Khỉ chịu rét là bình thường, nhưng vẫn nên giải tán cái Bách thú Thủ Lệ

Phúc Lai GB

Trong khi đó thì chính người Hà Nội vẫn ngày ngày biến thành những con thú trong cái lồng chật chội của chính mình mà tất cả vẫn đang gọi nó là “thủ đô.” Hết đại gia này đến đại gia khác, ai cũng cố tranh vơ vét cho mình một miếng đất để xây nhà cao tầng bán, nhưng đã ai nghĩ đến những lợi ích công cộng của thành phố cần có, trong đó có công viên và vườn thú?

Vừa xôn xao tin lũ khỉ ở trong chuồng ở Thủ Lệ rét quá ngồi ôm nhau co ro. Ơ thế nếu chúng nó ở trong rừng thì biết chặt củi đốt lửa sưởi ấm như Homosapien ấy à? Tất nhiên nên che chắn cho chúng nó đi một tí, bản thân trong cái chuồng đó cũng có một cái thùng tạm gọi là “cái nhà” che nắng che mưa, chúng nó cũng có thể chui vào được. Nhưng câu chuyện không nằm ở chỗ đó.

Hà Nội càng ngày càng thiếu không gian. Cách đây 2 năm trong thời gian phải phục hồi sau trận ốm hút chết, hàng ngày tôi đi xe ôm ra công viên Thủ Lệ hoặc Nghĩa Đô để ngồi và đi bộ từng quãng một. Ở Thủ Lệ, chiều nào tôi cũng chứng kiến một cảnh chẳng đẹp đẽ gì. Đúng ngay gần cái chuồng khỉ đó, có một “lũ,” đúng là một lũ hai chân béo mỡ ngồn ngộn đủ màu sắc, cầm đầu là một ả khỉ đột cao, dáng đẹp thể thao nhưng mặt thì cũng chẳng khác gì tinh tinh mấy… Chúng mở một cái loa kẹo kéo với âm lượng cực lớn và nhảy lên chồm chồm, thú thật tôi mà là lũ khỉ và biết nói thì tôi sẽ chửi cho chúng bằng chết. Đám thú hai chân này chưa phải là duy nhất, trong công viên Thủ Lệ buổi chiều phải có ít nhất 4 đám như thế, đám nào cũng cần đi hiến mỡ nhân đạo cả.

Không những thế, vườn thú còn show hàng cho bà con thấy một đặc quyền đáng ngờ: có những người có vẻ giống như nhân viên sở thú, đàng hoàng phi xe máy đi từ đầu này đến đầu kia công viên, một cách rất vô ý thức. Bản thân tôi chỉ ý thức được vấn đề này sau khi đi thăm Night Safari ở Singapore, khi người ta đề nghị du khách đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên và không bật đèn flash khi chụp ảnh thú, vì tôn trọng sự yên tĩnh của chúng. Còn ở Việt Nam, thì là sự tra tấn lũ thú trong chuồng. Với chúng, nếu trẻ con có trêu chọc thì còn là hạnh phúc, điều đáng sợ là sự lạnh lùng, vô cảm và thực sự, thái độ mất dạy của con người.

Một cô bạn tôi từ Sài Gòn ra đi thăm công viên Thủ Lệ và nói: lũ thú ở sở thú Hà Nội, CHÚNG KHÔNG HẠNH PHÚC. Tôi nghe thấy đau, và công nhận điều này là đúng, quá đúng.

Đến dịp Tết 2023, gia đình tôi có dịp thăm Safari của đồng chí Vượng ở Phú Quốc và công nhận rằng, đó là một mô hình cần phải có của vườn thú hiện đại, với những nước dù sao cũng là “có điều kiện” như chúng ta. Đến như Singapore chật bé tí, ít đất hơn nhiều còn duy trì được Safari và khi vào đó, chúng ta không còn có cảm giác của một thành phố hiện đại vây bọc xung quanh. Trong khi đó vào Thủ Lệ, chúng ta thấy nhà cửa lô nhô của mấy xóm thuộc làng Thủ Lệ, chứng kiến cảnh phơi phóng những quần lót áo lót, những giàn nóng điều hòa, những bể nước lô nhô, thật không có gì lôm côm bằng. Chúng ta mà là thú nhốt trong đó, ắt hẳn tổn thọ và chết sớm.

Bản thân những nhân viên Sở thú Hà Nội, trông cũng đến nản. Chắc hẳn họ vẫn đang được hưởng những chế độ của nhân viên khối dịch vụ công, lương bổng vừa phải và trách nhiệm cũng vừa phải theo… Tất cả như bị nhốt trong một sự bí bách không thoát ra được. Sự việc vừa qua có một số thành viên mạng xã hội chia sẻ chuyện lũ khỉ bị rét, tôi cho rằng chúng ta nên thận trọng vì cần xem xét công bằng với tất cả, nhưng rõ ràng đây là một chuyện không mới. Trước đó là chuyện con voi bị xích, nó bị xích ròng rã từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác và năm này sang năm khác… thực sự là khách đi thăm vườn thú chúng ta nhìn thấy cũng chẳng vui nổi, không rõ chúng ta sẽ dạy trẻ con như thế nào khi mà, thể nào chúng nó cũng băn khoăn hỏi “Tại sao lại phải xích bạn voi như thế?”

Nhưng cũng chính vườn thú ấy, nếu chúng ta đi qua đầu đường Bưởi vào những ngày nghỉ, ngày lễ… có thể thấy đông nghịt xe cộ, những đoàn xe buýt to đùng từ nhiều tỉnh đổ về, các cháu thiếu nhi đã vượt hàng trăm cây số để đến xem thú. Có lẽ toàn bộ miền Bắc này làm gì còn có chỗ nào khác để cho chúng chứng kiến voi, sư tử, hổ báo… còn sống nguyên như vậy chứ? Tôi không biết ở miền Trung có chỗ nào trẻ con có thể xem được không, nhưng miền Bắc thì chỉ có vậy. Nếu chờ đến khi gia đình có điều kiện để đi xem ở Sở thú Sài Gòn hoặc cao xa hơn, Safari Phú Quốc, thật không biết đến bao giờ.

Trong khi đó thì chính người Hà Nội vẫn ngày ngày biến thành những con thú trong cái lồng chật chội của chính mình mà tất cả vẫn đang gọi nó là “thủ đô.” Hết đại gia này đến đại gia khác, ai cũng cố tranh vơ vét cho mình một miếng đất để xây nhà cao tầng bán, nhưng đã ai nghĩ đến những lợi ích công cộng của thành phố cần có, trong đó có công viên và vườn thú? Có lần tôi nói với một người bạn từ tỉnh lẻ lên Hà Nội: anh chỉ nghĩ đến việc mua nhà ở Hà Nội để coi đó là một nơi có cơ hội cho anh kiếm tiền, cho con cái anh được học tập “tốt hơn ở quê” và hưởng những dịch vụ về chăm sóc sức khỏe; nhưng chắc chắn chưa bao giờ anh nghĩ đến việc anh đóng góp vào đó một cái ô tô hàng ngày xả khí thải và thêm phần tắc đường mỗi sáng anh đưa con đi học, chưa bao giờ anh nghĩ anh có thể đóng góp được cái gì cho thành phố này… Điều này cũng đúng luôn với rất nhiều người, đầu tiên là sinh viên lên thủ đô học, rồi cố ở lại bám trụ để sinh sống… có những người viết rất hay về tình yêu của họ với thủ đô, nhưng đã có ai có hành động thực tế để đóng góp cho nó chưa?

Cứ thêm một người mua căn hộ, đại gia bất động sản giàu thêm một tí, nhưng không gian sống của thủ đô bớt đi một tí. Thêm mấy tấn bê-tông sẽ bớt đi hàng trăm cây xanh. Những tiện ích đó với Hà Nội, chỉ có mất đi mà không bao giờ có thêm được. Hà Nội đã vỡ trận quy hoạch, và cái vườn thú của nó bí bách như chính nó vậy.

Đã đến lúc không phải là kêu gọi, mà yêu cầu các đại gia bất động sản dẫn đầu là đồng chí Vượng, đừng có lên giọng về cái ô tô Vinfast “dùng nó là yêu nước,” ông cần yêu nước trước đi, yêu thủ đô trước đi, dù ông không phải sinh ra ở Hà Nội nhưng nó cũng là nơi giúp ông có những dự án hái ra tiền. Sóc Sơn, Tam Đảo (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…) Bắc Giang, Hòa Bình… rất nhiều nơi thuộc quy hoạch vùng thủ đô có thể làm được một Safari như ở Phú Quốc ông đã làm. Hãy làm đi, người dân thủ đô sẽ ghi nhận ông là công dân mẫu mực, đừng cho bọn dư luận viên đi hô hào tấn công những người còn nghi ngờ tấm lòng yêu nước của ông nữa, ông Vượng ạ. Ông đã làm những khu nghỉ dưỡng rất tốt, và bây giờ dịch vụ xe buýt ông thực hiện ở thủ đô rất tốt, tôi ghi nhận. Đời sống được là mấy, mang đi cũng chẳng được. Làm đi, rồi thủ đô sẽ ghi công ông.

Ở châu Phi, tôi gặp một con hươu cao cổ trong Safari. Trông nó rất buồn. Tôi nói chuyện với cậu hướng dẫn và hỏi bâng quơ: “Sao trông nó buồn thế nhỉ?” Cậu ta có vẻ sửng sốt: “100 người khách đến đây, chỉ vài người cảm nhận được nỗi buồn của nó như anh. Cách đây một tháng, bạn gái của nó bị sư tử túm được và biến thành mồi săn.” “Sao ở bên kia (một vế khác của Safari) có con hươu cao cổ cái, mà không chuyển nó sang?” “Vì di chuyển chỉ mấy ki-lô-mét vậy thôi cũng mất cả chục nghìn đô la Mỹ và không cần thiết, vì Safari đã có kế hoạch chuyển hai con khác về đây rồi.” Gần đó có những con ngựa vằn tò mò nhìn chúng tôi. Còn ở gần một bãi thụt lầy lội, có hai con tê giác trắng nằm phơi nắng, mặt mũi cực ngu ngốc.

Con hươu cao cổ buồn, mặc kệ du khách tìm cách nói chuyện với ngựa vằn. Hai con tê giác ngốc nghếch cũng mặc kệ. Nhưng tất cả chúng đều hạnh phúc.

P.L.

Nguồn: FB Phúc Lai GB

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn