Nguồn gốc của từ “sinh viên” trong tiếng Việt

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Cũng như bất cứ ngôn ngữ nào, tiếng Việt được hình thành với nhiều sự vay mượn từ các ngôn ngữ khác. Đáng chú ý là nghĩa của nhiều từ nước ngoài một khi đã được Việt hóa đã ít nhiều thay đổi. Đó có thể là kết quả của “tam sao thất bản” thường gắn với truyền miêng, “cái lõi” của từ teo tóp lại và “cái vỏ” của nó trở thành nơi tiếp chứa khái niêm mới. Nói cách khác, là thay đổi theo thời gian. Cũng có thể là hệ quả của sự dụng công của nhà ngôn ngữ học. Từ “sinh viên”, theo tôi, là thuộc trường hợp sau.

clip_image002

Nhà thơ, Bộ trưởng Cù Huy Cận và con trai Cù Huy Hà Vũ, sinh viên tại Paris, 1984. Nguồn: Cù Huy Hà Vũ

Không tồn tại trong học đường phong kiến

Cần khẳng định ngay rằng giáo dục Việt Nam thời phong kiến là một bản sao Trung Hoa. Chữ viết là chữ Hán và nội dung là Nho giáo, cụ thể là Tứ thư, Ngũ kinh và các tác phẩm cổ điển của láng giềng phương Bắc. Mục đích học là đi thi để được tuyển làm quan nên nền giáo dục này được gọi là khoa cử. Chẳng hạn dưới Triều Nguyễn, hệ thống trường công ở địa phương, gồm trường tỉnh, trường phủ, trường huyện, “có nhiệm vụ tuyển chọn, khảo hạch chặt chẽ các Cống sinh cho Quốc Tử giám, thí sinh dự thi Hương, thi Hội” (1). Trong hệ thống học đường này, “sinh viên” không hề tồn tại.

Thực vậy, danh từ này không những không xuất hiện trong sách của các sử gia phong kiến Việt Nam mà cả trong các từ điển tiếng Việt, từ cuốn đầu tiên, Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes, xuất bản 1651, cho đến các cuốn xuất bản vào cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước, khi mà chế độ khoa cử kết thúc đã được một thập kỷ (1919). Ngược lại, trong các từ điển này có nhiều từ ngữ khác nhau dùng để chỉ người làm cái việc “cắp sách đến trường”.

clip_image004

Nho sinh trước hàng bia tiến sĩ, Văn Miếu - Quốc tử Giám, Hà Nội. Nguồn: Tri thức & Cuộc sống

Từ điển Nam Việt Dương hiệp Tự vị (Dictionarium Anamitico-Latinum) của Pigneaux và Taberd, xuất bản 1838, có “nhu sinh”, “nhu sĩ”, “học trò”.

Trong Từ điển An Nam - Pha Lang Sa (Dictionnaire Annamite-Français) của J.M.J., xuất bản 1877, có “học trò”.

Trong Tiểu từ điển Việt - Pháp (Petit dictionnaire Annamite-Français) của Vallot, xuất bản 1904, có “học trò”.

Tiểu từ điển Việt - Pháp (Petit dictionnaire Annamite-Français) của Génibrel, xuất bản 1906, dịch “học trò” là “étudiant, écolier, élève”.

Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức gồm nhiều nhà cựu Nho, xuất bản 1931, là từ điển đầu tiên có từ “sinh viên”. Theo từ điển này, “sinh viên” là “học trò trường công”, đồng thời chua tiếng Hán của từ này là 生員 (giản thể, 生员), có phát âm tương tự. Tóm lại, “sinh viên” là từ Hán-Việt.

Tiếp theo, trong Hán - Việt Từ điển giản yếu, Đào Duy Anh định nghĩa “sinh viên” là “học sinh cao đẳng”. Từ đó, “sinh viên” luôn có mặt trong các từ điển tiếng Việt mà một trong những cuốn mới nhất là Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên. Theo từ điển này, “sinh viên” là “người học ở bậc đại học”.

Tóm lại, trong hệ thống học đường phong kiến Việt Nam chỉ có “học trò” hay “Nho sinh”, “Nho sĩ” (mà hai từ sau có lẽ do người Pháp và người nước ngoài dùng là chính để phân biệt với người học Đại học “theo lối Tây”.

Cũng cần lưu ý rằng ngay Trung Quốc cũng chỉ dùng “Đại học sinh” (大学生) để chỉ người học Đại học “theo lối Tây”.

Đến đây, một cách tự nhiên, bật ra câu hỏi: từ khi nào “sinh viên” có trong từ vựng tiếng Việt và trong bối cảnh nào từ này ra đời?

Chỉ xuất hiện sau khi có Đại học Đông Dương

Theo tôi, Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) được thành lập theo Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau chính là căn nguyên hình thành từ “sinh viên”.

Điều 1 của Nghị định (tiếng Pháp) ghi: “Nay thành lập ở Đông Dương, dưới tên gọi trường đại học, một tập hợp các khoá đào tạo bậc đại học cho các “étudiant” xứ thuộc địa và các nước láng giềng”. Vẫn theo Nghị định này, Đại học Đông Dương gồm 5 trường thành viên: Trường Cao đẳng Luật và Hành chính, Trường Cao đẳng Khoa học, Trường Cao đẳng Y khoa (năm 1913 đổi thành Trường Cao đẳng Y - Dược), Trường Cao đẳng Xây dựng dân dụng và Trường Cao đẳng Văn chương.

clip_image006

Đại học Đông Dương (1906 - 1945). Nguồn: Báo Thanh niên

Tháng 11 năm 1907, khóa học đầu tiên của Đại học Đông Dương được khai giảng với ba phân khoa: Văn, Luật và Khoa học, tổng cộng có 193 học sinh. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vào cuối 1908, trường này bị giải thể cùng lúc với Tổng nha Giáo dục Công lập và Hội đồng Phát triển Giáo dục Bản xứ bởi Toàn quyền Đông Dương mới là Antony Klobukowski, một người phản đối chính sách "chinh phục tinh thần" dân bản xứ của Paul Beau (Klobukowski cũng là người sau đó dập tắt cuộc khởi nghĩa của Đề Thám).

Mười năm sau, ngày 21 tháng 12 năm 1917, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, là người chủ trương cai trị mềm dẻo, đã ra quyết định tái lập Đại học Đông Dương, trường này hoạt động cho đến khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945. Quyết định này hẳn không nằm ngoài toan tính lấp chỗ trống trong hệ thống giáo dục bậc cao ở Việt Nam sau khi các kỳ thi Nho học sẽ chấm dứt 2 năm sau đó, vào năm 1919. Sau khi được tái lập, Đại học Đông Dương có thêm các trường cao đẳng: Nông Lâm, Thú y, Sư phạm, Thương mại, Tài chính và Mỹ thuật và đến 1941, Trường Cao đẳng Kiến trúc. Sẽ không là thừa khi biết rằng Đại học Đông Dương là trường công vì nó hoạt động bằng kinh phí do chính quyền Liên bang Đông Dương cấp.

Như vậy, Đại học Đông Dương được xây dựng theo mô hình đại học của Pháp, có nội dung và mục đích đào tạo khác hẳn Nho học. Đối tượng của trường này, như trên đã nói, là “étudiant”. Điều đáng nói là 4 thập kỷ trước đó tiếng Việt đã có từ tương đương.

Ngữ pháp tiếng Việt, có kèm từ điển giản yếu Pháp - Việt và Việt - Pháp (Grammaire Annamite, suivie d'un vocabulaire Français-Annamite et Annamite-Français) của Aubaret xuất bản 1867 dịch “étudiant” là “học trò”.

Tiếp đó, Tiểu từ điển Pháp - Việt (Petit dictionnaire Français-Annamite) của Trương Vĩnh Ký, xuất bản 1884, dịch “étudiant” là “học trò nghe sách”. Tiếp đến Từ diển Pháp - Bắc Kỳ có minh họa (Dictionnaire Franco-Tonkinois illustré) của P.G.V, xuất bản năm 1898, từ điển này dịch “étudiant” là “học trò”, “kẻ học”.

Tương tự, Pháp - Việt Từ điển giản yếu (Lexique Franco-Annamite) của Ravier et Dronet xuất bản 1903, Việt - Pháp Từ điển giản yếu (Petit Lexique Annamite-Français) của A.L. Pilon xuất bản1908 và Pháp - Việt từ điển giản yếu loại bỏ túi (Petit lexique de poche français-annamite) của Paul Maheu xuất bản 1910, đều dịch “étudiant” là “học trò”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao “học trò” không tiếp tục được người Việt, mà ở đây là giới học thuật (cựu Nho học hoặc uyên thâm chữ Hán và dĩ nhiên, khá rành tiếng Pháp), sử dụng để chỉ “étudiant”? Để hiểu được điều này, cần trở lại hệ thống học đường Nho học.

Nho học được chia thành hai bậc: Tiểu học và Đại học. Tiểu học dành cho người bắt đầu học, thường dành cho trẻ em từ 6 đến 10 tuổi. Đại học dành cho người từ 10 tuổi trở lên, tức đã có tri thức tương đối mà thi Hương là khóa thi tốt nghiệp. Như vậy, “học trò” Nho học cùng lúc tương đương với “élève”, “écolier”, (học sinh Tiểu học), collégien hay lycéen (học sinh Trung học) và “étudiant” (học sinh Đại học) trong hệ thống giáo dục của Pháp.

Đối diện với thực tại của Đại học Đông Dương có phương pháp và mục đích đào tạo khác hẳn Đại học của Nho học, các học giả Việt Nam buộc phải tìm một từ mới để diễn giải khái niệm “étudiant” trong khi vẫn duy trì “học trò” để chỉ người học Tiểu học hay Trung học “theo lối Tây”. Một cách rất tự nhiên, những người này quay sang tiếng Hán như nguồn tham khảo chính yếu khi tính đến thứ ngôn ngữ này đã được người Việt sử dụng từ hai nghìn năm nay, dù là bị động dưới sự đô hộ của Trung Hoa phong kiến hay chủ động sau khi nước nhà đã độc lập. Kết quả là 生員, phát âm “sinh viên”, đã được vay mượn để đáp ứng nhu cầu này.

clip_image008

Đôi bạn tri kỷ Huy Cận (Cù Huy Cận) và Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu) đầu năm 1940, thời hai ông là sinh viên Đại học Đông Dương. Nguồn: Cù Huy Hà Vũ

Theo Bách độ Hán ngữ (baidu hanyu) của Trung Quốc, 生员 (giản thể của 生員) hay “sinh viên” được các triều đại Minh và Thanh dùng để chỉ “các học trò vượt qua kỳ thi cấp thấp nhất để vào học tại các trường của Triều đình, quận, huyện có đủ điều kiện để dự thi Hương. Thường gọi là “tú tài”( 明清两代称通过最低一级考试得以在府、县学读书的人,生员有应乡试的资格。通称秀才). Do thi Hương (2) là dành cho những người học Đại học nên “sinh viên” có cùng khái niệm với “étudiant”.

Bên cạnh đó, sự vay mượn tiếng Hán này phù hợp với nội hàm “tú tài” trước đó đã được giới học thuật Việt Nam hạ cấp. Thực vậy, trong Tiểu từ điển Pháp - Việt (Petit dictionnaire Français-Annamite) đã dẫn, Trương Vĩnh Ký dịch “tú tài (= sinh đồ = ông đồ)” là “bachelier”, là người tốt nghiệp trung học Pháp trong khi “tú tài” trong hệ thống Nho học là người đỗ thi Hương, tức đỗ Đại học, cho dù xếp cuối bảng, sau cử nhân. Rất có thể vì Nho học chỉ có hai bậc là Tiểu học và Đại học nên để có danh vị tiếng Việt tương đương với người đỗ Trung học Pháp - “bachelier” - Trương Vĩnh Ký và những học giả Việt Nam tân thời đã chủ động xếp “tú tài” ngang “bachelier” trong khi tiếp tục dùng “cử nhơn” (cử nhân) để giải nghĩa “licencié” là người đỗ Đại học Pháp.

Hẳn tham khảo Trương Vĩnh Ký nên Tiểu từ điển Việt - Pháp (Petit dictionnaire Annamite-Français) của Génibrel, xuất bản 1906, dịch “sinh đồ” là “bachelier”. Đến lượt Đào Duy Anh, trong Hán - Việt Từ điển giản yếu đã dẫn, cho dù ghi chú “tú tài” là “người thi Hương đậu hạng cuối”, học giả này vẫn dịch danh vị này là “bachelier”.

Cũng cần tìm hiểu tại sao Đại học Đông Dương lần đầu hiện diện vào 1907 nhưng phải hai thập kỷ rưỡi sau, đến 1931, “sinh viên” mới chính thức có mặt trong từ điển, cụ thể là Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Theo tôi, đó là do Đại học Đông Dương chỉ thực sự hoạt động sau khi được tái lập vào năm 1917 và đi vào hoạt động quy mô từ 1922 với số người theo học lên tới 500. Và trong số những “sinh viên” của Đại học “theo lối Tây” ấy có Xuân Diệu, bác ruột và cha nuôi tôi (Cao đẳng Luật khóa 1937 - 1940) và Huy Cận, thân phụ tôi (Cao đẳng Nông Lâm khóa 1939 - 1942).

Điều ấn tượng là chỉ một thập kỷ sau, vào tháng 3/1942, “sinh viên” từ chỗ chỉ là định danh học trò trong một học đường mới ở Việt Nam – Đại học Đông Dương hay Đại học “theo lối Tây” – đã trở thành biểu tượng của cả một lực lượng xã hội, và hơn thế nữa, cách mạng.

clip_image002

Biểu trưng của Tổng hội Sinh viên Đông Dương (AGEI). Ảnh: Người Đô thị

Bài hát Sinh viên hành khúc (có tên Pháp là Marche des Étudiants) được sáng tác năm 1939 bởi Lưu Hữu Phước (nhạc) và Mai Văn Bộ (lời), học sinh trường trung học Petrus Ký. Hai năm sau, năm 1941, khi cả hai đã là sinh viên Trường cao đẳng Y - Dược Đại học Đông Dương, bài hát được Tổng hội sinh viên Đông Dương (Association Générale des Étudiants Indochinois) chọn làm bài hát chính thức của Tổng hội. Huy Cận cha tôi kể lại: “Năm 1942, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương Dương Đức Hiền và bố, lúc đó là ủy viên Ban chấp hành Tổng hội, đã tham gia Việt Minh. Ông Hiền và bố thấy “Marche des Étudiants” rất có khí thế, có thể hướng sinh viên đi theo con đường của Việt Minh là đánh đuổi Nhật - Pháp để giành Độc lập dân tộc nên đã đề nghị Ban chấp hành Tổng hội mở cuộc thi đặt lời Việt cho bản nhạc này. Kết quả là Lê Khắc Thiền và Đặng Ngọc Tốt, đều là sinh viên Trường cao đẳng Y - Dược, trúng giải Nhất và giải Nhì và thế là bài hát Tiếng gọi sinh viên ra đời. Sau đó, tất cả các tác giả nhạc và lời của “Marche des Étudiants” và  Tiếng gọi sinh viên đều tham gia Việt Minh. Tổng hội sinh viên Đông Dương còn tổ chức nhiều sự kiện và phong trào văn hóa - chính trị khác nhằm thôi thúc lòng yêu nước của sinh viên. Tháng 3/1944, tại hội trường của Đại học Đông Dương, Xuân Diệu, tham gia Việt Minh từ đầu 1942, đã có buổi diễn thuyết đầu tiên với tiêu đề “Sinh viên với quốc văn” nói lên trách nhiệm của các thế hệ thanh niên đối với tiền đồ của tiếng nước nhà, đối với công cuộc xây dựng nền văn hoá dân tộc. Bài diễn thuyết này của thi sĩ họ Ngô sau đó được xuất bản với nhan đề Thanh niên với quốc văn để mở rộng đối tượng tập hợp.”

Sau Hiệp định Genève 1954, cha tôi và Lưu Hữu Phước tiếp tục gắn bó với nhau trong công việc chung tại Bộ Văn hóa. Cha tôi làm Thứ trưởng kiêm bí thư Đảng đoàn Bộ, ông [Lưu Hữu Phước] làm Trưởng ban Nghiên cứu Nhạc-Vũ thuộc Vụ Nghệ thuật rồi Vụ trưởng Vụ Âm nhạc. Lưu Hữu Phước hay đến thăm và làm việc với cha tôi tại nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Bản thân tôi rất ngưỡng mộ nhạc sĩ vì  Tiếng gọi thanh niên, một phiên bản của Tiếng gọi sinh viên và nhiều bài hát nổi tiếng khác của ông đã được cô giáo dạy piano của tôi ra làm bài tập. Làm việc xong, cha tôi kéo nhạc sĩ vào thăm và nói chuyện văn nghệ với Xuân Diệu ở cùng nhà (2). Những lúc ấy Lưu Hữu Phước lại yêu cầu bác tôi, cũng là đồng chí của ông trong những năm 1943 - 1944 khi cùng tham gia làm tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát chủ trì và bỏ tiền ra in, hát và ngâm thơ. Chả là Xuân Diệu có giọng tốt và hát rất hay. Ông có thể ca đủ điệu nhạc cổ truyền như cải lương, ca Huế, lý con sáo, lý sang sông, lý ngựa ô, ngâm sa mạc và hát cả những bài hát Tây…

Vào đầu năm 1965, Lưu Hữu Phước lên đường vào Nam để hoạt động trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (3), nơi ông sẽ được cử làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng rồi Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhạc sĩ đến chào từ biệt cha tôi tại nhà đồng thời xin thêm ý kiến chỉ đạo về công tác văn nghệ trong môi trường mới. Trước khi chia tay, cha tôi ôm người nhạc sĩ tài năng thật chặt và nói: “Hè năm 1942 tôi đỗ Kỹ sư Nông Lâm. Tôi còn nhớ năm ấy lễ mãn khóa Đại học Đông Dương được tổ chức tại Opéra de Hanoi (nay là Nhà hát Lớn Hà Nội - CHHV). Toàn quyền Đông Dương Decoux và tất cả các quan văn võ của Pháp có mặt đã phải đứng nghiêm khi “Marche des Étudiants” của Lưu Hữu Phước được ban nhạc của Hải quân Pháp cử lên.” (4).

clip_image010

Bài “Marche des estudiants” (Sinh viên hành khúc) – Bài hát của toàn thể Đại học Đông Dương

Nhạc: Lưu Hữu Phước. Lời: Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên (bản in đầu, 1942).

Nguồn: Trúc bạch thư xã

10 năm sau, vào ngày 30/4/1975, Giải phóng miền Nam, bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quốc ca của Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà Lưu Hữu Phước là tác giả, đã hoàn thành sứ mệnh chính trị - lịch sử của nó cùng với chính Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam mà ông là thành viên. Nhạc sĩ trở về Bộ Văn hóa và làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc. Ông lại đến thăm và làm việc với Huy Cận cha tôi. Xong lại cùng cha tôi nghe Xuân Diệu hát rồi ngâm thơ. Tất thảy hồn nhiên, say mê như “Cái thuở ban đầu “sinh viên” ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.” (5)

Chú thích

1. Thi Hương là một khoa thi Nho học cấp tỉnh (liên tỉnh), gồm 4 kỳ thi, còn gọi là “tứ trường”. Người đỗ “tứ trường” gọi là “hương cống”, người đỗ “tam trường” gọi là “sinh đồ”. Từ Triều Minh Mạng, “hương cống” đổi thành “Cử nhân”, “Sinh đồ” đổi thành “Tú tài”. Chỉ có hương cống mới được dự thi kỳ thi cấp cao hơn là thi Hội, kỳ thi cấp quốc gia tổ chức tại Kinh đô. Nếu đậu sẽ vào xếp hạng Tiến sĩ khi thi Đình tổ chức tại cung điện của vua và do vua chủ trì.

2.  Mẹ tôi, Ngô Thị Xuân Như, là em gái Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu). Như vậy, Xuân Diệu và Huy Cận cha tôi không chỉ là đôi bạn tri kỷ mà còn là anh em rể. Vì lý do này, sau khi tiếp quản Hà Nội vào ngày 10/10/1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phân cho bố mẹ tôi và Xuân Diệu căn biệt thự 2 tầng số 24 phố Cột Cờ (nay là Đường Điện Biên Phủ), quận Ba Đình, để ở. Sau khi tôi ra đời được 1 tháng, vào tháng 1/1958, Xuân Diệu đã nhận tôi, Cù Huy Hà Vũ, làm con nuôi với sự đồng ý của bố mẹ tôi. Sau này, khi tôi đã thành hôn với Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và có con trai đầu, Cù Huy Xuân Đức, chúng tôi vẫn sống cùng Xuân Diệu. Ông gọi đó là “gia đình nhỏ của ta”. Ông mất vào ngày 18/12/1985.

3. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như “Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam” do Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lập ra để chính danh hóa cuộc chiến tranh chống Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Mặt trận vì thế được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hỗ trợ hỗ trợ mọi mặt, trong đó có nhân sự. Những cán bộ được cử làm nhiệm vụ này chủ yếu là người miền Nam. Các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, như Lưu Hữu Phước, tiếp tục hoạt động nhưng dưới danh hiệu đảng viên “Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam”. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra, Huy Cận cha tôi đã dẫn đầu một đoàn cán bộ vào Nam để chuẩn bị tiếp quản một số cơ sở của chính quyền VNCH. Lúc đó, cha tôi cũng được phát một thẻ đảng viên “Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam”.

4. “Marche des étudiants” (Sinh viên hành khúc) - Tiếng gọi sinh viên hào hùng đến mức nhiều đoàn thể và chính thể đã chọn nó làm bài ca chính thức của mình với các tên gọi khác nhau: “Tiếng gọi thanh niên” hay "Thanh niên hành khúc" của Thanh niên tiền phong năm 1945, “Tiếng gọi công dân” hay "Công dân hành khúc", quốc ca của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ (1947 - 1948), Cộng hòa Nam phần Việt Nam (1948 - 1949), Quốc gia Việt Nam (1949 -1955) và Việt Nam Cộng hòa (1955 - 1975).

5. Tôi tập câu “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên” của bài Lời than thở của nàng Mỹ Thuật trong tập Mấy vần thơ của Thế Lữ (Nhà xuất bản Đời Nay, 1935). Trong giai đoạn 1929 - 1930, nhà thơ tiên phong này của Thơ Mới là sinh viên dự thính Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Đại học Đông Dương.

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 22/7/2023

C.H.H.V

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ (tác giả ghi chú).

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn