Mấy ý kiến về “Ý tưởng chiến lược: một trục hai cánh”

Dưong Danh Dy

clip_image005

Mốc 1378 cuối cùng ở cửa sông Bắc Luân. Ảnh: NHT

Trong bài viết “Biên giới Việt - Trung và hơn nửa thế kỷ đàm phán” của ông Nguyễn Hồng Thao đăng trên VietNamNet ngày 14-7-2010 có đoạn: “Một đường biên giới ổn định sẽ tạo điều kiện cho hai nước thực hiện các kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế lớn hơn như dự án đường cao tốc Vân Nam - Lào Cai - Xuyên Á, chương trình một trục hai cánh, Vịnh Bắc Bộ mở rộng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường, khu du lịch thác Bản Giốc...”. Chính đoạn văn ca ngợi các kế hoạch hợp tác kinh tế Việt - Trung được coi là tốt đẹp này, trong đó có chương trình một trục hai cánh, đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế và ngoại giao nước ta lo ngại. Ông Nguyễn Hồng Thao cứ nói theo ý ông và theo ý ai nữa nhưng ông không nhìn vào ý đồ thâm hiểm của nước láng giềng “4 tốt” trong việc vạch ra chương trình này cốt “ăn người” ở chỗ nào. Một cách nói như thế nhằm lấy lòng lãnh đạo hai bên, với Trung Quốc thì họ sẽ cười ruồi biết mưu mô của mình đã thắng to, còn với các ngài lãnh đạo việt Nam ngây thơ luôn luôn tin vào mấy lời xã giao “hảo hảo” của ông anh thì biết đâu họ chẳng hứng chí tiếp tục hoạch định những dự án hoành tráng nhằm triển khai chương trình “hai cánh” kia và đất nước chúng ta cố nhiên rước lấy thảm họa.

Vì những nỗi bức xúc đó, chúng tôi có nhờ nhà ngoại giao kỳ cựu, chuyên gia về Trung Quốc Dương Danh Dy viết cho một bài nói sâu vào “chương trình một trục hai cánh” để bạn đọc được hiểu rõ hơn. May thay chính ông Dương Danh Dy đã có bài viết cảnh báo vấn đề này từ cuối năm 2009. Nay ông bổ sung chỉnh sửa vài chỗ và đề nghị BVN đăng lại, kèm thêm bài viết của Nguyễn Hồng Thao, nhằm giúp bạn đọc nhìn rõ chỗ sai đúng.

Bauxite Việt Nam

1. Năm 2004, Thủ tướng đương nhiệm Việt nam, Phan Văn Khải đề xuất với phía Trung Quốc, hai bên cùng xây dựng, phát triển ý tưởng “hai hành lang một vành đai”.

Đó là hành lang Quảng Tây, Quảng Ninh, Hải phòng và hành lang Vân Nam, Lào Cay, Hà Nội, Hải Phòng (và một số tỉnh liền kề của hai hành lang này nữa) và vành đai gồm mấy tỉnh biên giới miền Nam Trung Quốc và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam (cho đến Quảng Bình).

Về đại thể đây là một ý tưởng cùng xây dựng chung một vùng phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc thôi.

Không rõ vì sao ý tưởng trên chưa được triển khai (do ta mới chỉ được gợi ý, “trong bụng chưa có gì” nên không triển khai nổi, hay là do Trung Quốc không bao giờ muốn làm người bị động?) mà hai năm sau (2006) tỉnh Quảng Tây và sau đó được sự đồng tình, ủng hộ của Chính phủ TW Trung Quốc đã đề ra “ý tưởng chiến lược một trục hai cánh” với quy mô rộng lớn hơn về số quốc gia, về lãnh thổ, về dân số v.v., vượt xa ý tưởng ban đầu của Việt Nam.

Với nhiều ưu thế: nước lớn mạnh, lắm tiền, lại nhanh nhạy, giỏi nắm bắt thời cơ v.v., Trung Quốc đã lôi kéo các nước nằm trong vùng quy định ít nhiều đều phải biểu thị thái độ và từng bước dần dần bước vào cuộc chơi do Trung Quốc làm chủ trò - Ý tưởng do Việt Nam đề xuất về cơ bản đã bị lãng quên, bị bỏ qua dù đôi khi ngưòi ta có nhắc tới nhưng chẳng qua là để tỏ phép lịch sự mà thôi.

2. Cần phải thấy ý tưởng chiến lược một trục hai cánh của Trung Quốc có hai mặt đan xen, lồng chặt vào nhau nên rất khó phân biệt đâu là thật giả, tốt xấu. Một mặt không thể phủ nhận ý tưởng này phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và khu vực hiện nay v.v. khiến ngưòi ta khó thể từ chối và cả bị cám dỗ nữa. Nhưng mặt khác, hãy nhìn xem: trục Quảng Tây-Singapore (xuyên qua Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan…) và cánh phía Tây (qua Myanmar, Lào, Thái Lan, miền Nam Việt Nam… gồm cả tiểu vùng sông Mekong) đặc biệt là cánh phía Đông với khái niệm “vịnh Bắc Bộ mở rộng” bao gồm toàn vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đòi toàn bộ chủ quyền và là “nguy cơ đe dọa” chủ yếu với Việt Nam và mấy nuớc Asean có liên quan. Phải chăng đây là một “ cạm bẫy ” được giương lên một cách quyến rũ, khôn khéo, gian manh.

Vì vậy, trước khi vào cuộc chúng ta phải “lập trường nghiêm minh không một chút mơ hồ ” về khái niệm “vịnh Bắc Bộ mở rộng” với “người ta”.

Cần thấy rõ Trung Quốc là nước tỏ ra tích cực nhất trong 3 nước ngoài ASEAN tham gia “hội nghị ASEAN+3”, họ sẵn sàng để Quảng Tây và gần đây là Hải Nam đóng vai trò chủ nhà mời các vị khách trong ASEAN đến tham gia triển lãm và các cuộc hội thảo tại đó, họ còn hào phóng “cấp đất” để các nước xây nhà triển lãm của mình tại Quảng Tây …Thử so sánh với thái độ của Nhật Bản, Hàn Quốc…, chúng ta sẽ thấy điều “đáng ngờ” bên trong những cử chỉ trên. Chúng ta coi trọng những “thiện ý” đó, nhưng không thể không xem xét cân nhắc lâu dài.

Tóm lại là cần phân tích, tìm hiểu sâu để thấy rõ “những ý đồ lớn” của Trung Quốc trong ý tưởng chiến lược này.

Về tổng thể đây là một ý tưởng mà nếu thực hiện suôn sẻ thì cả vùng Đông Nam Á bao gồm cả Biển Đông rộng lớn sẽ rơi vào tay hoặc chí ít cũng rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng đó là một quá trình lâu dài, không dễ dàng. Người Trung Quốc biết rõ điều đó và tuy chưa nói ra nhưng họ đã xác định trọng điểm của chiến lược này là bằng mọi phương tiện kinh tế, chính trị, quân sự, và sức ép quốc tế v.v. phải khuất phục cho bằng được Việt Nam, bởi vì dù muốn hay không với vị thế địa chính trị quan trọng cùng với tinh thần dân tộc quật cường, cộng thêm sự lớn mạnh không ngừng về lực lượng cũng như uy tín quốc tế, Việt Nam sẽ là vật cản lớn tự nhiên trên đường bành trướng xuống Đông Nam Á và ra Biển Đông của Trung Quốc. Chỉ cần “khuất phục “được Việt Nam thì cả Đông Nam Á lục địa sẽ mặc nhiên quy thuộc và mấy nước còn lại trên biển cũng khó mà “cựa quậy”.

Họ sẽ “khuất phục” Việt nam bằng những biện pháp nào? Có thể nói rất nhiều về vấn đề này, nhưng cũng có thể nói gọn trong câu “vừa lôi kéo, tranh thủ vừa không ngừng gây sức ép về mọi mặt”.

Lôi kéo dụ dỗ bằng chính trị và kinh tế là thủ đoạn quen dùng của Trung Quốc. Đúng là chưa bao giờ quan hệ chính trị lại có những thể hiện bề ngoài tốt đẹp như hiện nay: thời trước người đứng đầu Đảng (Mao Trạch Đông), quân đội (Lâm Bưu), Quốc hội (Chu Đức) và một số ngành khác chưa bao giờ thăm Việt Nam, nhưng bây giờ thì khác, các vị ấy không chỉ thăm Việt Nam một lần mà còn thăm hai, ba, bốn lần. Ngoài ra, các đoàn đại biểu các Ban, Bộ, các đoàn thể quần chúng các tổ chức xã hội của hai bên thường xuyên thăm viếng nhau không xiết… Thế nhưng “cùng là nước xã hội chủ nghĩa”, “cùng theo chủ nghĩa Mác” nhưng người ta đã nói rõ: “đồng chí nhưng không đồng minh” ngay từ lúc mới khôi phục quan hệ bình thường. Đã không phải là “đồng minh” thì làm sao hết lòng hết sức với nhau mỗi khi tối lửa tắt đèn?

Về kinh tế quan hệ mậu dịch đã có sự phát triển rất nhanh và phải thẳng thắn nói rằng hai bên đều thu lợi. Một số tỉnh biên giới của chúng ta đã giàu lên nhanh chóng, nhiều mặt hàng khó xuất của ta tìm được thị trường lớn…, nhưng chúng ta trở thành thị trường nhập siêu khổng lồ của nước bạn, nếu khoản nhập siêu đó là để mua công nghệ, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại… thì cũng nên cam chịu một thời gian, nhưng cái chúng ta nhập từ Trung Quốc phần lớn lại không phải như vậy.

Gần đây lại rộ lên dư luận “trao đổi, học tập kinh nghiệm của Thâm Quyến (trước đó là Đà Nẵng và gần đây là Hải Phòng). Nếu nói giữa hai nơi nói trên không học tập được gì của Thâm Quyến trong tiến trình mở cửa thì không đúng, nhưng cần thấy hoàn cảnh thực tế của Thâm Quyến khác xa Đà Nẵng, Hải Phòng của Việt Nam. Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông là nơi có nhiều người Hoa ở nước ngoài, liền sát Hồng Công (lúc đó còn chưa trở về với đại lục và Trung Quốc chưa hoàn toàn chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường) nên đã có tác dụng nhất định. Còn bây giờ?

Hợp tác kinh tế kỹ thuật với Trung Quốc sợ nhất là “được ăn” những cái đã lạc hậu hoặc tương đối lạc hậu. Không ai được quên - nhất là những người có chức quyền - những bài học đắt giá của “xi măng lò đứng”, “nhà máy đường”… mà Trung Quốc đã “nhả ra cho một số tỉnh Việt Nam ăn với giá rẻ” để rồi sống giở chết giở vì kỹ thuật vô cùng lạc hậu.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc gây sức ép với các đối tác. Dân tộc ta đã hiểu và thấm điều này, nhưng thế hệ nào cũng có người quên lãng (hoặc nhiều hay ít) nhất là khi họ kết hợp với trò lôi kéo tranh thủ. Phải thấy hết những ý đồ sâu xa sau những lời nói “tốt đẹp” hoặc đe dọa khéo và chắc chắn là cả một số “mồi nhử” bên ngoài rất thơm ngon để không bị sa vào tròng.

3. Cần lưu ý là mấy tỉnh Quảng Tây, Vân Nam... chỉ là những tỉnh chỉ có trình độ phát triển trung bình của Trung Quốc, khó lôi cuốn, hấp dẫn Việt Nam và một số nước trong khu vực tham gia ý tưởng trên, cho nên hai năm gần đây Trung Quốc đã nâng cao vai trò của Quảng Đông, một tỉnh đi đầu trong cải cách mở cửa của họ, có trình độ kinh tế phát triển tương đối có dự trữ ngoại tệ dồi dào, đặc biệt là đã tích lũy được một số kinh nghiệm quản lý tiên tiến và kinh nghiệm làm ăn với nước ngoài nhất là kinh nghiệm hấp thu vốn nước ngoài trong sự hợp tác với các đối tác. Việc Uông Dương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS TQ kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông sang thăm Việt Nam năm ngoái và Hoàng Hoa Hoa, Tỉnh trưởng Quảng Đông vừa sang thăm Việt Nam, hay để thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông vừa tổ chức triển lãm công nghiệp tại Hà nội v.v. cho thấy rõ ý đồ trên.

4. Trong xu thế chung của khu vực, chúng ta không thể từ chối không hưởng ứng ý tưỏng này. Nhưng như điều 2 đã nói, trước hết chúng ta phải khẳng định với Trung Quốc: Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi trên Biển Đông và không chấp nhận ranh giới “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vừa công bố.

Trên cơ sở đó chúng ta “không nên chủ động, tích cực” tham dự mà chỉ nên “nghe ngóng”, tìm hiểu thêm ý đồ của Trung Quốc và chủ trương thái độ của các nước có liên quan. Những cái thuận với ta, nên ủng hộ, tranh thủ… nhưng không vội vàng, hám lợi, những cái thấy nguy cơ thì khôn khéo lảng tránh, kéo dài thời gian tìm cách “hoãn binh” chứ không nên vội vàng tỏ rõ thái độ. Hết sức coi trọng phối hợp hành động với một số nước ASEAN chủ chốt như Thái Lan, Indonesia, Philippine và nước bạn Lào. Theo dõi phản ứng của mấy nước lớn như Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc…, tranh thủ sự đồng tình của họ.

5. Nhà nước Việt Nam cần có một tổ chức theo dõi riêng vấn đề này. Ở Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây đã thể hiện rõ vai trò chính và ở Quảng Tây, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây đã và đang đảm nhiệm vai trò tham mưu và xung kích trên mặt trận này, trong khi phía Việt Nam còn rất tản mạn.

Tổ chức của chúng ta cần tinh gọn, nhưng tập trung được trí tuệ của cả nước.

Ngày 23/10/2009

DDD

Nguồn: Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Phụ lục:

Biên giới Việt -Trung và hơn nửa thế kỷ đàm phán

Nguyễn Hồng Thao

clip_image001- Đường biên giới được thể hiện trong Nghị định thư phân giới cắm mốc mà hai nước Việt - Trung công bố có hiệu lực hôm nay (14/7) là thành quả của hơn nửa thế kỷ quan tâm giải quyết của Đảng và Chính phủ hai nước (từ 1957 đến 2010).

36 năm, từ 1974 đến 2010, Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua 4 đợt đàm phán lớn với hàng ngàn cuộc đàm phán các cấp, trong đó đợt đàm phán cuối cùng dài nhất với 19 năm nỗ lực liên tục trên đàm phán và thực địa nhằm hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới giữa hai nước. Cần kể đến các dấu mốc 1991 - 1999: đàm phán, ký Hiệp ước biên giới trên đất liền; 2000 - 2008 đàm phán, phân giới, cắm mốc trên thực địa; 2008 - 2010 đàm phán xây dựng Nghị định thư PGCM và các hiệp định liên quan.

clip_image003

Trao đổi công hàm thông báo Nghị định thư phân giới cắm mốc và các văn kiện liên quan ngày 14/7/2010. Ảnh: NHT

Việc thực hiện 3 văn kiện sẽ mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, tạo điều kiện cho các địa phương hai bên biên giới mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.
Tôn trọng lịch sử
Ngày 2/11/1957, Ban Bí thư TƯ Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên giải quyết vấn đề biên giới trên cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại và mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng đàm phán.

Tháng 4/1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có thư đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam nhưng hai nước đã không có điều kiện triển khai do chiến tranh trên đất nước Việt Nam (1954 - 1975). Sau Hiệp định Paris năm 1973, tháng 1/1974, hai nước mới tiến hành đàm phán hoạch định biên giới.

Ngày 19/10/1993, hai đoàn đàm phán Chính phủ đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, phần nói về biên giới trên bộ quy định: "Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Trung Quốc và Pháp ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20/6/1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định, cũng như các mốc quốc giới cắm theo quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc".

Giai đoạn ba của xác lập đường biên giới là đối chiếu hoàn chỉnh hồ sơ mốc giới, các văn bản pháp lý để đi đến ký kết Nghị định thư PGCM mô tả chi tiết đường biên mốc giới. Chuyên gia hai bên đã kiểm tra đối chiếu và in toàn bộ văn kiện: Nghị định thư PGCM (934 trang), bộ bản đồ đính kèm (80 tờ) và các phụ lục kèm theo (bảng đăng ký mốc giới 3960 trang, bảng tọa độ và độ cao mốc giới 222 trang, bảng kê sự quy thuộc các cồn bãi 16 trang).

Đến ngày 31/12/2008, hai bên đã hoàn thành công tác PGCM trên thực địa và thống nhất xác lập biên giới tại thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân. Ngày 18/11/2009, Chính phủ hai nước đã ký kết 3 văn kiện: Nghị định thư phân giới, cắm mốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu giữa hai Chính phủ.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành công tác phân giới cắm mốc, xác định một đường biên giới rõ ràng, được đánh dấu bằng hệ thống mốc giới chính quy hiện đại, thuận lợi cho quản lý trên thực địa.

Nghị định thư PGCM cũng lần đầu tiên quy định rõ ràng các cồn bãi trên sông suối quy thuộc giữa hai nước. Phù hợp với luật pháp quốc tế, sau khi Nghị định thư này có hiệu lực, bất kỳ sự thay đổi của địa hình, sông suối thực địa đều không làm thay đổi vị trí của đường biên giới đã phân giới, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Đường biên giới sẽ được tiến hành kiểm tra liên hợp 10 năm một lần để bảo dưỡng duy trì sửa chữa mốc giới.
Hợp tác khai thác du lịch thác Bản Giốc
Nhằm tạo sự thuận lợi cho tàu thuyền hai bên qua lại khu vực cửa sông Bắc Luân và hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc, hai bên tiến hành đàm phán và sẽ ký kết Hiệp định về quy chế tự do đi lại của tàu thuyền ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc trong thời gian tới.

Toàn bộ đường biên giới Việt - Trung dài 1449,566km (trong đó đường biên giới trên đất liền 1065,652km, đường biên giới nước 383,914km) được đánh dấu bằng 1971 cột mốc (Một vị trí trên thực địa có thể được đánh dấu bằng 1, 2 hoặc 3 mốc tùy theo quy định và thực địa).

Nghị định thư và các văn kiện đính kèm gồm bộ bản đồ địa hình khu vực biên giới Việt - Trung, có thể hiện đường biên giới và vị trí các mốc giới (35 mảnh); tập "Bảng đăng ký mốc giới"; tập "Bảng tọa độ, độ cao mốc giới" và tập "Bảng quy thuộc các cồn, bãi trên sông suối biên giới" cùng với Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền Việt - Trung là bộ Hiệp định biên giới đầy đủ nhất, lớn nhất, phù hợp với luật pháp quốc tế mà Việt Nam ký với một nước láng giềng trong lịch sử của mình và sẽ được lưu chiểu tại Liên hợp quốc theo quy định của luật quốc tế.

Để quản lý biên giới hai nước trong thời kỳ mới, phù hợp với Nghị định thư PGCM, hai bên đã ký kết Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu, thay thế "Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa" ký ngày 7/11/1991.

Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu quy định rõ hệ thống cửa khẩu song phương và cửa khẩu quốc tế cùng chế độ pháp lý của chúng.

Hai bên xác nhận 9 cặp cửa khẩu quốc tế đã được mở trên vùng biên giới gồm Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, Lào Cai - Hà Khẩu (đường bộ), Lào Cai - Hà Khẩu (đường sắt), Thanh Thủy - Thiên Bảo, Trà Lĩnh - Long Bang, Tà Lùng - Thủy Khẩu, Đồng Đăng - Bằng Tường (đường sắt), Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng và tên 13 cửa khẩu khác sẽ được mở khi có đủ điều kiện, thời gian và thể thức mở cụ thể sẽ do hai bên thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Hiệp định quy chế quản lý biên giới với 11 chương và 54 điều quy định cụ thể nội dung các hoạt động trên biên giới, các công trình biên giới, chế độ qua lại biên giới, chế độ kiểm tra, hợp tác giải quyết các vụ việc biên giới. Hiệp định đã tiếp thu các kinh nghiệm quản lý biên giới giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua, các Hiệp định quy chế quản lý biên giới hai nước đã ký với các nước láng giềng như Hiệp định quy chế quản lý biên giới Việt - Lào 1977, Hiệp định quy chế quản lý biên giới Trung - Nga 2008.

Nội dung của Hiệp định mang tính hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu mới, đặc biệt các quy định mới về cơ chế tổ chức quản lý thông qua các Đại diện biên giới. Toàn tuyến biên giới sẽ được chia làm 8 đoạn do 8 đại diện biên giới quốc gia của mỗi bên cử ra nhằm hợp tác quản lý tốt đường biên giới.

Hoàn thành PGCM, xác lập biên giới bằng các điều ước quốc tế và ký kết các văn bản pháp lý quản lý biên giới đất liền cho thấy mối quan hệ láng giềng đoàn kết hữu nghị giữa hai nước đã bước thêm một bước vững chắc trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai và trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Hai trong ba vấn đề biên giới do lịch sử để lại trong quan hệ Việt - Trung là đường biên giới đất liền và Vịnh Bắc Bộ đã được giải quyết.
Kinh nghiệm cho giải quyết tranh chấp Biển Đông
Các bài học trong giải quyết phân định Vịnh Bắc Bộ và biên giới đất liền sẽ là kinh nghiệm quý báu cho hai nước cũng như các nước có liên quan hợp tác tìm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Các Hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng của cả hai bên tiến hành quản lý biên giới một cách khoa học, hiệu quả, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, xây kè lấn chiếm và các vi phạm khác do thiếu hiểu biết về đường biên giới.

Một đường biên giới ổn định sẽ tạo điều kiện cho hai nước thực hiện các kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế lớn hơn như dự án đường cao tốc Vân Nam - Lào Cai - Xuyên Á, chương trình một trục hai cánh, Vịnh Bắc Bộ mở rộng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường, khu du lịch thác Bản Giốc...

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ 2000, Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc 1999, Nghị định thư về PGCM, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc 2009 cho thấy thiện chí và quyết tâm của Việt Nam sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp về biên giới lãnh thổ, các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.

NHT

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn