Hàng trăm ngàn hecta ruộng lúa tại Việt Nam đã bị hạn hán thiêu cháy

Trọng Nghĩa

clip_image001

Một cán bộ địa phương trên cánh đồng khô hạn ở Thanh Hóa ngày 8/7/2010.

Theo báo chí trong nước hôm 15/07/2010, trong tháng qua, tình trạng hạn hán đã phá hủy gần 100 ngàn héc ta đồng ruộng tại các tỉnh miền trung Việt Nam, với tình hình rất nghiêm trọng tại khu vực từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, chạy dài xuống Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo báo Anh ngữ Vietnam News, tại 4 tỉnh miền Trung, trong suốt tháng qua không có một giọt mưa, làm cho mực nước của sông hồ trong vùng xuống đến mức thấp nhất.

Tổng cộng đã có đến 25.000 héc ta ruộng lúa bị hủy hoại hoàn toàn, trong lúc thu hoạch tại 70.000 héc ta khác [sản lượng] giảm sụt đáng kể. Cho dù miền Trung không phải là vựa lúa của Việt Nam, nhưng mọi trục trặc trong việc sản xuất lúa gạo tại vùng này đều khiến cho giá gạo tăng cao, gây thêm khó khăn cho người dân.

Họa vô đơn chí, hạn hán không chỉ hoành hành ở miền Trung mà còn tác hại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong một bài phóng sự công bố hôm qua, hãng tin Pháp AFP đã tóm tắt tình trạng vùng châu thổ sông Mekong trong công thức sau đây : "Trời quá khô, nước quá mặn, đồng lúa cháy thiêu".

Theo AFP, các nhà khí tượng học đã nhận xét hạn hán năm nay tại miền Nam Việt Nam thuộc loại tồi tệ nhất từ mấy chục năm qua. Vấn đề là hạn hán ở miền Nam Việt Nam lại kèm theo tình trạng đất trồng bị mặn hóa, đặc biệt là tại các tỉnh ven biển như Bến Tre chẳng hạn. Đây là một hiện tượng bình thường tại các vùng cửa sông, nhưng gần đây, nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền.

Chính quyền Việt Nam nhấn mạnh đến nguyên nhân biến đổi khí hậu, thế nhưng nhiều chuyên gia đã không loại trừ trách nhiệm của các con đập mà Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mêkông mà tác hại có nguy cơ bị nhân lên khi các đập thủy điện khác được xây dựng ở Lào hay Cam Bốt.

Theo AFP, ông Marc Goichot, thuộc Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên WWF, vùng châu thổ sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của ba yếu tố bù trừ cho nhau: sức nặng của bản thân khiến đất tự nhiên lún xuống, các dòng chảy ngoài biển, và phù sa do sông Mêkông tải xuống. Tuy nhiên, các con đập đã giữ phù sa lại, làm giảm cường lực của yếu tố thứ ba này, trong lúc các dòng chảy ngoài bờ biển và sóng lại mạnh hơn. Theo chuyên gia này, phải đình chỉ các công trình xây đập khi tác động của phù sa chưa được nghiên cứu thấu đáo.

Giáo sư nông học Việt Nam Võ Tòng Xuân, một chuyên gia về lúa gạo hàng đầu của Việt Nam, cho biết dòng chảy sông Mekong năm nay suy giảm mạnh.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ảnh hưởng của hiện tượng mặn hóa đối với vụ lúa đông xuân năm nay tại các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre có thể lên đến 620.000 ha trên tổng số hơn 1,5 triệu ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng. Tình trạng mặn hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng kéo dài đến đầu vụ hè thu với khoảng 550.000 ha lúa bị tác hại trực tiếp.

TN

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn