Hồ sơ về Đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, hy sinh tại vùng biển Phú Yên khi chiến đấu với phỉ Thanh năm 1864

Lời bình: Một vị vua bị mang tiếng cầu hòa dưới con mắt nghiêm khắc của những người cách mạng ngờ đâu lại có thể nêu tấm gương cao đẹp cho người cách mạng trong những việc làm chu đáo biểu lộ sự nhớ ơn các bậc liệt sĩ hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc. Hãy thử nghiêm khắc với mình xem, chúng ta đã làm được những gì kể từ khi người lính Việt Nam hy sinh vì bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 rồi sau đó là người lính Trường Sa tiếp tục ngã xuống năm 1988 cho đến tận hôm nay?

Trần Viết Ngạc[*],
Lương Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thưởng[**]

Trong chuyến đi điền dã để sưu tầm tư liệu về Phù Quận công Lương Văn Chánh, người đã có công khai hoang lập ấp tỉnh Phú Yên ngày nay, chúng tôi đã tiếp cận được tư liệu về một hậu duệ của ông, đó là Đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, hy sinh tại Ghềnh Bà, tấn Cù Mông vào năm 1864 và đã được vua Tự Đức sắc phong Hiệu trung kỵ úy, Chánh đội trưởng tinh binh. Sắc đề ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 17 (1864).

Toàn bộ tư liệu về Lương Văn Thành đã được người cháu gọi ông bằng cố là ông Lương Do cất giữ cẩn thận, gồm có:

1. Cấp bằng của Phó lãnh binh tỉnh Bình Định họ Trần cho binh Lương Văn Thành được giữ chức Ngũ trưởng thuộc thập Nhất, đội Ba, Hữu cơ. Cấp bằng ký ngày mồng 1 tháng 4 năm Tự Đức thứ 7 (1854)(1).
2. Cấp bằng của Phó lãnh binh tỉnh Bình Định họ Võ và Quản đạo đạo Phú Yên họ Lê(2) đề ngày 20 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859) thăng Ngũ trưởng Lương Văn Thành lên giữ chức Đội trưởng ngoại ủy đội Ba, Hữu cơ tỉnh Bình Định. Cấp bằng có đóng dấu Bình Định Phó lãnh binh quan quan phòngPhú Yên đạo ấn(3).
3. Cấp bằng của Đàm Giang trú thứ, quyền sung Quản đốc họ Lê cấp cho Đội trưởng ngoại ủy Lương Văn Thành được làm quyền Đội trưởng đội Tám thuộc Tả cơ tỉnh Bình Định đề ngày mồng 8 tháng 6 năm Tự Đức thứ 15 (1862). Cấp bằng có dấu của Đàm Giang trú thứ Lê Linh: Lê Linh tín ký.
4. Sắc phong của vua Tự Đức truy tặng Đội trưởng Lương Văn Thành chức Hiệu trung kỵ úy Chánh đội trưởng tinh binh và ban thụy Hùng Quả cho Lương Văn Thành đã hy sinh ngày 25 tháng 6 năm Tự Đức thứ 17 tại Ghềnh Bà, Cù Mông trong khi đi tuần tiễu tại hải phận Bình Định. Sắc phong đề ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 17 (1864) có đóng ấn Sắc mệnh chi bửu. Đây là tư liệu quan trọng nhất về Lương Văn Thành.
5. Tờ bẩm của Lương Văn Thuộc, con của cố Chánh đội trưởng Lương Văn Thành, xin miễn việc binh dao gửi lên đạo Phú Yên có thị thực của Lý trưởng Nguyễn Hữu Truyền đề ngày tháng 12 năm Tự Đức thứ 17 (1864), có bút phê của đạo Phú Yên “Phụng chuẩn binh dao chung thân” và có ấn của Phú Yên đạo.
Đây là tờ bẩm xin miễn sưu dịch và binh dịch cho Lương Văn Thuộc nhưng nhờ đó ta biết rõ Lương Văn Thành “…được phái theo quan binh ngồi thuyền dân ra biển tuần tiễu. Ngày 25 tháng ấy [tháng 6 năm Tự Đức thứ 17, 1864], hộ tống thuyền chuyên chở, đi ngang qua đảo Ghềnh Bà, cửa tấn Cù Mông, phía ngoài biển, gặp phải 3 thuyền của phỉ Thanh, chắn ngang thuyền đi tuần mà bắn. Chợt bị bọn phỉ ấy bắn trúng, thuyền đi tuần bị chìm, Văn Thành chết đuối mất tích”.
Việc tiếp cận được 5 văn bản nói trên cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin.
a. Một hậu duệ của Phù quận công Lương Văn Chánh là Lương Văn Thành đã chiến đấu trong thủy quân Bình Định – Phú Yên, từ cấp binh đến cấp Chánh đội trưởng và đã hy sinh, được triều đình ghi nhận công lao, vua Tự Đức đã truy tặng chức Hiệu trung kỵ úy Chánh đội trưởng tinh binh và ban thụy Hùng Quả, hàm chánh thất phẩm. Đây là một tài liệu quý, ghi nhận công lao của một hậu duệ Lương Văn Chánh, thêm niềm tự hào cho gia tộc họ Lương. Lương Văn Thành xứng đáng được tôn vinh tại quê hương ông (thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 2, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
b. Qua hồ sơ đầy đủ của Lương Văn Thành ta biết thêm về lịch sử hành chính tỉnh Phú Yên. Vào năm 1854 cho đến 1864, Phú Yên là một đạo thuộc tỉnh Bình Định.
c. Binh chế thủy quân lúc bấy giờ: Đơn vị nhỏ nhất là ngũ, 8 ngũ lập thành một đội; đội chia làm 2 thập, mỗi thập gồm 4 ngũ. Đơn vị lớn hơn đội là cơ. Ở Bình Định – Phú Yên bấy giờ có 3 cơ là Hữu cơ, Trung cơ và Tả cơ. Chỉ huy quân đội cấp tỉnh là quan Lãnh binh và Phó lãnh binh. Chỉ huy cơ là quan Hiệp quản. Trong các bằng cấp, các quan chức chỉ được nêu ho (Trần, Võ) kèm theo quan chức (Lãnh binh, Phó lãnh binh, Quản đốc) mà không ghi đầy đủ họ tên.
d. Con dấu có hai loại:
- Ấn: hình vuông như ấn của vua (Sắc mệnh chi bửu, tài liệu 4), ấn của Quản đạo… (tài liệu 2).
- Quan phòng: là tên gọi con dấu hình chữ nhật của các quan chức như Lãnh binh… (tài liệu 1, 2).
- Triện: con dấu của lý trưởng.
- Tín ký: dấu riêng của cá nhân quan chức.
đ. Cách đóng dấu:
- Dấu của nhà vua được đóng dưới niên hiệu (Tự Đức… tài liệu 4). Các sắc, sắc phong thì dùng ấn Sắc mệnh chi bửu. Mép trên của ấn phải ở giữa niên hiệu và ngày tháng.
- Dấu của quan chức nói chung, ở đây là quan chức cấp tỉnh được đóng dưới chữ niên (năm) (tài liệu 1, 2 và 5).
- Dấu riêng (tín ký) của quan chức được đóng ngay dưới dòng chữ ghi ngày tháng (tài liệu 3).
- Triện của lý trưởng chỉ được ở góc trái, bên dưới của văn bản.
T V N – L V K – N V T
CHÚ THÍCH
[*] Thành phố Hồ Chí Minh
[**] Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

(1) Tài liệu 1 cho biết binh chế thời Nguyễn (Tự Đức) gồm có quân, dinh, vệ, cơ, đội. Đứng đầu quân đội cấp tỉnh là Lãnh binh và Phó lãnh binh. Vệ chia làm cơ. Bình
Định – Phú Yên có 3 cơ là Hữu cơ, Tả cơ và Trung cơ. Cơ chia làm đội. Mỗi đội gồm 8 ngũ; 4 ngũ làm một thập. Đứng đầu đội là Đội trưởng, ngũ là Ngũ trưởng.
(2) Phú Yên dưới thời Tự Đức, từ năm 1854 đến 1864, là một đạo thuộc tỉnh Bình Định. Trông coi Phú Yên là một Quản đạo.
(3) Con dấu vuông của nhà vua, của Quản đạo… gọi là ấn (phương ấn: ấn vuông). Con dấu của Lãnh binh, Phó lãnh binh hình chữ nhật gọi là quan phòng. Dấu của Khâm sai đại thần cũng hình chữ nhật như trong các hòa ước 1862, 1884… ký giữa triều đình Tự Đức và Pháp.
TÓM TẮT
Trong khi đi điền dã sưu tầm tư liệu về hậu duệ Lương Văn Chánh, người đã có công khai phá đất Phú Yên, các tác giả đã tiếp cận được tại nhà ông Lương Do, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên một hồ sơ gồm 5 văn bản của liệt sĩ Lương Văn Thành. Hồ sơ này cho biết về binh nghiệp của Đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, sự ghi nhận công lao của ông từ triều đình đến thôn xã, khi ông hy sinh trong lúc chiến đấu với phỉ Thanh vào năm 1864.
ABSTRACT
FILES REGARDING LEADER OF MARINE TROOP LƯƠNG VĂN THÀNH
KILLED IN PHÚ YÊN WHILE FIGHTING AGAINST QING BANDITS IN 1864
While we made field research to collect documents concerning Lương Văn Chánh who achieved great merits in the establishment of Phú Yên province, at the house of Lương Do at Tuy An district, Phú Yên province, we came across a set of files regarding Lương Văn Thành who is recognized by the government as revolutionary martyr. This document tells us about the martyr’s military career and the recognition from the Court as well as from the administration board of his village for the merits of his death in the fight against the Qing bandits.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên – Huế, số 6 (77), 2009, 45-51.




PHỤ LỤC
Sắc phong của vua Tự Đức cho Chánh đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành


Sắc phong của vua Tự Đức cho Chánh đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, đóng dấu Sắc mệnh chi bửu, cấp ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 17 (1864).
Phiên âm
Thừa Thiên hưng vận, Hoàng đế sắc viết:
Trẫm duy,
Thần tử cư trinh nãi cát, triều đình tưởng thiện mỹ di. Tư nhĩ Hữu cơ, Tam đội cấp bằng Đội trưởng cố Lương Văn Thành, am thục thủy tình, kiếu tuần hải ngoại. Ba đào xuất một, cương thừa kích tiếp chi phong, thỉ thạch tung hoành, cự bão trầm thuyền chi phẫn. Thù thâm chẩn niệm, nghi bí tinh dương.
Tư đặc truy tặng nhĩ vi Hiệu trung kỵ úy tinh binh Chánh đội trưởng, thụy Hùng Quả, tích chi sắc mệnh.
Ô hô! Nhất tự vinh bao, thức thị khuyến trung chi điển. Cửu nguyên khả tác, thượng ưng sủng mệnh chi quang.
Khâm tai.
Tự Đức thập thất niên, thập nguyệt, nhị thập thất nhật.
[Đóng ấn]: Sắc mệnh chi bửu.
Bản dịch (*)
Vâng mệnh trời dấy vận, Hoàng đế sắc rằng:
Trẫm nghĩ,
Thần tử trung trinh là tốt, triều đình khen hay chẳng sót. Như ngươi Lương Văn Thành đã quá cố, cấp bằng Đội trưởng đội Ba, cơ Hữu, am hiểu tình hình sông nước, đi tuần ngoài biển. Vào ra nơi sóng cả, vừa nương gió, quẫy mái chèo, tung hoành nơi tên đạn, lại ôm mối hận chìm thuyền. Nhớ tưởng sâu dày, nên làm sáng tỏ việc biểu dương.
Nay đặc biệt truy tặng ngươi làm Hiệu trung kỵ úy Chánh đội trưởng tinh binh, thụy Hùng Quả, ban cho sắc mệnh.
Hỡi ôi! Một chữ ban khen, bày tỏ điển lễ khuyến trung, nơi chín suối khá vâng, hãy nhận vẻ vang ơn sủng.
Hãy kính thay!
Tự Đức, năm thứ 17 [1864], tháng 10, ngày 27.
[Đóng ấn]: Sắc mệnh chi bửu.
Tờ bẩm của Lương Văn Thuộc, có thị thực của Lý trưởng và phê duyệt của Quản đạo Phú Yên

Dịch nghĩa
Lương Văn Thuộc, làng Phước Mỹ, tổng Hòa Lạc, huyện Tuy Hòa, đạo Phú Yên, cúi bẩm về việc xin chuẩn miễn binh dao.
Do vâng tờ sức rằng cấp bằng Đội trưởng Lương Văn Thành, đội Ba, cơ Hữu thuộc ngạch Bình Định, vào ngày tháng 6 năm nay, được phái theo quan binh ngồi thuyền dân ra biển tuần tiễu. Ngày 25 tháng ấy, hộ tống thuyền chuyên chở, đi ngang qua đảo Ghềnh Bà, cửa tấn Cù Mông, phía ngoài biển, gặp phải 3 thuyền của phỉ Thanh, chắn ngang thuyền đi tuần mà bắn. Chợt bị bọn phỉ ấy bắn trúng, thuyền đi tuần bị chìm, Văn Thành chết đuối mất tích. Đã được đạo Phú Yên đem việc tâu lên, và được Binh Bộ đường bàn một khoản rằng: Đội trưởng Lương Văn Thành bị bọn phỉ bắn chìm thuyền chết đuối, xin truy tặng Chánh đội trưởng tinh binh, hàm Chánh thất phẩm, cho một người con hoặc em hoặc cháu làm nhiêu, miễn binh dao suốt đời.
Kính được chấp thuận tại án, vâng tờ sức khai rõ các lẽ. Vả dân là con ruột của Văn Thành quá cố, hiện nay niên canh Ất Tỵ, 20 tuổi, thuộc hạng tráng, đã được lý dịch trong làng nhận thực. Vì thế, cúi xin quan lớn Đạo đường thẩm xét, chuẩn miễn binh dao cho dân suốt đời.
Nay khấu bẩm.
Tự Đức, năm thứ 17, ngày tháng 12.
Lương Văn Thuộc (điểm chỉ).
Lý trưởng Nguyễn Hữu Truyền kính nhận thực, ký.
Phê: Kính chuẩn miễn binh dao suốt đời.
[Đóng ấn]: Phú Yên đạo ấn.

Cấp bằng của Phó lãnh binh tỉnh Bình Định cho Lương Văn Thành giữ chức Ngũ trưởng, cấp ngày 1 tháng 4 năm Tự Đức thứ 7 (1854)

Cấp bằng của Phó lãnh binh tỉnh Bình Định và Quản đạo đạo Phú Yên cho Lương Văn Thành thăng chức Đội trưởng ngoại ủy đội Ba, Hữu cơ tỉnh Bình Định, cấp ngày 20 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859)

Cấp bằng cho Lương Văn Thành làm quyền Đội trưởng đội Tám thuộc Tả cơ tỉnh Bình Định, đóng dấu riêng của quan Đàm Giang trú thứ Lê Linh.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn