Từ Vinashin đến "Vietnam Sinks" [1]

Hoài Nam

image Không hiểu sao cụm từ Vinashin bỗng dưng ám ảnh và nhắc tôi nhớ về một bộ phim rất đình đám vào năm 2006 mang cái tên Japan Sinks [2]. Bộ phim dựng lên một "Thảm họa kinh hoàng" [3] có thể khiến đất nước Nhật biến mất khỏi bản đồ thế giới, nhân dân Nhật Bản sẽ phải sống lưu vong. Bởi nước Nhật phải trải qua một thiên tai kinh hoàng, nước Nhật bị nhấn chìm dưới đại dương do động đất. Nguyên nhân là bởi thiên tai.

Vậy thì có gì liên quan giữa Japan Sinks và Vietnam Sinks? Xin thưa, nhiều, rất nhiều, khi mà ngoài chuyện đã, đang và sẽ gánh chịu thiên tai không kém phần khốc liệt như Nhật Bản, chúng ta sẽ phải gánh thêm một thảm họa còn kinh hoàng hơn từ nhân tai.

Vinashin giờ đây không chỉ là cụm từ với nghĩa hẹp phản ánh cho riêng tình trạng của Tập đoàn kinh tế Vinashin. Nó là hình ảnh phản ánh rất nhiều cái "vinashin" khác đang tồn tại như những ung nhọt trong cơ thể mang đầy bệnh tật của đất nước này.

Cái đáng sợ nhất khi "di tích Vinashin" phát lộ, người ta nhận thấy nó được xây dựng trên một nền tảng đầy những sai lầm chết chóc. Từ ý tưởng hình thành, đến cơ sở pháp lý, quản lý điều hành doanh nghiệp đều khiến người ta giật mình. Sai lầm ra sao thì các chuyên gia đã phân tích rất kỹ qua rất nhiều bài vở trên các trang báo chí và website "lề phải" lẫn "lề trái".

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, vấn đề điều hành đất nước của chúng ta ở tầm vĩ mô đang có quá nhiều vấn đề. Cái đáng sợ là mô hình của Vinashin dường như là mô hình mô phỏng thu nhỏ rất chi tiết và chính xác cho tổng thể bức đại họa đồ của Việt Nam. Vinashin đang mang gene di truyền những căn bệnh trầm kha mà xã hội Việt Nam chúng ta đang mang.

Chắc không quá lời khi nhiều người cho rằng chúng ta đang mắc phải hội chứng hoang tưởng vĩ cuồng. Di chứng của những đợt say men chiến thắng ngày nào. Đó cũng là một trong những chứng bệnh được cho là đã khiến cho con tàu Vinashin sắp đắm. Vinashin muốn trở thành một trong những công ty đóng tàu hàng đầu thế giới trong điều kiện thế và lực của chúng ta hiện nay thì đúng là hoang tưởng. Hội chứng này không khác xa mấy so với hội chứng vĩ cuồng của dự án đường sắt cao tốc vừa rồi hay chuyện sáp nhập để làm cho Thủ đô của ta trở nên “to lớn xứng tầm” [với các ngài lĩnh đạo có IQ ngang với AQ chăng? – BVN], đến chuyện tuyên bố rất hoành tráng rằng GDP của ta hiện là 106 tỷ USD, nhưng rồi sẽ "leo lên" rất nhanh thành 300 tỷ vào 2020 rồi 1000 tỷ vào 2040...

Nhưng nguồn gốc căn cơ của chứng vĩ cuồng trên lại xuất phát từ căn bệnh thành tích. Không chỉ ở Vinashin, ở mọi cấp độ quản lý, các "đầy tớ nhân dân" đã nhiễm bệnh trầm kha. Đám đầy tớ tội nghiệp nhiểm bệnh đã đành, những người "chủ của đầy tớ" vốn rất trong sạch cũng bị lây bệnh nặng nề. Nguy hại hơn, khi chứng bệnh này nặng đến mức người ta bất chấp tất cả, thậm chí đến mức hoang tưởng thì hậu quả thật khó lường. Giống như con nghiện cần giải tỏa cơn thèm khát. Tai họa sẽ đến là điều dễ hiểu.

Qua vụ Vinashin những yếu kém và vô trách nhiệm trong quản lý của chúng ta càng lộ rõ. Thế nhưng dường như những người có liên quan chưa hẳn muốn giải quyết dứt điểm chuyện này mà vẫn muốn quanh co. Những ngày qua, không ít những lý giải rất buồn cười nhưng cũng rất quen về thất bại của Vinashin. Theo đó, ngoài những nguyên nhân chủ quan tồn tại, Vinashin bị tác động bởi các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, dẫn đến hợp đồng đóng tàu bị hủy, dẫn đến bị thua lổ... Logic này tương đương với logic sau: bởi tại cái bãi đá ngầm dưới đại dương nằm không đúng chỗ, chứ nếu nó đừng nằm trên tuyến hải hành của Vinashin thì con tàu đã không va vào và mắc cạn. Chính phủ ta cũng dùng khái niệm này cho những sa sút và yếu kém trong điều hành. Bộ GTVT cho rằng kẹt xe là do dân mình đi xe máy nhiều quá. EVN cũng phát huy rất tốt quan điểm này rằng, thiếu điện là do trời không chịu mưa, do dân xài điện nhiều quá...

Cách mà Vinashin chi tiêu "liều mạng" cho các dự án đầu tư, nhất là những dự án đầu tư ngoài luồng cũng không phải là cá biệt so với nhiều tập đoàn khác tại Việt Nam. Khi bị dư luận phản ứng, các tập đoàn này cố bao biện rằng muốn trở thành tập đoàn mạnh thì họ phải hoạt động đa ngành, đa chức năng. Cái thứ tư duy quản trị cũ mèm này lại chính là cơ sở cho những tập đoàn tại Việt nam, trong đó có Vinashin ném tiền vào các dự án bất động sản thay vì đi đóng tàu. Tư duy muốn trở nên "đa" gì gì đó cũng không buông tha các cấp quản lý từ địa phương đến trung ương. Nơi nơi kêu gọi đầu tư đa lĩnh vực, đa ngành nghề, đa dạng cơ cấu cây trồng, con giống... bất chấp thế mạnh của địa phương mình là gì, hậu quả của những dự án đó là gì.

Nếu trước đó Chính phủ cho rằng chưa phát hiện sai sót hoặc thua lỗ của Vinashin thì đúng là thật lạ. Hoặc là năng lực Chính phủ quá yếu, yếu đến mức không nhìn ra được sai lầm của Vinashin, hoặc là cả hai đã thông đồng cố tình ém nhẹm tình trạng này cho đến khi không thể bưng bít được nữa. Giờ thì đã rõ, "lãnh đạo Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình thực tế", đó là kết luận của UBKT TW. Vậy Chính phủ, thanh tra, kiểm toán, tài chính, ngân hàng đã và đang ở đâu trong vụ này?

Thất bại và yếu kém trong quản lý điều hành vĩ mô cho dù đến từ bất kỳ nguyên nhân nào cũng là điều không chấp nhận được. Nhưng bưng bít bao che cho nhau tính chuyện qua mắt nhân dân thật đáng là tội không thể dung tha. Người đứng đầu Vinashin đang bị "tuyên" có tội to, tuyên bố của UBKT TW nghe có vẽ cũng rất hoành tráng, nhưng vẫn xuất hiện cụm từ "kiểm điểm rút kinh nghiệm" không khỏi khiến người ta thấy ngờ ngợ.

Vấn đề là nếu nhìn một cách tổng thể, hình ảnh của Vinashin gần như phảng phất trong rất nhiều các quyết định điều hành đất nước ở tầm vĩ mô. Cách điều hành thiếu tư duy logic, đầy chủ quan, vô trách nhiệm, vô cảm biểu hiện trên lĩnh vực nào cũng có mà về mặt hậu quả, con dân hiện đang phải è lưng gánh chịu.

Điểm cuối cùng là điều vừa rất đáng mừng mà cũng đáng lo. Các phản biện và dự báo của giới trí thức Việt Nam về những vấn đề trọng đại của đất nước đến giờ cho thấy họ rất có lý. Dù vậy, đáng buồn là nó đã không mấy khi được quan tâm một cách đúng mức. Và kết quả, những điều họ tiên đoán đã lần lượt xảy ra trong thực tế. Rất chân thành thưa các bậc trí thức nước nhà, cho dù rất ngưỡng mộ và ủng hộ quý vị, tôi vẫn thầm mong những dự báo của quý vị cho những vấn đề trọng đại còn lại sẽ sai. Bởi nếu đúng như quý vị dự báo, chúng ta sẽ sớm thấy ngày "Vietnam Sinks".

Điều then chốt cần được minh định là hiện nay, ngoài Vinashin đã phát lộ này ra, chúng ta sẽ còn bao "vinashin" khác đang đợi ngày phát lộ? Nếu quả thật Vinashin là một quân bài trong chuỗi domino các tập toàn kinh tế lớn Việt Nam, chúng ta quả thật đang đối diện với một thách thức nghiêm trọng: cái tiến trình từ Vinashin đến "Vietnam Sinks" có lẽ không còn mấy xa nữa!

Khi Japan Sinks, họ được cứu thoát trong gang tấc, bởi đó là nước Nhật với cả một sức mạnh hùng hậu về kinh tế, về khoa học kỹ thuật cùng với những con người đầy trách nhiệm, quả cảm và lòng nhân ái. Còn ta? Nếu một Vietnam Sinks xảy ra thì ai, sức mạnh nào, cơ may nào sẽ giúp chúng ta tồn tại? Mịt mù!

Hình ảnh cả dân tộc Nhật hốt hoảng tìm đường rời khỏi Tổ quốc hay cố thoát khỏi những hố tử thần sập đổ ngay dưới chân, dù chỉ mới là phim sao vẫn chợt thấy phảng phất hình ảnh dân tộc mình trong đó! Cho dù đất nước chúng ta không bị "chìm" hoàn toàn như Nhật Bản trong phim, nhưng chúng ta đang đối diện với nguy cơ mất 90% diện tích của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, hai triệu cư dân đồng bằng Sông Hồng bị ảnh hưởng, 4.4% diện tích lãnh thổ sẽ chìm trong nước trong khoảng gần 100 năm tới do mực nước biển dâng cao. Cho dù cả dân tộc chưa đến mức phải chạy thoát thân khỏi đất nước của mình, nhưng sẽ tồi tệ và đau đớn hơn nhiều khi chúng ta phải sống lưu vong trên chính Tổ quốc mình.

Trong tất cả chúng ta, những người Việt Nam chân chính, hy vọng không có ai đang đợi ngày đó, ngày Vietnam Sinks.

HN

Chú thích:

[1] Vietnam Sinks: phỏng theo tựa đề bộ phim cùng tên với tiều thuyết Japan Sinks.

[2] Japan Sinks là tên cuốn tiểu thuyết của tiểu thuyết gia Sakyo Kumatsu được xuất bản vào năm 1973, sau đó được dựng thành bộ film Japan Sinks hay The sinking of Japan vào năm 2006.

[3] Thảm họa kinh hoàng là tên tiếng Việt của bộ phim trên.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn