Liệu Trump có trở lại Nhà Trắng?

Joseph S. Nye, Jr.

Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Theo kết quả của các cuộc thăm dò gần đây về cuộc bầu cử sơ bộ cho thấy, cựu Tổng thống Trump vẫn đứng đầu với hơn 52,1% phiếu bầu; Thống đốc Florida Ron DeSantis chiếm vị trí thứ hai với khoảng 22,9%; cựu Phó Tổng thống Pence và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đang ở vị trí thứ ba với khoảng từ 4-5%. Các ứng cử viên khác đang bắt đầu vận động gồm có cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, Thượng nghị sĩ Tim Scott, cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson và doanh nhân ngành dược phẩm sinh học Vivek Ramaswamy.

Ngược lại với dự đoán này, giới hoạch định sách lược về bầu cử của Đảng Dân chủ có những nhận định khác hơn. Từ nay cho đến ngày bầu cử, Trump còn phải lo đối phó với khoảng 17 vụ tranh tụng trước tòa và nhiều vụ điều tra hình sự khác. Hai phán quyết trong vụ kiện liên quan đến tài tử Stormy Daniels và nhà báo E. Jean Carroll làm cho uy tín cá nhân Trump xuống thấp đến độ có thể không còn được đảng Cộng hòa đề cử. Nhưng cho dù nếu có, ông cũng không thể đánh bại được Tổng thống Biden.

Nhưng Tổng thống Joe Biden cũng sẽ không vì thế mà lạc quan hơn về triển vọng thắng cử, vì hiện nay ông chỉ còn khoảng 41% dân chúng ủng hộ, tức gần như là mức thấp nhất kể từ khi ông nắm quyền.

Với việc ban hành hai đạo luật Inflation Reduction Act và CHIPS and Science Act, Biden đã mang lại một niềm tin mới cho dân chúng trong việc chống lạm phát, biến đổi khí hậu và đầu tư sau trận đại dịch. Dù nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu đi đúng hướng, nhưng mối quan tâm lớn hiện nay của dân chúng là mức lạm phát còn tương đối cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các chi phí trong việc mượn nợ mua nhà và xe hơi. Ngân hàng Trung ương Mỹ đang cố  kiểm soát tình hình, nhưng không có gì bảo đảm cho tương lai đất nước ổn định và khởi sắc.

Trong bài viết sau đây, tác giả Joseph S. Nye, Jr. chỉ thảo luận đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nếu Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm 2025. Thời gian sắp tới, chính trường Mỹ sẽ sôi động hơn với nhiều tranh luận và còn gây nhiều ngạc nhiên. Do đó, các kết quả thăm dò hay nhận định trong bước đầu này sẽ còn nhiều thay đổi. Sau đây là bản dịch.

***

Nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai của Donald Trump có ý nghĩa gì đối với chính sách đối ngoại của Mỹ và thế giới? Mặc dù bản thân ông không thể tiên đoán, nhiệm kỳ đầu tiên và hành vi của ông kể từ khi thất cử hồi năm 2020 đem lại nhiều manh mối, nhưng không có chứng cứ nào trong số đó sẽ gây thoải mái cho các đồng minh của Mỹ.

Khi cuộc vận động sơ bộ cho việc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 bắt đầu, cuộc thi chung kết có nhiều khả năng nhất là trận tái đấu giữa Tổng thống Joe Biden và Donald Trump. Đánh giá dựa theo lộ trình bầu cử năm 2020, Biden sẽ có vị trí tốt để thắng cử. Nhưng nền chính trị Mỹ thì không thể tiên đoán, và các ngạc nhiên trong vấn đề y tế, pháp lý hoặc kinh tế có thể làm thay đổi triển vọng. Do đó, nhiều thân hữu ở nước ngoài đã hỏi tôi điều gì sẽ xảy ra với chính sách đối ngoại của Mỹ nếu Trump trở lại Nhà Trắng.

Câu hỏi phức tạp bởi vì thực tế bản thân ông Trump là người không thể tiên đoán. Nhiệm kỳ tổng thống là nhiệm sở chính trị đầu tiên của ông, và kinh nghiệm nền tảng của ông biến ông ta thành một loại phong cách chính trị cực kỳ độc đáo. Thành công của Trump với tư cách là một tài tử trong chương trình truyền hình thực tế có nghĩa là Trump luôn tập trung vào việc giữ sự chú ý của ống kính thu hình, thường bằng những tuyên bố đao to búa lớn hơn là sự thật và bằng cách phá vỡ các chuẩn mực thông thường của hành vi.

Bằng trực giác Trump có thể huy động sự bất mãn qua cách chỉ trích những hậu quả bất công trong kinh tế của nền thương mại toàn cầu và gây ra sự phẫn nộ về tình trạng nhập cư và thay đổi văn hóa, đặc biệt là ở giới trung niên da trắng không có trình độ đại học. Với một loạt các tuyên bố liên tục mang màu sắc dân tộc, dân tuý và bảo hộ, ông đã tạo được cho mình những bài tường thuật thường xuyên của các phương tiện truyền thông.

Trở lại năm 2016, nhiều người kỳ vọng rằng Trump sẽ chuyển đến tâm điểm để mở rộng sức thu hút chính trị, như hầu hết các chính trị gia bình thường sẽ làm. Nhưng thay vào đó, ông ta tiếp tục giao lưu với nhóm cử tri trung thành mà ông đã sử dụng nó như một đòn bẩy mạnh để chống trả bất kỳ một thành viên quốc hội nào trong đảng dám chỉ trích hoặc gây mâu thuẫn với ông ta. Những đảng viên Cộng hòa công khai phản đối ông có xu hướng thua cuộc bầu cử sơ bộ trước những đối thủ được ông ủng hộ. Kết quả là Trump đã thiết lập quyền kiểm soát gần như hoàn toàn trong đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 2020, lời kêu gọi của ông đối với phe cực hữu có thể đã khiến ông mất đi sự ủng hộ của một số đảng viên Cộng hòa ôn hòa và thành phần độc lập ở các tiểu bang dao động quan trọng.

Trump là tổng thống khác biệt so với tất cả những vị tiền nhiệm. Ông thường công bố các chính sách mới quan trọng (hoặc sa thải các nhân viên nội các) trên Twitter, và dường như theo ý thích bất chợt. Do đó, những thay đổi thường xuyên trong thành phần nhân sự hàng đầu và các thông điệp về chính sách đầy mâu thuẫn là đặc trưng về chính quyền của ông, trong đó có việc tổng thống cắt giảm các quan chức cao cấp của mình. Tuy nhiên, những gì ông làm mất đoàn kết về mặt tổ chức được bù đắp bằng sự chủ động gần như hoàn tòan trong chương trình nghị sự. Tính cách bất khả tiên đoán là một trong những công cụ chính trị mạnh nhất của Trump.

Trong khi Trump có quan điểm chính trị sâu sắc, chúng là chiết trung, hơn là theo truyền thống của đảng Cộng hòa. Từ lâu, Trump đã bày tỏ quan điểm về bảo hộ mậu dịch và chuyển sự phẫn nộ theo tinh thần dân tộc bằng cách cáo buộc các đồng minh của Mỹ là đang trục lợi. Trump đã công khai thách thức sự đồng thuận sau năm 1945 về trật tự quốc tế tự do và tuyên bố rằng khối NATO đã lỗi thời, khiến cho John Bolton, một trong những cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông lo âu rằng, Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi liên minh nếu tái đắc cử. Về phần mình, gần đây, Trump hứa sẽ hoàn tất tiến trình mà chúng ta đã bắt đầu dưới thời tôi cầm quyền là đánh giá lại một cách cơ bản về mục đích của khối NATO.

Là tổng thống, Trump đã rút khỏi thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại Paris và từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama đã đàm phán. Ông làm suy yếu Tổ chức Thương mại Thế giới; áp thuế nhập khẩu thép và nhôm từ các đồng minh; phát động chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc; rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran; chỉ trích khối G7; và ca ngợi các nhà lãnh đạo độc tài với các thành tích nổi tiếng về vi phạm nhân quyền. Ông nhẹ nhàng một cách đặc biệt trong quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hoài nghi về sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine.

Các cuộc thăm dò cho thấy quyền lực mềm của Mỹ đã suy giảm đáng kể trong những năm Trump cầm quyền. Mặc dù các dòng tweet có thể giúp cho ông thiết lập một chương trình nghị sự trong toàn cầu, giọng điệu và nội dung của chúng cũng có thể xúc phạm các quốc gia khác. Trump rất ít quan tâm đến các vấn đề nhân quyền, và các bài phát biểu của ông đã thu hẹp các nguyên tắc dân chủ mà từ tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan đã áp dụng. Ngay cả giới chỉ trích hoan nghênh Trump trong lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc cũng đổ lỗi cho ông vì đã không hợp tác với các đồng minh để đáp trả hành vi của Trung Quốc. Hơn nữa, Trump đã cắt giảm những lợi thế mà Mỹ từ lâu đã tận hưởng như một ảnh hưởng hàng đầu trong các thể chế toàn cầu.

Như vậy, điều gì sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump?

Chúng ta hãy nhớ lại trước cuộc bầu cử năm 2016, có 50 cựu quan chức an ninh quốc gia của đảng Cộng hòa đã ký một bảng tuyên bố cảnh báo rằng: “Một vị Tổng thống phải có kỷ luật, kiểm soát các cảm xúc và chỉ hành động sau khi suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận… Trump không có những phẩm chất quan trọng này. Ông ta không khuyến khích những quan điểm trái chiều. Trump thiếu tự chủ và hành động bốc đồng. Trump không thể chịu đựng được những lời chỉ trích về cá nhân. Trump đã báo động cho các đồng minh thân cận nhất của chúng ta bằng hành vi thất thường của ông ta”. Khi Trump thắng cử, giới chỉ trích này đã bị ông loại ra khỏi bất kỳ vai trò nào trong chính quyền, điều này có thể sẽ xảy ra một lần nữa.

Là một nhà lãnh đạo chính trị chỉ nghĩ đến việc thu tóm quyền lực, rõ ràng là Trump đã chứng tỏ rằng mình có khả năng [trong việc này]. Nhưng tính khí nóng nảy khi cầm quyền đã cho thấy rằng ông thiếu thông minh về cảm xúc, vốn làm nền tảng cho sự thành công của các tổng thống như Franklin D. Roosevelt và George H.W. Bush.

Như Tony Schwartz, tác giả cuốn tự truyện của Trump, từng nói: “Ngay từ đầu, tôi đã nhận ra rằng cảm giác tự cao tự đại của Trump luôn ở trong tình trạng nguy hiểm. Khi Trump cảm thấy khó chịu, ông phản ứng một cách bốc đồng và phòng thủ, bịa chuyện để tự biện minh mà không dựa trên sự thật… Đơn giản chỉ vì Trump không quan tâm đến cảm xúc hoặc không quan tâm đến người khác… Một phần quan trọng của câu chuyện là bất cứ điều gì mà Trump cho là sự thật mà nó có vào bất kỳ một ngày nào đó. Là tổng thống, do nhu cầu cá nhân, Trump thường bóp méo động cơ và can thiệp vào các mục tiêu chính sách của ông.

Tính khí của Trump cũng đã hạn chế trí thông minh tuỳ theo hoàn cảnh. Mặc dù việc thiếu kinh nghiệm về chính quyền và các vấn đề quốc tế đã khiến cho ông kém trình độ hơn hầu hết những người tiền nhiệm, nhưng sau đó ông hầu như không quan tâm đến việc bổ sung những khiếm khuyết trong kiến thức của mình. Tệ hơn nữa, nhu cầu thường xuyên trong việc muốn xác nhận giá trị cá nhân đã dẫn ông đến các lựa chọn chính sách thiếu sót, làm suy yếu các liên minh của Mỹ, ví dụ như sau các cuộc họp thượng đỉnh năm 2018 với Putin và Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên.

Không có gì thay đổi khi đánh giá về hành vi của Trump như là một cựu tổng thống, Trump vẫn không sẵn sàng chấp nhận việc thất cử năm 2020 và chiến dịch trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm tới đã đưa ra những tuyên bố cực đoan để huy động các nhóm cử tri trung thành của ông. Nếu ông thành công, đặc điểm duy nhất có thể dự đoán được trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ là sự khó lường.

J.S.N.Jr.

______

Tác giả Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư Đại học Harvard, Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Cuốn sách gần đây nhất của ông có tựa đề: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (do Nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành năm 2020).

Bài liên quan: Di sản đắt giá của Donald Trump — Trump là một bước ngoặt trong nền chính trị thế giới? — Trump: một con người, ba thái độ — Trump thiếu thông minh về cảm xúc

 

Nguồn: Baotiengdan.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn