Lãnh đạo và đất nước

Lê Anh Hùng

Báo Pháp luật Tp HCM vừa mới đăng tải bài viết với tựa đề: “Để cán bộ ăn Tết kéo dài sẽ xem xét trách nhiệm lãnh đạo”. Người đưa ra sự chỉ đạo đó là ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ, trong cuộc họp giao ban giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQVN Tp Cần Thơ ngày 30/1/2012. Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu không phải chính những người lãnh đạo như ông đã khơi mào và góp phần duy trì không khí Tết ở các cơ quan công sở thì thử hỏi còn ai vào đây?

Ngay từ ngày 13/1/2012, tức ngày 20/12 âm lịch (AL), các vị lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN Tp Cần Thơ đã thành lập các đoàn đi chúc Tết các địa phương trên địa bàn thành phố. Trước đó, ngày 3/1/2012, tức ngày 10/12 AL, đoàn cán bộ Tp Cần Thơ do ông Trần Việt Trường, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều làm trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.

Ở Trung ương thì ngay từ ngày 4/1/2012, tức ngày 11/12 AL, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã đi thăm và chúc Tết Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sơn La. Sau đó, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước thay phiên nhau chúc Tết đủ các bộ ngành và tỉnh thành trên khắp đất nước, thậm chí cả các đơn vị cấp thấp hơn như sở, cục, quận, huyện, tập đoàn, tổng công ty, v.v.; báo chí và truyền hình từ Trung ương tới địa phương cứ thế rộn rịp đưa tin, nhiều khi chiếm quá nửa một chương trình thời sự. Thành ra, mới đầu tháng Chạp mà xem chừng không khí Tết đã rạo rực trên khắp mọi miền đất nước, khắp công sở cả nước.

Sau Tết, mãi đến ngày 8/1 AL, tức ngày 30/1/2012, các công sở trên cả nước mới trở lại làm việc, song điều đó không có nghĩa là không khí Tết đã chấm dứt, mà tất cả lại bắt nguồn từ sự “quan tâm” của lãnh đạo các cấp, trên hết là lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Dĩ nhiên, đã là chúc Tết thì không lẽ lại chỉ chúc tụng bằng nước suối thôi, và lãnh đạo thì còn có thể làm chủ được mình chứ cán bộ, những người vốn không phải chịu “trách nhiệm chính trị”, thì lại thường không muốn bỏ lỡ một cuộc vui nào trong cái “tháng ăn chơi” này cả, một chuyến viếng thăm hay một câu chúc tụng của lãnh đạo dường như lại càng là một cái “cớ” hợp lý. Người dân thì lại cứ phải dài cổ chờ đợi cán bộ cho đến hết cuộc vui bất tận đầu Xuân.

Một căn nguyên cho thực tế trên là ở Việt Nam, đội ngũ “lãnh đạo” lại quá ư đông đảo, tất cả đều muốn được “lo cho dân” theo cách này hay cách khác. Ở các nước khác, lãnh đạo nhà nước của họ thường chỉ một vài vị là cùng. Còn ở Việt Nam hiện nay, ngoài 4 vị “tứ trụ triều đình” với quyền lực ngang ngửa nhau (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội), chúng ta còn có thêm 10 vị Uỷ viên Bộ Chính trị, 4 vị Bí thư TW Đảng, 1 Phó Chủ tịch nước, 3 Phó Thủ tướng (trong số 4 PTT thì 1 người là Ủy viên BCT), 2 Phó Chủ tịch QH (trong số 4 PCT QH thì 1 người là Ủy viên BCT, 1 người là Bí thư TW Đảng), cả thảy 24 vị đều được gọi là “lãnh đạo Đảng và Nhà nước”. Mỗi một vị như thế lại kéo theo cả một bầu đoàn hùng hậu: văn phòng, trợ lý, thư ký, v.v. Ở địa phương, từ tỉnh thành cho đến quận huyện, xã phường đều rập khuôn một bộ máy “gọn nhẹ” như thế cả. Và tất cả đều do ngân sách Nhà nước, tức tiền thuế của nhân dân, chu cấp đầy đủ.

Nếu Việt Nam muốn sớm trở thành một nước công nghiệp, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thì ngoài việc phải tinh giản bộ máy nhà nước như đã nói ở trên, thiết tưởng chúng ta cũng nên nhìn sang Nhật Bản, một nước vốn có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hoá với nước ta, xem họ “ăn Tết” như thế nào. Cùng với việc thay đổi thể chế chính trị, người Nhật đã thay đổi ngay cả Lịch pháp để phục vụ cho con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng những gì đã diễn ra trong suốt gần 140 năm qua cho thấy: người Nhật ăn Tết Tây mà vẫn rất NHẬT. Rốt cuộc, những gì tạo nên cái gọi là “bản sắc văn hoá dân tộc” không chỉ là cái Tết hay chuyện ăn chơi bù khú vào mỗi dịp đầu Xuân như ở Việt Nam.

Napoleon Bonaparte (1769-1821) từng có câu nói để đời: “Quần chúng chỉ là những con số không dài vô tận, giá trị chính là ở con số đầu!” Các nhà lãnh đạo quốc gia, cho dù họ leo lên đỉnh quyền lực theo cách nào, đều luôn gánh trên vai những trọng trách với đất nước, ít nhất là cảm nhận về điều đó cũng đem lại cho họ sự chính danh trong tâm tưởng, và rồi họ luôn ở lại với lịch sử. Ở các nước dân chủ, nơi quyền lực bị phân tán và quyền lực của người đứng đầu đất nước bị giám sát chặt chẽ, ảnh hưởng của người đứng đầu nhà nước thường không sâu đậm như ở các quốc gia độc tài cá nhân hay độc tài tập thể.

Trong giai đoạn khó khăn và đầy thách thức hiện nay của đất nước, trước những biến động khó lường trong khu vực và trên thế giới, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là các vị Ủy viên Bộ Chính trị, hơn bất cứ ai khác, đang đứng trước cơ hội rất lớn để tạo nên dấu ấn của mình trong lịch sử. Non sông đất nước đang rất cần dấu ấn quyết đoán của họ. Và không ai khác mà chính họ sẽ tự đóng khung hình ảnh của mình trong lịch sử.

L.A.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn