Dự án kênh đào Funan Techo – Góc nhìn kỹ sư: Cơn bão trong ly nước

Đặng Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

Dự án kênh đào Funan Techo là một công trình rất lớn xây ở ngay bên cạnh nước ta [i]. Như mọi việc mới lạ, đồng bào ta lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của dự án đến đời sống hàng ngày, an ninh và môi trường sống [ii].

Với thông tin gom được trên mạng Internet, bài này rà xét dự án để xem lo ngại của đồng bào có cơ sở hay không.

Chọn lựa kỹ thuật

Chọn lựa kỹ thuật ban đầu dẫn đến các hậu quả về kinh tế tài chính, an toàn cho con người và toàn vẹn môi trường.

Tầu hỏa là phương tiện mau nhất và rẻ nhất để chở hàng. Cambodia đã có sẵn một đường sắt chở khách từ Phnom Penh đến Sihanoukville rồi. Chỉ cần đầu tư vào những đầu tầu và toa tầu chở hàng. Chúng tôi không hiểu vì sao CDC (Council for the Development of Cambodia, Hội đồng Phát triển Campuchia) không chọn giải pháp đỡ tốn kém này để ngoại thương Campuchia không tùy thuộc vào Việt Nam nữa. Còn muốn gợi nhớ đế quốc huyền thoại Phù Nam và tôn vinh dòng họ Techo của Samdech Hun Sen thì chỉ cần đặt tên cho tuyến đường sắt đó là Funan Techo.

Bảng dưới đây cho thấy kích thước tối đa của ba loại tầu thông dụng trên các dòng nước nội địa và kích thước tối thiểu của dòng nước cho phép những loại tầu đó di chuyển thoải mái.

Thông số kỹ thuật của ba loại tàu và dòng nước:

 

Đơn vị

Saimax

Grand Rhenan

Freycinet

Trọng tải

DWT

3.000

3.000

350

Kích thước tối đa của tầu (chép từ Wikipedia)

Chiều dài

m

82,50

110,00

38,50

Chiều rộng

m

12,60

11,40

5,05

 Mớm nước

m

4,35

2,80

2,20

Kích thước tối thiểu của dòng nước (chúng tôi suy ra)

Chiều rộng

m

83,00

110,50

39,00

Chiều sâu

m

5,35

3,80

3,20

Người ta có thể dùng những tàu lớn, tiêu chuẩn Saimax và Grand Rhenan, trọng tải tới 3.000 DWT (để chở hàng trên các sông lớn, không cần phải đào) của Việt Nam, Âu Châu hay Bắc Mỹ, để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Còn nếu phải đào kênh thì người ta chọn đào một dòng kênh nhỏ, thích nghi với những sà lan nhỏ, để đỡ tốn vốn đầu tư. Thêm vào đó, loại sà lan nhỏ thích hợp với xu hướng sản xuất theo mẻ nhỏ (small batch) để giao hàng mau chóng. CDC đã chọn giải pháp đắt nhất với những tầu trọng tải tới 3.000 DWT.

Một dòng kênh song song với xa lộ từ Phnom Penh đến Sihanoukville sẽ miễn phải thuyên chuyển hàng từ phương tiện vận tải này sang phương tiện khác. Cộng với xa lộ và đường sắt, dòng nước này sẽ tạo ra mô hình ba loại hạ tầng vận tải song song như KS Charles de Freycinet đã áp đặt vào cuối thế kỷ XIX để đáp ứng nhu cầu giao thong vận tải của cách mạng công nghiệp thứ nhất của Pháp. Nếu cần phải dùng một phương tiện có trọng tải 3.000 DWT thì sà lan tiêu chuẩn Grand Rhenan là thích hợp vì chỉ cần đến một dòng nước sâu 3,80 mét.

CDC đã chọn Kep làm trạm cuối của kênh Funan Techo. Phương án này bắt phải thuyên chuyển hàng ở Kep hay dùng tầu tiêu chuẩn Saimax có thể đi biển để nối liền Kep với Sihanoukville. Vì phải đi biển, loại tầu này đắt hơn là sà lan Grand Rhenan và đòi phải có dòng nước sâu ít nhất 5,35 mét thay vì 3,80 mét để di chuyển an toàn.

Chúng tôi không hiểu vì sao CDC không chọn giải pháp đường sắt và tại sao một khi đã chọn giải pháp đường sông thì lại chọn các phương án tốn kém nhất thay vì phương án hợp lý chúng tôi mô tả ở trên?

Ảnh hưởng kinh tế và tài chính

Cho tới nay, lượng hàng Cambodia thông qua các hải cảng Việt Nam rất khiêm tốn so với tổng số lượng hàng ra vào các cảng đó. Nếu hàng Cambodia không thông qua Việt Nam nữa thì cũng không ảnh hưởng gì lớn đến kinh tế ngành hàng hải nội địa (inland waterway) nước ta.

Chúng tôi không biết CDC đã tính ra sao mà cần đến 1,7 tỷ mỹ kim để thực hiện dự án Funan Techo và dự án đó sẽ giảm chi phí vận tải xuống 16 phần trăm, 181 mỹ kim cho mỗi container được vận chuyển từ Cảng Tự trị Phnom Penh đến Cảng Kampot và 155 mỹ kim đến Cảng Tự trị Sihanoukville. 

Khi quá giang nước ta, hàng của Cambodia được chở trên hai nhánh của sông Cửu Long trời cho, sông Tiền và sông Hậu, và các thiết bị phục vụ vận chuyển hàng đã có sẵn, đa số đã được khấu hao rồi. Nếu phải đầu tư để đào một dòng kênh và trang bị nó bằng những thiết bị mới thì giải pháp này chắc chắn sẽ tốn kém hơn về vốn đầu tư và chi phí vận hành sau này. Đó là chưa kể cự ly để tránh phải quá giang Việt Nam sẽ dài hơn. Trong kinh tế thị trường thuần túy, các xí nghiệp xuất khẩu của Cambodia sẽ tiếp tục dùng giải pháp quá giang Việt Nam. Nói một cách thô bạo thì kênh Funan Techo vô dụng.

Ngài Sun Chandol, Phó Thủ tướng Cambodia tuyên bố dự án Funan Techo sẽ được tài trợ thông qua Quan hệ Hợp tác Công tư (Private Public Partnership, PPP) với Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (Quốc (China Road and Bridge Compagny, CRBC) theo chương trình Xây dựng Vận hành Chuyển giao (Build Operate then Transfer, BOT). Nhưng ngài không nói rằng CRCB là một công ty quốc doanh, thừa lệnh chính phủ Trung Quốc, chủ nhân của hãng. Chúng tôi không hiểu CRCB sẽ đóng góp 49 phn trăm vốn của toàn kênh Funan Techo hay chỉ có đoạn từ Koh Thom đến Kep. Dù sao, chúng tôi không hiểu ngài Hun Manet, thủ tướng Cambodia, muốn nói gì khi ngài tuyên bố rằng dự án sẽ được hoàn toàn tài trợ bằng vốn của tư nhân và xí nghiệp quốc doanh Cambodia. Những tuyên bố không đầy đủ và trái ngược nhau này dấy lên nghi vấn dự án đã được khởi công trong khi vốn tài trợ chưa được sắp xếp xong.

Dự án Funan Techo là một sai lầm về kinh tế tài chính, bất kể lựa chọn kỹ thuật nào, bất kể hậu quả xã hội, an toàn cho con người và môi trường tự nhiên ra sao.

Ảnh hưởng đến môi trường hệ thống nước của châu thổ sông Mekong

Chúng tôi không biết các chuyên gia ở Cần Thơ dựa vào đâu để có thể nói rằng kênh Funan Techo sẽ khiến lượng nước từ dòng Mekong về miền Tây có thể giảm 50 phần trăm [iii] và các vị ở CDC bên Cambodia ước tính thế nào để nói rằng lượng nước chảy là 5 mét khối mỗi giây trong kênh.

Đ tính với giả thuyết bất lợi cho dự án Funan Techo, chúng tôi giả dụ kênh Funan Techo có chiều dài 183 km và mặt cắt ngang từ đầu đến cuối của kênh đào là một hình chữ nhật rộng 100 mét và sâu 5,4 mét. Với giả dụ đó, kênh chứa tối đa 81,25 triệu mét khối nước và phải lấy khối lượng nước đó từ sông Bassac một lần duy nhất trước khi kênh được khánh thành. Chúng tôi không biết, để so sánh, Biển Hồ Tongle Sap chứa bao nhiêu nước vào mùa khô. Chắc rất nhiều hơn.

Sau đó, kênh Funan Techo làm cho sông Bassac mất nước vì:

(a)   cống âu Kep Lock thải nước ra Vịnh Thái Lan mỗi khi một tầu xuyên qua cống âu,

(b)  nước rò rỉ từ cửa hậu của cống âu Kep Lock cũng ra Vịnh Thái Lan,

(c)   cư dân lấy nước để sinh hoạt,

(d)  nông dân lấy nước để canh tác,

(e)   và các nhà máy lấy nước để sản xuất.

Tuyến nước chy từ sông Mekong ra Vịnh Thái Lan (Hình MRC gửi cho Stimson)

Khi có tàu thông qua một cống âu thì có một lượng nước khoảng 1.620 mét khối chy từ thượng lưu cống xuống khúc kênh tiếp theo ở hạ lưu và chỉ có cống Kep Lock để chy lượng nước đó ra Vịnh Thái Lan. 

Đề tính với giả thuyết bất lợi cho dự án Funan Techo, chúng tôi giả dụ: 

(a)   các tầu ra vào cống Kep Lock là các tàu tiêu chuẩn Saimax,

(b)  lượng hàng chở trên kênh Funan Techo là 500.000 TEU mỗi năm, nhiều hơn lượng hàng đã qua các hải cảng Việt Nam năm 2022,

(c)   khoảng cách giữa mức nước thượng nguồn và hạ nguồn ở cống Kep Lock là 1,50 mét, 

(d)  mỗi lần gửi hàng thì tàu thông qua cống hai lần (một lượt đi, một lượt về),

(e)   mỗi tàu chỉ chở có hai phần ba trọng tải tối đa của nó.

Với những giả thuyết đó, mỗi năm các tàu tiêu chuẩn Saimax ra vào cống Kep Lock làm mất tối đa 36 triệu mét khối nước mỗi năm. Để so sánh, lưu lượng trung bình của sông Mekong là 17.000 mét khối mỗi giây, 536 tỷ mét khối mỗi năm.

Nước rò rỉ từ cửa hậu của cống âu Kep Lock cũng ra Vịnh Thái Lan tùy ở thiết kế cống âu. Dẫu sao lượng nước này ít không đáng kể.

Ở nước ta có nhiều kênh đào kết nối sông Hậu với Vịnh Thái Lan. Kênh nổi tiếng nhất là kênh Vĩnh Tế. Đây là kênh đầu tiên của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vua Gia Long ra lệnh đào và vua Minh Mạng sai đào cho xong. Chúng tôi không có số liệu để ước tính lượng nước các kênh đó đã lấy từ sông Hậu để cư dân, nông dân và các nhà máy ven kênh sinh hoạt, canh tác và sản xuất công nghiệp. Chúng tôi chỉ nhận thấy:

(a)   kể cả vào mùa khô, phần lớn lượng nước sông Hậu qua Châu Đốc chy ra Biển Đông,

(b)  không học giả nào nêu vấn đề hạn hán hàng năm trầm trọng và phù xa trôi ra Vịnh Thái Lan vì những dòng kênh đó,

(c)   những hoạt động của con người hai bên các kênh sinh ra ô nhiễm, một vấn đề trầm trọng mà chúng ta chưa giải quyết ổn thỏa.

Kênh Funan Techo sẽ là một kênh nữa ở châu thổ sông Mêkông. Muốn biết sơ bộ hoạt động của cư dân ven kênh lấy bao nhiêu nước sông Bassac và ô nhiễm thêm tới đâu thì lấy thí dụ của một dòng kênh ở ĐBSCL. Còn muốn biết chính xác hơn thì phải nghiên cứu trên một mô hình vật lý (physical model) hay, ít nhất, một mô hình toán học (digital model).

Từ những nhận xét đó thì có thể nghĩ rằng, một khi kênh Funan Techo đi vào hoạt động, lượng nước của sông Bassac sẽ không giảm mấy và ô nhiễm sẽ gia tăng nhưng không đáng kể so với ô nhiễm ở ĐBSCL nước ta.

Công dụng quân sự

Để so sánh, nếu một tàu trọng tải 3.000 DWT có thể đi lại trên kênh Funan Techo thì những chiến hạm lớn, với giãn nước tới 3.000 tấn, của một lực lượng hải quân Blue Water Navy[iv] di chuyển trên kênh. Để so sánh, chiến hạm lớn nhất của HQNDVN, bốn tầu lớp Guepard, chỉ có giãn nước 2.000 tấn.

Có giả thuyết rằng CRBC được lệnh ngầm của chính phủ họ thiết kế kênh Funan Techo lớn như vậy để cho quân đội Trung Quốc có thể dùng để giao tranh với QĐNDVN khi xy ra chiến tranh Việt - Trung. 

Nếu chiến tranh Việt - Trung thực sự xy ra thì chiến lược hữu hiệu nhất của Trung Quốc là hải quân và thủy quân lục chiến của họ tấn công ĐBSCL từ Biển Đông chứ họ không cần và không thể chiếm đóng Cambodia để tấn công từ phía Tây bởi vì:

(a)   thời gian để chở binh lính và quân nhu từ Trung Quốc đến Sihanoukville hay Ream (nếu cảng này đủ lớn) là ít nhất một tuần, đủ để QĐNDVN dàn trận đối phó,

(b)  trên đường, tàu của họ sẽ phải đến gần mũi Cà Mau và đảo Phú Quốc với nguy cơ bị hải không quân và pháo binh bờ biển của ta đánh chìm,

(c)   để triển khai trên đất liền, họ sẽ phải đối mặt với nhân dân Cambodia dưới sự lãnh đạo của một số quân nhân ly khai chống lệnh làm lính bổ sung (auxiliary soldiers) cho ngoại bang,

(d)  nếu họ muốn dùng kênh Funan Techo để chiến đấu thì tàu của họ sẽ phải di chuyển dưới làn đạn của cả hai phe.

Để hành nghề tư vấn chiến lược công nghiệp, chúng tôi đã phải tự học chiến lược quân sự ở thư viện và trên Internet. Kiến thức của chúng tôi không th sánh được với một sĩ quan tốt nghiệp một trường võ bị như West Point. Với sự dè dặt đó, chúng tôi chủ quan nghĩ rằng kênh Funan Techo không có công dụng quân sự nào hết.

Kết luận

Cụ thể thì dự án Funan Techo đã khởi công ngày 5 tháng Tám vừa qua, ngày sinh nhật của ngài Hun Sen. Chúng tôi không hiểu tại sao mà hấp tấp đến vậy. Theo kinh nghiệm ở Việt Nam, một dự án quy hoạch kém như thế là một cơ hội cho quan chức tham ô, sẽ chậm tiến độ, đội vốn, thiếu vốn để hoàn tất rồi chùm mền.

Về những vấn đề đồng bào ta bức xúc thì kênh Funan Techo không ảnh hưởng gì đến kinh tế ngành hàng hải nội địa của ta và ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường và hệ thống nước của châu thổ sông Mekong. Tác động của những đập thủy điện trên sông và chi nhánh sông Mêkông đáng lo ngại hơn. Các chiến hạm lớn với giãn nước 3.000 tấn có thể di chuyển trên kênh. Tuy nhiên dòng nước này không phải là một đe dọa quân sự cho nước ta. Đe dọa đáng lo ngại là căn cứ hải quân Ream với những chiến hạm Trung Quốc đóng neo dài hạn ở đó.

Mấy điểm khác đề cập trong bài này là việc nội bộ của Vương Quốc Cambodia không liên quan gì đến chúng ta. Chúng tôi chỉ nêu lên như một vị quan đã treo ấn của thời phong kiến dâng sớ lên vua khi thấy có chuyện gì bất lợi cho người dân và đất nước. Người dân và đất nước trong bài này là người dân và đất nước Cambodia. 



[i] Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia
https://baochinhphu.vn/viet nam rat quan tam den du an kenh dao funan techo cua campuchia 102240411171927675.htm

Cambodia getting a China backed, game changing canal
https://asiatimes.com/2024/04/cambodia getting a china backed game changing canal/

[ii] Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia: Danh mục những mối quan ngại tiềm tàng
http://vietecology.org/article/article/6469

[iii] Chuyên gia: Dự án kênh đào Funan Techo có thể khiến nước về miền Tây giảm 50%
https://vnexpress.net/chuyen gia du an kenh funan techo co the khien nuoc ve mien tay giam 50 4737799.html

[iv] Hải quân Mỹ xếp khả năng hải quân của một quốc gia làm ba loại: Blue Water nếu có thể chiến đấu xa nhà trên toàn cầu, Green Warter nếu bảo vệ được lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình nhưng không thể chiến đấu xa hơn và Brown Water nếu chỉ bảo vệ được tối đa lãnh hải của mình. HQND có thể được xếp hạng là một Green Water Navy.

Đ.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn