‘Giật mình’ khi nghe thông tin cho nước ngoài thuê đất

Nhóm phóng viên điều tra VietNamNet

Tiếng nói dõng dạc của một vị Đại tá quân đội đang chịu trách nhiệm ở một Bộ chỉ huy quân sự thuộc một tỉnh biên giới khiến chúng ta ít nhiều cảm thấy ấm lòng. TS luật Cù Huy Hà Vũ hình như đã đúng khi ông quả quyết: Quân đội nhân dân Việt Nam, trừ một ít phần tử nào đấy – rất ít – không bao giờ phản quốc. Thì cứ xem, sự việc bán rừng tày trời được ai phát hiện và cấp báo đầu tiên? Hai lão tướng xuất thân từ quân đội. Ai lên tiếng nhiều nhất và có trọng lượng nhất trên báo chí và các trang mạng, ngoài làn sóng công phẫn và lo lắng của nhân dân trong nước ngoài nước như những tiếng xôn xao của biển cả? Hầu như đều là những ai đã từng có mặt trước đây trên khắp các chiến trường nóng bỏng, hoặc đã từng đóng những vai quan trọng trong bộ máy quốc phòng. Họ hoàn toàn không giống đám quan chức bàn giấy, hiểu cái giá khủng khiếp phải trả khi để mất một tấc đất có ý nghĩa chiến lược của lãnh thổ quốc gia là thế nào.


Nhưng lời nói của vị Đại tá được tường thuật dưới đây lại hé lộ một điều lo lắng khác: để che mắt những người đang cầm đầu quân đội giữ gìn an ninh bờ cõi của từng địa phương, các vị quan chức cầm đầu các tỉnh đã khéo léo tìm cách gạt thành phần quan trọng này ra ngoài, trong mọi kế hoạch, dự án liên quan đến bán chác đất đai cho nước láng giềng mà theo nguyên tắc, nhất thiết phải có ý kiến của họ. Thế thì còn gì để nói nữa không? Loạn ở đâu ra, thiết tưởng không cần chỉ mặt vạch tên ai mà chẳng rõ. Vậy mà mọi sự vẫn cứ đâu vào đấy. Những cái ghế vẫn cứ y nguyên tìm được lý do tồn tại của chúng. Bi hài thay!

Bauxite Việt Nam

Ngày 10/3/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo “Ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi Chính phủ rà soát”, xung quanh việc một số địa phương cho nước ngoài thuê đất rừng.

Trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT rà soát và báo cáo. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đã có 10 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài với tổng diện tích dự kiến là 305.353 ha.

Thực tế đến nay, các tỉnh mới chỉ quyết định cho thuê và cho phép liên doanh, liên kết được 33.824 ha (bằng 11,1% so với diện tích dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư). Diện tích đã cho thuê là 15.664 ha (5,2%) và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha (bằng 5,7%).

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết, diện tích rừng được giao cho các nhà đầu tư nước ngoài có cả rừng phóng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh – quốc phòng.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc hành trình dài qua các địa phương Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam… để tận mắt xem các dự án đã được cho thuê đất như thế nào? Nghe tiếng nói của các địa phương đã cho thuê đất và hỏi những người dân sở tại xem họ đã được hưởng những lợi gì từ các dự án này?



Điều dễ nhận thấy rằng, nếu Thủ tướng không kịp thời yêu cầu các bộ ngành kiểu tra và báo cáo đầy đủ rồi ra chỉ đạo dứt điểm, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, không ký hợp đồng cho thuê đất mới, chờ Chính phủ rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp phép, thì hệ quả chưa biết sẽ dẫn tới đâu?

VietNamNet đăng tải loạt bài về việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài để Chính phủ có thêm một kênh thông tin từ thực tiễn tại các địa phương.

– Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, Đại tá Hoàng Công Hàm đã phải giật mình khi nghe Pv VietNamNet cung cấp thông tin có công ty nước ngoài đến thuê đất trồng rừng 50 năm tại đây. Ông Hàm cho biết, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn không hề nhận được một dòng báo cáo nào về dự án có yếu tố nước ngoài đến thuê đất trồng rừng và sẽ cho kiểm tra lại dự án ảnh hưởng thế nào đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Giật mình và bất ngờ!

Trước thông tin về việc UBND tỉnh Lạng Sơn cấp phép cho Công ty Innov Green Lạng Sơn (thuộc tập đoàn Innov Green) đến thuê đất trồng rừng 50 năm, dư luận đang quan tâm đến việc dự án đó có ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề an ninh quốc phòng khu vực biên giới, phóng viên VietNamNet đã có buổi làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn để hiểu rõ hơn vấn đề.


Hiện tại xã Đông Quan, Công ty Innov Green Lạng Sơn đã tiến hành trồng rừng, đầu tư làm đường vào khu vực dự án, thế nhưng cơ quan quân sự cấp cao nhất của tỉnh lại không nhận được một thông tin nào về dự án quan trọng này. Ảnh: Duy Tuấn

Làm việc với chúng tôi có Đại tá Hoàng Công Hàm (Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn) và Trung tá Nguyễn Việt Thắng (Trưởng ban trinh sát).

Tuy vậy, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là việc lãnh đạo quân sự tỉnh này không hề biết tới việc có doanh nghiệp nước ngoài đến thuê đất với thời hạn 50 năm tại tỉnh Lạng Sơn. Ông Hàm cho biết ông và Bộ chỉ huy tỉnh chưa nghe về dự án này bao giờ.

Chúng tôi chưa nắm được dự án thuê nhiều ha rừng của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh và cũng chưa thấy ai báo cáo về vấn đề đó”, ông Hàm cho biết.

Ông Hàm khá bất ngờ trước thông tin về dự án khi biết không chỉ doanh nghiệp nước ngoài này đã được cấp phép đầu tư thuê đất với diện tích dự kiến là 63.000 ha trong thời hạn 50 năm mà đã tiến hành trồng thử nghiệm ở nhiều địa phương.

Còn Trưởng ban trinh sát tỉnh đội Lạng Sơn Nguyễn Việt Thắng cũng đã rà soát các dự án mà cơ quan này nắm được trong những năm qua thì cũng không thấy có tên công ty này với nội dung trên.


"Rừng là thế mạnh của miền núi tại sao lại
để cho dự án nước ngoài trồng cây vào đấy.
Họ thuê 50 năm thì mình khó mà kiểm soát được.
Họ sử dụng trồng rừng 50 năm thì sẽ ảnh hưởng
đến thế trận quân sự phòng thủ của nước ta.
Phòng thủ ở đây tôi nói riêng về vấn đề biên giới
không thể để vấn đề người nước ngoài trồng rừng
như thế được vì đây là vấn đề rất nhạy cảm",
ông Hoàng Công Hàm, Đại tá, Tham mưu trưởng
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn khẳng định.
Ảnh: Vũ Điệp
Họ chưa qua một cấp nào của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thẩm định cấp dự án nhất là về rừng dọc biên giới. Tất cả các dự án lớn như thế thì chắc chắn phải báo cáo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Chúng tôi không được báo cáo thì làm sao chúng tôi tham mưu được. Dự án trồng rừng 50 năm có người nước ngoài là ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng rồi”, ông Hàm khẳng định.

Ông Hàm cũng nói thêm, những dự án trồng rừng có ảnh hưởng liên quan đến an ninh quốc phòng thì nếu được tham gia thì Bộ chủ huy quân sự tỉnh sẽ bác bỏ ngay và không cho phép.

Nghe công ty nước ngoài đầu tư 50 năm là chúng tôi hơi hoảng. Các khu vực về rừng núi dọc các tuyến biên giới mình phải phủ các đồi xanh. Trước đây trong chiến tranh “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, nay rừng phải được phủ xanh.


Rừng là thế mạnh của miền núi tại sao lại để cho dự án nước ngoài trồng cây vào đấy. Họ thuê 50 năm thì mình khó mà kiểm soát được. Họ sử dụng trồng rừng 50 năm thì sẽ ảnh hưởng đến thế trận quân sự phòng thủ của nước ta. Phòng thủ ở đây tôi nói riêng về vấn đề biên giới. Không thể để vấn đề người nước ngoài trồng rừng như thế được, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm”.

Lợi bất cập hại (?!)

Ông Hàm cũng cho biết rằng, có thể đưa dự án trồng rừng vào đó có thể phát triển được kinh tế khu vực tạo công ăn việc làm cho dân vì người dân cảm thấy rằng chưa bao giờ có dự án lớn như thế vào các xã vùng sâu vùng xa chủ yếu là đồi núi trọc.
Nhìn thấy trước mắt như thế nhưng cho thuê 50 năm họ làm những gì không đúng như chủ trương xóa đói giảm nghèo thì sao? Dân mình chưa nắm được cái lợi bất cập hại nên nhiều người đã giao đất cho công ty người nước ngoài.

Công ty TNHH một thành viên Innov Green Lạng Sơn (Innov Green Lạng Sơn) thuộc tập đoàn Invov Green (giấy xác nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký công ty số 198 do Bộ Thương mại, Vương quốc Campuchia cấp ngày 25/02/2004, người đại diện theo pháp luật là ông Wu Gwo Wei có quốc tịch Trung Quốc).Tại Giấy chứng nhận đầu tư số 14104300056 chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 21/2/2008; chứng nhận thay đổi đầu tư lần thứ 1 ngày 12/3/2009 do ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký.

Nội dung dự án đầu tư ”Trồng rừng gỗ nguyên liệu cao cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” với quy mô dự kiến 63.000ha. Địa điểm đầu tư thực hiện dự án: tại 49 xã thuộc 7 huyện: Văn Quan, Tràng Định, Lộc Bình, Chi Lăng, Cao Lộc, Bắc Sơn và Đình Lập.

Vốn đầu tư dự án 800 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. (Nguồn: Sở KHĐT Lạng Sơn).

Vị Tham mưu trưởng tỉnh đội Lạng Sơn thông tin thêm, một số cơ quan có dự án liên quan đến quốc phòng an ninh là ngại mời Bộ chỉ huy quân sự tỉnh họp.

Cụ thể như công văn của UBND huyện Lộc Bình về việc chấp thuận địa điểm xin thuê đất của Cty Innov Green Lạng Sơn chỉ gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường nhưng lại không gửi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Chúng tôi giật mình cũng đúng thôi, những cái gì liên quan đến các khu công nghiệp lớn thì hồ sơ rất kỹ, những dự án 5-10 năm thì các cấp các ngành họp bàn rất là nhiều mới triển khai thế nhưng đối với dự án này cho thuê đất tới 50 năm mà lại có yếu tố nước ngoài thì cơ quan quân sự lại không được biết?


Nói về việc làm ăn với công ty nước ngoài thường được bỏ qua vì họ biết rằng liên quan đến an ninh quốc phòng là khả năng bị bác ngay”, ông Hàm nói thêm.

Thông tin về thao trường bắn của tỉnh đội nằm trên địa bàn xã Đông Quan cũng đã được lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự xác nhận. Thao trường bắn này đang được cơ quan quân sự xin dự án với diện tích gần 40ha và đã diễn tập tại đây nhiều lần.

Chúng tôi đặt ra một ví dụ nếu tại một huyện Lộc Bình hay tại một huyện nào đó đã được UBND tỉnh cho thuê đất trồng rừng lâu năm nếu khi kiểm tra lại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thấy khu vực đó ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì sẽ xử lý như thế nào?
Ông Hàm cho biết: Chúng tôi sẽ có ý kiến với các cơ quan liên quan, tiến hành ngồi họp với nhau, rà soát lại các quy trình như thế đã đồng bộ chưa? Đồng bộ ở chỗ là quân sự quản lý về an ninh quốc phòng nhất là khu vực biên giới. Và yếu tố ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh các anh không cung cấp cho chúng tôi.

Nếu trong số diện tích đó có khoảng 10.000 ha ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng thì chúng tôi sẽ đấu tranh để loại trừ dần nó đi. Quan điểm của chúng tôi là đã ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì không bao giờ cho thuê, nhất là thuê với thời gian 50 năm”, ông Hàm nói.

Lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn nói tiếp, trước mắt do chưa nắm rõ dự án này ở những vị trí thế nào nên chưa kết luận được nó ảnh hưởng cụ thể tới vấn đề an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh, và hứa sẽ cho người kiểm tra những thông tin về dự án của Công ty Innov Green Lạng Sơn.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/psks/201003/Giat-minh-khi-nghe-thong-tin-cho-nuoc-ngoai-thue-dat-898805/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn