Xung quanh số tiền các bị cáo vụ án “chuyến bay giải cứu” nộp lại tại toà

1. “Cái gì của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar”, tiền của dân hãy trả lại cho dân

Cù Mai Công

Đây mới chỉ là số tiền hối lộ và nhận hối lộ. Thiệt hại của hàng trăm ngàn hành khách trên những "chuyến bay giải cứu" gấp nhiều lần số tiền này (vậy lực lượng "giải cứu" mới có lời chứ).

*

Đây mới chỉ là phiên tòa xử tội "hối lộ và nhận hối lộ". Cần có thêm một phiên tòa xử tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Có ý định chiếm đoạt ngay từ đầu, trước khi thực hiện hành vi phạm tội). Không phải "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (sau khi có được tài sản một cách hợp pháp mới xuất hiện ý định chiếm đoạt tài sản) để có cơ sở hoàn trả lại phần giá vé cao đến vô lý mà hàng trăm ngàn hành khách bị chiếm đoạt.

*

Phiên tòa “chuyến bay giải cứu” mới tạm xong phần đề nghị mức án sau khi "cập nhật" tiền khắc phục hậu quả. Một số báo chí, truyền thông rút tít: Tòa đang tạm dừng để các bị cáo “Nộp tiền khắc phục vụ án”.

 

Trước hết đây là lỗi câu cú do muốn rút tít gọn vì vụ án đang diễn ra, đúng/sai, hay/dở chưa rõ thì có gì phải khắc phục nó. Phải ghi rõ “Nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án”.

Nhưng nếu ghi “Nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án”, tức đã nói hậu quả thì buộc phải nói đến bị hại, nạn nhân đầu tiên, trực tiếp của vụ án này: những người mua vé “chuyến bay giải cứu” cao chót vót là đối tượng chính đáng, đầu tiên, duy nhất nhận lại tiền khắc phục hậu quả gây ra với họ này.

Trong khi đó, việc giá vé thông thường bị nâng lên quá mức hậu quả của những cuộc ăn chia, hối lộ bạc t đồng, bạc triệu đô la – có được hoàn lại hay không chưa rõ, chưa thấy ai nói tới.

Vậy số tiền các bị cáo nộp lại hiện giờ phải nói là “Nộp lại tiền hối lộ và nhận hối lộ”.

Còn nói “nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án”, tức các bị hại thực sự nhưng không có mặt ở phiên tòa có thể nghĩ đến việc nhận lại phần nào số tiền mình bị thu quá mức kia.

Trong vụ này, hành khách “chuyến bay giải cứu” là nạn nhân của hậu quả, là bị hại chứ không phải nhà nước, càng không phải tòa án.

“Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar”, tiền của dân hãy trả lại cho dân.

C.M.C.

Nguồn: FB Cù Mai Công

*

2. Nộp tiền khắc phục hậu quả gì?

Dương Quốc Chính

Vụ chuyến bay giải cứu nhiều báo nêu khái niệm các bị cáo NỘP TIỀN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ, có báo gọi là nộp tiền. Nhưng nộp tiền này để làm gì? Khắc phục hậu quả cho ai? Ai sẽ được hưởng số tiền này?

Phải hiểu bản chất là người dân, hành khách được "giải cứu" mới là bên chịu thiệt hại về tiền bạc. Nhà nước, ngân sách mất quái gì đâu, chẳng qua chế độ, chính quyền, ngành công an, ngoại giao bị mang tiếng xấu với nhân dân, nhưng chả thiệt hại đồng nào hết. Vậy bị cáo nộp tiền vào ngân sách là ngân sách được lợi, vì chả mất gì mà lại được đóng tiền vào không ít, trong khi người dân chịu thiệt hại thì lại không được trả lại tiền.

Trường hợp bị cáo nộp lại tiền với tội danh lừa đảo thì tiền đó đúng ra phải trả lại bên bị lừa. Như tướng Tuấn nộp 1,55 triệu đô thì tiền đó phải trả bị cáo Hằng (là bị cáo tội đưa hối lộ nhưng đồng thời là bị hại trong vụ lừa đảo).

Còn các bị cáo với tội danh đưa hối lộ thì vừa mất tiền đưa hối lộ lại phải nộp thêm tiền, thì là tiền gì? Khắc phục hậu quả gì?

Theo mình hiểu, tiền hối lộ mà bị bắt thì đương nhiên bị sung công quỹ, nhưng bị cáo lại nộp thêm tiền với lý do gì? "Chạy án" công khai à?!

Nhiều người hỏi mình là dân có được trả tiền lại không? Chắc chắn là không, vì vụ án này không liên quan đến người dân, chỉ xử tội đưa và nhận hối lộ, lừa đảo, môi giới hối lộ. Dân mua vé giá cao là công khai, tự chấp nhận mua. Một trong các lý do là dân bị hệ thống tuyên truyền của Việt Nam nhồi sọ về độ nguy hiểm quá mức, thổi phồng về dịch Covid. Nên cột điện Mỹ cũng bỏ đống tiền để về nước trong khi đáng lẽ chả mất tiền oan mà về làm gì. Vì họ không thuộc nhóm dễ chết vì Covid. Chả biết có nước nào ùn ùn giải cứu ngoại kiều như Việt Nam không hả anh em?

Người dân may ra được trả tiền nếu họ kiện các công ty môi giới giải cứu mà thôi. Hiện giờ chưa có. Thế là ngân sách ôm được mớ tướng tiền, lãi to.

Lưu ý là tiền bị cáo phải nộp lại sẽ do bản án được tuyên và dựa vào luật Hình sự chứ không được thu bừa bãi. Như vậy bị cáo nộp tiền này không thể được coi là khắc phục hậu quả mà đích thị là "chạy án" công khai, như thế cũng là 1 sự bất công, vì người giàu sẽ dễ được án nhẹ do đóng lại nhiều tiền, kiểu tướng Tuấn. Tuấn nộp lại 1,55 triệu đô với lý do gì? Chắc chắn là để được án nhẹ. Bị cáo khác không có mấy chục tỷ để nộp thì chịu án cao sao?

 

D.Q.C.

Nguồn: FB Dương Quốc Chính

*

3. Có đòi lại một phần tiền vé trong các “Chuyến bay giải cứu” được không?

LS Ngô Anh Tuấn

Ai là người bị thiệt hại và đòi lại bằng cách nào?

Người bị thiệt hại cuối cùng trong những “Chuyến bay giải cứu” không ai khác là người được “giải cứu” khi họ phải mua vé với giá cao mà không có sự lựa chọn khác. Thế nhưng, trong 05 tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" về các tội: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (lần lượt theo các Điu 354, 364, 365, 174 và 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), không tội danh nào xác định những người mua vé chuyến bay giải cứu là nạn nhân/bị hại hay nguyên đơn dân sự nên họ không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại (nếu có) thông qua vụ án này.

Thế nên, nếu những người mua vé muốn đòi lại một phần tiền mà đáng lẽ ra họ không phải bỏ ra để cho các tổ chức, cá nhân mang đi bôi trơn cho quan chức (chưa kể phần thu lợi bất chính khác chưa được xác định trong phần còn lại chưa điều tra, nếu làm rõ ràng ra, chắc nó phải là con số kinh hoàng chứ không dừng lại ở một vài trăm tỷ mang đi hối lộ đâu), họ cần phải thực hiện việc khởi kiện thông qua một/một số những vụ án dân sự độc lập khác. Dù hơi khó khăn, lằng nhàng chút nhưng không phải là không khả thi.

Cách xử lý tiền tang vật/tiền thu lợi bất chính từ các bị cáo trong vụ án đang xét xử?

Tiền tang vật từ vụ án đang xét xử sẽ làm gì?

Nếu xác định rõ đây là những số tiền bất chính mà các bị cáo có được thì sẽ tịch thu, sung công quỹ. Luật là thế, không nói nhiều. Thế nhưng, trong tình huống này, sung công quỹ ngay liệu rằng đã hợp lý chưa? Tôi nghĩ cần xem xét cẩn trọng!

Ở đây, bản chất ta đã xác định ngay được bị hại thực sự ở đây là người dân, chỉ có điều chưa liệt kê được danh tính từng người (dù không hề khó) và họ cũng chưa có yêu cầu (hoặc chưa được hướng dẫn để có yêu cầu) nên họ chưa lên tiếng. Vậy nên, theo tôi nghĩ, số tiền này cần giữ lại ở một tài khoản độc lập trong một thời hạn nhất định để những người bị thiệt hại có thể có yêu cầu chi trả lại quyền lợi cho họ. Sau thời hạn này, nếu người dân không có yêu cầu thì khoản tiền này sẽ được sung công quỹ. Nếu chúng ta vội vàng sung công quỹ thì sẽ không công bằng với người dân vì nếu họ kiện đòi tiền doanh nghiệp/cá nhân gây thiệt hại cho họ nhưng những người này không chi trả hoặc không đủ chi trả thì có thể trích khoản này ra trả cho người dân vỉ một khi đã bị trách nhiệm hình sự, bị tù tội thì họ chỉ chăm chăm lo khắc phục phần nhà nước yêu cầu chứ chờ họ trả lại cho người dân thông qua một vụ án dân sự còn khó hơn tìm đường lên trời. Hơn thế nữa, nếu số tiền mà những người bị xử lý hình sự đem đi hối lộ là tiền túi của họ thì nhà nước có thể tịch thu sung công ngay được; chứ nếu nó là tiền có được từ người mua vé giải cứu thì nhà nước cũng không nên thu, thậm chí là không được thu khi chưa có căn cứ rõ ràng. Thế nên, việc xác định nguồn gốc của những số tiền đen mà các bị cáo sử dụng trong vụ án này là vô cùng quan trọng để những nạn nhân thực sự bị ảnh hưởng có cơ hội được lấy lại một phần thiệt hại, nếu không, nếu có kiện thắng, khả năng cao họ chỉ cầm bản án lên để tự sướng với nhau mà thôi. Nếu ta “phân đoạn” số tiền và con đường đi của dòng tiền thì sẽ bớt thiệt thòi hơn cho người dân.

P/s: Bạn của tôi kể là bình thường đi từ Pháp về VN khứ hồi mất khoảng 1.200 Euro mà hôm dịch đi một chiều về mất 85 triệu Việt Nam, tương đương khoảng 3.200 Euro, gấp gần 6 lần giá bình thường mà còn cảm thấy may mắn. Mấy ông sếp lớn mua vé Business Class giá còn cao ngất ngưỡng hơn nhiều nhưng cũng bị “nhét như nhét heo” (trích nguyên văn) và vẫn ăn mỳ gói như những anh em khác. Nhiều người trên chuyến bay ấy vẫn còn liên lạc với nhau và họ nói rằng sẽ sẵn sàng đòi lại tiền nếu đòi được bằng một hình thức nào đó chứ nhất định không để số tiền đó cho bọn doanh nghiệp bẩn và mấy tay quan chức đã nhúng chàm, hại dân hại nước nó biển thủ đi…

N.A.T.

Nguồn: FB Tuan Ngo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn