Nhìn người Áo Đỏ nghĩ về dân Việt

Lương Khanh

clip_image002

Một phụ nữ Áo Đỏ săn sóc một quân nhân giữ trật tự tại đường Ratchdamri. Ảnh AP

Sự chênh lệch lợi tức của người dân Thái thật ra không quá lớn. Nông dân nhiều người có xe hơi, dù chỉ là loại xe tải nhỏ rẻ tiền. Nông dân Thái được bảo vệ hữu hiệu bằng nhiều biện pháp ổn định giá nông sản mà Việt Nam có thể học nếu các quan chức đừng quá tham lam và đòi những khoản lời quá lớn trên mồ hôi nước mắt của người nông dân”.

Thưa anh Lương Khanh, anh đề xuất một điều kiện để cho nông dân Việt Nam mở mày mở mặt được, thật quý, nhưng chúng tôi cam đoan đây là chuyện “mò kim đáy bể” mất rồi. Đến anh hùng xã hội chủ nghĩa từ đời cha đến đời con mà họ còn tìm mọi cách bỏ tù được để bóc cho đến... cái lai quần của chị kia mà.

Bauxite Việt Nam

Nhân đọc bài của blogger Kami và đóng góp ý kiến của một số vị am hiểu về tình hình Thái Lan, tôi cũng xin góp một ít hiểu biết nhỏ của mình sau một số năm làm việc ở nước này, cùng với một vài nhận xét nhân dịp có mặt đúng vào dịp người biểu tình Áo Đỏ kéo về tràn ngập thủ đô Thái Lan trong vòng gần hai tháng trước đây.

Những điều blogger Kami kể về Thái Lan hầu hết đều đúng, chỉ có điều hơi được “nống” lên một chút xíu. Điều này cũng dễ hiểu vì nhiều điều bạn Kami biết là do người bạn Thái kể lại, mà người Thái thì trăm người như một, sẽ không một ai nói cho bạn biết là nước Thái của họ không phải là nơi tốt đẹp nhất thế giới. Tôi chưa từng gặp người Thái nào đi ngoại quốc về, kể cả đi Mỹ, Âu châu hoặc Nhật về, mà không nói câu “mường Thày đi quà,” nghĩa là, không bằng nước Thái. Chắc chắn là không có cái cảnh phải thấy nhục nhã khi phải cầm hộ chiếu nước Thái khi đi ra nước ngoài.

Người ngoại quốc sống tại Thái hầu hềt hài lòng với cuộc sống dễ chịu ở Thái, căn cứ trên một số tiêu chuẩn: dịch vụ tốt, giá cả rẻ và ốn định, xã hội ít tệ nạn. Rất nhiều người ngoại quốc chọn sống hưu trí tại Thái. Nổi bật nhất ở đây là sự ổn định giá cả. Dịch vụ theo tiêu chuẩn 4, 5 sao có thể tìm thấy ở đây với giá chỉ bằng nửa nơi khác. Taxi từ phi trường về trung tâm thành phố cách xa khoảng 30 cây số chỉ mất khoảng 6, 7 đô Mỹ. Một cuốc taxi trung bình trong thành phố chỉ tốn 2, 3 đô. Giá ban đầu khi bước lên taxi là 35 baht, được giữ nguyên không thay đổi từ hơn 15 năm nay.

Đúng là có những tuyến đường xe buýt miễn phí cho một số chuyến trong ngày, nhất là những tuyến đi qua những khu nghèo như khu chợ Klong Toey. Người Thái thích làm phước, ưa giúp đỡ, chuộng sự thành thật, tánh tình phóng khoáng, ham vui, không gắng sức quá khi làm việc, thích sự dễ dãi, không thích đôi co cãi cọ. Phong thái đàng hoàng bình tĩnh của họ đến người các nước văn minh phương Tây cũng phải nể phục. Họ chú trọng đến việc ăn mặc, giữ vệ sinh cá nhân rất tốt, luôn giữ phong thái điềm tĩnh, và rất khinh thường sự lôi thôi và thái độ hung hãn. Khung cảnh thường thấy ở các quán nhậu là trên những bàn xếp đầy vỏ chai bia nhưng người nhậu thì vẫn nói năng ở mức bình thường, không nói lớn, và quần áo thì vẫn tề chỉnh.

Nói về sự lễ phép thì tôi không biết có dân tộc nào có thể sánh được với người dân Thái, có chăng là người Nhật? Ngay từ lúc những em bé mới chập chững biết đi, các em đã được dạy chắp hai bàn tay nhỏ xíu trước ngực để vái chào người lớn. Càng lớn lên, càng học nhiều các em càng lễ phép thêm, và sự lễ phép chính là cách người Thái biểu tỏ giáo dục của mình. Xem tin tức trên ti vi, người ta luôn nghe thấy các dân biểu, quan chức và cả Thủ tướng dùng rất nhiều lần chữ đệm “krab” (“ka” cho phụ nữ) trong câu nói của họ, một chữ tương đương với chữ “dạ thưa” của ta. Rất nhiều lần tôi đi qua khu thương mại Siam Square, bị các thanh thiếu niên chơi đùa trên hè phố va phải, bao giờ chúng cũng quay lại chắp hai tay xin lỗi, một điều tôi chưa bao giờ thấy trong tất cả những nước Á cũng như Âu mà tôi đã đi qua.

Nhìn trên một phương diện khác, sự lễ phép thái quá cũng là một trở ngại cho sức sáng tạo của học sinh Thái. Học sinh Thái thường không nổi tiếng về sự xuất sắc trong việc học, dù trường học ở Thái được chăm sóc khá chu đáo và các bậc học đều miễn phí. Có lẽ do thói quen được gò ép trong khuôn khổ, cũng như thích sự dễ dãi mà không ưa cam khổ, học sinh Thái, cũng như suy rộng ra cho người dân Thái, không có động lực mạnh để vươn tới những chân trời xa. Phải chăng vì vậy mà Thái Lan khó bứt lên để vượt cái bẫy thu nhập trung bình?

Áo Đỏ là ai?

Biến cố Áo Đỏ vừa qua gây ngạc nhiên lớn đối với hầu hết người ngoại quốc sống ở Thái Lan. Bấy lâu nay họ chỉ biết đến những người Thái hiền hòa, dễ dãi, sống tương nhượng lẫn nhau. Hình ảnh máu đổ trên đường phố Bangkok làm kinh ngạc những người chỉ biết đến nước Thái từ sau tháng Năm Đen 1992, là lần mà những sinh viên trí thức kéo nhau xuống đường chống chính quyền quân nhân. Một số, không ai biết chính xác là bao nhiêu, sinh viên đã biến mất không bao giờ trở lại.

Lần này không phải là trí thức nữa mà là những người dân phía Bắc kéo đến Bangkok để nói lên nỗi bất bình về sự chênh lệch và bất công trong việc phân chia thành quả của phát triển kinh tế và xã hội. Không phải những người Áo Đỏ đi biểu tình đều nghèo. Nhiều người đến bằng xe hơi riêng. Sự chênh lệch lợi tức của người dân Thái thật ra không quá lớn. Nông dân nhiều người có xe hơi, dù chỉ là loại xe tải nhỏ rẻ tiền. Nông dân Thái được bảo vệ hữu hiệu bằng nhiều biện pháp ổn định giá nông sản mà Việt Nam có thể học nếu các quan chức đừng quá tham lam và đòi những khoản lời quá lớn trên mồ hôi nước mắt của người nông dân. Ở Thái không có cảnh được mùa rớt giá như chuyện đầu mùa dưa hấu đang từ 8,000 đồng rồi sau đó rớt xuống chỉ còn 400 đồng (chưa bằng một baht) một ký và dưa thì đổ đầy lề đường cho hư thối.

Người miền Bắc/Đông Bắc kéo đến thủ đô để đòi những quyền lợi chính trị mà Bangkok đã ban phát cho họ quá ít. Chỉ một điều đó thôi cũng đủ thấy, dù quyền lợi kinh tế của người dân Thái không phải là quá tệ, người dân Thái đã có ý thức cao trong việc đòi hỏi quyền dân chủ và bình đẳng cho chính mình.

Tôi tin rồi ra những phe nhóm Thái sẽ ngồi lại và tìm cách thương thảo với nhau để cùng đi đến những giải pháp hòa hợp. Lịch sử cho thấy người Thái rất giỏi trong việc tìm giải pháp tránh những giai đoạn khó khăn, thường là bằng phương cách mềm giẻo không qua xung đột. Cứ mỗi lần vượt qua được một chặng thử thách, nền dân chủ Thái Lan lại vững mạnh thêm một bước.

Ở đây tôi chỉ xin thêm vài nhận xét về việc xử sự của chính quyền cũng như của người dân Thái qua lần xung đột vừa qua:

- Người dân miền Bắc đã chuẩn bị cho cuộc biểu tình này từ rất lâu và kéo xuống Bangkok với số người lớn như vậy mà không gặp sự ngăn cản đáng kể từ phía chính quyền. Dù mới chỉ là một nền dân chủ chưa hoàn thiện, chính phủ Thái đã chấp nhận cho người dân được “mở mồm”.

- Trừ những ngày cuối khi bạo lực được sử dụng quá mức, cuộc biểu tình được tổ chức rất trật tự và ôn hòa. Không có trộm cắp cướp bóc suốt trong thời gian này. Các bữa ăn diễn ra trong trật tự. Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand cung cấp nhiều xe vệ sinh di động đậu ở các đầu đường dành cho người biểu tình. Các bệnh viện khám chữa bệnh cho những người biểu tình đau yếu. Dù còn nhiều bất đồng, người dân Thái vẫn giữ tinh thần tương trợ và tôn trọng quyền của người khác. Nếu đừng có sự lũng đoạn của một số thế lực đen từ phía sau, chắc sự thiệt hại về nhân mạng đã không cao như đã xảy ra.

Có mất ổn định không?

Xin thưa rằng không. Dầu rằng số du khách đến Thái đã giảm bớt, việc mua bán bị chậm lại, và nỗi đau của sự mất mát vừa qua còn cần thời gian dài để khắc phục, Thái Lan không hề mất ổn định. Mọi du khách đến Thái những ngày này khó có thể nhận ra sự thay đổi lớn nào trong xã hội Thái, trừ cái khoản tòa nhà Central World bị cháy đen - hiện đã được che chắn - mà chẳng bao lâu nữa sẽ được sửa sang lại.

Đây không phải là một trường hợp mà nhiều người Việt cho là "dân chủ quá cũng khổ" mà chính là một chuyển động quan trọng để hoàn thiện quá trình dân chủ, là một dịp quan trọng để mọi phe phái nhận ra rằng cần phải tôn trọng quyền dân chủ của người khác nữa, thì quyền dân chủ của mình mới được trọn vẹn.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn