Căng thẳng trên biển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Phần 1 & 2)

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

Phần 1

CHINA-MILITARY-NAVY-ANNIVERSARY

Trung Quốc phô trương lực lượng hải quân trên biển đông. AFP

Các diễn biến xảy ra trên biển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian gần đây có nhiều điểm đáng chú ý.

Qua cuộc tập trận có bắn đạn thật trong sáu ngày của hải quân Trung Quốc ở Biển Hoa Đông hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua mà các chuyên gia cho rằng với mục đích nhắm vào Hoa Kỳ, cũng như các hành động leo thang của Trung Quốc cùng với kế hoạch tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn ở Hoàng Hải nhằm mục đích răn đe Bắc Hàn đã đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn, các diễn biến khác trên biển giữa hai cường quốc Trung - Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn có điều gì đáng chú ý? Mời quý vị nghe Thông tín viên Ngọc Trân điểm qua các sự kiện có liên quan.

Chiếm biển Đông để phát triển kinh tế

Cuối tháng 4 vừa qua, sau khi đặt biển Đông vào “lợi ích cốt lõi”, nghĩa là không nhượng bộ trong việc đòi chủ quyền, tương tự như Đài Loan và Tây Tạng, Trung Quốc đã ngang nhiên thách thức các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực cũng như thách thức sự thống trị của Hải quân Hoa Kỳ trong hàng thập kỷ qua. Không những thế, thái độ cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông đã gây ra mâu thuẫn với các nước khác trên thế giới, những nước có tàu bè thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua lại trên biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố độc quyền sử dụng.

Thái độ cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông đã gây ra mâu thuẫn với các nước khác trên thế giới, những nước có tàu bè thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua lại trên biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố độc quyền sử dụng.

Có lẽ do sự phát triển kinh tế quá nhanh, cùng với việc hiện đại hóa quân sự và không ngừng phát triển khả năng của hải quân trong thời gian qua, nên Trung Quốc tin rằng họ đã đủ mạnh để thực hiện các hành động lấn chiếm biển Đông nhằm tự khẳng định mình.

JAPAN-CHINA-DIPLOMACY-DISPUTE

Lực lượng tuần duyên thuộc hải quân Nhật ghi nhận tàu hải quân Trung Quốc hoạt động rất gần các quần đảo Nhật. AFP

Ông Xu Guangyu, Thiếu tướng hải quân Trung Quốc đã về hưu, cho biết: “Trung Quốc vắng mặt trong thời gian dài ở vùng biển đặc quyền kinh tế của mình trong hàng thập kỷ qua là một điều bất thường trong lịch sử và bây giờ Trung Quốc trở lại các hoạt động bình thường. Chúng tôi đã im lặng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong quá khứ bởi vì hải quân của chúng tôi không đủ khả năng bảo vệ các khu kinh tế, nhưng bây giờ hải quân đã có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Một quan chức hàng đầu của Hải quân Trung Quốc, Đề đốc Trương Hoa Trần, Phó chỉ huy Hạm đội Đông Hải, đã giải thích các hành động gia tăng của Hải quân Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua, như sau: “Do việc mở rộng quyền lợi kinh tế đất nước, Hải quân Trung Quốc muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến đường giao thông vận tải của đất nước và sự an toàn trên các tuyến đường chính trên biển ".

Chúng tôi đã im lặng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong quá khứ bởi vì hải quân của chúng tôi không đủ khả năng bảo vệ các khu kinh tế, nhưng bây giờ hải quân đã có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình

Phản đối các lập luận trên của Trung Quốc, ông Walter Russell Mead, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) Hoa Kỳ, cho rằng, tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông xuất phát từ việc phát triển kinh tế của nước này. Ông nói: "Thật là vô lý vì các tham vọng thương mại của Trung Quốc, thương mại gì mà họ bảo vệ? Trung Quốc cần năng lượng và nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới".

Cứng rắn hơn với Trung Quốc

Qua thái độ ngày càng hung hãn của Trung Quốc, phản ứng của Hoa Kỳ đã cứng rắn hơn trong thời gian qua. Theo tin từ Hải quân Hoa Kỳ cho biết, hôm 10 tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên Hải quân Hoa Kỳ cùng lúc cho triển khai bốn tàu ngầm có tên lửa hành trình, tiến hành các hoạt động ở xa các cảng nội địa Hoa Kỳ.

Bốn tàu ngầm này là tàu USS Ohio, USS Michigan, USS Florida và USS Georgia, có mang theo tổng cộng 616 tên lửa hành trình Tomahawk. Tin tức cũng cho biết thêm, việc cùng lúc triển khai bốn tàu ngầm này là một phần trong chính sách chiến lược của Chính phủ Hoa Kỳ, chuyển trọng tâm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hành động gây hấn. 

Cùng lúc triển khai bốn tàu ngầm này là một phần trong chính sách chiến lược của Chính phủ Hoa Kỳ, chuyển trọng tâm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hành động gây hấn. 

Cuối tháng 6 vừa qua, ba trong bốn tàu ngầm nói trên là tàu USS Ohio, USS Michigan và USS Florida đã đồng loạt xuất hiện trong cùng một ngày tại các căn cứ Hải quân của Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực: vịnh Subic thuộc Philippines, thành phố Pusan của Nam Hàn và đảo nhỏ Diego Gracia, một căn cứ Hải quân chung của Anh và Mỹ ở Ấn Độ Dương. Ngoài việc cùng lúc xuất hiện trong khu vực, ba tàu ngầm này còn mang theo hơn 460 tên lửa hành trình Tomahawk.

Mặc dù phía Hoa Kỳ đã phủ nhận bất kỳ thông điệp nào nhắm vào Bắc Kinh và nói rằng, ba tàu ngầm nói trên cùng lúc xuất hiện là do sự trùng hợp ngẫu nhiên, thế nhưng các phân tích

EN2356C-CHINA-MILITARY-NAVY-ANNIVERSARY

Sự phát triển của hải quân Trung Quốc. AFP

gia cho biết, qua hành động này Washington muốn gửi một thông điệp cứng rắn hơn tới Trung Quốc. Liên quan tới vấn đề này, ông Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington cho biết:  “Có quyết định gia tăng lực lượng của chúng tôi ở Thái Bình Dương. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ giật mình và buộc lòng phải chú ý”.

Hoa Kỳ đã phủ nhận bất kỳ thông điệp nào nhắm vào Bắc Kinh và nói rằng, ba tàu ngầm nói trên cùng lúc xuất hiện là do sự trùng hợp ngẫu nhiên, thế nhưng các phân tích gia cho biết, qua hành động này Washington muốn gửi một thông điệp cứng rắn hơn tới Trung Quốc.

Ông Glaser cho biết thêm: “Các tên lửa Tomahawk  xuất hiện trong vùng là một phần trong các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng của chúng tôi trong khu vực. Nó gửi đi một thông điệp rằng không ai có thể loại trừ quyết tâm của chúng tôi trong vai trò giúp cân bằng quyền lực trong khu vực mà nhiều nước ở đây muốn chúng tôi giữ vai trò này”.

Buộc Trung Quốc chú ý

Ngoài việc cho ba tàu ngầm nổi lên trên mặt nước trong cùng một ngày, các hoạt động khác của Hoa Kỳ trong khu vực mà các chuyên gia cho rằng nhằm mục đích răn đe Trung Quốc.
Chẳng hạn như cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất chưa từng có, mang tên “Rim of the Pacific” do Hoa Kỳ cùng 13 nước đồng minh, thực hiện trong mùa hè năm nay ở ngoài khơi Hawaii, gồm khoảng 20.000 người và hơn ba chục tàu Hải quân và tàu ngầm của các nước tham gia. Các nước đồng minh châu Á tham gia trong cuộc tập trận này gồm: Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thailand.

Hiện nay, nguyện vọng chung của các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tìm kiếm hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Chúng tôi hy vọng các hoạt động quân sự Hoa Kỳ có liên quan sẽ phục vụ cho hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực chứ không phải ngược lại

Ô. Vương Bảo Đông, PNV Đại sứ quán Trung Quốc tại HK.

Ngoài ra, một cuộc tập trận khác trên biển Đông Nam Á có tên “Sẵn sàng Hợp tác trên biển và huấn luyện”, tức CARAT 2010, do Hoa Kỳ cùng tám nước Đông Nam Á thực hiện như: Singapore, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Cuộc tập trận này được tiến hành ngoài khơi Singapore cũng trong mùa hè năm nay, với khoảng 17.600 người, cùng 50 máy bay và 73 tàu chiến tham gia, mà các chuyên gia cho rằng, ngoài các mục đích khác, cuộc tập trận này còn có ý răn đe Trung Quốc.

Việc tổ chức các tập trận lớn của Hoa Kỳ và các nước, cùng với ba tàu ngầm có mang theo nhiều tên lửa đồng loạt xuất hiện trong khu vực đã làm cho Trung Quốc chú ý. Ông Vương Bảo Đông, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, nói: “Hiện nay, nguyện vọng chung của các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tìm kiếm hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Chúng tôi hy vọng các hoạt động quân sự Hoa Kỳ có liên quan sẽ phục vụ cho hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực chứ không phải ngược lại”.

Phần 2

clip_image004

Hải quân Mỹ trên sàn tàu sân bay USS Nimitz, một tàu sân bay chạy bằng hạt nhân, sau khi đến căn cứ hải quân tại cảng ở thành phố Busan, Hàn Quốc, ảnh chụp 2008. AFP PHOTO / Kim Jae-hwan

Phản đối tập trận chung Mỹ - Nam Hàn

Cuộc tập trận chung đã lên kế hoạch giữa Mỹ và Nam Hàn ở Hoàng Hải với mục đích răn đe Bắc Hàn đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn, đang gây căng thẳng cho Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo tin tức từ các viên chức Nam Hàn cho biết, cuộc tập trận này có sự tham gia của tàu sân bay Hoa Kỳ, tàu USS George Washington, đã làm cho Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Hoàng Hải thể hiện sự cương quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia.

Ô. Xu Guangqian

Mặc dù cuộc tập trận này dự định sẽ diễn ra ở khu vực hoàn toàn thuộc vùng biển quốc tế, thế nhưng Bắc Kinh lớn tiếng phản đối vì cho rằng cuộc tập trận đe dọa đến Trung Quốc. Ông Xu Guangqian, chiến lược gia quân sự, thuộc Học viện Khoa học quân sự của Quân đội Trung Quốc, đã cảnh cáo cuộc tập trận chung này như sau: “Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Hoàng Hải thể hiện sự cương quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia. Nó cũng phản ảnh điều mà Trung Quốc đang ngày càng chú ý tới thực tế là không gian chiến lược của mình phải đối mặt với mối đe dọa đến từ các nước khác”.

Giới chuyên gia cho rằng, sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua một tuyên bố lên án việc đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn, dường như phản ứng của Trung Quốc về cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Nam Hàn mạnh mẽ hơn. Báo chí Trung Quốc đã liên tục đăng các bài với lời lẽ gay gắt nhắm vào Hoa Kỳ và Nam Hàn trong cuộc tập trận này. Một bài xã luận ngày 8 tháng 7 đăng trên báo Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đổ lỗi cho ông Lee Myung-bak, Tổng thống Nam Hàn, đã làm cho quan hệ Trung – Hàn xấu đi. Bài báo viết:

SKOREA-US-MILITARY

Quân đội Mỹ trên một chiếc xe bọc thép trong một lần luyện tập quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc tại Daegu. AFP PHOTO / Kim Jae-hwan.

Không rõ liệu ông Lee đã nghĩ đến phản ứng của Trung Quốc chưa khi ông công bố tập trận với Hoa Kỳ hồi tháng 5? Ông ấy có thấy trước sự giận dữ của người dân Trung Quốc? Hay là ông có ý định kích động đất nước ở phía bên kia Hoàng Hải? Đó là điều xấu hổ và một sự khiêu khích ngay trước cửa nhà của Trung Quốc. Nếu một tàu sân bay Hoa Kỳ vào Hoàng Hải, có nghĩa là một trở ngại lớn đối với ngoại giao của Seoul, như sự thù địch giữa các dân tộc Trung Quốc và Nam Hàn có lẽ sẽ leo thang, mà Bắc Kinh và Seoul đã và đang làm việc trong nhiều năm qua để tránh”.

TQ lên tiếng đe dọa

Không những phản đối Nam Hàn, Bắc Kinh còn cho đăng những bài báo có tính răn đe Hoa Kỳ. Trong một bài viết có tựa đề: "Hoa Kỳ phả trả giá về việc chọc tức Trung Quốc", báo Global Times đã viết:

"Việc triển khai các tàu sân bay Hoa Kỳ là sự thử thách sức chịu đựng tận cùng về chiến lược của Trung Quốc. Người dân Trung Quốc sẽ không tha thứ điều đó. Bất cứ tổn hại nào mà cuộc tập trận của quân đội Mỹ gây ra cho Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ phải trả giá về điều đó, dù sớm hay muộn. Nếu Hoa Kỳ gây rối loạn cho tình hình chung, tức là họ sẽ quay ngược trở lại hàng thập kỷ ở khu vực Đông Á và cái giá mà Hoa Kỳ phải trả cho quyết định vô trách nhiệm của mình sẽ cao hơn cái giá mà họ có thể hình dung".

Bài báo này còn cảnh cáo Nhật và Nam Hàn, hai đồng minh của Hoa Kỳ như sau: "Nhật Bản và Nam Hàn không phải là vật tế thần trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhật và Nam Hàn bị ảo tưởng về chiến lược khi muốn dựa vào quân đội Mỹ để kiểm soát Trung Quốc. Hành vi của hai nước này đang đẩy chính họ tới gần vạch cấm trong tâm trí của người Trung Quốc".

Chúng tôi tôn trọng và cân nhắc ý kiến Trung Quốc. Nhưng đây là vấn đề chúng tôi tập trận ở vùng biển quốc tế. Chúng tôi ra các quyết định này và chỉ chúng tôi mà thôi.

Ô. Geoff Morrell

Cũng xin nhắc thêm rằng, trước đây Hải quân Hoa Kỳ đã từng tham gia tập trận ở Hoàng Hải, có lẽ do Hải quân Trung Quốc lúc đó không đủ mạnh nên họ đã không phản đối mạnh mẽ như hiện nay. Một bài báo đăng trên tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết: "Hoa Kỳ tin rằng khi họ tiến hành tập trận ở biển Hoàng Hải trong quá khứ, họ nghĩ rằng có thể làm điều đó trong hiện tại và tương lai. Nhưng Hoa Kỳ nên hiểu, với sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng, người dân Trung Quốc sẽ cảm thấy nhạy cảm hơn với các hành động khiêu khích của Hải quân Hoa Kỳ ở một nơi rất gần Trung Quốc".

Mới đây, trong một bài xã luận khác đăng trên báo Global Times cho biết, Trung Quốc có thể gửi tàu và máy bay để theo dõi việc tập trận, và cảnh báo sẽ có các tác động ảnh hưởng đến quan hệ song phương Trung - Mỹ nếu như có bất kỳ sự cố nào xảy ra do hiểu lầm hoặc do không tiên liệu trước, liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bài báo viết: "Toàn bộ phía Tây Thái Bình Dương không phải là sân sau của Hoa Kỳ. Mỹ phải xem xét sự hiện diện quân sự của mình sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng và sự cân bằng chiến lược tinh tế trong khu vực. Họ phải từ bỏ ý tưởng liên tục làm trầm trọng thêm những vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh trong khu vực".

Hoa Kỳ cương quyết

Đáp trả lại các lời lẽ đe dọa từ phía Trung Quốc, mới đây tại hội nghị an ninh ở Seoul, Tướng Walter Sharp, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Hàn (USFK) cho biết: "Mỗi quốc gia không chỉ có quyền, mà còn có nghĩa vụ huấn luyện các lực lượng chống lại các mối đe dọa mà họ thấy và làm điều đó trong phạm vi lãnh thổ quốc tế của họ".

clip_image006

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang xem xét tại khu phi quân sự giữa Nam Hàn và Bắc Hàn. AFP PHOTO.

Mặc dù lên tiếng bác bỏ các phản đối của Trung Quốc về cuộc tập trận, thế nhưng Hoa Kỳ cũng đã có một chút thay đổi về kế hoạch tập trận để tránh gây căng thẳng thêm trong khu vực. Theo tin tức mới nhất, một viên chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết: hai nước sẽ tham gia tập trận ở Hoàng Hải và Biển Hoa Đông (East China Sea), thay vì chỉ tập trận ở khu vực Hoàng Hải như đã lên kế hoạch.

Cũng theo viên chức này, tàu sân bay USS George Washington sẽ tham gia tập trận ở Biển Hoa Đông, chứ không có mặt ở Hoàng Hải như kế hoạch đã dự tính. Viên chức này cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi thảo luận kế hoạch tập trận ở Hoàng Hải, nhưng đã thay đổi địa điểm thành Biển Hoa Đông, do có cân nhắc đến các diễn biến ở Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”.

Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ cho rằng vì hai nước tập trận ở vùng biển quốc tế, không thuộc lãnh hải Trung Quốc, cho nên đây là công việc nội bộ của Mỹ và Nam Hàn. Ông Geoff Morrell, phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nói: “Chúng tôi tôn trọng và cân nhắc ý kiến Trung Quốc. Nhưng đây là vấn đề chúng tôi tập trận ở vùng biển quốc tế. Chúng tôi ra các quyết định này và chỉ chúng tôi mà thôi. Chúng tôi tập trận nơi nào, khi nào, với ai và tập trận như thế nào, sử dụng các loại vũ khí gì… là các quyết định của Hải quân Hoa Kỳ, của Bộ Quốc phòng và của Chính phủ Hoa Kỳ”.

Liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương có được “thái bình” sau cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn? Mời quý vị theo dõi tin tức trong thời gian tới.

NT

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tension-built-up-on-asia-pacific-seas-07192010130947.html

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tension-built-up-on-asia-pacific-seas-p2-NgTran-07192010201940.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn