Điểm sách “Nhật Bản và Việt Nam là đồng minh tự nhiên” của Umeda Kunio

Nguyễn Đình Cống

Tôi mạnh dạn viết ra vài điều có thể “không dễ nghe” đối với TG cũng như đối với một vài người Việt Nam, nhưng tôi viết với tấm lòng kính trọng, biết ơn TG, ông Umeda Kunio và cầu chúc cho sự phát triển của Việt Nam.

Tác giả Umeda Kunio (TG) người Nhật, sinh năm 1954, là một nhà ngoại giao có hoạt động rộng ở nhiều nước, làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam từ năm 2016 đến 2020. Sách được viết xong vào tháng 5 năm 2021, Nguyễn Thị Lan Hương dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2023.

Sách viết về những tình cảm, việc làm của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản cũng như của tác giả đối với Việt Nam. Đó là những tình cảm và việc làm tốt đep, có hiệu quả phát triển kinh tế trong thời gian vài chục năm vừa qua.

Mục lục sách gồm: Lời nhà xuất bản, Lời giới thiệu, Lời tác giả, Lời nói đầu và nội dung gồm 7 chương, mỗi chương chia thành các mục, từ 1 đến 21, đánh số liên tục qua các chương.

Khi đọc sách tôi có vài nhận xét, có tán thành và có phản biện vì chưa nhất trí với một vài ý kiến. Tôi xin trình bày theo từng mục, từ đầu đến cuối. Những mục không có nhận xét gì được bỏ qua. Những điều tán thành là hay, đúng, thể hiện tấm lòng ưu ái của TG, của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đối với Việt Nam (VN) rất nhiều, tôi không kể ra hết vì sẽ làm cho bài viết khá dài. Tôi chỉ dẫn ra vài việc có ý nghĩa và tập trung chủ yếu vào một số điều chưa nhất trí với TG.

Viết bài này tôi có ý định thử lý giải ý sau của Nhà xuất bản (NXB): “Xuất phát từ sự kính trọng dành cho TG… Nhà xuất bản đã ấn hành bản dịch… Điều này không có nghĩa là NXB chia sẻ hoàn toàn các quan điểm, nhận xét – thậm chí là phán xét – hay cảm nhận mang tính chủ quan của TG khi tiếp cận một vấn đề nào đó”.

Không “chia sẻ hoàn toàn” nghĩa là có ý kiến được tán thành, có ý kiến được phản biện. Tôi không biết ý kiến của NXB như thế nào, chỉ trình bày ý kiến cá nhân, may ra có vài ý trùng nhau. Viết bài này gọi là có tiếng nói điểm sách để trao đổi với các độc giả.

Trong lời tác giả, Kunio viết: “Tôi tin tưởng rằng VN trở thành một quốc gia hùng cường hơn, thịnh vượng hơn… Trong cuốn sách nhỏ này có lẽ có những câu chuyện không dễ nghe đối với người Việt Nam, nhưng tôi viết với tất cả tấm lòng cầu chúc cho sự phát triển của Việt Nam”.

Tôi cũng mạnh dạn viết ra vài điều có thể “không dễ nghe” đối với TG cũng như đối với một vài người Việt Nam, nhưng tôi viết với tấm lòng kính trọng, biết ơn TG, ông Umeda Kunio và cầu chúc cho sự phát triển của Việt Nam.

TG tin tưởng là dựa vào sự phát triển kinh tế của VN trong vài năm cuối thế kỷ 20, đầu TK 21. Đó là niềm tin không đến nỗi thiếu căn cứ, nhưng quá lãng mạn vì sự phát triển đó không vững chắc, thiếu động lực mạnh, hơn nữa kinh tế tuy có phát triển nhưng môi trường bị tàn phá, giáo dục, đạo đức xuống cấp thì không thể cho là quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Lời giới thiệu của GS Trần Văn Thọ, người hiệu đính bản dịch. Theo GS Thọ, Nhật Bản có thể rút ra ba bài học từ lịch sử VN trong quan hệ với Trung quốc. Một là nâng cao cảnh giác; Hai là củng cố sức mạnh và hợp tác với các nước khác; Ba là khi đối diện với những hành động xâm lược thì phải phản kháng mạnh mẽ. Không biết rồi Nhật có học được hay không chứ lãnh đạo VN hiện nay hầu như không tiếp thu được những bài học từ tổ tiên.

Trong lời mở đầu TG viết: “Sự tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao giữa hai nước tăng cao”… “Chúng ta đã trở thành đồng minh tự nhiên của nhau…”. Đúng là tin cậy có tăng, nhưng cao đến bao nhiêu, chưa biết. Đúng là đã trở thành đồng minh tự nhiên trong một vài lĩnh vực. Nhưng liệu Nhật - Việt đã trở thành bạn thân được không thì chưa có thể nói. Để trở thành bạn thân người ta phải cùng quan điểm chính trị, sẽ thân hơn khi cùng niềm tin tôn giáo. Về chính trị thì Việt và Nhật đi theo hai đường khác nhau, bên này phản bác bên kia. Trước đây các nước dân chủ rất lo sợ sự xâm nhập của cộng sản nên tìm mọi cách ngăn ngừa và xa lánh. Ngày nay người ta chủ trương chung sống hòa bình, tôn trọng sự lựa chọn chế độ chính trị của người khác. Nhưng tôn trọng còn xa mới đến tán thành, còn xa mới đến việc cho rằng đó là sự lựa chọn khôn ngoan, hợp lý.

Về tôn giáo thì lãnh đạo VN theo trường phái vô thần và đa số dân theo đạo Phật, nhưng Phật giáo ở VN đã bị quốc doanh hóa nặng nề. Việt - Nhật thân nhau hơn so với vài nước khác nhưng chưa thành bạn thân được.

Việt - Nhật chỉ trở thành thân thiết trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Cộng. Nhưng quan hệ đó có điểm khác cơ bản. Nhật, tuy hiện nay bị Trung Cộng gây hấn ở Biển Đông, tranh chấp đảo Điếu Ngư, nhưng đã có thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Quốc, còn VN thì tuy lịch sử có những chiến công chống giặc Tàu, nhưng mấy chục năm qua lại bị lệ thuộc vào họ quá đáng.

Về việc các bạn trẻ Việt Nam sang lao động ở Nhật, theo TG thì đó là việc tốt, giúp giải quyết nạn già hóa dân số của Nhật, nhưng theo quan điểm của tôi thì đó chỉ là giải pháp tình thế, không cơ bản. Khác với người Hàn và người Nhật sang Việt Nam để làm thầy, người Việt sang Nhật chỉ để làm thợ, làm người giúp việc là chủ yếu. Xuất khẩu lao động là một biến thể của buôn bán nô lệ trong xã hội văn minh.

Lãnh đạo VN tự hào vì họ giữ được ổn định chính trị. TG nêu lại như là một lời ca ngợi, một điều kiện để nhận đầu tư của nhiều nước. Chỗ này có một nhận thức cần thảo luận. Để phát triển thì ổn định xã hội quan trọng hơn và ổn định chính trị là một trong những điều kiện cần cho ổn định xã hội. Mà xã hội VN đang kém ổn định, hơn nữa sự ổn định chính trị hiện nay của VN không phải tự thân mà cần chống đỡ. ĐCSVN chống đỡ bằng hai lực lượng là bạo lực của công an và tuyên truyền dối trá của tuyên giáo. Nếu hai lực lượng ấy bị suy yếu thì ổn định sẽ mất.

Dựa vào tình hình chống dịch từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, TG đưa ra nhận xét: VN là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong phòng chống đại dịch Covid-19. Đó là nhận xét quá vội vàng, quá lạc quan và sẽ thấy là sai khi tiếp tục theo dõi tình hình từ cuối năm 2021 trở về sau. Nhưng có thể thông cảm với nhận xét này vì thời gian TG kết thúc viết sách vào đầu năm 2021.

Mục 1 Chuyến thăm VN đầu tiên của Nhật hoàng và Hoàng hậu

Chuyến thăm từ ngày 28 tháng 2 đến 5 tháng 3 năm 2017. Ngoài những nghi lễ thông thường, hai vị đã gặp gỡ các vợ, con của lính Nhật được bỏ lại miền bắc VN từ năm 1954. Năm 1945 quân Nhật rút về nước, nhưng có một số ở lại, lấy vợ người Việt, tham gia cùng Việt Minh đánh Pháp. Những người này, năm 1954 về Nhật, để lại vợ con. Lúc gặp Nhật hoàng, bà Nguyễn Thị Xuân đã 93 tuổi, ông Ngô Gia khánh 72 tuổi. Những người vợ và con của lính Nhật này sau đó được tổ chức đi thăm Nhật, nhiều người được đến viếng mộ, thắp hương cho chồng, cho cha.

Ngày 4 tháng 3, Nhật hoàng đến thăm khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Huế. Nhân việc này, TG ôn lại công cuộc “Đông du” của Chí sĩ Phan Bội Châu và tình bạn thắm thiết của ông với Bác sĩ Asaba Akitaro. Tình bạn đó là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử giao lưu Việt Nhật.

Mục 3 Trung Quốc từ góc nhìn của VN

TG viết: “Không những Chính phủ mà người dân VN cũng có ý thức cảnh giác, đề phòng Trung quốc”. Viết như thế, tuy đã tách chính phủ và người dân, nhưng lại đặt chính phủ lên trước, người dân theo sau. Trong nhiều chuyện thì đúng như vậy, nhưng trong quan hệ VN-TQ thì có hơi khác.

Việc tàu TQ đặt dàn khoan HD 981 là tương đối rõ. Tháng 5 năm 2014, TQ đem dàn khoan HD 981 đặt ở biển VN. Chính phủ chỉ cho người của Bộ Ngoại giao ra tuyên bố phản đối, lời văn theo mẫu, nhưng thể hiện yếu ớt, trong khi đó lại mạnh tay đàn áp các cuộc biểu tình của người dân tự tổ chức để phản đối Trung Cộng xâm lấn.

Ở trang 55, TG viết: “Trình độ hiểu biết về TQ của VN vô cùng cao”. Viết như vậy dễ gây nhầm. VN nào, dân hay lãnh đạo cấp cao? Hiểu biết của dân có nhiều mức độ, mà mức độ cao là của những trí thức tinh hoa, những người này đang bị đảng cầm quyên thù ghét, tìm cách triệt hạ, còn lãnh đạo cao cấp, trong lòng không biết như thế nào chứ thể hiện ra bên ngoài thì rất đáng lo ngại.

Cuối mục, TG viết được một câu có nghĩa: “… Nhưng nếu Chính phủ VN thiếu cương quyết trước những hành vi đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ VN của Trung Quốc thì họ sẽ mất đi sự tin tưởng và ủng hộ của người dân…”.

Không phải là “sẽ mất” mà thực tế là đã mất.

Mục 4 Sự trỗi dậy và hành vi của Trung Quốc

TG trình bày giấc mộng làm bá chủ và sự trỗi dậy của TQ với những “chiến thuật” như: tằm ăn dâu, luật pháp, dư luận, tâm lý... Đó là những thủ đoạn nham hiểm, thâm độc. Trong các thủ đoạn thì có lẽ việc hối lộ các nhân vật cấp cao trong chính quyền các nước là việc mà Trung Cộng đã phát huy truyền thống và đạt trình độ nghệ thuật bậc cao. Tuy vậy trong sách chỉ viết loa qua: “bằng cách trao lợi ích kinh tế cho một nhóm người”. Với VN, Trung Cộng còn có sự thâm hiểm là xúi giục chính quyền tìm cách triệt hạ những trí thức tinh hoa (để chúng dễ bề thao túng) bằng cách vu cho họ là phần tử chống đối nguy hiểm.

Mục 6 – Mối quan hệ giữa Nhật và Việt

Các nhà lãnh đạo VN khẳng định rằng “Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy và quan trọng nhất của VN”. Điều đó đúng, vì người Nhật đã thể hiện những đức tính tốt đẹp, trung thực, tôn trọng, hòa hiếu. Thế còn lãnh đạo của Nhật có dám xem lãnh đạo VN là đáng tin cậy không khi mà, lãnh đạo Việt về đối nội thì độc tài, tàn bạo, dối trá tràn lan, nói nhiều điều hay mà làm ngược lại, họp hành và viết nhiều nghị quyết nhưng phần lớn chỉ là những thứ tào lao, rất dị ứng với chế độ tam quyền phân lập, không tôn trọng nhân quyền và công lý, chống tham nhũng có vẻ tích cực, nhưng chệch hướng, không phòng chống được, chỉ mới trừng phạt một số vụ. Đối ngoại theo hình tượng “cây tre”, gió chiều nào ngả theo chiều đó. Có nhiều điều mà cộng sản Việt Nam tôn sùng thì đã bị thế giới vứt vào đống rác từ lâu.

TG viết: “Tôi càng vững tin rằng vai trò quan trọng của VN sẽ được nâng lên một mức cao hơn nữa”. Nâng lên cao như thế nào đã được viết trong một đoạn trên (lời nói đầu)

Mục 12 Hiện trạng của nền kinh tế VN

TG dưạ vào sự phát triển cơ sở vật chất trong những năm đầu của thế kỷ 21 mà đưa ra nhận định lạc quan, rằng: “Xã hội VN ngập tràn hy vọng, không khí cả nước hào hứng và tươi sáng… VN sẽ làm nên điều kỳ tích ở khu vực châu Á. Tuy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự cần cù, bền bỉ và khát vọng…dự đoán này hoàn toàn có khả năng xẩy ra”.

Những người quá tin vào chính quyền và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN nghe mà sướng cái lỗ tai. Như là được trích từ lời tuyên truyền hoặc nghị quyết của đảng. Viết như vậy có khả năng bị lợi dụng để tuyên truyền (vì đây là nhận xét của một người Nhật).

Cuộc sống xã hội gồm vật chất và tinh thần. Ban đầu, khi đang nghèo đói thì vật chất là quan trọng. Khi vật chất đã tạm đủ thì vai trò của tinh thần tăng lên. Phát triển phải nhằm đem đến hạnh phúc cho con người, mà hạnh phúc có được chủ yếu bằng cuộc sống tinh thần (khi vật chất tạm đủ).

Nhìn thẳng vào đời sống tinh thần của xã hội VN hiện nay, thấy rõ đạo đức và giáo dục xuống cấp, các ý kiến phản biện bị đàn áp, tự do ngôn luận bị cấm đoán, nhân quyền không được tôn trọng, công lý bị tòa án chà đạp v.v. thì làm sao có được sự tươi sáng, hào hứng.

Cuối mục TG nhắc đến ổn định chính trị, thành công trong chống dịch và lực lượng lao động chất lượng cao là những điều kiện tốt thu hút đầu tư. Ổn định chính trị và thành công trong chống dịch đã nói qua ở đoạn trên, còn lao động chất lượng cao là một ước mơ hơn là thực tế.

Mục 13 Mối quan hệ kinh tế khăng khít giữa Việt Nam và Nhật Bản

TG cho rằng: “Mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu”. Ông kể ra chi tiết 6 việc đã rất thành công. Ông cảm thấy rất may mắn khi có thể kết thúc nhiệm kỳ làm việc mà không có sự hối tiếc nào. Xin chúc mừng ông!

Về cán bộ cấp cao của VN, ông tỏ ý kính phục Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi viết: “Thủ tướng Phúc luôn lắng nghe chăm chú, không có một chút khó chịu nào đối với các đề nghị của tôi”. Lời nhận xét này là chân thành, nhưng hơi vội. Khi thấy ai lắng nghe chăm chú thì có thể xảy ra một trong hai trường hợp. Một là, họ chỉ vì lịch sự mà không hiểu gì cả, hai là họ chăm chú nghe vì thu nhận được những ý quan trọng, thấm thía. Để biết trường hợp nào thì phải có khả năng quan sát nét mặt người nghe và phán đoán. Theo dõi ông Phúc trong nhiều năm tôi cho rằng ông Phúc thuộc trường hợp thứ nhất. Thế cũng là tốt, đáng khen chứ chưa đáng khâm phục.

Mục 16 – Bản sắc riêng của Đảng Cộng sản VN

TG viết: “Đảng Cộng sản của hai nước (VN và TQ) nhìn qua thì giống nhau về công cụ nhưng bản chất lại có sự khác nhau rất lớn. VN không phải là quốc gia “cường quyền” giống như Trung quốc. Tôi không nghĩ rằng VN muốn trở thành một đất nước giám sát, đàn áp người dân của mình bằng cường quyền. Mặc dù đi theo thể chế một chính đảng duy nhất, nhưng VN luôn cố gắng nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân …”.

Đoạn vừa trích chứng tỏ TG không nằm trong chăn để biết chăn nhiều rận. Bản chất của CSVN và CSTQ có chỗ khác nhau do ảnh hưởng của truyền thống dân tộc nhưng sự khác nhau không lớn. Những việc CSTQ làm hôm trước thì hôm sau đem dạy cho CSVN, đặc biệt là những thủ đoạn của công an, những điều hành trong quân đội, những biện pháp theo dõi và khống chế nhân dân. Điểm khác nhau cơ bản có lẽ là trong cách đối xử với trí thức tinh hoa. CSTQ rất coi trọng việc sử dụng trí thức tinh hoa của họ, nhưng lại bày mưu thâm độc cho CSVN trừ khử tinh hoa của VN bằng cách vu cáo là phần tử thù địch, chống đối. TG viết “không nghĩ rằng VN muốn trở thành một đất nước giám sát, đàn áp người dân của mình bằng cường quyền”. Ý ấy là tốt, nhưng thực tế không phải như vậy. Cộng sản ở đâu cũng dùng cường quyền đàn áp, thủ tiêu những người dân có ý kiến, có tư tưởng khác với họ.

Về nguyện vọng của nhân dân, cần xem đó là nhân dân nào. Thực tế nhân dân có nhiều tầng lớp với các nguyện vọng khác nhau: A – Tầng lớp gắn chặt với Đảng (còn đảng còn mình); B – Tầng lớp công nông và những người lao động bình thường; C – Tầng lớp trung lưu, lao động trí óc. Tầng lớp B là rộng lớn, là khối công nông liên minh, nguyện vọng của họ chủ yếu là được yên ổn để làm ăn, con cái được học hành. Họ không có nhiều nguyện vọng về tự do dân chủ, họ sẵn sàng làm theo yêu cầu của chính quyền và chịu đựng những bất công vừa phải do cán bộ nhà nước gây ra. CS làm cách mạng dựa vào khối liên minh này. Tầng lớp C là một trong ba lực lượng chủ chốt phát triển xã hội. Họ có nguyện vọng cao về đời sống tinh thần, về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. CSVN nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, nếu có chuyện đó, thì chủ yếu là đối với tầng lớp A và B mà tìm cách hạn chế đối với tầng lớp C.

Nhìn bên ngoài thì thấy CSVN quan tâm đến phát triển kinh tế. Việc đó có tác dụng nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng chính là để đảng thu được nhiều lợi hơn, vì tài chính của đảng chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước, nghĩa là từ tiền thuế của dân.

TG viết: “VN hiện đang thực hiện tinh gọn bộ máy ở cấp xã, huyện… nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời cũng là Chủ tịch ủy ban nhân dân…”.

Ở trang 185, 186 (mở đầu chương 6) viết: “quyết định xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả…, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh…”. Viết cho vui thế thôi, chứ không thể nào làm được. Chỉ có những người u mê, ngu tín, ngu trung mới tin vào những điều đó. Lập ra bộ máy nhà nước ba tầng chồng chéo nhau, rồi bịa ra lý luận đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận Tổ quốc. Ba tầng dẫm đạp nhau, tạo ra nhiều lãng phí. Nhất thể hóa được một người thì làm xoay chuyển được gì. ĐCSVN đã từng là một đảng làm cách mạng, nay chuyển thành một đảng cầm quyền. Phải thay đổi từ chính cương, điều lệ, tổ chức, triết lý chứ không phải cho rằng chống được tham nhũng thì sẽ xây dựng được đảng trong sạch, vững mạnh.

Mục 18 – Thực trạng của những cải cách đã bắt đầu

Cải cách” là do TG gọi, còn lãnh đạo VN chỉ thích dùng từ “đổi mới”. Họ rất dè dặt khi nói đến cải cách. TG viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo ĐCSVN đều nhận thức rõ ràng về nguy cơ trong tương lai của ĐCS. Ban lãnh đạo đảng đang tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng…”, tưởng như thế là đúng, là hay, nhưng chưa phải. Ông Trọng làm Trưởng ban phòng chống tham nhũng nhưng ban đó chẳng phòng, cũng chẳng chống để tham nhũng không thể xảy ra, mà chỉ điều tra, xét xử một số vụ (gọi là đốt lò). Nhiều người có hiểu biết ở VN cho rằng dưới sự lãnh đạo của ĐCS không thể nào phòng chống được tham nhũng. Lãnh đạo quan tâm đến cải cách nền “hành dân là chính” bằng biện pháp tinh giản bộ máy, nhưng tinh được chỗ này lại phình ra chỗ khác.

Tất cả đang vướng vào mớ bùng nhùng, càng quẫy đạp càng bị vướng nhiều chỗ. Vì sao vậy? Vì rằng tham nhũng và tệ nạn hành chính đều là bệnh do u xơ trong gan ruột của ĐCSVN, cần giải phẫu để cắt bỏ nhưng vì bản chất cộng sản mà không dám, chỉ tìm thuốc xoa ngoài da. Vậy chưa thể nói cải cách đã bắt đầu mà đó mới chỉ là người ta tưởng là thế.

Mục 19 – Hỗ trợ của Nhật Bản đối với đào tạo nhân lực và cải cách của Việt Nam

Sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với đào tạo nhân lực của Việt Nam xét về phương diện kỹ thuật là rất có hiệu quả, nhưng trong tổng thể còn thiếu một thứ quan trọng. TG viết: “Kế hoạch cải cách hệ thống chính trị mà VN đang tích cực triển khai là một thử nghiệm mang tính lịch sử nhằm thay đổi nhận thức của người dân và thay đổi mạnh mẽ cách thức tổ chức của bộ máy quản lý…, cải cách này đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ với tương lai của VN mà còn đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vưc”. Thứ quan trọng tôi muốn nói tới liên quan đến “cải cách hệ thống chính trị” mà TG viết là “đang tích cực triển khai”.

TG còn viết: “Tôi hy vọng rằng, VN sẽ trở thành một xã hội mà ở đó nhân tài ưu tú, có ý chí mạnh mẽ được thỏa sức thể hiện năng lực của mình”.

Xã hội mà TG hy vọng đó chỉ có thể có được dưới thể chế chính trị đã loại bỏ được độc tài của thế lực kém trí tuệ.

Cải cách hệ thống chính trị như viết ở trên là mong ước thiết tha của nhiều người dân và cũng trùng với mong đợi của TG, nhưng đó chưa phải là ý chí của lãnh đạo VN. Cải cách hệ thống chính trị phải theo hướng từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ ảo tưởng xây dựng chế độ XHCN, thoát khỏi sự khống chế của Trung Cộng, xây dựng nhà nước dân chủ với tam quyền phân lập, từ bỏ chế độ đảng trị, xóa bỏ hình thức “đảng cử dân bầu”, kết bạn thân thiết với các nước dân chủ.

Trước đây Nhật Bản và VN xem Mỹ là kẻ thù. Quân Mỹ đến đóng trên đất Nhật năm 1945 trong sự thù hận của dân Nhật. Nhưng rồi người Nhật đã từ bỏ được chế độ quân phiệt, đã được người Mỹ hỗ trợ xây dựng đất nước, đó là những bài mà VN phải tìm để học từ người Nhật. TG nêu ra khá nhiều bài “chia sẻ kinh nghiệm” của các chuyên gia Nhật, không trình bày nội dung cụ thể, không biết trong các kinh nghiệm đó có ai mạnh dạn giới thiệu những bài học về quan hệ vời người Mỹ và thể chế chính trị ở Nhật hay không?

Mục 20 – Cảm tình với Nhật Bản của VN

“Trong mắt người VN, người Nhật Bản luôn gắn liền với hình ảnh chăm chỉ, chân thành, khiêm tốn, không bao giờ nói dối”, đó là câu ở đầu Mục 20. TG viết tiếp: “Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức của Nhật Bản đã nỗ lực, bền bỉ trong suốt nhiều năm vì phúc lợi và sức khỏe của người VN. Cống hiến không mệt mỏi đó của họ đã đem lại cái nhìn đầy tích cực…”.

Điều trên là hoàn toàn đúng. Riêng tôi và tôi nghĩ rằng có nhiều người Việt cũng như tôi còn cảm phục người Nhật ở hai điểm sau: Một là trước năm 1945 họ đã chọn sai đường, sau năm 1945 đã kiên quyết cải cách, đã xây dựng một thể chế chính trị bảo đảm sự phát triển tự do của con người, họ đã nhanh chóng và khôn ngoan nhận ra bản chất tử tế của người Mỹ và chọn Mỹ làm đồng minh. Hai là người Nhật đã có một lòng tự tin lớn khi chơi thân và giúp đỡ Việt Nam, mà không sợ bị ảnh hưởng bởi phương châm “gần mực thì đen” khi chọn bạn mà chơi. Họ nổi tiếng không bao giờ nói dối, trong khi đó nói dối là một đặc tính của cộng sản và đã tiêm nhiễm ngày càng sâu rộng cho khá đông người Việt.

Lời cuối

Tác giả Umeda Kunio cho rằng, trong sách có lẽ cũng có những câu chuyện không hề dễ nghe đối với người Việt Nam, nhưng ông đã viết ra với lòng trung thực và mong ước tốt lành. Nhà xuất bản cũng không chia sẻ hoàn toàn các quan điểm của tác giả, nhưng đã in sách với lòng kính trọng dành cho ông. Cũng với tinh thần như vậy, tôi viết ra vài nhận xét mong được trao đổi với bạn đọc và với cả tác giả, để hoàn thiện nhận thức.

Khi đọc bài này, nếu tác giả hoặc độc giả nào phát hiện điều tôi hiểu sai thì xin được chỉ giáo (xin gửi vào ndcong37@gmail.com). Tôi sẽ vô cùng biết ơn.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn