Quản lý phát triển đô thị bền vững nhìn từ chương trình đô thị mới của Liên Hiệp Quốc

 TS. Đặng Việt Dũng  - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Nhiệm vụ quản lý phát triển đô thị bền vững đòi hỏi sự hợp tác đa ngành, sự tham gia của các bên liên quan từ cấp chính quyền đến cộng đồng, nhằm đảm bảo rằng các thành phố phát triển theo cách bền vững về môi trường, công bằng về xã hội và có khả năng đáp ứng các nhu cầu kinh tế lâu dài. Bão Yagi (bão số 3), đổ bộ vào đất liền nước ta trong hai ngày 7 và 8 tháng 9 vừa qua, được xác định là siêu bão với sức gió mạnh nhất đạt 260 km/h. Bão Yagi và hoàn lưu của bão đã gây tổn thất nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, trong đó các đô thị trong vùng đã bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là các công trình hạ tầng phục vụ đời sống đô thị. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thiệt hại do bão Yagi gây ra có thể kéo giảm 0,15% GDP của cả nước trong năm 2024.

Rủi ro thiên tai chỉ có thể giảm thiểu thông qua các giải pháp phát triển bền vững. Thực hiện Nghị quyết 06 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24 tháng 01 năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng hệ thống luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của đảng về phát triển đô thị bền vững, trong đó có xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Những nội dung liên quan đến phát triển bền vững và quản lý phát triển đô thị bền vững sau đây được tổng hợp từ các Chương trình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) là tài liệu để góp phần trong quá trình xây dựng dự án luật.

Tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (2000), tháng 9/2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG) là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ. SDG bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.

Trong phạm vi phát triển đô thị, yêu cầu về phát triển đô thị bền vững được xác định bởi mục tiêu số 11. Mục tiêu số 11 có tên là phát triển đô thị và cng đồng bền vững nhằm mục đích tạo ra các thành phố và cộng đồng đáng sống, bền vững, công bằng và bao trùm, đồng thời đảm bảo rằng quá trình đô thị hóa mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.

Hội nghị LHQ về Nhà ở và Phát triển đô thị bền vững (Habitat III) vào tháng 10/2016, tại Quito, Ecuador đã thông qua Chương trình Đô thị Mới (New Urban Agenda) đã cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong đó tập trung vào các cam kết thực hiện  mục tiêu số 11.

Các yêu cầu về phát triển đô thị bền vững

Phát triển đô thị bền vững là một quá trình phát triển đô thị nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của con người mà không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ. Phát triển đô thị bền vững bao gồm việc quy hoạch, thiết kế và quản lý các khu vực đô thị theo cách thức bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Các yêu cầu về nội dung của phát triển đô thị bền vững, bao gồm:

Bảo vệ môi trường: Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên; Sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và tiết kiệm; Giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất, và quản lý chất thải hiệu quả. Bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên.

Phát triển kinh tế bền vững: Tạo ra sự phát triển kinh tế dài hạn, ổn định và không gây hại đến môi trường; Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh, sử dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường; Đảm bảo các cơ hội việc làm bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.

Công bằng xã hội: Đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận công bằng đến các dịch vụ cơ bản như nhà ở, y tế, giáo dục, và giao thông; Giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là giữa các nhóm dân cư khác nhau trong thành phố; Tạo ra các cơ hội phát triển cho tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.

Quản lý tài nguyên hiệu quả: Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực; Khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng, và giảm thiểu lãng phí tài nguyên; Đảm bảo rằng việc sử dụng tài nguyên không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Tham gia cộng đồng và quản trị tốt: Khuyến khích sự tham gia của người dân và các bên liên quan trong quá trình quy hoạch và ra quyết định; Đảm bảo quá trình quản lý đô thị minh bạch, có trách nhiệm, và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng; Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững.

Đảm bảo chất lượng cuộc sống và không gian sống: Đảm bảo không gian sống lành mạnh, an toàn và thoải mái cho cư dân; Tạo ra các không gian công cộng xanh, tiện ích và thân thiện với môi trường; Đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc.

Nội dung chính để quản lý phát triển đô thị bền vững

Quản lý phát triển đô thị bền vững bao gồm việc thực hiện các chính sách, biện pháp và quy trình nhằm đảm bảo rằng sự phát triển đô thị thỏa mãn các yêu cầu của nội dung nêu trên.

Nội dung chính của nhiệm vụ quản lý phát triển đô thị bền vững, thứ nhất là quy hoạch đô thị bền vững. Cụ thể:

Quy hoạch không gian hợp lý: Đảm bảo sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm, phân bổ không gian hợp lý giữa các khu vực phát triển dân cư, thương mại, công nghiệp và các khu bảo tồn thiên nhiên.  

Tạo liên kết tích cực giữa các đô thị, giữa nông thôn và đô thị: Đảm bảo vai trò của các đô thị động lực đô thị trung tâm. Chia sẻ các lợi thế của từng đô thị trong hệ thống trên cơ sở có sự phân công rõ chức năng của từng đô thị. Xác định rõ trách nhiệm của đô thị và nông thôn.

Phát triển cơ sở hạ tầng xanh: Tạo ra và duy trì các không gian xanh, công viên, hệ thống thoát nước tự nhiên, và các giải pháp môi trường nhằm giảm thiểu tác động đô thị đến môi trường.

Thứ hai là bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Bảo tồn và tái tạo tài nguyên thiên nhiên: Quản lý việc sử dụng nước, năng lượng và tài nguyên một cách hợp lý, khuyến khích sử dụng tài nguyên tái tạo và giảm thiểu sự cạn kiệt tài nguyên.

Giảm ô nhiễm và phát thải: Áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước và đất, cũng như kiểm soát chất thải rắn, chất thải công nghiệp và sinh hoạt.

Giữ gìn và bảo vệ di sản văn hóa: Tăng cường các nỗ lực bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới.

Thứ ba là phát triển kinh tế bền vững.

Thúc đẩy kinh tế xanh: Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ thân thiện với môi trường và năng lượng tái tạo, giúp tạo ra việc làm bền vững.

Hỗ trợ doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo: Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đồng thời thúc đẩy sáng tạo và áp dụng công nghệ trong sản xuất và dịch vụ, nhằm cải thiện năng suất và bảo vệ môi trường.

Thứ tư là tăng cường công bằng xã hội và sự tham gia của cộng đồng.

Đảm bảo tiếp cận công bằng các dịch vụ cơ bản: Cung cấp cho mọi người dân quyền tiếp cận với nhà ở giá rẻ, dịch vụ y tế, giáo dục, và hệ thống giao thông công cộng bền vững và thân thiện với môi trường.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng: Đảm bảo người dân có tiếng nói trong quá trình lập quy hoạch và quản lý đô thị, từ đó giúp các chính sách và biện pháp phát triển đô thị phản ánh đúng nhu cầu và mong muốn của cộng đồng.

Thứ năm là ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng đô thị chống chịu.

Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu: Áp dụng các giải pháp thiết kế và quy hoạch nhằm giảm thiểu phát thải carbon, bảo vệ cộng đồng khỏi tác động của thiên tai, và tăng cường khả năng thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Xây dựng đô thị chống chịu: Phát triển các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai như lũ lụt, hạn hán, và động đất, đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng để đô thị có thể phục hồi nhanh chóng sau các sự cố.

Thứ sáu là quản lý hiệu quả hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

Phát triển giao thông bền vững: Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp và các hình thức giao thông thân thiện với môi trường để giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm.

Cải thiện hạ tầng kỹ thuật: Đảm bảo cơ sở hạ tầng đô thị như điện, nước, viễn thông, hệ thống thoát nước được phát triển và quản lý một cách bền vững, hiệu quả.

Thứ bảy là tài chính và nguồn lực cho phát triển đô thị bền vững.

Huy động nguồn lực tài chính: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn công và tư nhân, bao gồm các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, để đầu tư vào các dự án phát triển bền vững.

Xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ: Cần có khung pháp lý rõ ràng và phù hợp để hỗ trợ các sáng kiến phát triển đô thị bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các chính sách và quy định.

Nhiệm vụ quản lý phát triển đô thị bền vững đòi hỏi sự hợp tác đa ngành, sự tham gia của các bên liên quan từ cấp chính quyền đến cộng đồng, nhằm đảm bảo rằng các thành phố phát triển theo cách bền vững về môi trường, công bằng về xã hội và có khả năng đáp ứng các nhu cầu kinh tế lâu dài.

Đ.V.D.

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn