Giải Nobel Kinh tế 2024 – Hỏi đáp cùng chuyên gia: Lịch sử thuộc địa giải thích tại sao các thể chế mạnh mẽ lại quan trọng đối với sự thịnh vượng của một quốc gia

 

Lời toà soạnGiải Nobel Kinh tế 2024 đã được trao cho Daron Acemoglu và Simon Johnson của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và James Robinson của Đại học Chicago vì công trình nghiên cứu lý giải sự chênh lệch lớn về mức độ thịnh vượng giữa các quốc gia.

Trong diễn văn công bố giải, Chủ tịch ủy ban giải thưởng kinh tế - Jakob Svensson cho biết: “Một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta là thu hẹp mức chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia”. “Nghiên cứu mang tính đột phá” của các nhà kinh tế đã mang lại cho chúng ta “hiểu biết sâu sắc hơn về nguyên nhân gốc rễ khiến các quốc gia thất bại hoặc thành công trong nỗ lực đó”.

Giải Nobel Kinh tế được thiết lập sau các giải Nobel đầu tiên vài thập kỷ, vào những năm 1960, có tên gọi chính thức là Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế. Các nhà nghiên cứu sẽ cùng chia sẻ giải thưởng và khoản tiền trị giá 11 triệu SEK Thụy Điển (khoảng 26,3 tỷ VND).

Chúng tôi đã trao đổi với Renaud Foucart, giảng viên cao cấp khoa Kinh tế tại Đại học Lancaster (Anh) để hiểu rõ hơn về công trình nghiên cứu đã đạt giải Nobel Kinh tế năm nay, và lý do tại sao công trình này quan trọng.

Tại sao Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson giành chiến thắng?

Ba nhà nghiên cứu giành giải chủ yếu nhờ cung cấp được bằng chứng nhân quả về ảnh hưởng của chất lượng thể chế lên mức độ thịnh vượng kinh tế của một quốc gia.

Thoạt trông, điều này có vẻ giống như phát minh lại bánh xe. Hầu hết mọi người có lẽ đều đồng ý rằng một quốc gia thực thi quyền sở hữu tài sản, hạn chế tham nhũng và bảo vệ pháp quyền cũng như sự cân bằng quyền lực sẽ thành công hơn trong việc khuyến khích công dân tạo ra của cải, và phân phối lại số của cải đó tốt hơn.

Nhưng người theo dõi tin tức ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Mỹ hay thậm chí là Anh, sẽ nhận ra rằng không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Ví dụ ở Hungary, các vụ tham nhũng, chế độ chế độ gia đình trị và thân hữu (nepotism), thiếu đa nguyên truyền thông (media pluralism) và những mối đe dọa cho tính độc lập của nền tư pháp đã dẫn đến cuộc đấu tranh gay gắt với Liên minh châu Âu.

Các nước giàu thường có thể chế mạnh. Nhưng nhiều lãnh đạo (hay muốn trở thành lãnh đạo) lại sẵn sàng làm suy yếu pháp quyền. Họ không coi thể chế là căn nguyên cho sự thịnh vượng, mà chỉ là một yếu tố tình cờ xảy ra đồng thời mà thôi.

Theo các nhà nghiên cứu, tại sao chất lượng thể chế lại khác nhau giữa các quốc gia?

Nghiên cứu của họ bắt đầu từ một yếu tố rõ ràng không còn tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng kinh tế ngày nay: điều kiện sống vào thời kỳ đầu của chủ nghĩa thực dân châu Âu từ thế kỷ 14. Giả thuyết của họ là, những lãnh thổ càng giàu có và khó sống đối với người đến từ nơi khác thì càng thu hút các cường quốc thực dân tới cướp bóc tài sản bản địa.

Trong trường hợp này, họ đã xây dựng các thể chế mà không quan tâm đến người dân bản địa. Vì thế dẫn đến sự tồn tại của các thể chế kém chất lượng trong suốt thời kỳ thuộc địa, và tiếp tục kéo dài sau khi quốc gia giành độc lập, dẫn đến điều kiện kinh tế tồi tệ ngày nay.

Tất cả những điều này là do (và đây là một lĩnh vực khác mà các nhà kinh tế đoạt giải năm nay đã đóng góp) thể chế tự tạo ra các điều kiện tồn tại lâu dài cho chính mình.

Ngược lại, ở những nơi dễ tiếp cận và kém phát triển hơn, thực dân không cướp tài nguyên mà chọn định cư và cố gắng tạo ra của cải. Vì lợi ích (ích kỷ) của bản thân, họ đã xây dựng các thể chế dân chủ có lợi cho người dân bản địa.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra giả thuyết trên bằng cách xem xét dữ liệu lịch sử. Trước hết, họ phát hiện ra một “sự đảo ngược lớn” về vận may. Những vùng đô thị hóa nhanh và đông dân nhất vào năm 1500 đã biến thành nghèo nhất vào năm 1995. Thứ đến, họ phát hiện ra rằng những nơi dân định cư chết sớm vì bệnh tật, do đó không thể ở lại – trong khi dân bản địa phần lớn có miễn dịch – ngày nay cũng là những nơi nghèo hơn.

Nhìn vào nguồn gốc thuộc địa của các thể chế là một nỗ lực để gỡ rối chuỗi nhân quả. Đây có lẽ cũng là lý do chính khiến ủy ban giải thưởng cho rằng, mặc dù các nhà kinh tế năm nay không phát minh ra ý tưởng là thể chế quan trọng, nhưng những đóng góp của họ vẫn xứng đáng với sự tôn vinh cao nhất.

Daron Acemoglu, một trong ba học giả giành giải Nobel kinh tế 2024. Vassilis Rebapis / EPA

Có ý kiến rằng công trình này chỉ đơn giản lập luận "dân chủ có nghĩa là tăng trưởng kinh tế". Nói vậy có đúng không?

Không hoàn toàn. Ví dụ, nghiên cứu của họ không khẳng định rằng áp đặt thể chế dân chủ lên một quốc gia đang có các thể chế không hoạt động hiệu quả sẽ mang lại kết quả tốt. Không có lý do gì để một lãnh đạo dân chủ không tham nhũng.

Thể chế là một tổng thể. Và đó là lý do tại sao ngày nay, việc bảo vệ tất cả các khía cạnh của nó là rất quan trọng. Ngay cả việc làm suy yếu một phần nhỏ sự bảo vệ mà nhà nước cung cấp cho công dân, người lao động, doanh nhân và nhà đầu tư cũng có thể dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực, nơi người dân không cảm thấy an toàn và được bảo vệ trước tình trạng tham nhũng hoặc bị truất hữu tài sản (expropriation). Điều này dẫn đến sự suy giảm mức thịnh vượng và gia tăng mức ủng hộ những quy định chuyên chế.

Cũng có những trường hợp ngoại lệ. Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng thúc đẩy ý tưởng rằng, chủ nghĩa tư bản mà không có tự do dân chủ vẫn có thể đạt dược thành công kinh tế.

Sự phát triển của Trung Quốc từ sau các cải cách của Đặng Tiểu Bình vào thập niên 1980 có tương quan với việc quyền sở hữu của các doanh nhân và doanh nghiệp được củng cố mạnh mẽ hơn. Theo nghĩa này, đây là một minh chứng điển hình về sức mạnh của thể chế.

Trung Quốc ngày nay có hệ thống chuyên chế rõ rệt hơn nhiều so với các nền dân chủ phương Tây. Và Trung Quốc vẫn nghèo hơn nhiều so với các nước dân chủ, dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc thậm chí không bằng một phần năm của Mỹ, và họ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế lớn của riêng mình.

Trên thực tế, theo Acemoglu, chế độ ngày càng chuyên chế của Tập Cận Bình là lý do khiến nền kinh tế Trung Quốc đang “thối rữa từ gốc rễ”.

Hiện nay, các thể chế dân chủ trên thế giới đang đi theo xu hướng nào?

Acemoglu đã bày tỏ lo ngại rằng các thể chế dân chủ ở Mỹ và châu Âu đang mất đi sự ủng hộ từ người dân. Và thực tế là, nhiều nền dân chủ dường như đang nghi ngờ tầm quan trọng của việc bảo vệ các thể chế của họ.

Họ đang tán dương việc trao nhiều quyền lực hơn cho những kẻ mị dân, những người cho rằng có thể thành công mà không cần có bộ quy tắc mạnh mẽ để kiềm chế quyền lực của các nhà lãnh đạo. Tôi nghi ngờ liệu giải thưởng (Nobel Kinh tế) năm nay có tác động chút nào đến họ hay không.

Nhưng có một thông điệp quan trọng phải nhớ từ công trình của các nhà kinh tế năm nay: cử tri cần thận trọng, không nên từ bỏ sự ổn định và thịnh vượng kinh tế chỉ vì cảm thấy không hài lòng với một số quy tắc dù đôi lúc gây phiền toái nhưng lại giúp duy trì sự thịnh vượng đó.

R.F. 

---

Renaud Foucart  là Giảng viên cao cấp về Kinh tế, Trường Quản trị Đại học Lancaster, Đại học Lancaster

Nguồn bản dịch: phantichkinhte123.com

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn