Vì sao Đảng muốn rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15?

BBC - 15 tháng 5 2025

Đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 15 đã được đưa ra thảo luận tại hội trường và dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 21/5.

Chụp lại hình ảnh: Từ trái qua: Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Theo đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình Quốc hội về rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, đồng thời tiến hành bầu cử sớm Quốc hội khóa 16.

Mục đích, theo bà Thanh, là để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới.

Việc rút ngắn nhiệm kỳ quốc hội khóa 15 và hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được đánh giá là một bước đi chiến lược nhằm rút ngắn khoảng cách giữa Đại hội Đảng và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ mới. 

Đại hội Đảng thường được tổ chức vào tháng 1 và sẽ bầu lên một ban chấp hành trung ương mới. Còn kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, sẽ bầu và phê chuẩn một số chức danh quan trọng trong bộ máy chính quyền, do Đảng giới thiệu, thường được tổ chức vào tháng 7.

Một chuyên gia không muốn nêu tên nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng, việc rút ngắn nhiệm kỳ có thể thúc đẩy tiến trình cải cách, đặc biệt là trong công tác nhân sự, tránh tình trạng nhân sự cũ trở thành những "thây ma" ngồi giữ vị trí đến hết nhiệm kỳ mà không làm được gì. 

Sở dĩ như thế là vì có một thực trạng, sau đại hội Đảng, một số quan chức sẽ phải về hưu vì hết nhiệm kỳ bên Đảng, nhưng sẽ phải chờ Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm. Khoảng cách từ tháng 1 đến tháng 7 được đánh giá là quá dài và có sự chênh lệch giữa hai nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với nhận định đó, vì có người cho rằng, khoảng thời gian dài đó là nhằm để khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân, thông qua cơ quan đại diện là Quốc hội, thay vì Đảng quyết và quốc hội thể chế hóa sau đó.

Một cơ quan, hai lãnh đạo

Chụp lại hình ảnh: Tòa nhà Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội. Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Hiến pháp quy định nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau. 

Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu vào ngày 23/5/2021. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 15 khai mạc ngày 20/7/2021, HĐND các cấp cũng được triệu tập vào thời gian tương đương. 

Như vậy, nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND các cấp sẽ kết thúc vào ngày 20/7/2026. 

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lập luận rằng nếu giữ nguyên thời gian này sẽ khiến giai đoạn chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức bộ máy lãnh đạo mới. 

Do đó, bà Thanh cho rằng cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới.

Đại hội Đảng thường được tiến hành vào tháng 1, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương để triển khai nghị quyết của Đại hội.

Ban Chấp hành sẽ bầu các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bầu oổng bí thư từ một trong các ủy viên Bộ Chính trị đó. 

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, bốn lãnh đạo cao nhất được gọi là các lãnh đạo chủ chốt, hay còn gọi là Tứ Trụ, gồm tổng Bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội đều phải là ủy viên Bộ Chính trị.

Ngoài tổng bí thư do ban chấp hành bầu ngay trong tháng 1, ba vị trí còn lại theo luật là do Quốc hội bầu nên phải chờ đến tận tháng 7 khi Quốc hội mới họp kỳ đầu tiên.

Đây chính là điểm "kiện toàn nhân sự cấp cao" mà bà Thanh nói đến ở trên. 

Chụp lại hình ảnh: Quốc hội khóa 15Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Bộ máy nhà nước của chính quyền mới của các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng phải chờ Quốc hội khóa mới bầu chọn và phê chuẩn. 

Nhân sự của bộ máy này sẽ do Đảng tuyển chọn và giới thiệu, trong số những ủy viên Trung ương Đảng đã được bầu từ tháng 1. 

Chính vì thế, sự chênh lệch giữa nhiệm kỳ của Đảng từ tháng 1 đến nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội tháng 7 tạo ra không ít khoảng trống quyền lực đáng kể và thiếu đồng bộ của Đảng trong vai trò lãnh đạo và Nhà nước trong vai trò quản lý và điều hành. 

Trong quãng thời gian này, bộ máy chính quyền cũ vẫn tại vị vì chưa hết nhiệm kỳ nhưng các nhân sự số về hưu, số được phân công công tác khác.

Trong khi đó, bộ máy mới lại chưa thể bắt đầu vì thiếu tính chính danh khi chưa được Quốc hội bầu và phê chuẩn, khiến một số vấn đề nảy sinh.

Lấy ví dụ tại một cơ quan của chính phủ như Bộ Công thương, thứ trưởng của bộ này được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, trong khi bộ trưởng đương nhiệm lại không trúng cử. 

Điều này dẫn đến thực tế là từ tháng 1 đến tháng 7, bộ này gần như có hai "bộ trưởng", một là vị bộ trưởng đương nhiệm nhưng sắp sửa bị thay thế, và một là vị thứ trưởng, ủy viên Ban chấp hành trung ương, người sẽ chính thức ngồi ghế bộ trưởng vào tháng 7. Điều này thường dẫn đến tình trạng các nhân viên sẽ tập trung xung quanh trung tâm quyền lực mới, trong khi bộ trưởng đương quyền, lại khó có thể đưa ra chính sách hay thực thi chính sách một cách hiệu quả. 

Ví dụ này cũng được nhìn thấy ở các cơ quan khác. 

Chụp lại hình ảnh: Tứ trụ hiện tại: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Điều này khiến cho Đảng phải chữa cháy này bằng cách mỗi khóa Quốc hội phải bầu và phê chuẩn nhân sự cho bộ máy mới đến hai lần.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, ở kỳ họp đầu tiên, Quốc hội sẽ bầu một số chức danh trong bộ máy nhà nước (điều 8), và phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước (điều 9).

Quốc hội khóa 14, tại kỳ họp đầu tiên diễn ra vào tháng 7/2016 đã bầu ra chủ tịch Quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và các chức danh cấp cao khác.

Nhưng trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, diễn ra vào tháng 3 và 4/2021, các đại biểu lại một lần nữa miễn nhiệm các chức danh mà họ đã bầu hồi năm 2016 để bầu nên các chức danh mới.

Các chức danh mới này là những nhân sự đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ 13 diễn ra vào tháng 1/2023, và được Đảng giới thiệu cho bộ máy mới tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2.

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Phúc được Đảng cơ cấu giữ chức chủ tịch nước và ông Phạm Minh Chính làm thủ tướng chính phủ từ Hội nghị trung ương lần 2 diễn ra vào tháng 3/2021.

Cho đến ngày 5/4/2021, Quốc hội khóa 14 đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm chủ tịch nước. Ông Phúc, sau khi tuyên thệ nhậm chức, giới thiệu ông Phạm Minh Chính để Quốc hội bầu làm thủ tướng Chính phủ. Ông Chính sau đó giới thiệu nội các của mình, là các thành viên có tên trong danh sách Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, để Quốc hội khóa 14 phê chuẩn.

Dù là một chính phủ hoàn toàn mới, với các gương mặt mới, nhưng Quốc hội cũ khi này là khóa 14 không thể bầu các chức danh cho bộ máy chính quyền mới, vì thế, về tính chính danh, chính phủ, hay bộ máy lãnh đạo Quốc hội, vẫn thuộc khóa cũ.

Đến tháng 5/2021, Việt Nam tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 15.

Tháng 7/2021, Quốc hội mới - tức khóa 15 - lại họp để "kiện toàn nhân sự" lãnh đạo nhà nước, chính phủ và Quốc hội.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 15 đã tái diễn lại màn bầu cử và phê chuẩn các chức danh của bộ máy nhà nước mà kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14 đã thực hiện vào năm 2016.

Cụ thể, các Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính, dù mới được bầu giữ chức vụ chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ hồi đầu tháng 4/2021, lại được quốc hội mới miễn nhiệm để rồi "tái đắc cử" chính chức vụ đó trong ngày 27/7/2021.

Lúc này, bộ máy nhà nước mới chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới và các ông Vương Đình Huệ - chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng đã tuyên thệ nhậm chức tận hai lần trong vòng ba tháng.

Điều này tạo nên một hiện tượng đã nêu trên là Quốc hội, trong một khóa phải hai lần bầu và phê chuẩn hai bộ máy nhà nước.

Bộ máy nhà nước đầu tiên được Quốc hội bầu và phê chuẩn có nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, trong khi bộ máy nhà nước thứ hai chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 7.

Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hai lần trong năm 2021Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Điều này đã có tiền lệ của khóa trước đó. 

Tháng 1/2016, Đại hội Đảng lần thứ 12 bầu nên Ban chấp hành Trung ương. Đến tháng 3, hội nghị trung ương 2 đã phân công các vị trí nhân sự chủ chốt để giới thiệu ra Quốc hội bầu.

Cuối tháng 3/2026, Quốc hội khóa 13 họp kỳ họp cuối cùng để thực hiện quy trình "kiện toàn nhân sự". Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lúc này đã được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Sinh Hùng, người đã không trúng cử vào Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 12. 

Ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang được Đảng giới thiệu và Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Ông Quang lại giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. 

Chụp lại hình ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2 tháng 4 năm 2016. Sau đó, ông Quang giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Tháng 5/2016, cử tri Việt Nam đi bầu Quốc hội khóa 14 và tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới vào tháng 7, các đại biểu lại làm thủ tục miễn nhiệm các chức danh mà quốc hội khóa trước bầu cách đó ba tháng, rồi lại bầu họ trở lại cho bộ máy mới. 

Tương tự là bộ máy chính quyền địa phương. Các đại hội đảng ở địa phương được tiến hành xong trước thời gian Đại hội Đảng toàn quốc, và đại hội đảng bộ cũng bầu nên các thành viên của ban chấp hành.

Các thành viên này sẽ được phân công nắm giữ các vị trí chủ chốt của bộ máy chính quyền địa phương, và phải được hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. 

Chính vì thế, việc rút ngắn thời gian của nhiệm kỳ quốc hội, và hội đồng nhân dân của khóa này nhằm giải quyết khoảng trống quyền lực này, cũng nhằm tạo sự đồng bộ hơn trong hệ thống Đảng và chính quyền. 

Quyền lực thuộc về ai?

Để làm thế, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và nhiệm kỳ HĐND các cấp, cũng được đề xuất rút ngắn còn 4 năm 9 tháng, tức kết thúc trước ba tháng. 

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Quốc hội, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 sẽ là 15/3/2026, thay vì 19/5 như thường lệ. 

Dự thảo cũng giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, trong đó, thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày (hiện là 70 ngày). 

Thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai xuống còn hai ngày (hiện là 5 ngày); từ thời hạn cuối công bố, niêm yết danh sách người ứng cử đến ngày bầu cử xuống còn 16 ngày (hiện là 20 ngày).

Sau khi cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục và nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 16 sớm nhất có thể là 22 ngày sau bầu cử, tức ngày 6/4/2026. 

Như vậy, khoảng đầu tháng 4/2026, Quốc hội khóa 16 sẽ kiện toàn nhân sự chủ chốt và cấp cao theo danh sách giới thiệu của Đảng.

Điều này nhằm giải quyết được tình trạng có hai chính quyền trong một nhiệm kỳ, đồng thời cũng giải quyết được khoảng trống quyền lực vốn gây ra nhiều rắc rối cho hệ thống. 

Và điều này chỉ được thực hiện khi ông Tô Lâm lên nắm quyền lãnh đạo Đảng thay cho ông Nguyễn Phú Trọng, với nhiều cải cách trong bộ máy của Đảng và chính quyền.

Chụp lại hình ảnh: Tấm áp phích tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng, thời gian từ Đại hội Đảng sang bầu Quốc hội cách nhau một khoảng nhất định như trước đây là để cho thấy sự độc lập giữa việc bầu cử của Đảng và Quốc hội. Theo đó, khoảng thời gian cách nhau như vậy là để thực hiện các thủ tục, vận động bầu cử, cho người dân có tiếng nói, cho thấy quyền lực là thuộc về nhân dân, thể hiện ý chí của nhân dân.

Quyền lực của nhân dân được thể hiện thông qua thể chế đại diện là Quốc hội, với các đại biểu theo luật định là do dân trực tiếp bầu chọn. Khoảng thời gian cách biệt giữa Đại hội Đảng và cuộc bầu cử Quốc hội mang tính biểu tượng cho sự phân tách giữa hai thiết chế, phản ánh rằng Quốc hội không phải là sự tiếp nối ý chí của Đảng.

"Bây giờ Đảng đại diện cho ý chí đó luôn, tức nhân sự Bộ Chính trị, Ban Chấp hành quyết rồi, cứ thế mà làm. Tôi còn nhớ khi còn sinh hoạt tại Quốc hội, có một vài vấn đề mà chính chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ luôn là Quốc hội thảo luận gì thì thảo luận, Bộ Chính trị đã quyết rồi. Do đó cho thấy quyền lực cao nhất vẫn là Đảng", ông Thuận nói với BBC

Nhận định của ông Thuận có thể được nhìn thấy trong nhiệm kỳ này.

Cứ sau mỗi kỳ họp Ban chấp hành trung ương Đảng, cả thường kỳ lẫn bất thường, là các kỳ họp của Quốc hội, cũng cả thường kỳ lẫn bất thường nhằm mục đích là thể chế hóa các chủ trương và quyết định của Đảng, cả chính sách lẫn nhân sự.

Ngay cả việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND cũng là quyết định được Đảng đưa ra trong Hội nghị trung ương 11 diễn ra vào trung tuần tháng 4/2025.

Chụp lại hình ảnh: Hai lãnh đạo chủ chốt của Đảng là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị "cho thôi" chức

Với cơ chế Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp thức hóa sự sắp xếp đó của Đảng, không chỉ việc bầu cử mà còn cả việc miễn nhiệm các chức vụ.

Chẳng hạn, với trường hợp ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ rời ghế Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội thì trước đó Trung ương Đảng họp và quyết định "cho thôi" các chức danh trong Đảng. Quốc hội đã triệu tập các cuộc họp và bỏ phiếu miễn nhiệm các chức danh của hai ông này, đồng thời cho thôi tư cách đại biểu Quốc hội.

Một khi các chức vụ trong Đảng không còn, các chức vụ trong chính quyền cũng theo đó không còn nữa.

Như vậy, việc rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử Quốc hội hay rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội dường như là cách để thực hiện sự sắp xếp nhân sự của Đảng một cách nhanh chóng hơn, rút ngắn khoảng trống 3-6 tháng giữa nhiệm kỳ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. 

Một số ý kiến cho rằng tình trạng chuyển giao kéo dài giữa hai nhiệm kỳ là thực tế tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến thời Tổng Bí thư Tô Lâm thì vấn đề này mới được điều chỉnh. 

Điều này cho thấy ông Tô Lâm đang tiến hành tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế mà ông từng nêu. Đồng thời, tốc độ thể chế hóa các chủ trương, phát biểu của ông Tô Lâm dường như được thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệu hơn. 

Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy rằng sự tham gia của người dân vào quá trình lựa chọn nhân sự đại diện cho mình đang dần bị thu hẹp, không chỉ trong thực tiễn mà ngay cả về mặt lý thuyết.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn