Đại tá Reisner: “Việc chiếm được một địa điểm thật ra có nghĩa là nó sẽ bị hủy diệt hoàn toàn”

NTV

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

8-7-2024

Ở Donbass, quân đội Nga có thể tiếp tục tiến xa và san bằng các ngôi làng ở đó. Ngoài ra, tên lửa của Nga cũng được bắn xa về phía sau mặt trận, chẳng hạn như tại các sân bay. Đại tá Markus Reisner giải thích với NTV vì sao những thành công này lại nguy hiểm đối với F-16 của phương Tây.

Khi người Nga chiếm một địa điểm ở Donbass, sẽ chỉ còn lại rất ít ở nơi đó. Đây là hình ảnh nhìn từ trên không của khu phố ở Chassiv Yar đang bị vây hãm. Nguồn: picture alliance/ DPA/Press service of 24 Mechanised brigade/AP

NTV: Phía Nga mới đây đưa tin đã chiếm được các thị trấn khác ở Donbass – Sokil và Chigari. Những thành công này có quan trọng về mặt chiến lược không?

Markus Reisner: Những thị trấn nhỏ bị chiếm này thật ra là một phần của các cuộc tấn công từ phía Nga mà chúng ta thấy dọc theo toàn bộ mặt trận. Các cuộc tấn công đã thành công ở Donbass, nơi người Nga đang chinh phục những ngôi làng nhỏ hàng tuần, có khoảng 100 cư dân trước chiến tranh. Nếu chúng bị chiếm, điều đó thật sự có nghĩa là chúng sẽ bị hủy diệt hoàn toàn, các địa điểm này sẽ bị san bằng.

Đặc biệt ở Donbass, quân Nga còn có khả năng tiến sâu hơn vào địa hình. Thường có thể chỉ hàng trăm mét, một hoặc hai km, nhưng thành công là có, khi cộng chúng lại với nhau. Thành công ở Niu York và Chassiv Yar là rất đáng kể.

NTV: Đây là thành phố có kênh Donbass chạy qua.

Markus Reisner: Con kênh ngăn cách khu phía đông của thành phố với phần còn lại và tạo thành chướng ngại vật khó khăn cho quân Nga trong cuộc tiến công của họ. Tuy nhiên, hiện tại họ đã chiếm hoàn toàn phần phía đông Chassiv Yar; lính dù Nga gần đây đã được triển khai ở đó. Hiện tại, người Nga vẫn chưa thể tự mình vượt qua con kênh để chiếm phần còn lại của thành phố.

NTV: Có phải người Nga đang sử dụng một chiến thuật được lặp đi lặp lại trong các cuộc tấn công này?

Markus Reisner: Dựa trên các video từ khu vực chiến đấu, chúng ta thấy rằng họ dùng nhiều pháo binh, thả bom trong giai đoạn đầu. Có những cuộc tấn công ồ ạt bằng pháo, thiết bị phóng tên lửa, nhưng trên hết họ sử dụng bom lượn có sức hủy diệt – theo báo cáo từ phía Ukraine, hiện có tới 800 cuộc tấn công bằng bom lượn mỗi tuần.

NTV: Những quả bom hạng nặng này còn được sử dụng để tấn công các mục tiêu như siêu thị và cơ sở hạ tầng quan trọng, gây ra hậu quả tàn khốc. Người Nga đang làm gì với bom lượn ở mặt trận?

Markus Reisner: Với sức công phá mạnh mẽ, bom lượn có thể phá hủy hoàn toàn các vị trí phòng thủ của Ukraine và chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiếp theo của Nga.

Điều mà chúng tôi cũng đang quan sát: Các cuộc tấn công bằng bom lượn tàn khốc vào khu vực đô thị Kharkiv. Và ở xa phía sau mặt trận, trên lãnh thổ Ukraine, người Nga sử dụng máy bay không người lái trinh sát tầm xa và sau đó tấn công, chẳng hạn như các điểm thả quân của Không quân Ukraine.

Có nhiều báo cáo khác nhau về sự thành công của các cuộc tấn công này: Người Nga tuyên bố rằng, gần đây họ đã phá hủy ba máy bay chiến đấu – hai chiếc SU 27 và một chiếc MiG 29 – cũng như một trực thăng tấn công Mi24. Phía Ukraine không xác nhận thông tin này mà chỉ cho biết đã mất 1 máy bay.

NTV: Ukraine khẳng định rằng quân Nga chủ yếu bắn trúng máy bay giả.

Markus Reisner: Điều đó có thể đúng. Một yếu tố khác quan trọng hơn nhiều so với câu hỏi liệu Nga có thể hạ gục 3 máy bay phản lực hay chỉ một chiếc.

NTV: Hãy tiếp tục.

Markus Reisner: Những cuộc tấn công này cho thấy, người Nga có thể quan sát không gian của đối phương ở xa phía sau mặt trận và cũng có thể hành động ở đó. Đây là dấu hiệu báo trước về khả năng sử dụng máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây ở Ukraine.

NTV: Ông nghĩ rằng F-16 cũng có nguy cơ bị bắn trúng và có thể bị tiêu diệt giống như một trong những máy bay thời Liên Xô?

Markus Reisner: Những chiếc F-16 này khi được bàn giao phải được bảo vệ rất kỹ để người Nga không thể làm được điều đó.

NTV: Chính phủ mới của Hà Lan tuyên bố, họ muốn bắt đầu giao máy bay F-16 “ngay lập tức”. Trong những tuần gần đây, việc đào tạo rộng rãi cho các phi công Ukraine được cho là một trở ngại. Vì vậy, việc giao máy bay sẽ bị trì hoãn.

Markus Reisner: Nguyên nhân của sự chậm trễ không phải là do thiếu phi công đã qua đào tạo. Cũng như không có sẵn các loại vũ khí mà máy bay chiến đấu phương Tây có thể mang theo, tức là hệ thống không đối không hoặc hệ thống không đối đất. Thay vào đó, vấn đề chính là hậu cần. Người Ukraine bố trí những máy bay này ở đâu và như thế nào để chúng có cơ hội tồn tại?

NTV: Được bảo vệ khỏi các cuộc không kích tương tự của Nga?

Markus Reisner: Chính xác. Người Nga đã tấn công các căn cứ không quân Ukraine bằng tên lửa tầm xa, mặc dù F-16 vẫn chưa có mặt ở đó. Để bảo vệ các máy bay phản lực khi chúng đến nơi, những chiếc này không chỉ cần một sân bay làm căn cứ mà còn cần nhiều căn cứ như vậy. Họ cần có khả năng chuyển chỗ chiếc F-16, đặt nó lúc chỗ này, lúc chỗ kia và giấu nó khỏi các phương tiện trinh sát của Nga. Điều này rất khó khăn vì các cuộc tấn công cho thấy, người Nga đang theo dõi các sân bay tiềm năng này và nhận ra liệu có những hoạt động nào ở đó có thể được sử dụng để chuẩn bị cho việc triển khai hay không.

NTV: Hãy tưởng tượng điều này: Sau nhiều tháng chuẩn bị, phương Tây cuối cùng đã chuyển giao những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên của mình, và thậm chí trước khi nhiệm vụ đầu tiên diễn ra, người Nga đã gửi đi khắp thế giới một đoạn video quay cảnh một chiếc F-16 bị tan vỡ.

Markus Reisner: Sự mất uy tín của phương Tây sẽ rất lớn. Đó là lý do tại sao Ukraine và những nước ủng hộ phương Tây rất thận trọng trong việc chuyển giao máy bay. Họ muốn chuẩn bị tốt nhất có thể để tránh thảm họa như vậy.

Có một số biện pháp. Một mặt, như chúng tôi đã đề cập, cách tiếp cận phi tập trung. Nhiều địa điểm mà máy bay có thể cất cánh, cho phép nó di chuyển giữa các sân bay này. Điều này khiến người Nga khó phát hiện ra một chiếc hơn nhiều. Sau đó, có khả năng tạo ra các cấu trúc cứng trên chính các sân bay, chẳng hạn như một loại hầm trú ẩn để máy bay được đẩy vào, cũng có thể được khóa lại.

Chúng tôi thấy rằng, người Nga chủ yếu sử dụng bom chùm để tấn công các sân bay, tức là bom và tên lửa có hiệu ứng diện rộng. Nếu máy bay ở ngoài trời, chúng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho máy bay ngay cả khi không có một cú đánh chính xác. Nếu nó ở trong hầm trú ẩn hoặc nơi trú ẩn kiên cố, nó sẽ được bảo vệ tốt trước kiểu tấn công này. Một hầm trú ẩn sẽ phải bị tấn công với độ chính xác cao và trần của nơi trú ẩn sẽ phải bị xuyên thủng để phá hủy máy bay bên dưới.

NTV: Liệu người Ukraine bây giờ còn có thể xây dựng những cơ sở bảo vệ như vậy không?

Markus Reisner: Điều này rất công phu và tất nhiên là rất dễ thấy. Đặc biệt là vì người Nga đã quen thuộc với việc phân bổ các sân bay quân sự từ xưa. Trong thời kỳ Xô Viết, họ đã tự mình điều hành những nơi này và do đó vẫn có cảm giác về tình trạng của mỗi một nơi. Họ biết chính xác nơi nào vẫn còn những nơi trú ẩn kiên cố và nơi nào không. Và tất nhiên họ có thể dần dần tấn công và tìm cách tiêu diệt chúng.

NTV: Về lý thuyết, phòng không có lẽ cũng tốt, nhưng nguồn lực để làm điều này lại thiếu?

Markus Reisner: Ukraine có quá ít loại vũ khí này. Riêng về hệ thống tầm trung, hiện chỉ có 4 hệ thống Patriot. Hoa Kỳ muốn gửi thêm một chiếc nữa, Hà Lan đã công bố sẽ chuyển một chiếc, nhưng để có thể bảo vệ tất cả những chiếc F-16 bằng hệ thống đó trong tương lai, bạn sẽ cần khoảng 25 chiếc Patriot – một số lượng vượt xa những gì phương Tây có khả năng và sẵn sàng chịu giao hàng.

Cuộc không kích vừa qua của Nga và hậu quả của nó ở Kiev cho thấy, yêu cầu của Tổng thống Ukraine về việc tăng cường hệ thống phòng không là hoàn toàn chính đáng. Vũ khí phòng thủ thuần túy giúp bảo vệ người dân khỏi khủng bố.

Frauke Niemeyer nói chuyện với Markus Reisner.

Nguồn bản dịch: Báo Tiếng Dân

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn