Thư giãn Chủ nhật: Phỏng vấn Tháp nước Hàng Đậu

Tự Cường - HT



Phóng viên: Chào cụ, cụ có hài lòng về tấm áo mới mà con cháu khoác lên cho cụ?



Tháp nước: Hư... ừm! Lão đã 116 tuổi rồi chứ có phải là trẻ con nữa đâu mà mừng rỡ khi được nhận một tấm áo mới. Người ta nói “Trẻ gói quà, già manh áo” đó là nói cho lứa tuổi chưa đến “cổ lai hy”, cũng còn muốn màu mè một chút, còn như vào cỡ lão đã thuộc thế hệ vượt cổ lai hy lâu rồi thì mọi thứ trên mình lão đây là bằng chứng của tuổi tác chứ ai thiết màu mè làm gì nữa.







Phóng viên: Cháu tưởng là…?



Tháp nước: Cậu tưởng là lão sẽ hý hửng khi được nhận món quà kỷ niệm 1000 năm tuổi thọ của cái thành phố Kẻ Chợ thân yêu của chúng ta đấy à? Nghĩ thế là nhầm đấy anh bạn trẻ ạ. Lão đương băn khoăn là mình hiện đang phải sắm một vai dở dở ương ương, trẻ không ra trẻ già chẳng ra già, trong khi trên đầu thì đã chẳng còn lấy một sợi tóc. Hãy cứ nghĩ mà xem, xã hội thì đang gọi là đổi mới không ngừng, thế mà những lão già vô dụng như bọn lão, lẽ ra phải làm việc gì đó chứng tỏ mình chưa đến nỗi bỏ đi thì lại xúng xính trong một tấm áo đúng mốt thời trang của Hà Nội hôm nay để đứng bên đường mà khoe mẽ, như các ma-nơ-canh đứng trước các hiệu quần áo ở Hàng Đào, Hàng Ngang, ai đi qua người ta chửi cho là nỡm, già rồi mà còn rửng mỡ, thế có phải là dại mặt không?



Phóng viên: Vâng, nhưng không phải tất cả cái gì cũng đổi mới, có những giá trị của quá khứ là quà tặng quý báu tới con cháu mình mai sau, có phải thế không thưa cụ? Chính những giá trị văn hóa vô giá của các công trình kiến trúc cổ là bằng chứng lịch sử về cả một quá trình phát triển...



Tháp nước: Khốn nỗi những con người quyết định số phận lão và số phận của cả cái Hà Nội này họ có nghĩ được thế đâu. Cậu xem bạn bè lão khắp nơi đều được tô đắp lại hết, làm cho thân hình bề thế hơn, bên ngoài thì có khi cao vống lên, có khi to bè ra, nhưng lại tham lam chen lấn tất thảy những gì ở xung quanh, nào sân, vườn, cây cối thân thuộc làm nên không gian mát mẻ, nào hành lang uốn lượn quanh co, lấn được gì đều lấn tuốt. Mà bên trong thì chui rúc biết bao là người. Thành phố cứ mỗi ngày một lúc nhúc thêm. Ngày xưa có thế đâu. Lão muốn nói là người ta không thích cái cổ. Cổ kính thanh nhã và giữ lại nguyên mẫu là điều không quan trọng trong xã hội hôm nay. Ít ra thì nó không cho người ta thấy đó là giá trị. Người ta thèm cơi nới, thay đổi, để còn kiếm thêm chỗ làm nơi buôn bán, hoặc đội tầng lên để bên trên cơ quan làm việc một vài gian, còn lại bên dưới cho thuê hốt bạc mới được cơ.



Phóng viên: Vậy trong vòng đời 116 năm của mình, những điều gì đọng lại trong cụ?



Tháp nước: Cuộc đời lão, lão từng tự hào vênh vang với bạn bè rằng, chính lão là minh chứng thực sự cho sự bắt đầu của đô thị này. Có lão, những khu phố nhà quê kia mới đổi đời lên đô thị đấy.



Phóng viên: Cụ tự tin về điều đó?



Tháp nước: Chứ sao. Chàng trai trẻ, cậu nghĩ xem, chính lão đã làm thay đổi thói quen tự cung tự cấp trong cộng đồng cư dân ở đây, lão tạo cho họ cái nếp chuyên nghiệp trong nghệ thuật sống của đô thị. Chuyển từ thói quen ao hồ giếng khơi bẩn, độc, nhiều mầm bệnh sang dùng nước máy vệ sinh an toàn hơn, và trả tiền để có nó. Đó là sự khởi đầu cho phương thức sống đô thị đấy chứ.



Phóng viên: Ngoài ra, còn điều gì làm cụ nhớ lúc này?



Tháp nước: Nhiều lắm, làm sao có thể nhớ xuể được. Khi anh sống một cuộc đời sôi nổi, gắn với cả cộng đồng những sớm những chiều hơn một thế kỷ như lão đây, cậu sẽ hiểu. Lão thích ngày ngày được ngắm nhìn những cặp mắt quen có, lạ có của thị dân và khách thập phương qua đây. Họ đi ngang qua lão, trầm trồ ngắm nghía lão và nở những nụ cười thân mật. Thi thoảng, có chàng trai cô gái nắm tay nhau chụp hình bên lão, hoặc đôi lúc lén lút nhìn trước ngó sau và gắn vội cặp môi son vào nhau đánh chụt một cái. Vui biết mấy mà kể. Đó là những niềm vui nho nhỏ từng ngày cóp nhặt lại. Hạnh phúc nhỏ đấy, mà không nhỏ chút nào.



Phóng viên: Quả là những điều thật đáng nhớ! Trong bấy nhiêu năm đó, không điều gì làm cụ phiền lòng sao?



Tháp nước: Cũng có đấy, nhưng mà lão chẳng để bụng đâu. Có thể đó là thói quen của một số kẻ nào đó, chưa học được lối sống văn minh thị thành, rình lúc không có người qua kẻ lại chạy đến bên lão tè ngay một bãi, thậm chí có lúc bí quá còn tụt ngay quần tương một bãi thum thủm hơn. Những lúc ấy lão rùng cả mình, nhưng nghĩ lại, của đáng tội, thì chính các vị quan chức đứng đầu thành phố, tiếng là Thị trưởng kia đấy mà đầu óc chưa khác mấy anh dân quê, có cho xây nhiều những nơi làm cái việc tiện lợi công cộng kia đâu. Thế thì lúc bức bách quá dân họ không tìm đến “nương nhờ” vào lão còn biết chạy đi đâu nữa? Thời Pháp lính cu lít còn đi xe đạp tuần hành ngày đêm rất nghiêm chứ thời ta ấy à, ôi dào, công an chỉ lo bắt mấy cái xe chạy ẩu để kiếm tiền nộp phạt, hoặc túm mấy ả hàng rong dễ dọa, làm cho các ả phải xùy ra ít chục ngàn, còn cái chuyện nếp sống văn minh, thôi thì có nhìn thấy họ cũng làm ngơ, cho qua tất. Cũng có khi lão còn bị đám choai choai cứ thích cầm phấn, cầm than nguệch ngoạc lên thân lão những chữ, những hình... nói ra thì ngượng lắm. Lại có nhiều lúc bà con hàng phố tiện tay mang từng bọc rác ra tận chân lão mà vứt, mà họ làm đàng hoàng không sợ hãi gì cả, y như giữa chỗ không người. Chỉ tội đến chiều tối Công ty vệ sinh phải đến quét và xúc đến mỏi tay. Khá khen cho mấy chị quét đường cũng nhẫn nhục thật, cứ lầm lũi nhặt và xúc mà chẳng có lấy một lời kêu ca. Ờ nhưng mà điều đáng buồn hơn là những thói tật ấy ở dân chúng Thủ đô ta hình như vẫn là chuyện cha truyền con nối thì phải, tính đến nay hơn trăm năm rồi mà nào đã mất cho đâu. Hồi đầu thế kỷ XX thì dân chúng còn tăm tối thất học chứ bây giờ nhìn bề ngoài ai ai cũng sang trọng cả, ăn mặc chẳng khác gì ông Tây bà Đầm hồi xưa, vậy mà hành vi thì... chứng nào vẫn tật ấy. Thế mới lạ!



Phóng viên: Thế trong cuộc đời cụ có lúc nào cụ phải tự trách mình không?



Tháp nước: Á à. Chuyện này thì cũng có đấy. Cuộc đời làm sao chẳng có lúc nhầm nhỡ, có phải không nào? Nhưng lão chỉ ngượng nhất là những năm dưới thời bao cấp. Nhà máy nước chẳng đủ điện để dùng, cũng chẳng có tiền mua thêm máy móc, phần lớn dùng một ít máy bơm máy lọc cũ kỹ từ thời Pháp để lại nên thường xuyên cung cấp nước chẳng đủ. Thế là lão thành ra cái bung xung, cho nhiều gia đình từng phải xếp thùng xếp chậu thành dãy rồng rắn trước các máy nước công cộng, chầu chực suốt đêm không hứng lấy được một giọt nước, chạy ra trỏ vào lão mà lầu bầu chửi bới như hát hay. Lão cứ phải đỏ chín cả mặt chịu trận chứ không dám nói một lời, trong khi thực tình mình có làm gì nên tội.



Phóng viên: Thế còn những chuyện vận nước đổi thay diễn ra ở giữa Thủ đô này mà cụ từng chứng kiến?



Tháp nước: Những chuyện ấy thì quên sao được. Cái ngày cờ đỏ sao vàng rợp trời của không biết cơ man nào là người kéo đi nườm nượp, nghe nói đi đến tòa Bắc Bộ phủ để cướp chính quyền. Lão chỉ nhìn thôi mà cũng thấy rạo rực cả người. Rồi những ngày mấy ông chủ của lão trở lại đánh chiếm thành phố, cái đêm cả thành phố tắt điện, súng nổ ầm ầm về phía bóp gác Hàng Đậu, xa hơn chút nữa là phía trong thành Cửa Bắc, nghe mà lạnh gáy. Rồi sau đó là 2 tháng trời anh chị em tự vệ Quyết tử cầm cự với mấy ông mũi lõ ở khu Đồng Xuân, họ chạy qua chạy lại đây với lão luôn. Họ phải đục tường nhà nọ thông nhà kia làm lối để đi du kích. Kìa, trước mặt lão nhìn ra phía bờ sông là cả một cái ụ tác chiến cao đến ngất ngưởng, toàn bàn ghế, sập gụ, tủ chè của các gia đình quanh đây, ai có gì cũng xung phong đưa ra hiến tặng hết. Mới biết tấm lòng ái quốc của bà con dân mình không sao đo lường nổi. Rồi lại cái ngày B 52 Mỹ đánh úp Hà Nội nữa chứ. Lão ở đây nhìn ra phía cầu Đu-me, à xin lỗi lão quen miệng, cầu Long Biên ấy, cứ thấy mấy anh bộ đội cầm súng đứng chót vót trên các thanh dầm cao mà người Pháp bắc ngang dọc trên cầu, lăm lăm chĩa súng lên trời đón đợi máy bay. Không biết cầm súng trường đứng thế thì có bắn hạ được chiếc phản lực nào không nhưng phải nói tinh thần thì gan cóc tía thiệt đấy. Cảm xúc của lão về những ngày ấy khó tả lắm. Đó là những ngày thật hạnh phúc. Nhưng mà giờ đây thì... nói thế nào nhỉ, khí phách anh hùng thuở trước đi đâu cả rồi? Hôm trước thấy có mấy bạn trẻ đi ngang qua đây bàn nhau, lão nghe lóm họ nói hình như có cái đám “tàu lạ” nào đấy đang ăn hiếp nước mình ngoài biển khơi, vậy mà mình đành phải nín thinh. Thế có nhục nhã không. Lão cứ muốn hét to lên cho tụi trẻ chúng biết rằng không đâu, dân mình oanh liệt lắm, nhưng mà không hét được, có cái gì cứ tắc nghẹn ở cổ. Vì lão có cảm tưởng bây giờ nghĩ và làm, cái gì họ cũng khác trước hết ráo. Nói gì những chuyện lớn lao đại sự, đến như lão đây mà họ cũng không tha, họ bắt lão phải biến hình mới cam. Lão không ngờ có ngày lão rơi vào tình cảnh này.



Phóng viên: Nói vậy là cụ đang rất buồn?



Tháp nước: Không buồn, mà đau đớn lắm chàng trai à. Thử hỏi không đau sao khi người ta cạo sạch chòm râu của lão đi, rồi tô vẽ lên đó những thứ màu mè giả tạo. Không đau sao khi người ta lột đi tấm da sần sùi vết thời gian của lão và đắp vào đó thứ da mĩ miều lạ lẫm. Và đau đớn nhất, là những người bạn xưa đi qua đây họ không nhận ra lão nữa. Những người bạn mới họ gọi tên lão mà nhìn ngắm một thứ không phải là lão. Thế gian sẽ chửi vào mặt rằng lão là kẻ cưa sừng làm nghé. Chao ôi, không ngờ có ngày mình ra đi trong đau đớn thế này!



Phóng viên: Cụ dứt tình dời khỏi đây sao?



Tháp nước: Lão phải đi thôi, lão còn ở lại làm gì khi người ta không còn biết tôn trọng cả một quá khứ mà lão là chứng nhân...



Phóng viên: Thưa, cụ sẽ sang bên người anh em của mình là tháp nước Đồn Thủy?



Tháp nước: Người anh em ấy của lão từ giã lão đi lâu rồi. Giờ đó chỉ còn là cái xác mà thôi.



Phóng viên: Vậy là từ giờ con cháu chỉ còn nhìn thấy cái xác của tháp nước Hàng Đậu thôi sao?



Tháp nước: Thì còn biết làm sao. Lúc nãy, mấy chàng trai trong đội Cảm tử quân ở tượng đài cạnh đó cũng sang can ngăn. Nhưng lão đã quyết rồi. Làm sao có thể ngày ngày đứng chào mọi người từ 6 ngả đường qua lại với chiếc mặt nạ lạ hoắc này chứ. Tháp nước đã có số phận mới của nó.



Phóng viên: Thưa, cụ có muốn nói điều gì đó với những người yêu mến mình hay bất cứ ai không ạ?



Tháp nước: Im lặng bước đi.



TCHT[*]





[*] Bài do bạn Tự Cường gửi đến nhưng ít nhiều còn đơn giản. Mạng Bauxite Việt Nam xin phép bạn TC phân công bạn HTHO trong BBT bổ sung, chỉnh lý và biên tập, cốt làm một món quà thư giãn Chủ nhật chứ không có mục đích gì khác.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn