn hoặc không đủ ý chí chính trị để tham gia với xã hội dân sự”.

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc cho biết họ lo ngại về những vụ giam giữ tùy tiện ở Việt Nam "có thể dẫn đến sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế". Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết có một "vấn đề nghiêm trọng" với việc Chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu vào những người phản đối việc thu hồi đất đai và các vấn đề khác mà Bộ Ngoại giao coi là nhạy cảm về chính trị.

Các chuyên gia về nhân quyền và phát triển quốc tế nói rằng việc tiếp tục khai triển JETP ở Việt Nam trong những điều kiện đó sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm đối với nhân quyền cũng như nỗ lực tăng tài trợ cho các sáng kiến khí hậu. Liu thuộc Viện Tài nguyên Thế giới cho biết, các nhà đầu tư muốn Việt Nam sẽ có trách nhiệm hơn, để họ biết rằng tiền của họ đang được sử dụng đúng mục đích.

Bruce Shoemaker, thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Phát triển Hòa nhập Quốc tế cho biết: “Bạn có thể đổ tất cả số tiền mình muốn vào các chương trình phát triển khác nhau. Nhưng nếu bạn không được Chính phủ và các tổ chức thực thi những hành động công bằng, mang lợi ích tốt nhất cho toàn thể xã hội của họ, thì bạn sẽ không thành công".

M.C.

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn