Nhà văn Vũ Ngọc Tiến và “Hoa lạc thiền môn”

Thái Hạo

Thứ Tư, 19-6-2024

Có thể là hình ảnh về 1 người

Ngày hôm qua, nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã trút hơi thở cuối cùng, từ giã cõi ta bà để đi về miền mây trắng.

Hoa lạc thiền môn có lẽ là tác phẩm được xuất bản cuối cùng của ông lúc sinh thời, đó là ngày 23 tháng 5 năm 2024, trên Văn Việt.

Tôi có duyên và cả vô duyên với nhà văn Vũ Ngọc Tiến, khi ngày ngày được trò chuyện với ông và bên ông trong một hộp tin nhắn nhỏ, nhưng lại chưa một lần gặp mặt. Tôi có biết một Vũ Ngọc Tiến thành đạt trên đường công danh sự nghiệp; tôi cũng có biết một Vũ Ngọc Tiến lận đận trên nẻo văn chương – tập truyện Rồng đá của ông và Lê Mai do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành đã bị thu hồi vì "có nội dung không phù hợp", tiểu thuyết Quỷ Vương cũng chịu số phận long đong chìm nổi...

Cách đây gần 1 tháng, thật lạ, truyện ngắn Hoa lạc thiền môn của ông đi lạc. Mấy tháng trôi qua, nó đã lang thang đâu đó cho đến một ngày được nhắc nhớ. Tôi đọc, một truyện không quá mới về nội dung, cũng không phải tân kỳ trong lối kể, nhưng thời điểm truyện được xuất bản, với ông, một người sắp ra đi, phải gọi là một duyên lành chăng?

Truyện kể về một người phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo tên là Thạch Tiểu Hoa, nhưng vốn xuất thân hèn kém nên phải chịu số phận sầu thảm, bị bán vào nhà một đại gia để làm thiếp. Người đàn bà này vì “hận đời” nên đã dùng trí thông minh và sự mưu lược của mình, lần lượt hãm hại người chồng và vợ con của chồng, chiếm hết gia sản. Nhân lúc Chiến tranh thế giới thứ II loạn lạc, Thạch Tiểu Hoa bắt tay làm ăn với các thế lực hắc ám, đã giàu càng giàu hơn. Nghề chính của bà là nuôi một giống mèo lớn để giết thịt lấy da, cung cấp cho ngành thời trang. Hàng vạn con mèo được nuôi bằng loại chuột bao tử (chuột mới sinh), và bị giết trong sự tàn ác ghê rợn. Tất cả cái công việc tàn nhẫn ấy, bà giao cho tay chân của mình làm, và chỉ ngồi đếm tiền, chưa một lần ghé đến “công xưởng”. Chỉ tới khi, trong một chuyến dẫn khách đến “tham quan” trại mèo, tận mắt chứng kiến cảnh máu me và chết chóc rùng rợn, bà mới bàng hoàng, rồi phát điên. Sau những ngày rơi vào trạng thái loạn thần, bà dần hồi tỉnh, quyết định bỏ hết tất cả và “rơi” vào cõi Phật, trở thành thiền ni Từ Đàm. Với công đức và đạo hạnh suốt phần đời còn lại của mình khi đã trở thành một lão thiền sư uyên bác, bà được dân chúng yêu mến, kính trọng và lễ bái.

Nhân vật “tôi” trong truyện là một thương gia, sau chuyến đi gặp đối tác ở Quảng Châu, mặc chiếc áo lông thú quý giá và yêu thích, lặn lội tìm đến nghe thiền ni Từ Đàm thuyết pháp. Nhìn thấy “tôi” với chiếc áo của mình, thiền sư mặt liền biến sắc, thẳng tay “mời” khách ra ngoài. Về khách sạn, người bạn thương gia mới kể về lai lịch của vị ni sư cho ông nghe. Khách “đốn ngộ”. Và cảm thán: “Những cánh hoa đá dãi dầu mưa nắng, chịu đựng bao mùa giá rét vẫn nguyên vẹn màu xanh sự sống. Cả khi một cánh hoa rơi xuống cũng tự bám đất mọc rễ mới rồi lớn dần thành cây hoa đá khác, như nàng Thạch Tiểu Hoa rơi vào cửa thiền đã thành Thiền ni Từ Đàm. Mới hay hết thảy mọi thứ quyền uy, tiền bạc chỉ là ảo ảnh phù du. Chỉ có đức hạnh và tình người hướng thiện là trường tồn, vượt lên trên mọi biên giới của không gian, thời gian”.

Tôi nhắn với bác Vũ Ngọc Tiến một câu, đại ý rằng, Hoa lạc thiền môn đi lạc và được xuất bản vào thời điểm này có khi lại là một điều hay! Ông ngạc nhiên, nhưng không hỏi lại, tôi cũng không nói thêm. Giờ này ông đã ra đi. Tôi băn khoăn mãi vì đã không nói rõ rằng: bởi lúc đó “hiện tượng Minh Tuệ” đang nổi lên như một sự kiện văn hóa làm chấn động cả nước, và Hoa lạc thiền môn đã “rơi” đúng vào cơn bão ấy như một sự hội ngộ thật đẹp và lành thiện, nơi “cửa Phật”. Nhưng rồi, giờ này, tôi tin, dù mình đã không nói ra, nhưng hơn ai hết, ông hiểu, và hiểu sâu sắc những kỳ ngộ trong đời, nhất là với một người đã trải qua tất cả những dâu bể của cuộc sống và lại là lúc đang sắp buông bỏ thân mạng để về với “thiền môn”.

Tháng 8 năm 2016, khi cuốn Quỷ Vương gặp rắc rối, Nhà văn Vũ Ngọc Tiến trong “Lời thưa và cáo lỗi” gửi đến bạn đọc, đã trích lại một câu trong sách này: “Độc tôn một hệ tư tưởng tất sẽ dẫn đến độc quyền chân lý, con người dễ bị mê lạc, cái ác lấn cái thiện, thói kiêu căng và tự mãn, ích kỷ và gian dối sẽ lộng hành trong xã hội”.

Biết nhà văn Vũ Ngọc Tiến chưa lâu, được gần ông chưa nhiều, nhưng tôi vẫn thấy ở ông toát lên cốt cách của một “Kẻ sĩ thời loạn” (tên một cuốn sách của ông): đau trước những giả dối, suy bại; nổi giận trước những độc ác phi nhân. Ông bộc trực, thẳng ngay, nhưng luôn đằm thắm và bao dung.

Vĩnh biệt ông, nhà văn, bác Vũ Ngọc Tiến. Tin rằng, như truyện ngắn cuối cùng mới đăng giữa “cơn bão Minh Tuệ”, ông sẽ “lạc thiền môn” trong sự buông bỏ để về bên những lành vững, “vẫn nguyên vẹn màu xanh sự sống”. Bởi “Chỉ có đức hạnh và tình người hướng thiện là trường tồn, vượt lên trên mọi biên giới của không gian, thời gian”.

T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn