Bàn về bài báo “Thế kỷ Thái Bình Dương” – Bài 1: Một kế hoạch có tham vọng một cách ảo tưởng – và tốn kém

Richard McGregor / Foreign Policy

Trần Ngọc Cư dịch

Trong số tháng 11 của Foreign Policy, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tranh luận rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải tiếp tục tiến lên từ các chiến trường tốn kém tại Iraq và Afghanistan, và thực hiện một cuộc chuyển hướng chiến lược tại châu Á. FP đã yêu cầu bốn nhà quan sát thời sự thông thái đánh giá những kế hoạch của Bà Clinton để Hoa Kỳ dấn thân vào Đông Á.

Foreign Policy

Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật” mà BVN vẫn tuân thủ bấy lâu nay, đúng như câu nói trong  Kinh Thánh: "And you shall know the truth, for the truth will set you free" (Và anh phải biết sự thật, vì sự thật sẽ giải phóng anh), chúng tôi đã mời một số dịch giả thân tín dịch cả 4 bài phản biện của bốn nhà thông thái nói trên và lần lượt đăng tải nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều trước chủ trương chiến lược mới của nước Mỹ thông qua bài viết quan trọng của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Bauxite Việt Nam

Sự kiện sau có thể là công đầu của chính sách ngoại giao Mỹ: Hai nhà lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản tồn tại vững bền nhất thế giới đã gặp nhau tại Bắc Kinh tuần này, và, trong vài phương diện nào đó, Washington có thể lấy điểm vì đã đưa họ lại với nhau.

Ông Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu Đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Trung Quốc (TQ), đã tiếp vị đồng nhiệm Việt Nam, Ông Nguyễn Phú Trọng, để đối thoại chính thức tại thủ đô TQ, và hai bên đã thỏa thuận hợp tác với nhau nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ gay gắt của họ trong Biển Đông. Vì TQ có thái độ hung hãn về vấn đề này trong 18 tháng qua, Việt Nam đã thúc đẩy Hoa Kỳ can thiệp, việc này sau đó đã giúp tạo ra một diễn đàn để Hà Nội tái khởi động cuộc đối thoại với Bắc Kinh.

Hành vi quyết đoán của TQ đã là một quà tặng cho Mỹ tại châu Á, một điều được biểu hiện bằng giọng điệu tự tin trong một bài báo của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton trong số mới nhất của Foreign Policy. Có một thời gian trong thập niên 1990 Hoa Kỳ thường bị các lãnh đạo trong khu vực xa lánh, mãi cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 làm dịu bớt thái độ căng thẳng của họ. Nhưng trong thập niên đầu của Thế kỷ XXI, Mỹ lại quá bận tâm với vấn đề Iraq và Afghanistan, trong khi Châu Á bị mê hoặc bởi sự trỗi dậy của TQ.

Nhưng trong hai năm qua, Hoa Kỳ được nhiệt liệt đón mời trở lại khu vực này, trong khi nhiều nước đang tìm cách đề phòng một TQ đang trỗi dậy. Và nếu căn cứ vào lời nói của Bà Clinton, thì rõ là Chính quyền Obama đang một lần nữa nhìn sang hướng Đông, với những kế hoạch to lớn trong đầu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong thập kỷ tới của Mỹ, theo Bà, là “quyết định gia tăng đầu tư đáng kể  – về ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và nhiều lãnh vực khác – tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Đây là một tuyên bố phi thường ở một thời điểm Washington cần phải tập trung vào nhiều vấn đề quốc nội và cắt giảm chi phí quốc phòng.

Những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho việc Mỹ trở lại châu Á đã có sẵn. Quan hệ quốc phòng với Singapore đã được tăng cường. Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Australia tháng 11 năm nay, ông sẽ công bố một chương trình thăm viếng của các chiến hạm Mỹ và việc thiết lập căn cứ ở phía Bắc nước này. Cùng tháng đó, Tổng thống Mỹ sẽ có mặt tại Bali để lần đầu tiên tham dự Cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á và sẽ đến Hawaii để tham dự cuộc họp thường niên của các lãnh đạo quốc gia thuộc diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Tất cả diễn tiến này, tất nhiên chỉ là một màn giáo đầu cho bàn cờ chính trị quan trọng: đó là, liệu Mỹ và TQ có thể đi đến một tạm ước (modus vivendi) tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không.

Có nhiều điều TQ sẽ không hài lòng trong bài báo của Bà Clinton. Như Minxin Pei nhận xét trong một bài phân tích trên tạp chí Diplomat, “bản tuyên bố Clinton sẽ được Bắc Kinh coi như thêm một tuyên cáo nữa nói rằng Mỹ quyết tâm giữ địa vị siêu cường Châu Á - Thái Bình Dương… Thông điệp chiến lược cho mọi quốc gia trong khu vực này, đặc biệt TQ, là rất rõ ràng: đừng coi chúng tôi như là không có và thậm chí đừng nghĩ đến việc đẩy chúng tôi ra khỏi nơi đây”.

Nhưng liệu Mỹ có đủ sức để thực hiện một cam kết thực sự lớn hơn hiện nay đối với Châu Á vào một thời điểm Mỹ đang đối phó với những thâm thủng ngân sách ngày một phình lớn? Và TQ sẽ hưởng được khích lệ vật chất nào để phải nhượng bộ trước sức mạnh của Mỹ ở một thời điểm TQ đã có đủ hỏa lực để tích lũy quyền lực của mình? Pax Americana (hoà bình kiểu Mỹ) đã phục vụ châu Á tốt đẹp kể từ khi Thế chiến II chấm dứt. Liệu nó có đưa được TQ vào dưới cái dù của nó hay không, đó là thử thách lớn nhất mà nó đã gặp phải trong nửa thế kỷ vừa qua.

Richard McGregor là Văn phòng trưởng tại Washington của tờ Financial Times và là tác giả cuốn The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers.

T.N.C. dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn