Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Thời gian hoàn vốn?

TS Nguyễn Bách Phúc

(Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM HASCON)

clip_image001

Đường sắt cao tốc ở Đài Loan. Ảnh: http://www.tonghoixaydungvn.org/

* Tỉ suất lợi nhuận hàng năm/tổng vốn đầu tư 0,87% - 0,72%

TTO - Khi tính toán đầu tư một dự án, nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, là hiệu quả kinh tế của dự án. Trong trường hợp đường sắt cao tốc Bắc - Nam, không chỉ nhà đầu tư mà mọi công dân và các cấp lãnh đạo đất nước đều hết sức quan tâm.

“Báo cáo đầu tư xây dựng” của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam dài 33 trang, chỉ vắn tắt không đầy 2 trang về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, nhất là phần hiệu quả kinh tế chỉ có mấy dòng kết luận và không có thuyết minh.

Tương tự, trong “Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội” do Bộ trưởng Giao thông vận tải  Hồ Nghĩa Dũng, phần thuyết minh hiệu quả kinh tế của dự án còn sơ sài hơn.

Ngày 17-4-2010, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng báo cáo Thường vụ Quốc hội: tổng vốn đầu tư toàn dự án là 55,853 tỷ USD, trong đó phần vốn đầu tư cho thiết bị là 9,587 tỷ USD. Khi trả lời câu hỏi về hiệu quả kinh tế của dự án, Bộ trưởng nói đại ý: vốn đầu tư cho phần xây dựng công trình sẽ do Chính phủ chịu, không phải thu hồi, nhà đầu tư chỉ đầu tư phần thiết bị và tổ chức kinh doanh vận hành, nên chỉ dự kiến thu hồi vốn thiết bị, và thời gian thu hồi vốn thiết bị nhanh nhất là từ 10 đến 12 năm.

Trong “Báo cáo đầu tư xây dựng” và trong “Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội” cũng viết thời gian thu hồi vốn thiết bị nhanh nhất là từ 10 đến 12 năm.

Từ văn bản cũng như từ câu trả lời của Bộ trưởng, tức từ chính nguồn thông tin của chính Bộ trưởng, tôi xin đưa ra một vài phân tích ban đầu để thấy hiệu quả kinh tế của dự án này.

Căn cứ vào thời gian thu hồi vốn đầu tư, có thể tính được lợi nhuận hàng năm của dự án. Sẽ tính cho 2 trường hợp 10 năm và 12 năm của Bộ trưởng.

Với thời gian thu hồi vốn đầu tư thiết bị là 10 năm, lợi nhuận hàng năm của toàn dự án sẽ là 9,587 tỷ USD/10 năm = 0,958 tỷ USD/năm.

Tương tự,  với thời gian thu hồi vốn đầu tư thiết bị là 12 năm, lợi nhuận hàng năm của toàn dự án sẽ là 9,587 tỷ USD/12 năm = 0,797 tỷ USD/năm.

Có thể tính tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên tổng vốn đầu tư  bằng cách lấy tổng đầu tư chia cho lợi nhuận hàng năm.

Vấn đề ở đây là: Tổng vốn đầu tư của toàn dự án có phải là 55,853 tỷ USD hay không?

Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhưng ở đây tôi chỉ xét một yếu tố rất đơn giản và rõ ràng: tuổi thọ của công trình xây dựng và tuổi thọ của thiết bị.

“Báo cáo đầu tư” và “Tờ trình” không nói rõ tuổi thọ của công trình xây dựng này bao nhiêu năm. Nhưng chúng ta có thể ước tính tối đa là 100 năm. Điều này có thể minh chứng một cách trực quan. Ví dụ cầu Long Biên khánh thành năm 1904, đến nay hơn 100 tuổi vẫn còn làm việc, tuy không còn giữ được vai trò ban đầu của mình nữa, hoặc như đường sắt Xuyên Việt khánh thành năm 1939, đến nay đã được 71 tuổi, vẫn là tuyến đường sắt trụ cột của Việt Nam.

“Báo cáo đầu tư” và “Tờ trình” cũng không nói rõ tuổi thọ của thiết bị là bao nhiêu năm. Tuổi thọ của thiết bị trong ngành giao thông vận tải hiện nay khoảng 10 - 15 năm. Đặc biệt, các thiết bị điện tử tin học tự động hóa, chỉ 4, 5 năm hoặc vài ba năm đã buộc phải thay thế, vì không còn đáp ứng được những tiến bộ phát triển hiện nay rất mạnh mẽ của công nghệ.

Các thiết bị của đường sắt cao tốc là loại thiết bị hiện đại, chắc chắn sử dựng nhiều công nghệ cao và trình độ tự động hóa rất cao, chúng ta khó xác định được chính xác tuổi thọ, nhưng ở đây có thể tạm tính với con số lạc quan là 15 năm.

Như vậy, vốn đầu tư cho thiết bị 9,583 tỷ USD cho một giá trị trong 15 năm. Sau 15 năm chủ đầu tư lại phải sắm mới. Cứ tạm cho rằng, sau mỗi 15 năm, giá thiết bị không thay đổi, nghĩa là sau mỗi 15 năm chúng ta lại buộc phải bỏ ra 9,583 tỷ USD để sắm mới.

Với tuổi thọ của công trình là 100 năm, số lần mua sắm thiết bị sẽ là 100/15 lần. Số lần mua sắm thiết bị sau lần sắm đầu tiên là (100/15 -1) lần. Tổng số tiền mua sắm thiết bị về sau, sau 15 năm đầu tiên, là: (100/15 – 1) x 9,583 tỷ USD = 54,304 tỷ USD.

Tóm lại, để dự án vận hành trong suốt tuổi thọ, theo tính toán của tôi, tổng vốn đầu tư sẽ là:

55,853 tỷ USD + 54,304 tỷ USD = 110,157 tỷ USD.

Có thể tính được tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên tổng vốn đầu tư trong 2 trường hợp:

-  Với lợi nhuận hàng năm của toàn dự án là 0,958 tỷ USD/năm, tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên tổng vốn đầu tư sẽ là: (0,958 tỷ USD/năm)/ 110,157 tỷ USD = 0,87%

-  Với lợi nhuận hàng năm của toàn dự án là 0,797 tỷ USD/năm, tỷ suất lợi nhuận   hàng năm trên tổng vốn đầu tư sẽ là: (0,797 tỷ USD/năm)/ 110,157 tỷ USD = 0,72%

Cũng có thể tính được thời gian thu hồi vốn đầu tư của dự án:

- Với lợi nhuận hàng năm của toàn dự án là 0,958 tỷ USD/năm, thời gian thu hồi vốn đầu tư của dự án sẽ là: 110,157 tỷ USD/(0,958 tỷ USD/năm) = 114,8 năm

- Với lợi nhuận hàng năm của toàn dự án là 0,797 tỷ USD/năm, thời gian thu hồi vốn đầu tư của dự án sẽ là: 110,157 tỷ USD/(0,797 tỷ USD/năm) = 138 năm

Những con số này rõ ràng rất đáng suy nghĩ.

Cũng xin lưu ý: trong điều kiện không có những thông tin đầy đủ và chi tiết về dự án, những tính toán trên đây chỉ dựa trên những nguyên tắc cơ bản, cho nên độ chính xác của tính toán ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được. Nếu có đầy đủ thông tin về dự án, để có thể tính toán chính xác hơn, chúng tôi nghĩ kết quả  tính toán chắc chắn sẽ chính xác hơn.

N. B. P.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn