Lý giải những vụ lưu học sinh Trung Quốc ‘tự bắt cóc’ chính mình

Magnus FiskesjöSelf-kidnappings by Chinese Students Abroad: Mystery Solved, The Diplomat, 08/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bí ẩn đặt ra bởi những sự kiện này chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh của sự tàn bạo và đàn áp xuyên quốc gia ngày càng gia tăng của cảnh sát Trung Quốc.

Một trong những tin tức gây bối rối nhất trong những năm gần đây là những vụ học sinh Trung Quốc ở nước ngoài tự bắt cóc chính mình để đòi tiền chuộc. Các em rời khỏi nhà, thậm chí tự trói chân tay bằng dây thừng, tất cả đều theo lệnh của tội phạm mạng Trung Quốc – những kẻ thậm chí còn không có mặt ở đó với các em.

Các học sinh có thể bị yêu cầu đội túi lên đầu hoặc khóc trước ống kính. Các em còn bị buộc phải chụp những bức ảnh selfie hoặc quay video về sự đau khổ của mình khi bị bắt cóc. Sau đó, bọn tội phạm sử dụng những thứ này để tống tiền cha mẹ của các học sinh, bắt họ gửi tiền chuộc vào tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc.

Đôi khi, bọn tội phạm còn đe dọa bắt giữ, hoặc dẫn độ về Trung Quốc, như một hình phạt đối với cáo buộc gian lận hoặc tội phạm khác mà học sinh hoặc gia đình các em bị cho là đã thực hiện. Các nạn nhân cũng luôn được yêu cầu cắt đứt mọi liên lạc với gia đình và thế giới bên ngoài, đồng thời phải xuất hiện trước ống kính. Đôi khi việc làm này được diễn giải là cần thiết cho “cuộc điều tra” của lãnh sự quán hoặc cảnh sát. Chẳng có logic nào ở đây cả – ngoại trừ cách quyền lực được người ta nhận thức.

Trong vài năm qua, một loạt các vụ việc tương tự liên quan đến học sinh Trung Quốc ở Australia, New Zealand, Canada, Anh, Nhật Bản, và Mỹ – tất cả đều là những địa điểm mà các bậc cha mẹ Trung Quốc giàu có gửi con đến theo học.

Dễ thấy rằng điều này tạo ra cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Hình thức cơ bản của các vụ bắt cóc học sinh là một phần trong một loạt các trò lừa đảo qua điện thoại, và nhóm thủ phạm lừa đảo này dường như đang di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, có lẽ vì sự chú ý của giới truyền thông làm ảnh hưởng cơ hội thành công của chúng.

Nhưng tại sao những học sinh Trung Quốc này lại để cho mình bị bắt cóc qua điện thoại, và thậm chí còn tự mình dàn dựng tội ác? Chúng ta nên hiểu hiện tượng này như thế nào?

Một trong những ví dụ gần đây nhất xảy ra vào tháng 12/2023, khi Kai Zhuang, một học sinh Trung Quốc 17 tuổi đang ở bang Utah, Mỹ, đã ngoan ngoãn thực hiện vụ tự bắt cóc chính mình theo chỉ dẫn qua điện thoại của bọn tội phạm chuyên về loại bắt cóc qua mạng từ xa mới này.

Kai đến Mỹ để học trung học. Các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội Trung Quốc thường gửi ngay cả những đứa con còn nhỏ tuổi của họ đi du học. Bọn tội phạm Trung Quốc đã gọi điện cho cậu bé, đóng giả làm đại diện của chính quyền Trung Quốc, và tuyên bố rằng gia đình cậu ở quê nhà đang gặp nguy hiểm. Chúng nhấn mạnh rằng Kai phải tuân theo mệnh lệnh của chúng và không được nói cho ai biết. Cậu được yêu cầu mua một chiếc lều và đến cắm trại trong rừng Utah vào mùa đông, rồi chụp ảnh mình ở đó.

Cha mẹ Kai ở quê nhà Trung Quốc sau đó nhận tin con trai đã bị bắt cóc ở Mỹ và họ phải trả tiền chuộc. Gia đình đã trả cho những kẻ bắt cóc số tiền tương đương 80.000 USD. Nhưng họ cũng đã báo cho trường trung học Utah về vụ bắt cóc, và cảnh sát địa phương đã tìm được căn lều và giải cứu cậu bé.

Trong một trường hợp khác, xảy ra ở Australia, một người cha giàu có người Trung Quốc đã trả 2 triệu đô la Australia (1,3 triệu USD) để cứu con gái mình, người được cho là đã bị bắt cóc và đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng sau đó, cô bé đã được cảnh sát Australia tìm thấy, bình an vô sự, đang xem TV trong phòng khách sạn. Những tên tội phạm không hề có mặt ở đó.

Trên thực tế, vì thủ phạm hầu như luôn hoạt động từ xa nên rất hiếm khi bị bắt. Có rất ít trường hợp ghi nhận có sự hiện diện của những kẻ bắt cóc thực sự. Một trường hợp khác ở Australia có nhắc đến việc những tên tội phạm tấn công một học sinh và giữ cậu trong cốp xe hơi, nhưng điều này vẫn có thể dễ dàng được bịa ra như một phần trong những câu chuyện bịa đặt của bọn lừa đảo. Các vụ bắt cóc trên mạng rõ ràng khác với các vụ bắt cóc “thông thường” sử dụng bạo lực thể chất.

Tuy nhiên, tổn thất tinh thần đối với các nạn nhân có thể rất nghiêm trọng, và một số nạn nhân đã phải nhập viện. Đôi khi, bọn tội phạm mạng yêu cầu các học sinh tự làm hại mình hoặc khoả thân để tăng mức độ tác động của ảnh selfie và video. Và vì chúng gây xấu hổ nên những vụ bắt cóc trên mạng này gần như chắc chắn không được báo cáo đầy đủ.

Liên quan đến các vụ bắt cóc trên mạng, cảnh sát địa phương ở Mỹ, Australia, và nhiều nơi khác đã đưa ra tuyên bố kêu gọi học sinh nước ngoài tin tưởng họ (cảnh sát địa phương ở nước sở tại) và yêu cầu cảnh sát giúp đỡ thay vì tiếp tay cho những kẻ bắt cóc. Nhưng vấn đề không chỉ là bọn tội phạm đã cấm các em liên lạc với cảnh sát địa phương, mà còn ở chỗ chúng thường tự xưng là cảnh sát – tức là cảnh sát Trung Quốc.

Đây là lúc vấn đề bắt đầu trở nên thú vị. Tại sao những người trẻ Trung Quốc có học thức lại tin theo những lời như vậy? Tại sao họ lại đồng ý trói mình bằng dây thừng hoặc băng keo, rồi chụp những bức ảnh giả cảnh mình đang gặp nạn, theo lệnh của những “cảnh sát” hoặc “quan chức” thậm chí còn không có mặt ở đó?

Một sĩ quan cảnh sát Australia nhận xét: “Thật không may, trong tất cả các trường hợp chúng tôi đã gặp, các nạn nhân tin rằng họ đang nói chuyện với các quan chức Trung Quốc thực sự, và rằng các mối đe dọa sẽ trở thành hiện thực nếu họ không tuân thủ”.

FBI đã đưa ra một cảnh báo lưu ý rằng tội phạm liên quan đến các âm mưu này có thể giả dạng cảnh sát Trung Quốc một cách thuyết phục như thế nào, gửi kèm theo số điện thoại chính thức, lệnh bắt giữ, và những thứ tương tự. Nhưng ngay cả lời cảnh báo này cũng không chỉ ra được điểm mấu chốt. Thực tế nghiệt ngã là các học sinh Trung Quốc thực sự có lý do để tin vào những trò lừa đảo như vậy.

Trước hết, hầu hết mọi người ở Trung Quốc cho rằng cảnh sát và chính quyền đều tham nhũng. Chuỗi những lời thú tội cưỡng bức liên tục được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc cho thấy những công dân “mất tích” sau khi bị cảnh sát bắt bất ngờ lộ diện sau vài tháng, chỉ để tự bôi nhọ bản thân bằng những lời thú tội vô lý – trước và bên ngoài bất kỳ phiên tòa xét xử nào.

Khi các nạn nhân hạ nhục bản thân trong các phiên toà được dàn dựng này, khán giả có thể thấy rõ rằng họ đã bị cảnh sát và truyền thông nhà nước ép buộc. Các nạn nhân không có luật sư hỗ trợ và chỉ có thể phục tùng. Ai nấy đều hiểu rằng mọi thứ xoay quanh những chương trình phát sóng đó đều là giả mạo – nhưng những hành động vô liêm sỉ của chính quyền và cảnh sát Trung Quốc là rất thật.

Trường hợp nổi tiếng nhất là công dân Thụy Điển Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), người đã bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015. Quế hiện đang chết mòn trong nhà tù Trung Quốc, bị từ chối tiếp cận lãnh sự và trợ giúp pháp lý. Suốt bốn năm nay, không có dấu hiệu nào cho thấy ông còn sống. Quế đang giữ kỷ lục về số lần bị cưỡng bức thú tội nhiều nhất (ba lần), phần lớn các nạn nhân đều biến mất chỉ sau một lần.

Một quan điểm thông thường khác là việc tra tấn của cảnh sát là phổ biến ở Trung Quốc. Ví dụ công khai nổi bật nhất trong những tháng gần đây là khi tờ Caixin đăng một bài báo điều tra chi tiết vụ công dân Trung Quốc Tôn Nhiệm Trạch (Sun Renze) bị tra tấn dã man đến chết ở Tân Cương. Tôn thậm chí không phải là nghi phạm hình sự, mà chỉ là một nhân chứng tiềm năng, nhưng anh đã thiệt mạng do bị cảnh sát tra tấn, bao gồm cả bằng việc trấn nước.

Bài báo đã bị cơ quan kiểm duyệt gỡ xuống chỉ sau 10 phút, nhưng lúc đó nó đã được lưu truyền rộng rãi rồi. Bài báo xác nhận với khán giả Trung Quốc điều họ đã biết: chính quyền Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm.

Thêm vào đó, trong những năm gần đây, nhà nước Trung Quốc đã thành lập các đồn cảnh sát riêng ở khoảng 50 quốc gia – bao gồm Australia, Mỹ, Canada, và Thụy Điển – với nhiệm vụ theo dõi người Trung Quốc ở nước ngoài, đe dọa, hoặc thậm chí buộc họ phải quay trở lại Trung Quốc. Thông thường, các đồn này được thành lập mà không được phép, nhưng đại diện Trung Quốc vẫn công khai bảo vệ chúng, cho rằng thủ tục pháp lý ở phương Tây “quá phức tạp” nên công việc của cảnh sát mất quá nhiều thời gian. (Dù vậy, chưa có nhiều hậu quả xảy ra).

Đôi khi, cảnh sát Trung Quốc bất ngờ xuất hiện để thực hiện một chiến dịch truy quét mà nước sở tại không hề mời. Khán giả truyền hình Trung Quốc gần đây có thể xem một chương trình đặc biệt chiếu cảnh một máy bay chở cảnh sát tới Fiji, nơi họ bắt giữ và sau đó buộc hồi hương 77 công dân Trung Quốc – một hoạt động mà chính phủ Fiji thậm chí còn không được thông báo. Không dẫn độ, không thủ tục pháp lý – nhưng tất cả đều được trình chiếu công khai.

Người dân ở Trung Quốc nhìn thấy tất cả những điều này, kể cả những tin tức đáng lo ngại về nạn diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương, và họ tự rút ra kết luận cho mình. Sự thật là cảnh sát Trung Quốc có thể đột nhiên quyết định quấy rối bạn, bất kể bạn đang ở Australia hay Mỹ, và bất kể bạn có làm gì sai hay không.

Nhìn từ góc độ này, các học sinh Trung Quốc không còn là những đứa trẻ ngây thơ, và các vụ bắt cóc không còn “kỳ lạ” như các phương tiện truyền thông phương Tây thường gọi.

Ngược lại, các học sinh này đang suy nghĩ rất thực tế: Đơn giản là các em không thể biết liệu đó có thực sự là cảnh sát Trung Quốc hay lãnh sự quán Trung Quốc đang gọi đến, rồi hướng dẫn các em băng chân tay và bịt miệng mình – hay đó chỉ là một kẻ lừa đảo cố gắng mạo danh chính những cơ quan đó.

Trong một loạt vụ việc ở Vancouver, Canada, vốn chỉ nhắm vào phụ nữ trẻ đến từ Trung Quốc, một trong số các nạn nhân thực sự đã nhận ra số điện thoại của lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver trên điện thoại của cô khi những kẻ tống tiền gọi đến.

Đã có lúc, cảnh sát liên bang Australia chuyển sang đổ lỗi cho nạn nhân, nói rằng các vụ bắt cóc một phần là do nạn nhân “tin tưởng quá mức vào chính quyền và sợ mình đã làm điều sai trái”.

Suy nghĩ đó thật sai lầm. Những học sinh Trung Quốc này có một nỗi sợ hợp lý đối với chính quyền nước họ, vốn không thể dễ dàng phân biệt được với tội phạm chuyên nghiệp. Chính quyền Trung Quốc, các lãnh sự quán, và cảnh sát của họ đã tự gây tiếng xấu cho mình, và tiếp tục củng cố nó thông qua một chế độ cai trị dựa trên sự sợ hãi và đe dọa. Họ không phải là kiểu cơ quan chính phủ hay cảnh sát phải chịu trách nhiệm trước người dân của mình; trên thực tế, họ chỉ báo cáo với Đảng Cộng sản và các lãnh đạo đảng.

Tuyên bố của cảnh sát Australia cũng cho thấy cảnh sát nước này (và nhiều nơi khác) hiểu “đối tác” Trung Quốc của họ ít đến mức nào. Tất nhiên, họ chia sẻ thất bại này với nhiều quốc gia dân chủ khác, những nước mà từ lâu đã cả tin thái quá vào chế độ Trung Quốc. Một số quốc gia thậm chí còn mời cảnh sát Trung Quốc đến tuần tra trên đường phố của họ (như Nam Phi và một số nước khác; còn Ý đã dừng hoạt động đáng lo ngại này vào năm 2022). Giờ đây có vẻ mọi người đã bắt đầu tỉnh ra.

Thực ra, các học sinh Trung Quốc có thể dạy chúng ta đôi điều về đất nước của họ.

Nhưng tất nhiên, những điều đó sẽ không được ghi lại.

M.F.

--- 

Tác giả Magnus Fiskesjö đang giảng dạy ngành nhân học và nghiên cứu châu Á tại Đại học Cornell. Trước đây ông từng là tùy viên văn hóa tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Bắc Kinh và là giám đốc Bảo tàng Cổ vật Viễn Đông ở Stockholm, Thụy Điển.

Nguồn bản dịch: Nghiên cứu Quốc tế  

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn