Trong mớ bòng bong Toàn cầu hóa

Tác giả: Jens Glüsing, Laura Höflinger, Heiner Hoffmann, Ralf Neukirch, Michael Sauga, Bernhard Zand (Tuần báo Spiegel số 21/2023)

Người dịch: Nguyễn Phú Lộc

G7, câu lạc bộ của những nước không-còn-quan-trọng-lắm: Với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, trật tự thế giới trước đó đã kết thúc. Các quốc gia như Ấn Độ và Brazil đang thể hiện một phong cách tự tin mới. Sự trỗi dậy của các nước trước đây còn nghèo, cuộc đấu tranh với Trung Quốc, sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới – trật tự thế giới của thế kỷ 20 đã kết thúc bằng cuộc chiến của Nga. Các nước G7 đang mất dần ảnh hưởng, đặc biệt là châu Âu đang bị đẩy sang bên lề.

***

Vài năm trước, kiến trúc sư Nhật Bản Hajime Narukawa đã nhận được một trong những giải thưởng thiết kế uy tín nhất của đất nước mình. Ông đã thành công trong việc tạo ra một bản đồ chính xác về thế giới – ít nhất là chính xác hơn so với cách quy chiếu thông thường cố gắng mô tả tỷ lệ của quả đất theo hai chiều.

clip_image002

Như trên hầu hết các bản đồ thế giới ở châu Á, Narukawa không đặt Đại Tây Dương vào trung tâm mà là Thái Bình Dương. Bắc bán cầu nhỏ hơn và Nam bán cầu lớn hơn đáng kể so với bản đồ truyền thống. Các quốc gia Bắc Mỹ, Bắc Á và Châu Âu dường như bị nén lại một cách kỳ lạ, trong lúc Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Mỹ như được kéo rộng ra – nhưng đó là tỷ lệ thực sự. Greenland gần như biến mất ở rìa trên cùng của hình ảnh, làm cho Nam Cực hiển hiện rõ ràng hơn.

Tuần này, các nhà lãnh đạo của các nước G7 gặp nhau tại Nhật Bản trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 49, và giống như bản đồ của Narukawa, họ cũng phải đối mặt với một thế giới xem ra khác hẳn so với những gì họ còn nhớ trước đây.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã thay đổi quy mô xa hơn so với dự đoán tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của bảy quốc gia công nghiệp lớn của phương Tây. Vào tháng 6 năm 2022, “thời khắc Kiev” vẫn còn kéo dài, sự thống nhất được tái lập của phương Tây toàn cầu, đằng sau đó thế giới dường như đang tập hợp lại: Sau cuộc xâm lược của Putin, 141 quốc gia bỏ phiếu thuận nghị quyết của Liên Hiệp Quốc được đưa vào nghị sự bởi Ukraine, G7 và các quốc gia khác. Chỉ có bốn quốc gia bỏ phiếu cho Nga. Một sự khẳng định rõ ràng, thậm chí áp đảo, trên cơ sở trật tự thế giới tự do dựa trên quy tắc?

Cùng lúc đó, con số cao 47 quốc gia bỏ phiếu trắng hoặc hoàn toàn không bỏ phiếu đã gây ấn tượng – bao gồm cả những quốc gia nặng ký như Ấn Độ, Iran và Nam Phi, cũng như các quốc gia như Algeria, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam và Nam Phi. Nhìn chung, nhóm những nước chưa quyết định này đại diện cho khoảng một nửa dân số thế giới.

Số lượng các quốc gia không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga hóa ra còn nhiều hơn. Hầu như không có quốc gia nào ở Nam Mỹ, Châu Phi hoặc Trung Đông tham gia lệnh trừng phạt, chỉ có ba quốc gia ở Đông Á. Mexico, Brazil, Kenya, Indonesia và nhiều quốc gia khác vốn đang bỏ phiếu chống Nga tại Liên Hợp Quốc, nhưng lại không sẵn sàng trừng phạt chế độ của Putin về mặt kinh tế.

Nhìn từ góc độ này, điều đó đã tương đối hóa kết luận cho rằng cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine sẽ thống nhất thế giới. Nhìn kỹ lại, nên kết luận ngược lại thì đúng hơn. Tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit của Anh đã khảo sát 191 quốc gia và phân loại chúng theo mối quan hệ với Nga, hành vi ngoại giao và chính sách trừng phạt của họ. Kết quả: 52 quốc gia, chỉ chiếm 15% dân số thế giới, rõ ràng đứng về phía phương Tây, 12 quốc gia đứng về phía Nga. Nhưng 127 quốc gia không được liệt vào một trong hai phe.         

Hầu hết tất cả các quốc gia này đều thuộc về một khu vực mà nhiều người chỉ mới nhận thức được tầm quan trọng trong những tháng gần đây: Nam bán cầu. Thuật ngữ này được coi là hiện đại hơn để mô tả ý nghĩa trước đây của các thuật ngữ “Thế giới thứ ba” và “Phong trào Không liên kết”: rằng Bắc bán cầu phải đối mặt với một yếu tố quyền lực mới, cho dù mỗi nước ở các vùng đó cũng có những sở thích riêng lẻ khác nhau.

Việc Nga xâm lược Ukraine không chỉ gây nguy hiểm cho an ninh của châu Âu. Hậu quả của nó cũng đang ảnh hưởng đến các quốc gia ở phía Nam, những nước đã bị tụt lại phía sau kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc . Điều đó đã gây ra sự thất vọng sâu sắc ở đó: Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, châu Âu nói riêng phải từ bỏ quan điểm cho rằng “các vấn đề của châu Âu là vấn đề của thế giới, nhưng các vấn đề của thế giới không phải là vấn đề của châu Âu”.

Đồng thời, cuộc chiến Ukraine đang làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu giữa các siêu cường – trong một bối cảnh vượt ra ngoài phạm vi Chiến tranh Lạnh. Việc siết chặt hàng ngũ giữa Mỹ và Châu Âu một bên và bên kia là Trung Quốc và Nga càng tăng thêm áp lực cho các quốc gia ở Nam bán cầu khi muốn quyết định chọn một bên nào.

Thực tế là rất nhiều quốc gia trong số này đứng về phía phương Tây, tốt nhất là chỉ về mặt ngoại giao, và không liên quan gì đến yếu tố đạo đức. Nó nói lên sự miễn cưỡng của họ khi bị buộc phải chọn một giải pháp đứng về phe nào, như những trải nghiệm của họ trong Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất. Cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Larry Summers cho biết gần đây: “Chúng ta đang ở phía bên phải của lịch sử trong cam kết dân chủ và chống lại sự xâm lược của Nga”. Nhưng dần dần nó xem ra “hơi cô đơn ở phía bên phải của lịch sử.”

Do công việc của mình, Summers nhìn vào trật tự thế giới đang nổi lên do cuộc chiến Ukraine với con mắt lạnh lùng của một nhà kinh tế học. Những gì ông ấy thấy là “sự chấp nhận ngày càng tăng đối với sự phân mảnh” của thế giới. Và điều đó khiến ông ấy lo lắng “rằng mảnh ghép của chúng ta có thể không phải là mảnh ghép tốt nhất mà các nước khác muốn liên kết”. Những nước khác, “vốn ít liên kết hơn với phía bên phải của lịch sử, họ đang ngày càng hợp nhất thành một loạt các cấu trúc mới”.

Vậy thế giới mới bị phân mảnh này trông như thế nào? Những “cấu trúc” nào, như Summers nói, có thể được nhận ra? Ai có thể là người chiến thắng và kẻ thua cuộc – và cuối cùng thì châu Âu và Đức đứng ở đâu trong trật tự này?

Hiroshima

Thật trùng hợp khi cuộc họp G7 lần thứ hai sau khi bắt đầu của cuộc chiến ở Ukraine diễn ra ở Hiroshima. Nhưng hoàn cảnh hiện tại làm cho sự lựa chọn nơi này chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Với việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc với hậu quả là một trật tự quốc tế thành hình và tồn tại gần 80 năm: Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được ký kết tại San Francisco sáu tuần trước đó, và một năm trước đó là hội nghị Bretton Woods đặt cơ sở cho toàn cầu những quy định về tiền tệ, tài chính và thương mại.

Trong khuôn khổ của trật tự này, kỷ nguyên thuộc địa đã kết thúc, nó bị phủ bóng bởi cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Chiến tranh lạnh xem ra thật an bình ở châu Âu – nhưng nó diễn ra đẫm máu và nhiều hy sinh ở nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi, Đông Nam Á và bán đảo Triều Tiên.

Trật tự thế giới cuối thế kỷ 20 ngày càng được định hình bởi Hoa Kỳ. Hàng chục chế độ độc tài trước đây đã biến thành các nền dân chủ và các nước nghèo vươn lên thành các nền kinh tế thị trường thịnh vượng, từ Tây Ban Nha đến Đài Loan, từ Chile đến Hàn Quốc. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự thống trị của Mỹ đạt đến đỉnh cao, siêu cường Mỹ trở thành siêu cường độc tôn và trật tự thế giới trở thành Pax Americana.

Đánh giá này được liên kết với một trong số ít tuyên bố về trật tự thế giới ngày hôm nay và gần như chắc chắn có thể xem là đúng: “thời điểm đơn cực” của những năm 1990 đã qua. Mỹ có thể vẫn là cường quốc kinh tế và quân sự thống trị, nhưng sức nặng tương đối của nó đang giảm dần. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự kiện 11/9, thất bại của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – tất cả những sự kiện này đã góp phần chấm dứt kỷ nguyên toàn cầu hóa do Mỹ dẫn dắt. Khác với tình trạng nước Mỹ đã đạt được sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, một cường quốc duy nhất sẽ không còn có thể thống trị thế giới trong tương lai gần.

Ngay cả Tổng thống Mỹ cũng sẽ không khẳng định điều đó. Joe Biden, người có tiểu sử được định hình bởi Chiến tranh Lạnh, cũng coi trật tự thế giới mới là lưỡng cực. Tương tự như những người tiền nhiệm Ronald Reagan và George W. Bush, ông nhìn thế giới trong “cuộc chiến giữa dân chủ và chuyên quyền” kể từ cuộc tấn công của Putin vào Ukraine. Ông chia sẻ quan điểm này với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đứng đầu nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Họ cũng mô tả trật tự thế giới được định hình bởi một mâu thuẫn lớn duy nhất, đó là giữa “sự phấn đấu giành quyền bá chủ” của phương Tây và sự kháng cự của họ chống lại nó.

Không thể phủ nhận rằng thế giới đã có những dấu hiệu về một cuộc đối-đầu-khối mới kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine. Người ta nghi ngờ liệu nó có thể được đơn giản hóa thành những lựa chọn thay thế giản đơn như Biden, Xi và Putin đã làm hay không. Mặt khác, thực tế là Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với các chế độ độc tài như Ả Rập Saudi hay Việt Nam, và các quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển tìm kiếm sự bảo vệ của liên minh phương Tây theo sáng kiến của riêng họ – và không hề bị áp lực. Khác hoàn toàn với thực tế là ba vị Tổng thống, với quan niệm cường quốc lỗi thời, coi thế giới chỉ bị thống trị bởi quốc gia của họ và một lần nữa coi thường tầm quan trọng của Nam bán cầu.

Strasbourg

Chính ấn tượng này đã khiến Thủ tướng Liên bang Olaf Scholz phản bác lại trong bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg vào tuần trước. Ông nói: “Nhân loại sẽ không chấp nhận một trật tự thế giới hai hoặc ba cực. Thế giới thế kỷ 21 sẽ đa cực; nó đã có từ lâu”. Châu Âu cũng phải đối xử với các quốc gia ở Nam bán cầu “trên cơ sở bình đẳng” chứ không chỉ đến đó để thuyết phục.

Những phát hiện của Scholz thông minh và nhìn xa trông rộng hơn so với những phát hiện của ba Tổng thống cường quốc, ông tính đến “mối quan tâm và lợi ích chính đáng” của các quốc gia ở bên ngoài thế giới của gánh xiếc G7 già cỗi.

Nhưng ông quá lạc quan, đánh giá thấp sự phức tạp của các vấn đề của Nam bán cầu, sự tự tin và tức giận vốn đã phát triển trong nhiều thập kỷ chung quanh vấn đề phía bắc và nam của đường xích đạo. Việc thừa nhận “mối quan tâm và lợi ích chính đáng” sẽ không đủ. Các quốc gia phía Nam có những yêu sách hợp lý – ảnh hưởng chính trị trong các tổ chức quốc tế, an ninh và các hiệp định thương mại công bằng, bảo vệ khí hậu, đường sá, bến cảng, trạm trung chuyển và mạng điện thoại di động.

Và không giống như trong quá khứ, giờ đây họ có những lựa chọn thay thế khác phương Tây đối với những đòi hỏi này. Cựu Bộ trưởng Tài chính Summers đã nói bên lề cuộc họp mùa xuân của IMF ở Washington: “Ai đó từ một nước đang phát triển nói rằng, chúng tôi có một sân bay từ Trung Quốc. Những gì chúng tôi nhận được từ Mỹ là những bài thuyết trình. Đúng là chúng tôi thích các giá trị của bạn hơn, nhưng chúng tôi lại thích các sân bay hơn các bài giảng”.

Trên tất cả, Nam bán cầu ngày nay hùng mạnh hơn những gì Scholz mô tả ở Strasbourg bởi vì nó có thứ gì đó để cung cấp: lithium, đồng và coban – đồng thời cũng có sức nặng chính trị mà cả phương Tây và Trung Quốc đều quan tâm. 25 nước mạnh nhất của “khối không liên kết”, với 18% sản lượng kinh tế toàn cầu, họ đã đại diện nhiều hơn EU chỉ có 15%, theo Economist. Phương Tây phải điều chỉnh trước thực tế là các quốc gia này “thực dụng một cách cương quyết” và muốn thực hiện các thỏa thuận trên tinh thần là các lợi ích của họ cần được khẳng định.

Có lẽ quá bi quan khi coi trật tự thế giới mới là “trạng thái tự nhiên” vô luật pháp được lý thuyết gia nhà nước người Anh Thomas Hobbes mô tả trong cuốn sách của ông năm 1651 “Leviathan”. Nhưng nó có khả năng tương tự như “thế giới gian nan” giữa “những người khổng lồ” mà Willy Brandt, trích dẫn bởi Scholz, đã mô tả 50 năm trước trước Nghị viện Châu Âu. Nó sẽ khó trở thành trật tự “dựa trên quy tắc”, như một trong những từ thông dụng trong diễn ngôn địa chính trị hiện nay. Theo quan điểm của nhiều người ở Nam bán cầu, trật tự đó ngày nay thậm chí không còn hiện hữu.

Thế giới của thế kỷ 21 sẽ hỗn loạn đối với một châu Âu đã quen với các quy tắc, một phần được định hình bởi những mảnh ghép của trật tự cũ, nhưng được thúc đẩy bởi những tham vọng quyền lực mới. Một trong những nước lớn nhất trong số họ là Ấn Độ.

Bangalore

Nirupama Rao đã dành cả sự nghiệp của mình để giải thích quan điểm của Ấn Độ về thế giới cho những người khác. Bà từng là một nhà ngoại giao ở Moscow, Washington, Bắc Kinh và vươn lên trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Giờ đây, người phụ nữ 72 tuổi này đang nói chuyện điện thoại từ ngôi nhà nghỉ dưỡng của bà trên núi, nơi giới thượng lưu Ấn Độ chạy trốn cái nóng đầu năm. Ở đó, quan điểm của họ rất khác so với nhiều người châu Âu. Bà Rao hỏi: “Tại sao người dân ở Ấn Độ phải chịu khổ vì một cuộc chiến tàn khốc đang hoành hành cách đó hàng ngàn dặm?”

Tại sao Ấn Độ phải ủng hộ các biện pháp trừng phạt làm tăng giá năng lượng và gây hại cho các nước nghèo? Tại sao New Delhi phải ép đối tác Nga vào vòng tay của Bắc Kinh và qua đó tăng cường sức mạnh cho đối thủ? Lý do nào khiến Ấn Độ nên đứng về phía phương Tây? Bà Nirupama Rao không coi đó là biện pháp đúng: “Ấn Độ không quan tâm đến việc cô lập Nga”. Và điều đó nói lên quan điểm của phần lớn các quốc gia Nam bán cầu.

Khi cuộc chiến xâm lược Ukraine bắt đầu, nhiều người ở châu Âu kỳ vọng Ấn Độ sẽ có lập trường rõ ràng. Đất nước này là một nền dân chủ và có chung biên giới với nước láng giềng độc đoán Trung Quốc vốn thường có những có xung đột biên giới được lặp đi lặp lại. Nhưng New Delhi từ chối cam kết một chuyện gì. Khi bỏ phiếu trong Liên Hiệp Quốc, họ bỏ phiếu trắng. Ấn Độ chỉ gián tiếp lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga và không gọi Nga là kẻ xâm lược. Họ từ chối các lệnh trừng phạt, mua thêm dầu của Nga hơn bao giờ hết. Rất ít quốc gia đã làm nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế Nga. Rất ít nước được hưởng lợi nhiều hơn Ấn Độ từ trật tự thế giới mới, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nirupama Rao không thể thấy điều đó có gì là sai. Các nước châu Âu cũng làm các thỏa thuận năng lượng với các nhà độc tài trong khu vực Trung Đông. Không giống như châu Âu, Ấn Độ làm theo nhu cầu riêng. “Chúng tôi không cảm thấy cần phải tự tôn vinh mình là Sứ đồ đạo đức”. Bà Rao tin rằng New Delhi đang theo đuổi chủ nghĩa hiện thực thực dụng. “Chúng tôi đang nhìn về mọi hướng.”

Như thường lệ trong lịch sử của mình, Ấn Độ đang hành xử như một kẻ đi trên dây địa chính trị: đối với một quốc gia, dù là kẻ thù của những người bạn của mình, cũng nên duy trì các mối quan hệ với họ.

Islamabad, Riyadh, Cairo

Các nước khác trong khu vực lân cận của Ấn Độ cũng đang cố gắng định vị tương tự. Điều này được chứng minh bởi các tài liệu từ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ mà một nhân viên cũ đã công khai và từ đó tờ Washington Post đã trích dẫn. Một số quốc gia Trung Á quan tâm đến việc ‘khai thác’ tình hình thế giới mới để có lợi cho họ và “cố gắng làm việc với bất kỳ ai có thể mang lại kết quả nhanh nhất”. Đó là “Trung Quốc hiện tại”, theo đánh giá của các cơ quan Hoa Kỳ.

Đồng minh lâu năm của Mỹ là Pakistan dường như cũng nghiêng về phía Bắc Kinh. Trong một bản ghi nhớ nội bộ có tựa đề “Cuộc chọn lựa khó khăn của Pakistan”, cựu Ngoại trưởng Hina Rabbani Khar khuyên không nên hỗ trợ phương Tây. Do đó, Islamabad đang đưa quan hệ đối tác “chiến lược thực sự” với Bắc Kinh vào rủi ro – điều chắc chắn là nhằm vào Ấn Độ. Trên thực tế, Pakistan đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 23 tháng 2.

Các quốc gia quan trọng đối với Mỹ ở Trung Đông cũng đang xem xét lại lòng trung thành của họ: Ả Rập Saudi đã nối lại quan hệ với Iran dưới sự trung gian của Trung Quốc vào tháng 3, nhưng kháng cự việc tăng sản lượng dầu theo yêu cầu của Mỹ. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thúc đẩy việc xây dựng một cơ sở cảng, mà các cơ quan của Hoa Kỳ coi là một căn cứ quân sự tiềm năng trong tương lai cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ai Cập trước hết đã thất bại trong ý định làm cho hai cường quốc chống lại nhau. Theo các tài liệu bị rò rỉ, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã ra lệnh bí mật chuyển 40.000 tên lửa cho Nga. Do áp lực của Mỹ, Cairo được cho là đã gác lại kế hoạch này và hiện đang sản xuất đạn pháo cho Ukraine.

Kapstadt (Nam Phi)

Ở đầu bên kia của lục địa châu Phi, một hoạt động bí mật dường như đã thành công, với những hậu quả tính trước được: Vào ngày 6 tháng 12 năm 2022, tàu chở hàng “Lady R” của Nga cập cảng căn cứ hải quân Simon’s Town gần Cape Town. Tàu chở hàng rời cảng Nam Phi hai ngày sau đó. Một cuộc giằng co ngoại giao kéo dài hàng tháng bắt đầu. Bởi vì các cơ quan mật vụ Hoa Kỳ đã chắc chắn: “Lady R” đã lấy vũ khí và đạn dược lên tàu ở Simon’s Town, để sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraina.

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã cố gắng trong một thời gian dài để giải quyết vấn đề một cách kín đáo. Nhưng vụ việc đã leo thang vào tuần trước. Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Phi đã đưa ra các cáo buộc công khai – với nhận xét bất thường rằng ông ta sẽ đánh cược mạng sống của mình rằng thông tin của ông ta là chính xác. Chính phủ phủ nhận các cáo buộc. Vụ bê bối ngoại giao đã khiến đồng rand của Nam Phi sụp đổ và tạm thời gây nguy hiểm cho thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.

Thí dụ này cho thấy nên tính trước những xung đột sẽ xảy ra trong tương lai. Khoảng một nửa số phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về Ukraine đến từ châu Phi. Nhiều nước có quan hệ lâu đời với Nga, trong đó có Nam Phi. Trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc ở đó, Liên Xô đã sát cánh cùng đảng cầm quyền ngày nay, ANC. Pretoria cảm thấy gắn bó với Moscow, nhưng đồng thời không muốn mối quan hệ của mình với phương Tây có thể sinh ra rủi ro.

Không chỉ quan điểm của phương Tây về châu Phi, mà cả nhận thức về bản thân cũng thay đổi. Như ở New Delhi, Doha và Riyadh, các nguyên thủ quốc gia từ Bắc địa cầu thường xuyên bay từ Dakar đến Nairobi và lục địa này hiện được coi là “đối tác chiến lược”. Vào tháng 8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã ở Pretoria. Sau đó là người Nga Sergey Lavrov. Thế giới đang gặp nhau ở Châu Phi.

Ngoài việc duy trì các mối quan hệ chính trị, nó còn là về nguyên liệu thô – như thói quen từ lâu, khi thế giới quan tâm đến Châu Phi. Trong đảng Dân chủ Cộng hòa Congo, người Trung Quốc và người Úc đang tranh giành lithium, thứ có giá trị cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Ở Senegal, nước Đức của Thủ tướng Scholz là một trong số nhiều nước muốn thương lượng về khí đốt tự nhiên.

Một loại lực đẩy ngược lại đã hình thành: miền Bắc toàn cầu đang đưa ra đề nghị với châu Phi thay vì đưa ra yêu cầu. Nhiều chính phủ giờ đây có thể chọn xem họ muốn xây cầu đường bộ hay đường sắt mới với các đối tác Trung Quốc hay châu Âu: đừng gọi điện cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gọi cho bạn.

Martin Kimani, Đại sứ Liên Hợp Quốc của Kenya tại New York, cho biết: “Trung Quốc đã chứng minh rằng một quốc gia có thể đi từ nghèo đói đến thịnh vượng trong vòng một thế hệ”. “Điều đó gợi cảm hứng cho nhiều quốc gia ở Châu Phi, bao gồm cả Kenya. Người dân của chúng tôi không còn chấp nhận rằng họ phải đợi 100 năm nữa trước khi bước lên tầng lớp trung lưu. Họ muốn nó ngay lập tức”. Và Trung Quốc rất giỏi trong việc xây dựng nhanh chóng.

Trước thềm cuộc xâm lược của Nga, Kimani đã có một bài phát biểu được đón nhận nồng nhiệt trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó ông nói về “nỗi hoài niệm nguy hiểm” của Putin và cảnh báo một sự vi phạm biên giới đang hiện hữu. Ông nói hôm nay: “Cú sốc mà cuộc chiến này gây ra ở châu Âu đã cho chúng tôi ở châu Phi thấy rằng: cho dù bạn giàu có nhưng không có nghĩa là bạn không sợ hãi”. Kinh nghiệm này về châu Âu đã khiến hai châu lục gắn kết với nhau. “Châu Phi cũng sợ – cụ thể là việc phá hủy trật tự an ninh châu Âu sẽ phá hủy chính trật tự thế giới để rồi lại lao vào chiến tranh lạnh. Điều này đến lượt nó có thể biến thành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, mà lục địa của chúng tôi đặc biệt dễ bị tổn thương do tài nguyên thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng do những điểm yếu về chính trị của nó”.

Rio de Janeiro

Khi “Lady R” đã đi vòng quanh châu Phi và quay trở lại Biển Đen, một con tàu kỳ lạ khác xuất hiện ở tây nam Đại Tây Dương: “Makran”, còn được gọi là “quái vật của biển cả”, một tàu chở dầu trước đây được Hải quân Iran cải tạo thành tàu chiến và được trang bị trực thăng, tên lửa và máy bay không người lái.

clip_image004

Cùng với tàu khu trục nhỏ “Dena”, con tàu khổng lồ xuất hiện vào cuối tháng 2 tại một vịnh mà nếu không có hoạt động chiến tranh thì cũng không có gì để nghi ngờ: Những người tắm biển trên bãi biển Ipanema theo dõi “Dena” tiến vào cảng Rio de Janeiro – vài tuần sau khi Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đến thăm người đồng cấp Joe Biden ở Washington. Trên tàu “Dena”, Iran làm lễ kỷ niệm 120 năm quan hệ ngoại giao với chủ nhà Brazil.

Người Mỹ coi chuyến thăm là một hành động khiêu khích: Nhà Trắng chỉ trích rằng, việc đón tiếp các tàu chiến “thuộc về một chế độ đàn áp dã man người dân của họ và cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine” đã gửi đi một “thông điệp sai lầm”.

Nhưng tín hiệu mà chính phủ Brazil muốn gửi đi trong chuyến thăm gây tranh cãi này lại hoàn toàn khác: Chúng tôi sẽ không để bất kỳ cường quốc nào ra lệnh cho các chính sách của mình. Ngoại trưởng Mauro Vieira làm rõ rằng không có “liên minh tự động”.

Hầu hết các chính phủ Brazil, kể cả trước Lula cánh tả, đều hành động theo châm ngôn này. Ngay cả chế độ độc tài quân sự lên nắm quyền với sự giúp đỡ của Washington vào năm 1964 cũng có quan hệ tốt với nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq và với kẻ thù thời chiến của ông ta là Iran.

Lula cũng không chia thế giới thành chế độ chuyên quyền và chế độ dân chủ – mặc dù, không giống như Biden, bản thân ông đã từng đấu tranh gay gắt chống lại chế độ độc tài.

Trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã đến thăm các bạo chúa ở Trung Đông và các nơi khác. Đó là một phần trong ý thức của Lula về một trật tự thế giới trong đó Brazil có một vị trí quan trọng – một trong những lý do khiến ông thúc đẩy phải cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Brazil, quốc gia có 217 triệu dân, muốn có một ghế thường trực với tư cách là đại diện của Mỹ Latinh.

Vị trí của Lula trong cuộc chiến Ukraine cũng có thể được giải thích dựa trên bối cảnh này. Ông nghiêm khắc từ chối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Khi Thủ tướng Scholz, trong chuyến thăm Brazil, đề nghị mua lại đạn dược cho xe tăng Leopard 1 để chuyển giao cho Ukraine, ông đã bị Lula từ chối.

Thái độ của Lula cũng nhận được sự thiện cảm ở Mexico và Argentina. Nguyên tắc không can thiệp được ghi trong Hiến pháp Mexico và Brazil.

Thượng Hải

Nhưng các kế hoạch của Lula cho một trật tự thế giới mới xem ra cụ thể hơn các điều khoản trong Hiến pháp của Brazil. Vào giữa tháng 4, ông ấy đến Thượng Hải. Trong một bài phát biểu trước ngân hàng phát triển của các quốc gia được gọi là Brics (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), ông đã làm lung lay thứ có lẽ là nền tảng vững chắc nhất của trật tự thế giới hiện tại: đồng đô la Mỹ.

Lula phát biểu: “Tôi tự hỏi mình mỗi đêm: Tại sao tất cả các quốc gia phải gắn thương mại của họ với đồng đô la?”. “Ai thực sự đã quyết định rằng tiền tệ của chúng ta yếu và không có giá trị ở các nước khác?” Tại sao một tổ chức như Ngân hàng Brics không thể tạo ra một cơ sở khác để Brazil có thể đảm bảo thương mại với Trung Quốc và các nước khác?

Nhiều chuyên gia tài chính vẫn cười cợt về kế hoạch táo bạo của Lula. Nhưng có phải nó chỉ là một sự tưởng tượng? Các quốc gia ký kết của Ngân hàng Brics hiện cũng bao gồm Ai Cập, Bangladesh, Uruguay và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đang được thảo luận để trở nên thành viên của BRICS.

Hoa Thịnh Đốn

Jake Sullivan đã có một sự nghiệp công chức xuất sắc của mình, nhưng không nhất thiết với tư cách là một nhà kinh tế. Ông ấy học luật và chính trị và hiện là Cố vấn An ninh Quốc gia của Biden, bộ óc chiến lược cho những câu hỏi lớn về địa chính trị.

Tuy nhiên, trong chính quyền Biden, chính sách kinh tế và đối ngoại là một, và thật phù hợp khi Sullivan đưa ra bài phát biểu quan trọng về kinh tế vào cuối tháng Tư. Tại Viện Brookings, một viện nghiên cứu chính sách ở Washington, ông giải thích cách Nhà Trắng hình dung ra “sự đổi mới vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ”: thông qua đầu tư của chính phủ, co cụm thị trường Mỹ và trợ cấp công nghệ chiến lược của tương lai. Sullivan không nói về thương mại tự do và thị trường mở, như thông lệ dưới thời Barack Obama, nhưng về một “chiến lược công nghiệp mới” và một “môi trường được đặc trưng bởi tính cạnh tranh về địa chính trị và an ninh”.

Ông khó có thể báo hiệu rõ ràng hơn rằng, kinh tế sẽ có tầm quan trọng thứ yếu trong trật tự thế giới mới. Thay vì câu châm ngôn của Bill Clinton “Đó là chuyện kinh tế, đồ ngu”, Biden ưu tiên cho chính sách đối ngoại. An toàn là trên hết, sau đó mới đến kinh doanh.

Chính Hoa Kỳ, sau sự sụp đổ của Liên Xô, đã nhiệt tình chào đón thời kỳ bình minh của chủ nghĩa tư bản tăng tốc. Vào thời điểm đó, người ta nói về “sự thống trị thị trường” và “sự kết thúc của nhà nước dân tộc”, mà cuối cùng phải làm theo những gì các tập đoàn đa quốc gia thiết kế lộ trình cho nó. Vào thời đó, người ta nói rằng nếu các chính trị gia vẫn muốn định hình một cái gì đó, thì phải sử dụng các tổ chức xuyên quốc gia như IMF hoặc Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ba thập kỷ sau, quốc gia này mạnh hơn bao giờ hết. Cuộc khủng hoảng tài chính báo trước sự kết thúc của các quy định kiểm soát thị trường vốn. Sau đó, đại dịch và chiến tranh ở Ukraine đã làm rõ một cách đáng kinh ngạc rằng trao đổi kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến sự phụ thuộc nguy hiểm. Trong khi cho đến gần đây, các chính phủ đang cố gắng tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa, thì nhiệm vụ của họ bây giờ là tổ chức ít nhất một cuộc rút lui từng phần. “Tách rời” và “giảm thiểu rủi ro” là những từ khóa của học thuyết kinh tế mới: cắt đứt và chuyển hướng các luồng dịch chuyển thương mại và hàng hóa một cách có chọn lọc.

Trong Chiến tranh Lạnh sắp xảy ra giữa chế độ chuyên chế và dân chủ, người ta ít nói về thương mại tự do hơn là về các biện pháp trừng phạt, thuế quan trừng phạt và các yêu cầu sản xuất trong nước. Sự cô lập ra bên ngoài tương ứng với một chính sách công nghiệp nội bộ, đôi khi được gọi là “Made in China 2025” (Tập Cận Bình), đôi khi là “Nước Mỹ trên hết” (Donald Trump) hoặc “Xây dựng lại tốt hơn” (Joe Biden). Các chính trị gia xác định nơi có thể bán vi mạch và nơi có thể lấy coban hoặc lithium – chứ không phải thêm lợi nhuận hoặc giảm chi phí sản xuất.

Các tổ chức trung tâm của nền kinh tế hậu chiến toàn cầu hầu như không đóng vai trò gì nữa. Tổ chức Thương mại Thế giới gần như bị tê liệt bởi sự phong tỏa của Hoa Kỳ. Và thay vì Ngân hàng Thế giới và các quỹ tiền tệ quốc tế ngày nay quyết định các chương trình phát triển như Sáng kiến Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh, nước nào nhận tiền để xây cầu, đường sắt hay sân bay.

Chủ nghĩa tư bản đang thoái trào, và cùng với nó là nhà tư bản. Nếu vài năm trước đây, sự phát triển chỉ được định hình bởi các doanh nhân như Steve Jobs (Apple) hoặc Jack Ma (Alibaba), ngày nay các chính phủ xác định ngành nào nên phát triển hoặc thu hẹp và những gì được phép giao dịch với ai.

Bruxelles

Khi Ursula von der Leyen được đề cử làm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu vào mùa hè năm 2019, bà ấy đã tuyên bố rằng bà ấy muốn lãnh đạo một “ủy ban địa chính trị”. Điều nghe có vẻ hơi khoa trương vào thời điểm đó hóa ra lại mang tính tiên tri. Đại dịch bùng phát ở Trung Quốc vài tuần sau khi bà nhậm chức, và hai năm sau, quân đội Nga xâm chiếm Ukraine.

Ngày nay, có một sự đồng thuận rằng châu Âu phải đại diện cho lợi ích của mình một cách chiến lược hơn trước. Điều này liên quan đến sự phụ thuộc kinh tế, nhưng cũng liên quan đến nhận thức rằng trong một thế giới đa cực, châu Âu không nên thoải mái theo đuôi sự trỗi dậy của Mỹ. Giống như Thủ tướng Đức Scholz, bà Von der Leyen đang nỗ lực giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và kết nối châu Âu với các nước vốn dĩ không muốn dấn thân vào cuộc cạnh tranh giữa Moscow, Bắc Kinh và Washington.

Hiệp định thương mại tự do sẽ được hoàn thành vào mùa hè giữa EU và các nước Mercosur Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Điều đó đã bị trì hoãn kể từ năm 2019. Giờ đây, Nam Mỹ sẽ giúp cho EU có thể độc lập hơn về kinh tế.

“Cổng toàn cầu” phục vụ cho cùng một mục đích – sáng kiến mà Von der Leyen thực hiện là một dự án trung tâm trong nhiệm kỳ của bà. Với chương trình cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la, EU muốn đảm bảo khả năng tiếp cận tốt hơn và thiện chí chính trị ở Châu Phi, Châu Á và khu vực lân cận Châu Âu. Các thỏa thuận về nguyên liệu thô được lên kế hoạch với các quốc gia như Namibia, các hành lang năng lượng đến Tây Balkan và Tunisia hoặc một nhà máy khử muối ở Jordan. Vào cuối năm 2022, người đứng đầu ủy ban tuyên bố rằng cơ sở hạ tầng là “trung tâm của địa chính trị ngày nay”.

Sự tái định hướng của EU đối với Nam bán cầu chỉ là một trong những vấn đề. Xung đột khác xoay quanh ” tự trị chiến lược” của châu Âu. Điều đó chính xác có nghĩa là gì thì lại chưa có sự thống nhất ý kiến.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn làm cho EU độc lập hơn với Hoa Kỳ. Châu Âu không được trở thành “chư hầu” của Mỹ, Macron nói như thế đúng vào lúc trên đường trở về sau chuyến công du Trung Quốc. Đó là một quan điểm bị bác bỏ ở Brussels và Berlin.

Hoa Kỳ vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Đức, Scholz nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Quốc hội Strasbourg. Các nước Đông Âu như Ba Lan hay vùng Baltic thậm chí còn ít nghĩ đến các ý tưởng của Pháp. Đối với họ, NATO hiện quan trọng hơn EU.

Nhưng dù sao đi nữa, câu hỏi trước mắt không phải là châu Âu nên tách mình ra bao xa khỏi Mỹ. Điều cấp bách hơn nhiều là: điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ quay lưng lại với châu Âu?

Nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump có thể thành hiện thực. Điều đó có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ của Mỹ với Nga, cũng khó để dự đoán một cách chắc chắn. Quan hệ Trung Quốc có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Ngoại trưởng cuối cùng của Trump, Mike Pompeo, đã kêu gọi Đài Loan được công nhận là một quốc gia độc lập. Đó sẽ là lý do để cho Bắc Kinh gây chiến, với những hậu quả chấn động cả thế giới. Khi đó Nam bán cầu sẽ đứng về phía nào là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Cuộc chiến Ukraine cho ta một cách phỏng đoán: không nhất thiết là đứng về phía của phương Tây.

Châu Âu nên làm thế nào, nước Đức nên làm thế nào để chuẩn bị cho những kịch bản như vậy?

Việc Nga xâm lược Ukraine đã cho thấy EU phụ thuộc vào Mỹ như thế nào. Nếu không có sự hỗ trợ của họ, Ukraine không thể tự bảo vệ mình và châu Âu sẽ không sớm thay thế Mỹ. Tuy nhiên, EU phải sử dụng nhiệm kỳ còn lại của Joe Biden để trở nên mạnh nhất có thể về mặt quân sự. Nhưng châu Âu cần phải lên kế hoạch xa hơn thế. Với tư cách là Tổng thống, Trump đã đe dọa các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu bằng một hình thức đòi hỏi “tiền mãi lộ”: Nếu bạn không trả tiền, chúng tôi sẽ không bảo vệ bạn. Với tư cách là một ứng cử viên, ông đã lặp lại lời đe dọa này đối với châu Âu vào tuần trước.

Đối với Trung Quốc, châu Âu đang đi xa hơn. Chiến lược giảm thiểu rủi ro của Von der Leyen dù có thể mơ hồ như thế nào, nhưng ý tưởng cơ bản là đúng: EU phải tiếp tục đa dạng hóa và đảm bảo rằng họ có các lựa chọn thay thế Trung Quốc trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

New York

Đồng thời, châu Âu nên làm chậm lại vòng xoáy của chủ nghĩa bảo hộ do Trung Quốc khởi xướng và được tăng tốc bởi Hoa Kỳ. Trên hết, lệnh cấm xuất khẩu phải được hạn chế nghiêm ngặt. Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ cao, vẫn có những nghi ngờ về mục đích của chúng: chúng cũng có thể đạt đến tác dụng ngược với mong muốn trong một nền kinh tế mạnh mẽ và được kết nối toàn cầu như Trung Quốc – ví dụ, khi quốc gia này kiên quyết thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình hơn nữa.

Điều này đặc biệt đúng khi giao dịch với Nam bán cầu. Châu Âu nên có nhiều thỏa thuận thương mại cởi mở hơn với Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, cho phép các quốc gia ở đó nhập khẩu vào Châu Âu nhiều hơn so với Châu Âu xuất khẩu trong những năm béo bở của toàn cầu hóa. Hoa Kỳ đã đi theo bản năng ngược lại trong nhiều năm. Châu Âu vẫn có sức nặng để thay đổi hướng đi ở đây. Nó không nên đứng yên ở tình trạng này.

Richard Gowan, người đứng đầu văn phòng của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại Liên Hợp Quốc ở New York, nói: “Thật kỳ lạ: Hầu như tất cả các quốc gia lâu đời đều nói rằng họ muốn hành động vì một trật tự thế giới công bằng hơn. Nhưng trên thực tế, tất cả họ đều đang nâng cao cầu rút.” Thí dụ, Trung Quốc không xem xét việc cho phép một quốc gia châu Á khác, Ấn Độ, có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hoa Kỳ đã chặn Tổ chức Thương mại Thế giới bất cứ nơi nào có thể.

Còn châu Âu?

“Người châu Âu đang làm quá lên với những cuộc biểu tình về việc họ quan tâm đến những mối quan tâm của thế giới ở trung tâm của Nam bán cầu như thế nào” Gowan nói. “Nhưng trên thực tế, bạn quan tâm đến việc củng cố khối châu Âu. Và bạn sẽ không làm bất cứ điều gì để tạo thêm ảnh hưởng cho các quốc gia như Brazil hay Nam Phi bởi vì họ có xu hướng nghiêng về Nga”.

Vâng, toàn cầu hóa đã làm thế giới phức tạp hơn, và tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng đó là lý do để thay đổi chúng và làm cho chúng công bằng hơn chứ không phải để bãi bỏ chúng.

Nguồn: Im Globalen Dschungel – Tuần báo Der Spiegel số 21/2023 trang 74-80 (báo giấy, không có links)

Nguồn bản dịch: Diễn đàn Khai phóng

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn