Vì sao phí công đoàn luôn là 2% của quỹ tiền lương ở doanh nghiệp?

Cát Tường

(VNTB) – Nhà chức trách chỉ giải thích quy định đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương đã được thực hiện liên tục từ năm 1957 đến nay.

Thực tế 2% phí công đoàn này, theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thì có 75% được để lại cho công đoàn cơ sở hoạt động, còn 25% chuyển lên công đoàn cấp trên. Mà công đoàn cấp trên này thực chất là cánh tay nối dài của nhà chức trách, và các vị trí đầu lĩnh của tổ chức này luôn chịu sự điều phối của Đảng.

Trong một diễn biến liên quan, đúng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lên tiếng tại nghị trường Quốc hội mới đây, “Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao?”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kinh phí công đoàn cần phải có kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định kiểm toán nhà nước hoặc thanh tra. “Là một sắc thuế phải quản lý theo sắc thuế, không phải “ào ào” muốn ai quản lý thì được đâu. Sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào, thậm chí sau này phải báo cáo Quốc hội cho định hướng…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Đào Ngọc Dung thì trong thực tiễn, chỉ còn vài quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam duy trì hình thức cố định phí công đoàn này. Ngoài ra Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng lưu ý, “Hiện nay, chúng ta chưa cho phát triển tổ chức lao động khác ngoài công đoàn ở doanh nghiệp. Thời gian tới, khi có nghị định về tổ chức đại diện của người lao động ra đời thì chắc chắn là trong một doanh nghiệp, có thể không chỉ công đoàn mà có thể có các tổ chức khác”.

Thực tế thì từ tháng 4-2018 các doanh nghiệp đã đề nghị bãi bỏ việc thu phí công đoàn từ doanh nghiệp để bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong thời gian chưa sửa được quy định này, đề nghị ngay từ quý I-2018, chính phủ xem xét cho giảm mức đóng góp phí công đoàn 2% xuống còn 1%.

Ngày 10-10-2020, các Hiệp hội Doanh nghiệp gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (FFA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có công văn 06102020/HHDN về việc đóng góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ các hiệp hội doanh nghiệp. Theo đó kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.

Trong công văn này còn đề xuất người lao động đã tham gia công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có quyền xin thôi không tham gia công đoàn Việt Nam (vì là tự nguyện) để tham gia là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; và công đoàn cơ sở cũng có quyền xin ra khỏi hệ thống công đoàn Việt Nam để trở thành tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.

Hôm 20-2-2023, bài viết “VASEP tiếp tục đề nghị giảm phí công đoàn, bảo hiểm” trên trang Việt Nam Thời Báo đã cho rằng, “Việc doanh nghiệp đóng thuế, tức là gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách, nay trích nộp thêm phí công đoàn nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương”.

VASEP cho biết do khoản thu phí công đoàn chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của người lao động, cần giảm tỷ lệ đóng khoản thu này xuống tối đa 1%. Lý do là doanh nghiệp hiện tại đã tự nguyện cung cấp rất nhiều các lợi ích cho người lao động, ngoài những lợi ích được hưởng từ kinh phí công đoàn. Hơn nữa phía công đoàn cơ sở chỉ được để lại 75% số tiền thu được từ phí công đoàn.

C.T.

VNTB gửi BVN

  

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn