Chủ nghĩa Dân túy: tác nhân phá vỡ một nền chính trị tốt đẹp!

Giolanh

Những năm gần đây, các từ “chủ nghĩa dân túy” và “người theo chủ nghĩa dân túy” đã tràn ngập các phương tiện truyền thông và trong ngôn ngữ hằng ngày, đến độ, người ta đang cố phân loại tất cả mọi người, mọi nhóm, mọi xã hội và chính quyền là “dân túy” hay “không dân túy”.​

Một số biểu hiện của chủ nghĩa dân túy

Thực ra, Chủ nghĩa dân túy đã có từ lâu trong lịch sử. Thời gian gần đây, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2008, sau đó là làn sóng di cư từ Syria đến Châu Âu năm 2014-2015 và đặc biệt đại dịch Covid 19, đã tạo nên sự bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội, tạo cơ hội cho chủ nghĩa dân túy sinh sôi.

Những người theo chủ nghĩa dân túy không lành mạnh thường đánh tráo khái niệm “dân” và “dùng khả năng lãnh đạo tài khéo của cá nhân, dùng nền văn hóa dân tộc làm khí cụ chính trị, nhờ vào ngọn cờ ý thức hệ nào đó, để phục vụ cho kế hoạch cá nhân và để tiếp tục nắm giữ quyền lực” (Phanxicô, Fratelli Tutti, # 159). Đối với họ, “dân” chỉ là một thành phần, một nhóm, có khi là một thiểu số sắc tộc trong xã hội.

Họ cũng có thể lấy lòng dân bằng cách “khơi gợi những xu hướng hạ cấp và ích kỷ của một số thành phần dân chúng. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi các cơ chế và luật pháp bị khống chế, với những chiêu trò thô thiển hay tinh tế,” (Ibid.) để mị dân, lùa dân theo họ.

Một biểu hiện khác của chủ nghĩa dân túy là họ lợi dụng người dân để chỉ tìm kiếm những lợi ích trước mắt. Đối với họ, “việc đáp ứng các yêu sách của dân chỉ để bảo đảm số phiếu bầu hay tìm kiếm sự ủng hộ.” (Ibid.)

Mối nguy hại cho một nền chính trị tốt đẹp

Như vậy về cơ bản, chủ nghĩa dân túy là những thủ đoạn chính trị mang tính chất cơ hội, mị dân, lợi dụng các nhóm, các thành phần, ngay cả lợi dụng tôn giáo, để phục vụ cho tham vọng quyền lực của các cá nhân hay tổ chức chính trị. Họ nêu cao khẩu hiệu “của dân, do dân và vì dân”, nhưng thực chất người dân chỉ là công cụ để phục vụ cho mục tiêu chính trị của họ.

Một nền chính trị như thế hoàn toàn trái ngược với một nền chính trị phục vụ, một nền chính trị lấy con người làm trung tâm.

Tự bản chất, “Chính trị là phương tiện thiết yếu để xây dựng cộng đồng và các cơ chế nhân loại, nhưng khi sinh hoạt chính trị không được xem như là một hình thức phục vụ toàn bộ tập thể xã hội – như chủ nghĩa dân túy chủ trương, thì nó sẽ trở nên dụng cụ đàn áp, gạt con người ra ngoài lề và thậm chí hủy diệt con người” (Phanxicô, Sứ điệp ngày thế giới Hòa bình 2019, # 2)

Cũng vậy, một nền chính trị tốt phục vụ hòa bình là một nền chính trị luôn “tôn trọng và cổ võ các quyền căn bản của con người” (Ibid., #3) đồng thời, nỗ lực kiến tạo các điều kiện để xây dựng một tương lai bền vững, tốt đẹp và công bằng.

Do đó, mọi người dân nói chung, cách riêng những người Công giáo cần cảnh giác và mạnh mẽ lên án chủ nghĩa dân túy, thứ chủ nghĩa làm suy yếu lý tưởng về một nền dân chủ đích thực và đe dọa tính hài hòa trong xã hội, gây đổ vỡ các mối tương quan, đe dọa tình huynh đệ xã hội mà thế giới ngày nay đang cần đến.​

G.L.

Nguồn: Phải Làm Gì

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn