CHANGE và án trốn thuế – Kỳ 6: Những rủi ro pháp lý về thuế TNDN với các tổ chức phi lợi nhuận

Thuỷ Tùng

Bà Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh: Chưa rõ nguồn/ Ân xá Quốc tế (Twitter). Đồ họa: Hà Linh/ Luật Khoa.

Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng cho thấy, nhà nước áp dụng phương pháp trực tiếp để tính số tiền trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Do đó, cũng áp dụng phương pháp này để tính số tiền trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của CHANGE. [1][2]

Nhà nước cho rằng bà Hồng đã chỉ đạo nhân viên CHANGE không thực hiện một số nghiệp vụ kế toán và thuế để trốn thuế, cụ thể:

·      không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật về thuế

·      không lập báo cáo tài chính

·      không kê khai thuế GTGT

·      không kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế

·      không xác định chi phí, thu nhập của doanh nghiệp nhằm trốn thuế

Từ đó họ kết luận CHANGE trốn gần 3,4 tỷ đồng thuế GTGT và gần 3,4 tỷ đồng tiền thuế TNDN trên tổng “doanh thu" gần 68 tỷ đồng từ các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dịch vụ và tài trợ cá nhân.

Thật không công bằng và bất hợp lý khi CHANGE là một pháp nhân phi thương mại không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, nhưng nhà nước lại cho rằng CHANGE là một doanh nghiệp. Do đó, nhà nước kết tội trốn thuế GTGT đối với khoản thuế mà đáng ra về đạo lý và pháp lý thì CHANGE hoặc nhà tài trợ được lấy lại.

Nhà nước cũng kết tội trốn thuế TNDN cho thứ lợi nhuận không hề phát sinh, vì lẽ toàn bộ tiền tài trợ đã được CHANGE chi hết cho các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững.

Vậy có những rủi ro nào liên quan tới thuế TNDN đang chờ các tổ chức phi lợi nhuận?

Các phương pháp tính thuế TNDN và rủi ro tiềm ẩn cho các tổ chức phi lợi nhuận

 chế tính thuế TNDN đối với các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng dịch vụ của các tổ chức phi lợi nhuận chủ yếu dựa trên hai phương pháp khai thuế GTGT đã đề cập ở kỳ 5: phương pháp trực tiếp và phương pháp khấu trừ.

Dù chọn phương pháp nào thì hệ thống nghiệp vụ thuế của các tổ chức cũng cần gắn với báo cáo thuế (còn gọi là báo cáo tài chính) nộp cho nhà nước. Dù tổ chức không hề có hợp đồng dịch vụ mà chỉ có thỏa thuận hợp tác với các nhà tài trợ thì cũng cần cố ép mình vào một trong ba chế độ kế toán hiện có, kể cả không hề phát sinh lợi nhuận.

Với phương pháp trực tiếp, nhà nước sẽ đánh thuế luôn một lần 10% trên giá trị các khoản tài trợ theo dạng hợp đồng dịch vụ, gồm 5% thuế GTGT và 5% thuế TNDN. Phương pháp này chỉ áp dụng với tổ chức có “doanh thu” hàng năm dưới một tỷ đồng.

Với phương pháp trực tiếp, các tổ chức chỉ cần thu thập đủ chứng từ chứng minh mình chi tiêu theo đúng cam kết với nhà tài trợ. Nếu có lợi nhuận phát sinh từ dạng hợp đồng này sẽ không tiếp tục bị đánh thuế TNDN.

Nếu “doanh thu" đến từ các thỏa thuận tài trợ thì phải đi theo con đường phê duyệt dự án, xác nhận viện trợ và thủ tục khai thuế, miễn thuế như đề cập ở kỳ 5. Nếu không thì rủi ro sẽ tương tự như được chỉ ra ở phương pháp tiếp theo.

Với phương pháp khấu trừ thì phức tạp hơn nhiều. Phương pháp này áp dụng cho những tổ chức có “doanh thu” hàng năm từ một tỷ đồng trở lên.

Để có đủ căn cứ báo cáo thuế GTGT và tính thuế TNDN, các tổ chức cần thu thập đủ chứng từ và hóa đơn hợp lý, hợp lệ. Có nghĩa là, mỗi đồng tiền các tổ chức chi ra đều phải có hóa đơn GTGT hay hóa đơn trực tiếp do Bộ Tài chính quy định (còn gọi là hóa đơn đỏ), hoặc phải khấu trừ và nộp thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước.

Trước nay, các khoản chi trực tiếp cho bà con ở cộng đồng hay hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn khi bà con khi tham gia hoạt động ở xa nhà đều không khấu trừ thuế TNCN. Hay một số hàng hoá mua của bà con ở nơi thực hiện dự án không thể có hóa đơn đỏ. Thậm chí, hỗ trợ tiền ăn và đi lại cho đại diện các cơ quan nhà nước tham gia các hoạt động ở Việt Nam hay đi công tác nước ngoài cũng không khấu trừ thuế TNCN.

Do đó, những khoản chi này có thể bị xem là chi phí không hợp lý, hợp lệ đối với các hợp đồng dịch vụ khoa học - công nghệ. Và ngay lập tức, chi phí này bị loại. Do đó, nhà tài trợ hoặc chính các tổ chức phi lợi nhuận phải chịu thuế suất 20% thuế TNDN trên phần chi phí bị loại này.

Và đương nhiên, nếu có lợi nhuận phát sinh khi kết thúc các hợp đồng dịch vụ khoa học - công nghệ thì các tổ chức phải đóng thuế suất 20% thuế TNDN cho phần lợi nhuận phát sinh từ những hợp đồng này.

Tuy nhiên, thực hành kể trên được xem là “vùng xám” đối với các dự án tài trợ theo thỏa thuận hợp tác. Khi bị kiểm tra, nếu cơ quan thuế hiểu tính chất phi lợi nhuận của các dự án thì sẽ “cho qua". Từ đó, những khoản chi này được xem là chi phí hợp lý, hợp lệ nên sẽ không bị đánh thuế TNDN.

Nếu cơ quan thuế không hiểu và không “cho qua” thì không được tính vào chi phí. Do đó, bản thân tổ chức phi lợi nhuận có thể sẽ phải trả thuế TNDN cho phần chi tiêu này vì lúc này thỏa thuận hợp tác đã kết thúc.

Đây được xem là rủi ro thứ nhất đối với những tổ chức đăng ký theo phương pháp khấu trừ. Rủi ro này là “nhỏ” hay “to” tùy thuộc vào quy mô các thỏa thuận tài trợ và thâm niên hoạt động của từng tổ chức.

Vậy còn rủi ro tiềm ẩn nào nữa?

Không thể có câu trả lời cho câu hỏi này vì pháp luật quy định không rõ ràng.

Pháp luật quy định: các tổ chức phi lợi nhuận có thể nhận tài trợ để thực hiện cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.

Tổ chức nhận tài trợ cho những hoạt động phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê. [3][4]

Đồng thời, pháp luật cũng quy định viện trợ nước ngoài cho các tổ chức phi lợi nhuận do các tổ chức này tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quản lý minh bạch, sử dụng hiệu quả, thực hiện đúng mục đích và đúng cam kết với nhà tài trợ. Các khoản viện trợ này được sử dụng vào các mục đích sau đây:

·      chi cho hoạt động thường xuyên

·      chi cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tập huấn

·      chi cho mua sắm, xây dựng cơ sở làm việc của tổ chức

·      chi các khoản khác của tổ chức.

Trường hợp tổ chức nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ thì tổ chức nhận tài trợ phải tính nộp thuế TNDN tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ tính thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích.

Lúc này lại nảy sinh các câu hỏi:

·      Cơ quan hay tổ chức nào có thẩm quyền kết luận các khoản tài trợ được sử dụng đúng mục đích hay không đúng mục đích: nhà nước hay nhà tài trợ?

·      Liệu những khoản tài trợ không được phê duyệt và/hoặc không có xác nhận viện trợ có được xem là sử dụng không đúng mục đích không?

Nếu câu trả lời là nhà tài trợ ở câu hỏi thứ nhất thì các khoản đã sử dụng không đúng mục đích sẽ bị trả lại cho nhà tài trợ, hay còn gọi là xuất toán. Lúc này, có thể người đứng đầu tổ chức phải tự bỏ tiền túi ra trả vì đã chi tiêu hết tiền của dự án cho các hoạt động.

Nếu câu trả lời là nhà nước ở câu hỏi thứ nhất và “có" ở câu hỏi thứ hai thì các tổ chức phi lợi nhuận sẽ bị “ốm đòn" vì khoản này có thể được xem là tiền tài trợ cho doanh nghiệp, hay còn gọi là thu nhập khác của doanh nghiệp.

Lúc này, nhà nước sẽ đánh thuế suất 20% thuế TNDN trên mỗi thoả thuận viện trợ giữa các tổ chức phi lợi nhuận với các đại sứ quán, Liên Hợp Quốc hay các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. [5]

Đây cũng là một trong những lí do vì sao các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà tài trợ lựa chọn biến các khoản viện trợ thành “dịch vụ" để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Theo cách này sẽ gia tăng các nghiệp vụ thuế phải thực hiện, nhưng giảm được gánh nặng hành chính cho việc phê duyệt dự án và xác nhận viện trợ. Từ đó, sẽ giảm rủi ro về tài chính và có thể là hình sự cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Chú thích

1.    Kết luận điều tra số 554-25 ngày 24.08.2023 của Cơ quan cảnh sát điều tra CA TP.HCM.

2.    Cáo trạng số 467/CT-VKS-P3 ngày 30.08.2023 của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM.

3.    Thông tư số 109/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.

4.    Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

5.    Điều 10 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ. 

T.T.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn