Y đức

Nguyễn Thùy Dương

Mong là mỗi cán bộ trong ngành Y tế đều lấy yêu thương đi đầu mà nghĩ cho cái khổ của người bệnh. Bệnh đã đủ khổ rồi. Hành chính đừng làm họ khổ thêm.

Bộ Y tế bàn nhiều về bỏ chuyển tuyến với bệnh nhân bệnh hiểm nghèo. Bàn thế nào thì chưa rõ, báo đăng nghe có vẻ nhẹ gánh cho dân lắm. 

Nhưng thực tế từ khuya ngày hôm kia, bệnh nhi ở nhà trọ mình phải chuẩn bị hành lý, sành soạn giấy tờ để cho kịp cuộc ngược xuôi lớn gần nhất năm cho Chuyển Tuyến. Lần ngược xuôi này chỉ kém hơn lần người ta về quê ăn Tết mà thôi. Nó vẫn lặng lẽ diễn ra hằng năm cho những người bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo. Dòng người lầm lũi dìu dắt nhau, đẩy nhau trên xe chiếc xe lăn đi về khám lại như ban đầu vì thủ tục, vì quy trình.

Và gần như không thấy tờ báo nào viết về đề tài này cả.

Những đứa trẻ nhỏ thó cùng mẹ vác balo trên vai quay về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện tuyến huyện. Tụi nó phải về huyện khám lại, bệnh viện huyện lại làm giấy chuyển tụi nó lên bệnh viện tuyến tỉnh. Tuyến tỉnh khám qua, lại cấp giấy chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương. Đây là một việc vô cùng vô lý.

Tại sao giấy chuyển tuyến không được sử dụng xuyên suốt trong suốt quá trình khám chữa bệnh mà phải có hạn định chuyển tuyến lại? Và bắt buộc trong quá trình khám chuyển tuyến lại là phải có bệnh nhân đi cùng. Điều này chẳng khác gì làm khó khổ những người bệnh hiểm nghèo. Dẫu đang hóa xạ trị đau đớn hay suy tim, suy hô hấp đang mở nội khí quản suyễn lên suyễn xuống... vẫn phải lê thân bắt xe vượt đường xa về quê bốc số khám lại từ đầu vì giấy chuyển tuyến hết hạn. 

Thật sự vô lý!

Ví dụ: ông Nguyễn Văn A bị ung thư được bệnh viện tỉnh Trà Vinh chuyển tuyến cho lên bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 vào tháng 6 năm 2024. Hạn chuyển tuyến kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2024. Nếu ông A bị ung thư vùng hầu cần xạ sớm, ông được đặt lịch xạ vào ngày 10 tháng 12 năm 2024 là 33 tia. Thay vì nghỉ lễ Tết Dương lịch 1 ngày vào xạ tiếp thì ông A phải xin nghỉ thêm ít nhất 2 ngày để về quê xin khám lại để có giấy chuyển tuyến mới. Và một bệnh nhân đã xạ 16 tia phải di chuyển một quãng đường dài thì không khác gì hành hạ họ. Và nếu ông A quê nhà ở Quãng Ngãi chuyển tuyến vô thì còn cực khổ hơn nữa, tốn kém hơn nữa. 

Trong khi, ông A có căn cước công dân, vẫn là ông A đó với đúng căn bệnh đó thì chuyển tuyến lại có quá lãng phí và gây mất thời gian công sức của người bệnh hay không?

Tương tự với trẻ em ung thư, trẻ suy thận giai đoạn cuối và các bệnh hiểm nghèo khác. Vượt hàng trăm km về rồi chầu chực trong bệnh viện huyện, xong chầu chực lê lết ở bệnh viện tỉnh để được chuyển đến đúng nơi khám chữa bệnh mấy hôm trước mình vừa rời khỏi không gọi là trời đày thì phải dùng từ gì cho đúng? 

Bộ Y tế vốn đã có danh mục bệnh hiểm nghèo. Vậy tại sao không xây dựng quy trình được sử dụng giấy chuyển tuyến một lần cho cả quá trình khám chữa bệnh của bệnh hiểm nghèo được dùng trọn trong quá trình điều trị chứ không phải chỉ có thời hạn trong năm hoặc trong 1 năm như hiện tại?

Và Bộ Y tế có thể nào nhanh hơn nữa bãi bỏ những thủ tục nhiêu khê gây khó khăn cho người dân được hay không? 

Sẽ không có sự cải thiện nào nếu bên BHYT cứ khư khư quản lý hành chính rồi khiến người bệnh khổ, như vậy có khác nào hành dân không, trong khi ngành Y là ngành cứu người?

N.T.D.

Nguồn: FB Nguyễn Thùy Dương

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn