Dự án kênh đào Phù Nam Techo: Danh mục những mối quan ngại tiềm tàng

Dự án kênh đào Phù Nam Techo: Danh mục những mối quan ngại tiềm tàng

Phạm Phan Long

11-7-2024

Campuchia có kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo Canal (FTC) dài 180 km (110 dặm) từ thủ đô Phnom Penh đến bờ biển trên Vịnh Thái Lan, một dự án trị giá 1,7 tỷ USD, nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa qua các cảng ở Việt Nam.

Nhưng bài phân tích này kết luận rằng, kế hoạch FTC không khả thi về mặt tài chính, sẽ có tác động môi trường nghiêm trọng và sẽ làm tình trạng khan hiếm nước ở hai nước hạ lưu thêm khắc nghiệt khi mực nước sông Mekong đã hạ xuống mức quá thấp, dưới mức kỷ lục thấp trong nhiều năm liền.

Lập luận của Chính phủ Campuchia rằng, kênh đào sẽ làm cho vận tải hàng hóa rẻ hơn là điều không thể có. Tính toán sơ bộ của tác giả cho thấy, cước phí vận chuyển hàng hóa qua kênh này sẽ cao hơn so với qua các cảng ở Việt Nam để đến các nước có trao đổi thương mại nhiều nhất với Campuchia.

Campuchia đang thúc đẩy các kế hoạch liên kết thủ đô Phnom Penh với bờ biển của mình bằng một con kênh chạy dài 180 km, tức 110 dặm. Theo các nhà lãnh đạo Campuchia, 51% hoặc hơn chi phí của kênh đào sẽ được chi trả bởi các công ty Campuchia và phần còn lại được chi trả bởi một công ty xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) của Trung Quốc. Dự kiến kênh đào sẽ được khởi công vào ngày 5 tháng 8 sắp tới.

Cho đến nay, Campuchia đã thẳng thừng từ chối tham vấn về các tác động xuyên biên giới có thể xảy ra của dự án kênh đào với Việt Nam và các nước liên quan khác của Ủy ban Sông Mekong.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định, kênh đào là một khoản đầu tư thận trọng vì lợi ích quốc gia, bài đánh giá này trình bày những nghi ngờ nghiêm trọng về tính khả thi kinh tế của nó và, thứ hai là báo động về các tác động môi trường vốn có trong phạm vi và mục tiêu được báo cáo của kênh đào.

Những biện minh năng nổ với ý chí cương quyết

Kênh đào Funan Techo (FTC) của Campuchia được lên kế hoạch, có thể được coi như tương tự với dự án Đại Vận Hà của Trung Quốc và sẽ là một thành tựu đáng kể, là di sản của cựu Thủ tướng Hun Sen và niềm tự hào của dân tộc Khmer.

Theo thông báo với Ủy ban Sông Mekong hồi tháng 8 năm 2023, FTC sẽ dài 180 km, rộng 80-100 mét (260-330 feet) và sâu 5,4 m (18 ft), có thể chứa các tàu có trọng tải lên tới 3,000 DWT (deadweight tonnage). Dựa trên kích thước thiết kế, FTC sẽ có thể nhận tàu tới 5,000 DWT trong mùa mưa. Kênh đào sẽ nối sông Mekong với sông Bassac, sau đó, qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot, đến tỉnh Kep và Vịnh Thái Lan.

Hình 1: Kênh đào Funan Techo của Trung tâm Stimson

Cựu Thủ tướng Hun Sen, hiện là Chủ tịch Thượng viện Campuchia, là nhà quán quân nhiệt thành nhất của dự án kênh đào này. Con trai ông, Hun Manet, người kế nhiệm ông làm Thủ tướng vào năm 2023, rất cương quyết tiến hành dự án này. Trong một ẩn dụ nổi bật, Hun Manet đã gọi đây là cơ hội để người dân Campuchia “thở bằng mũi của chính mình”.

Trước những phát ngôn năng nổ về dự án FTC và những lợi ích được Campuchia tuyên bố, chúng ta thấy có những dự trù chi phí thấp và thu nhập rất cao không kiểm chứng được, và những nguy cơ cho môi trường ngay trên đất họ bị gạt bỏ một cách không thuyết phục. Báo cáo này trình bày năm quan ngại tiềm tàng có thể và có lẽ sẽ làm trật bánh dự án Kênh đào Funan Techno.

1. Thu xếp tài chính vẫn còn mơ hồ

Chính phủ Campuchia dự đoán rằng, FTC sẽ tạo ra doanh thu 88 triệu đô la trong năm đầu tiên hoạt động và đạt 570 triệu đô la hàng năm vào năm 2050.

Các bản tóm tắt ban đầu về dự án mô tả nó như một liên doanh xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) trong phạm vi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Người ta nói rằng, các công ty Trung Quốc sẽ thực hiện một hợp đồng BOT có ngân sách 1,7 tỷ đô la và sau khi thu hồi vốn đầu tư, bàn giao kênh đào cho các đối tác Campuchia 40 đến 50 năm sau đó.

Các dự án BRI của Trung Quốc thường có điều kiện lãi suất 7-10%. Để so sánh, Ngân hàng Thế giới cung cấp các khoản vay dự án không lãi suất trong 10 năm đầu tiên và lãi suất chỉ 2,5% từ năm 11 đến 50.

Tuy nhiên, vào ngày 30/5, Thủ tướng Hun Manet khẳng định rằng, sẽ có mặt các liên doanh đầu tư Campuchia, cho đến nay vẫn chưa được xác định, sẽ có phần lớn (51% trở lên) cổ phần; và nhà thầu BOT có lẽ sẽ cung cấp số còn thiếu.

Bất chấp khuyến cáo của chuyên gia quốc tế và Việt Nam, các nhà lãnh đạo chính trị của Campuchia đang thúc đẩy mạnh mẽ dự án kênh đào cho công dân của họ. Tại một cuộc họp hồi tháng Sáu, Phó Thủ tướng Sun Chanthol khẳng định, rằng tỷ suất lợi nhuận nội bộ kinh tế (EIRR) của nó sẽ là 30%.

Hiện nay, ngân sách 1,7 tỷ USD đã được xem là quá thấp, khiến các công ty tư nhân có vẻ còn do dự. Trung Quốc gần đây bỗng im tiếng, có vẻ họ “không quan tâm đến việc đầu tư toàn phần” vào dự án kênh đào này nữa.

2. Tác động môi trường và nghĩa vụ quốc tế

Sông Bassac là một phân lưu chính của sông Mekong. Bằng cách định nghĩa lại, trái với khoa học địa lý sông ngòi, cho Bassac là một phụ lưu, bất chấp khuyến cáo và phản ứng của dư luận, như thế Ủy ban Mekong Quốc gia Campuchia sẽ phá vỡ Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Hiệp định Mekong 1995.

Theo PNPCA, tham vấn trước không phải là quyền phủ quyết việc sử dụng, cũng như quyền đơn phương sử dụng nước của bất kỳ quốc gia ven sông nào mà không xem xét quyền của các quốc gia ven sông khác.

Chính phủ Campuchia đã thuê luật sư quốc tế để được tư vấn chuyên môn. Theo phân tích của họ, cho rằng dự án FTC sử dụng nước từ một phụ lưu chứ không phải dòng chính sông Mekong, nên Campuchia chỉ phải trải qua quá trình thông báo tại Ủy hội sông Mekong, trong Hiệp định Mekong 1995, đặc biệt là Điều 5. Luận cứ này không đúng với khoa học sông ngòi và không đúng với Hiệp định Mekong, Uỷ ban sông Mekong đã phải gởi thư yêu cầu Campuchia tuân thủ PNPCA và đang chờ đợi được đáp ứng.

Hành động đơn phương tiến hành FTC của Campuchia đe dọa sự sụp đổ hoàn toàn của Hiệp định Mekong. Ông Brian Eyler, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, có trụ sở tại Washington DC, đã chỉ ra cho những người tham gia ISEAS khả năng các quốc gia khác có thể làm theo tiền lệ Campuchia. Chúng ta không thể loại trừ, sau FTC, Thái Lan có thể đơn phương chuyển nước ra khỏi dòng chính, và Lào có thể xây dựng bất kỳ con đập nào họ muốn mà không cần tham vấn và thỏa thuận với bất kỳ ai.

Quan trọng hơn, bằng cách giảm nhẹ các tác động xuyên biên giới của dự án kênh đào đối với Việt Nam để tránh trách nhiệm nghiên cứu tác động xuyên biên giới (TbEIA), các nhà lãnh đạo Campuchia cũng đã né tránh thảo luận về tác động môi trường của FTC trên đất Campuchia và với dân cư Khmer ở đó.

Hơn nữa, các chuyên gia Campuchia đã không hề thảo luận về sự thiếu vắng một hệ thống kiểm soát lũ lụt với thiết kế vững chắc cần phải thực hiện song hành với FTC. Nếu cứ xây dựng dự án và không quan tâm đến tác động trên dòng lũ, FTC sẽ hoạt động như một con đê, cắt giảm một nửa vùng đồng bằng ngập nước rộng 1 triệu ha (2,5 triệu mẫu Anh), làm nghèo 1,6 triệu người Campuchia và hàng triệu người Việt lân cận.

Ông Brian Eyler và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Stimson giải thích rằng, nước sẽ làm ngập đất ở phía tây bắc của kênh trong mùa mưa hàng năm trong khi việc cung cấp nước cho phía đông nam của kênh sẽ bị hạn chế. Lưu ý rằng “chi phí bảo trì đê và giảm thiểu thiệt hại lũ lụt do kênh đào đưa ra không được thảo luận trong tài liệu thông báo dự án“. Như thế, chính phủ Campuchia nợ người Khmer một kế hoạch vững chắc để bảo vệ khu vực nông nghiệp trù phú này khỏi lũ lụt và hạn hán.

Hơn nữa, việc đào kênh có thể phải đến độ sâu 12 m (39 ft), sẽ làm xáo trộn đất Holocene của khu vực. TS Lê Phát Quới, người đứng đầu Viện Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Việt Nam cho rằng, ông đặc biệt quan tâm đến dất phèn, pyrite (Fe2S) trong đất. Sự xáo trộn của “đất phèn tiềm tàng ” sẽ dẫn đến quá trình oxy hóa của nó; đất đào lên sẽ trở thành “đất phèn hoạt động”, sẽ giải phóng axit sulfuric (H2SO4, pH 3.0) hủy hoại cơ sở hạ tầng (như chính kênh đào) và thải các kim loại độc hại cao như arsenic, cadmium, chrome gây ô nhiễm môi trường đồng lũ với hậu quả là, gây thiệt hại cho nông nghiệp và ngư nghiệp ở đó.

3. Chỉ bằng dòng chảy trọng lực, kênh không thể cung cấp nước canh tác cho khu vực

Ủy ban Mekong Quốc gia Campuchia cho rằng, dự án kênh đào sẽ cung cấp đủ nước để tưới tiêu dọc theo dòng kênh. Điều này cần phải xem xét lại. Tôi ước tính lưu lượng nhờ trọng lực (gravity flow) của kênh là 55 mét khối mỗi giây (1.942 feet khối mỗi giây) vào mùa khô và 144 m3/ s (5.085 ft3/ s) vào mùa mưa. TS Lê Anh Tuấn của Đại học Cần Thơ ở Việt Nam ước tính rằng, để tưới cho 50% diện tích canh tác của các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot của Campuchia trong mùa khô, đòi hỏi kênh phải cung cấp gần 1.700 m3/ s (60.000 ft3/ s) nước, gấp hơn 10 lần ước tính của tôi về khả năng dòng chảy trọng lực của kênh vào mùa mưa.

Như thế, FTC có rất ít khả năng phát triển canh tác vùng lân cận của kênh đào. Việc cung cấp nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô trong những năm gần đây – đặc biệt là Kandal, Takeo và Kampot, và ngay bên kia biên giới, đến các tỉnh An Giang và Kiên Giang của Việt Nam – đã đạt đến mức thấp kỷ lục. Nước sông Mekong hiện không đủ cho Việt Nam duy trì sinh hoạt vào mùa khô, nên nếu thêm Cambodia, cả hai nước sẽ cùng phải chịu nạn thiếu nước khắc nghiệt nhiều hơn nữa.

Ông Eyler tin rằng, hoạt động ở các đập của Trung Quốc có thể được điều chỉnh theo cách tôn trọng nhịp lũ tự nhiên của hệ thống sông và giá trị của ngư nghiệp Biển Hồ: “Nếu Biển Hồ, Hồ Lớn của Campuchia, hoạt động tốt, thì phần còn lại của sông Mekong sẽ hoạt động tốt“.

Với tư cách là người đồng tổ chức Hôi thảo và Tuyên bố sông Mekong năm 1999, tôi tin rằng Campuchia và Việt Nam không nên cạnh tranh nhau về lượng nước dư thừa xả ra từ các đập ở thượng nguồn; thay vào đó, hai quốc gia nên hợp lực để thuyết phục các nước thượng nguồn sông Mekong, duy trì dòng nước đủ để khôi phục nhịp lũ trước thời kỳ xây đập cho Biển Hồ.

Suốt hai mùa mưa gần đây Mekong cung cấp ít nước cho Biển Hồ, nước đã thấp hơn cả mức thấp nhất (xem hình 2). Vì thế 55 hồ chứa thủy điện lớn trên Lancang-Mekong cần tiết chế để Biển Hồ không bị đảo lộn, cân bằng sinh thái. Yêu cầu này hoàn toàn nằm trong tôn chỉ chia sẻ công bằng và hợp lý nguồn nước mẹ trên toàn lưu vực.

Hình 2: Lượng nước chảy ngược Mekong cung cấp cho Biển Hồ rơi xuống tối thiểu hai mùa mưa. Nguồn: MRC

4. Kinh phí dự kiến của kênh đào quá thấp và doanh thu dự kiến quá cao

Campuchia vừa có một hệ thống cao tốc kết nối chuyển vận hàng hóa hiệu quả giữa Phnom Penh và bờ biển Campuchia. Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville có bốn làn xe, hoàn thành vào năm 2023 với chi phí 2 tỷ USD, thiết kế để chịu được tải trọng giao thông 40 tấn. Kênh đào Funan Techo sẽ dài bằng đường cao tốc nhưng rộng hơn ba đến bốn lần. Cấu trúc kênh phải được thiết kế để chịu được cả áp lực nước và giao động cho các tàu 5.000 DWT. Tải trọng lớn đó đòi hỏi kênh phải có đáy và bờ kênh vững chắc, tốn kém hơn đường cao tốc. Kinh phí dự trù cho FTC không tin cậy được.

Không những thế, khi cho FTC không đầy đủ để việc vận chuyển vì thiếu kinh phí cần thiết để nâng cấp cảng Kampot cho tàu biển lớn cập bến, đây là thiếu sót không nhỏ mà không thể bỏ quên.

Một số chuyên gia, đặc biệt là từ Trung Quốc, lưu ý rằng, một con kênh tương tự dài 100 km (62 dặm) ở Trung Quốc có giá hơn 10 tỷ USD. Giá xây dựng kênh đào có các âu tàu hiện vào hoảng $20 tới $50 triệu USD cho mỗi km. Do đó, kinh phí cho dự án 180 km FTC sẽ cần khoảng $3,6 tỷ tới $9 tỷ USD.

Về thu nhập, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol dự đoán, thu nhập từ phí cầu đường trên kênh đào là 88 triệu đô la trong năm đầu tiên và 570 triệu đô la hàng năm, bằng đô la hiện tại sau 25 năm.

Những dự báo như vậy ngụ ý Campuchia sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,1% suốt 25 năm. Dự báo CAGR cao như thế không có tiền lệ, sẽ không thể xảy ra; và dự án EIRR 30% mà Sun Chanthol trích dẫn cũng không thể nào trở thành hiện thực.

Thực tế hơn, công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence dự báo CAGR cho Campuchia là 3,95% trong 25 năm. Chúng tôi nghi ngờ rằng các nhà đầu tư và/ hoặc nhà thầu BOT đã sớm nhận thức được những mối lo ngại này và trong mọi trường hợp họ sẽ không để mình phải gánh thua lỗ. Chính phủ Campuchia sẽ làm gì nếu doanh thu từ kênh đào thấp hơn một nửa dự báo?

5. Sẽ rẻ nhất khi vận chuyển hàng hóa Campuchia qua các cảng ở miền Nam Việt Nam

Hơn 30% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đến hoặc đi từ Phnom Penh, hiện đang được trung chuyển tại cảng Cái Mép hoặc Cát Lái, các cảng Việt Nam gần Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù có sự bảo đảm vị thế thuận lợi nhất trong một hiệp ước song phương giữa Campuchia và Việt Nam về vận tải đường thủy, việc kiểm tra hàng hóa Campuchia ở Việt Nam không được thực hiện tốt. Thủ tục hải quan phải qua nhân viên kiểm tra, cả hàng hóa quá cảnh trong container có khóa kín. Tàu thuyền phải chờ vì chỉ có thể vượt qua các trạm kiểm soát đường thủy trong “giờ làm việc”. Những thủ tục không hiệu quả này cần được Việt Nam sửa chữa cho dù Campuchia có xây dựng FTC hay không, vì đó là việc phải làm và nên làm.

Về việc vận chuyển hàng hóa của năm đối tác thương mại hàng đầu với Campuchia ở Đông Á và Bắc Mỹ, tôi cho rằng tuyến đi bằng hạ lưu sông Mekong qua các cảng của Việt Nam sẽ nhanh và rẻ hơn nhiều so với việc vận chuyển hàng hóa qua FTC. Vì hàng hóa từ FTC sẽ phải ngừng tại cảng mới ở Ke, hoặc phải nâng cấp cảng Kampot, chưa có trong kế hoạch, rồi đi vòng quanh Mũi Cà Mau của Việt Nam ra biển Đông theo Hình 3.

Hình 3: Tuyến đường đỏ AB Việt Nam – Kênh AC Funan Techo – Tuyến CB Cà Mau màu xanh

Sun Chanthol, Phó thủ tướng Campuchia, đã tuyên bố rằng, việc sử dụng kênh đào Funan Techo đến cảng Kampot, thay vì trung chuyển tại một cảng ở miền nam Việt Nam, sẽ tiết kiệm cho Campuchia 181 đô la mỗi TEU (tương đương hai mươi bộ, tiêu chuẩn về khối lượng hàng hóa container). Tuyên bố của ông Sun rất đáng nghi ngờ vì cước phí hiện tại sử dụng tuyến Việt Nam chỉ tốn 145 USD/TEU.

Để tính toán lợi ích tương đối, tôi đã làm đánh giá kinh tế sơ bộ của dự án FTC. Các tàu sử dụng tuyến FTC sẽ phải đi từ A đến C và sau đó vòng lên B theo hình 3, trả phí và thuế quan cho việc sử dụng Kênh đào FTC (A đến C), và sau đó là giá cước vận chuyển cho Tuyến Cà Mau (C đến B) đến các điểm đến Đông Á và Bắc Mỹ, vốn chiếm 60% mậu dịch của Campuchia với các nước ngoài.

Tôi kết luận rằng, sử dụng tuyến FTC (A-C-B) trong năm 1, các tàu thương mại sẽ phải trả $550/ TEU. Ngoài ra, nếu sử dụng tuyến Việt Nam (A-B), họ sẽ phải trả $145/ TEU theo tiền đô la hiện tại (current dollars).

Trong năm 25, sử dụng tuyến FTC (A-C-B), các tàu thương mại sẽ phải trả $1,518/ TEU, trong khi đó, nếu sử dụng tuyến Việt Nam (A-B), họ sẽ trả $468 / TEU theo tiền đô la hiện tại.

Trừ khi Campuchia không cho họ lựa chọn, các hãng vận chuyển sẽ không ngừng chuyển hàng trên Mekong qua cảng của Việt Nam. Một hậu quả có thể xảy ra là kênh đào FTC sẽ chiếm đoạt một phần hàng hóa hiện được vận chuyển bằng xe tải giữa Phnom Penh và Sihanoukville, FTC sẽ gây thiệt hại doanh thu cho đường cao tốc Campuchia.

Có lẽ các nhà hoạch định BRI sẽ tính toán sự đánh đổi, nhằm cân bằng dòng chảy hàng hóa giữa hai khoản đầu tư lớn, và cũng kết luận rằng, kế hoạch FTC, tuy nhiên hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo Campuchia vì giảm bớt phụ thuộc của quốc gia họ vào đường thủy Việt Nam, đơn giản là sẽ không mang lại lợi nhuận cho họ. Tính kinh tế của đường cao tốc và kênh đào chắc chắn sẽ triệt tiêu nhau, làm suy yếu lẫn nhau.

Và vì vậy, nếu FTC trên thực tế được xây dựng, tôi tiên đoán vì cước phí và thuế quan cao các doanh nghiệp Campuchia sẽ không sử dụng FTC cho phần lớn xuất khẩu hàng hải của họ. Hầu hết vận chuyển giữa khu vực Phnom Penh và các cảng Đông Á hoặc Bắc Mỹ sẽ tiếp tục dựa vào hai nhánh chính của hạ lưu sông Mekong để vận chuyển qua các cảng Việt Nam trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Lời ghi nhận

Tôi cám ơn ông David Brown và những hiệu đính của ông, giúp kiểm lại bản thảo cho mạch lạc và những lời khuyên giá trị, giúp độc giả nắm bắt câu chuyện phức tạp này dễ dàng hơn.

P.P.L.

_______

Tác giả: Phạm Phan Long, người sáng lập Viet Ecology Foundation, một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ và là tác giả của Tuyên bố sông Mekong năm 1999.

Được đào tạo như một kỹ sư, ông Long đã từng là chuyên gia tư vấn về cơ sở công nghệ cao và kỹ thuật cơ sở hạ tầng. Năm 2019, với mục tiêu giảm giá điện mà người dân Campuchia phải gánh chịu từ cao nhất xuống thấp nhất trong khu vực, ông Long đã đề xuất dự án điện mặt trời nổi trên hồ Tonle Sap. Nghiên cứu của ông về thủy văn Biển Hồ đã thuyết phục ông rằng, nếu Trung Quốc và Lào điều tiết trữ nước ở thượng nguồn và hợp tác với Campuchia và Việt Nam một cách công bằng, nhịp lũ hàng năm trước đập của Biển Hồ có thể được khôi phục hoàn toàn với ít tác động tiêu cực đến các quốc gia thượng nguồn.

Ghi chú: Đây là bản tiếng Việt, viết theo bản gốc tiếng Anh của chính tác giả đăng trên tạp chí môi trường trực tuyến Mongabay, ấn bản Tháng 7, 2024: Cambodia’s Funan Techo Canal project: A catalog of worries (Analysis)

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn