Ai sẽ phải hổ thẹn với tiền nhân

Nguyễn Thượng Long
Hơn 200 năm trước, cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã cảnh báo người đời :
“ Có 5 nguy cơ sẽ bị mất nước:
Một là: Sĩ phu, Thức giả ngoảnh mặt đi trước thời cuộc.
Hai là: Xã tắc tham nhũng tràn lan.
Ba là: Binh kiêu ngạo, tướng thoái hóa.
Bốn là: Học trò không kính trọng thầy giáo.
Năm là: Trẻ con khinh thường người già”.
Hoàn toàn không phải là vô tình mà cụ Bảng nhãn lại đặt nguy cơ Kẻ Sĩ ngoảnh mặt đi là nguy cơ số 1.
Lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim có quá nhiều dẫn chứng để nói: Nếu giới trí thức (cách gọi khác của Sĩ phu &Thức giả) ngoảnh mặt đi trước thời cuộc, cũng là lúc đất nước một lần lâm vào những lầm lạc.
Nếu giới trí thức đừng quá sợ hãi trước khẩu hiệu “Trí – Phú – Địa – Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, khẩu hiệu của ĐCS Đông Dương, tiền thân của ĐCS Việt Nam, có thể lắm lịch sử đất nước đã rẽ đi một lối khác.
Giá như sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 Trí thức Việt Nam lúc đó đừng vì một lý do nào đó mà ngoảnh mặt đi, mà dám tư vấn để Đảng Lao động Việt Nam, Ban lãnh đạo Việt Nam chủ động giữ được cự ly hợp lý với Matscơva, Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, khéo léo từ chối để dân tộc không phải đảm lãnh cái vai trò, cái sứ mạng là những tên lính xung kích trong cuộc đối đầu ý thức hệ giữa 2 phe mà chỉ dồn tâm huyết cho độc lập và thống nhất của đất nước mình thôi… và giới trí thức VN lúc đó cũng đủ can đảm đưa ra những phản biện về con đường này nọ đầy những bạo liệt và sắt máu mà Stalin & họ Mao đã chỉ thị và mách nước cho những người cộng sản Việt Nam… có lẽ lịch sử đất nước đã bớt đi được những trang đau buồn.
Sau 30/4/1975, nếu người trí thức đủ dũng khí để giúp những người chiến thắng bớt đi được những ngất ngây, ngạo mạn & cũng giúp họ sớm tỉnh táo trước người Trung Quốc, chắc chắn tư thế của Việt Nam hôm nay đã khác đi rất nhiều.
Như thế rõ ràng là vận nước trong cơn Thịnh – Suy, Hưng – Vong , Thái lai – Bĩ cực… luôn luôn gắn với vai trò, tầm vóc, dũng khí của giới thức giả.
Mới ngày nào đó gần đây thôi, trong con mắt người đời không ít Kẻ Sĩ chỉ là những kẻ tầm thường, nhạt nhẽo theo kiểu “Nhất Sĩ nhì Nông!!…” rồi đến lúc lại “Nhất Nông nhì Sĩ !…” và nếu không phải là những kẻ gọi dạ bảo vâng thì cũng chỉ là phường “Mặt Trắng” giá áo túi cơm, văn nô, bồi bút, và câu: “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo/Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi!” không là những mai mỉa chỉ dành riêng cho Kẻ Sĩ thời nho mạt cuối thế kỷ XIX đã qua mà ngay giữa thời đại của Internet, thời của kỹ thuật số, thời của bùng nổ thông tin, thời của nhân quyền vói những nội dung mang tính phổ quát… thông điệp về sự “ Rụt rè”, về thái độ “Cố đấm” của Sĩ Phu qua câu hài hước của các bậc túc nho vẫn còn nguyên giá trị.
Rất may hôm nay, người trí thức Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước đã bừng tỉnh. Vì hồn thiêng sông núi, hay do bản lĩnh giống nòi đến lúc thăng hoa mà từ các bậc đặc đẳng công thần như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Trung tướng Đổng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng Lê Văn Cương… cùng với các bậc thức giả như : Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thanh Giang, Lê Hồng Hà, Trần Lâm, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Đăng Mạnh, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thanh Sơn, Trần Nhương… cùng hàng nghìn, hàng vạn trí thức khác đã dám đồng thanh nói KHÔNG VỚI BÔ XÍT ngay trước thềm kỳ họp Quốc hội. Và cũng sẽ rất thất vọng nếu kỳ họp đó không có tiếng nói dõng dạc của những sĩ phu lương đống như: Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng…
Luật sư Cù Huy Hà Vũ với lá đơn kiện Thủ tướng CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng, ông đã đặt trước mặt Ban lãnh đạo Việt Nam những thách đố mang đậm tính pháp quyền, pháp trị khi mà nhiều thập kỷ đã qua họ luôn lớn tiếng giáo huấn người dân phải “Sống – Chiến đấu –Lao động & Làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, và “Mọi người là bình đẳng trước Pháp luật”. Bằng việc làm này, Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã làm bùng cháy khát vọng về một xã hội dân sự cho người Việt Nam trong bối cảnh người Việt nam phải sống nhiều thập kỷ trong đêm trường của độc tài và toàn trị.
Cũng mới ngày nào gần đây thôi, Tổ quốc trong con mắt người xa xứ vẫn là những ám ảnh kinh hoàng, là “Dĩ vãng cần phải quên đi!”, là những giọt nước mắt lặn vào trong… thì ngày hôm nay trên khắp các kinh tuyến địa cầu nơi nào có người Việt Nam là nơi đó âm vang tiếng thét đòi Trung Quốc không được đụng đến Việt Nam. Chưa bao giờ cảm hứng về Tổ quốc lại rưng rưng lại xúc động nghẹn ngào như những ngày này. Tổ quốc là đất, là trời, là núi, sông, biển, đảo, là Thác Bản Giốc, là Mục Nam Quan, là bãi Tục Lãm, là Hoàng Sa, Trường Sa, là những con sóng lô xô tít tắp ngoài biển xa, là Tây Nguyên, là chiếc cột mốc rêu phong từ ngàn xưa để lại còn lưu dấu chân của cha con Nguyễn Trãi, là những cao điểm chưa phai vệt máu người lính thú giữ chốt năm nào, là tấm bản đồ cổ xưa được các học giả là con dân đất Việt rút tỉa ra từ các thư tịch cổ ở Pa ri, ở New York.
Tất cả như hòa quyện vào nhau, và tượng hình lên là hình hài Tổ quốc, là sự đòi hỏi lãnh thổ của ông cha phải toàn vẹn và trường tồn. Đó là những gì mà ông cha tổ tiên để lại cho 85 triệu con dân trong nước và cũng để lại cho 3 triệu con dân đất Việt đang sống xa xứ, dẫu chỉ là một điểm tựa cho tâm hồn người ra đi mỗi khi trạnh lòng nhớ về cố quốc, nhớ về cội nguồn. Để làm bùng cháy lên ngọn lửa ái quốc đó, vai trò của giới trí thức hải ngoại không thể nói là nhỏ.
Những ngày này, công luận cũng đang đi từ bàng hoàng đến ái ngại và dè dặt trước gục ngã bất ngờ của một Luật sư trẻ rất nổi tiếng. Trong con mắt của những người từng trải, sự kiện này cũng bình thường. Như những giai tầng khác, để khẳng định mình, trí thức cũng có người vượt lên được, có người sớm  quỵ gối giữa đường. Chỉ biết rằng về tổng thể, người trí thức Việt Nam dù họ đang ở đâu, dù họ đứng dưới màu cờ nào, sắc áo nào, chính kiến nào thì những ngày qua họ đều đã sống có trách nhiệm hơn trước dân tộc, trước lịch sử. Đó là điều không thể không công nhận. Đó cũng là chất keo để kết dính cả một dân tộc, cả một cộng đồng. Đó cũng là lời lý giải cho câu hỏi: Vì sao sau cả ngàn năm vong quốc mà chúng ta vẫn giữ được hình hài đất mẹ, vẫn giữ được bản sắc riêng của giống nòi, kiêu hãnh và hiền hòa tồn tại trong một thế giới ngày càng bị lấp đầy bởi những dối trá , phi lý và bạo tàn.
Trong cuộc chạy tiếp sức để Tổ quốc trường tồn, dân tộc trường sinh, Trí thức Việt Nam chân chính ở trong nước cũng như ngoài nước hôm nay không đắc lỗi & không hề phải hổ thẹn với tiền nhân./.
Thành phố Hà Đông
NTL
Địa chỉ: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn