Công dân toàn cầu

Thái Hạo

1. Đọc được thông điệp này của Bộ Giáo dục, rất vui, nhưng không khỏi băn khoăn. Băn khoăn vì nghĩ, trước khi nói đến “công dân toàn cầu” có lẽ cần nói đến hai chữ “công dân” đã.

Thế nào là một công dân? Khái niệm này gắn chặt với các QUYỀN cơ bản, khi nào các quyền ấy được đảm bảo thì đồng nghĩa với việc họ là công dân, còn nếu không, hoặc bị thiếu, khuyết, méo mó, thì về thực chất, chưa phải công dân.

Theo đó, Hiến Pháp Việt Nam quy định, công dân là người có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, như: Quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội (Điều 25); Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở, thư tín (Điều 20, 21); Quyền tham gia quản lý nhà nước, bầu cử, ứng cử (Điều 27); Quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 30); Quyền được giáo dục, chăm sóc y tế, an sinh (Điều 31–39)

2. Nếu ở đâu mà người dân bị đối xử như “thần dân” chứ không phải là “chủ thể quyền lực”, thì nghĩa là họ chưa thực sự được coi là công dân. Ở đâu mà chính quyền quản lý dân như đối tượng cần kiểm soát, chứ không phải là đối tượng cần phục vụ, thì họ chưa được coi là công dân. Nếu cơ chế phản biện xã hội còn yếu, thì nghĩa là quyền công dân chưa được đảm bảo…

Tư cách công dân của một người còn phụ thuộc cả vào ứng xử của chính họ. Nếu người dân không quan tâm đến chính sách, chỉ quan tâm đến cuộc sống cá nhân; nếu văn hóa “im lặng”, “an phận”, “khôn ngoan” vẫn còn bao trùm; nếu tâm lý “xin – cho”, “sợ hãi quyền lực” vẫn hiện hữu…, thì nghĩa là họ chưa sẵn sàng làm công dân.

Một xã hội mạnh và muốn phát triển, phải bắt đầu từ ý thức công dân: tôi có quyền, có tiếng nói, có trách nhiệm.

3. Một chuyện gần nhất, là vấn đề điểm thi môn Ngữ văn có dấu hiệu cao bất thường ở nhiều địa phương, rất nhiều giáo viên thấy và trăn trở, bức xúc, nhưng đã chọn im lặng hoặc chia sẻ riêng (như đã chia sẻ với tôi), chứ không dám công khai đặt nghi vấn hay chất vấn. Một bầu không khí ngột ngạt bao trùm.

Vì sao giáo viên chọn ứng xử như thế? Cứ nhìn cái cách ngành giáo dục đối xử với em học sinh “ăn mừng” trên mạng xã hội vì không thể tưởng tượng nổi việc mình lại được tới 9.75 điểm Văn, và sau đó phải viết kiểm điểm, thì phần nào hiểu được lý do.

Giáo viên chọn im lặng trước chính công việc của mình, bởi họ đã bị hoặc chứng kiến quá nhiều “bài học xương máu”: đấu tranh, tránh đâu. Nó làm thui chột và triệt tiêu ý thức công dân.

Trong bài chia sẻ của một giáo viên với tôi về chuyện điểm văn cao vống lên bất thường, người ấy gửi gắm: “đang trong biên chế nên không nói được những vấn đề này”. Tức là họ không được nói tiếng nói thật, và nếu lì lợm cố nói ra thì có thể phải nhận lãnh hậu quả. Thật cay đắng và ngang trái!

Đọc lời chia sẻ của giáo viên với tôi ở đây: https://www.facebook.com/thai.hao.531046/posts/pfbid02MhbhoStFRUE9JLvBgtFU8S6oNzyHmShCJXzh4Gcc3Qkx9aaTdC3AR16FR3U7fBHGl

4. Hiện nay Bộ GD-ĐT Việt Nam đang đẩy mạnh mục tiêu "giáo dục công dân toàn cầu", thậm chí có những đề án như: “Phát triển năng lực công dân toàn cầu trong chương trình giáo dục phổ thông mới”; Tập huấn giáo viên về tư duy toàn cầu, phát triển bền vững, liên văn hóa v.v.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính đội ngũ giáo viên lại đang: Không có tiếng nói trong chính sách giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến họ; Không được bảo vệ đầy đủ về nghề nghiệp, pháp lý, nhân phẩm; Không có không gian phản biện hay đấu tranh khi chính sách sai lệch; Không được tham vấn thực chất trong việc soạn chương trình, viết SGK, đổi mới thi cử.

Họ bị yêu cầu “đổi mới sáng tạo”, “nâng chuẩn toàn cầu” — nhưng vẫn bị đối xử như “người thừa hành yên lặng”. Đó chính là nghịch lý: Không thể tạo ra một công dân toàn cầu từ một người chưa được làm công dân đúng nghĩa.

Vậy giáo viên Việt Nam cần gì để trở thành công dân đúng nghĩa?

Trước khi nói đến “giáo dục công dân toàn cầu”, Bộ GD nên có một lộ trình nghiêm túc về “giáo dục công dân cho giáo viên”. Đó là: Tái định nghĩa vị thế người thầy trong xã hội hiện đại. Là trao lại tiếng nói, quyền lực nghề nghiệp và cơ chế phản biện cho giáo viên. Là xây dựng năng lực công dân đúng nghĩa trước khi bàn đến toàn cầu. Và chính Bộ Giáo dục phải làm công việc trọng đại này: xây dựng các chính sách và cơ chế để đảm bảo các quyền công dân cho giáo viên.

Vâng, công dân trước đã, không thể xây nhà khi chưa làm xong móng nhà.

Thái Hạo

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn