Trung Quốc và tham vọng xây đập thủy điện lớn nhất thế giới

Đào Thị Thơm tổng hợp

clip_image001

Hẻm núi sông Yarlung Zangbo chảy qua (Ảnh: Chinaculture)

ThienNhien.Net – Ý định xây một con đập khổng lồ trên sông Yarlung Tsangpo thuộc cao nguyên Tây Tạng được đề xuất từ những năm 1960, nhưng những thách thức về kỹ thuật thời đó đã làm lắng lại tham vọng này của Trung Quốc. Ngày nay, cuộc chạy đua năng lượng đang thúc đẩy Trung Quốc thực hiện ý tưởng đó, bất chấp những nguy hại có thể xảy ra với các nước phía hạ nguồn như Ấn Độ, Bangladesh hay các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Lý lẽ của kẻ thượng nguồn

Biện hộ cho ý tưởng đầy tham vọng này, phía Trung Quốc cho rằng, các nhà máy thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo sẽ không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của con sông vào Ấn Độ. Thậm chí, chúng có thể đem lại lợi ích cho toàn thế giới, khi tiết kiệm được hàng trăm tấn các-bon mỗi năm nhờ việc khai thác nguồn năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng muốn thanh minh cho việc thực hiện dự án là để nhằm cứu vãn các vùng miền đang bị khô hạn ở phía bắc của họ. Hiện nay, rất nhiều con sông của Trung Quốc đã cạn nước hoặc bị ô nhiễm không thể sử dụng, trong khi đó, những con sông sinh ra từ những khối băng khổng lồ ở Tây Tạng lại dồi dào  nước.
Trung Quốc dự tính, khi đi vào sử dụng, dự án đập khổng lồ này có thể vận chuyển được 40-200 tỉ mét khối nước mỗi năm đến những vùng khô hạn, giải tỏa cơn khát đáng kể cho các vùng miền.

Trả lời nhật báo Anh The Guardian, Phó Tổng thư ký Hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc Zhang Boting xác nhận, một số nghiên cứu về đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo đã được thực hiện, dù chưa có kế họach nào được xúc tiến. Tuy nhiên, trước những lợi ích mà con đập mang lại, ông Zhang cũng tích cực lên tiếng ủng hộ. Theo ông, nếu xây đập có thể giúp tiết kiệm 200 triệu tấn CO2 mỗi năm thì tại sao lại phải bỏ lỡ cơ hội thực hiện đề án giảm khí thải vĩ đại này. Nếu Trung Quốc tiếp tục trì hoãn thì có thể sẽ mở ra cơ hội cho Ấn Độ khai thác triệt để các nguồn tài nguyên tại Yarlung Tsangpo và làm dấy lên "cuộc xung đột lớn" trong khu vực.

… và mối lo từ phía hạ nguồn

Trong khi Trung Quốc đang dốc sức cho việc thực thi dự án đập thủy điện khổng lồ thì Ấn Độ, Bangladesh và các quốc gia lân cận lại bày tỏ nhiều mối quan ngại về con đập này. Ấn Độ lo lắng các đập của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp nước cho các vùng của Ấn Độ và phá hủy cân bằng hệ sinh thái trong khu vực Himalaya. Hơn thế nữa, việc xây đập trên Yarlung Zangbo, con sông cao nhất thế giới còn đem lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát nguồn nước cung cấp với hơn 90.000 km2 đất đang tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc nắn dòng Yalung Tsangpo tại chính “khúc ngoặt vĩ đại” (nơi dòng sông Yalung Tsangpo chảy vào Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc) cũng sẽ đe dọa đến cuộc sống của hàng chục triệu người ở các quốc gia lân cận. Khi sông Yalung Tsangpo bị nắn dòng, lưu lượng dòng Brahmaputra sẽ sụt giảm đáng kể, gây khô hạn cho nhiều vùng, độ mặn của nước cũng tăng lên, khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Nghiêm trọng hơn, điều mà người ta lo ngại là việc chặn dòng Yarlung Tsangpo sẽ làm gia tăng mối bất hòa giữa hai quốc gia đông dân nhất hành tinh.

clip_image003

Con đập khổng lồ trên sông Yarlung Tsangpo có thể giúp cắt giảm 200 triệu tấn khí CO2 mỗi năm nhưng cũng có thể làm dấy lên sự tranh chấp về nguồn cung cấp nước ở phía hạ nguồn. (Ảnh: Imaginechina

Anant Krishnan, nhà ngoại giao cao cấp của Ấn Độ cho biết, kế hoạch xây đập tràn lan của Bắc Kinh, dù nằm trong lãnh thổ Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với các quốc gia hạ nguồn. Ông so sánh: “Ấn Độ  bị báo động vì những con đập trên sông Yarlung Zangbo- Brahmaputra, cũng giống như các quốc gia Thái Lan, Lào, Cam pu chia và Việt Nam chịu ảnh hưởng từ những con đập Vân Nam trên sông Lan Thương – thượng nguồn Mê Kông”.

Nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Ấn tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải Trương Quý Hồng cũng cảnh báo, dự án khổng lồ này có thể sẽ là bước khởi đầu cho một mâu thuẫn mới trong quan hệ hai nước. Ông khẳng định, Trung Quốc có quyền xây đập thủy điện trên lãnh thổ của mình, nhưng nếu dự án có ảnh hưởng tới các quốc gia vùng hạ nguồn, Trung Quốc cần thông tin cho các chính phủ liên quan để họ có thể chuẩn bị tốt hơn.

Trung Quốc liệu có vô can?

Cao nguyên Tây Tạng quả thực là một "kho nước" khổng lồ, nơi khởi nguồn của hơn 10 dòng sông lớn, trong đó có sông Yalung Tsangpo, Sutlej, sông Ấn (Indus) và sông Mê Kông; 47% dân số thế giới ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam đang sống phụ thuộc vào những dòng sông này.
Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, nguồn nước của cao nguyên Tây Tạng không phải là vô tận như tuyên bố của các quan chức Trung Quốc. Cao nguyên Tây Tạng phủ đầy băng nhưng là một sa mạc khô cằn với lượng mưa rất ít. Nguồn cung cấp nước cho các dòng sông nơi đây chính là những băng sơn đang tan vì tác động của sự ấm nóng toàn cầu. Nếu trạng thái này tiếp diễn, cộng thêm những tác động từ việc nắn dòng chảy các con sông của Trung Quốc thì chỉ vài thập kỷ nữa, Tây Tạng sẽ trở thành một vùng thiếu nước, khô hạn, môi trường và sinh thái bị tàn phá khủng khiếp.
Và như vậy, trách nhiệm của Trung Quốc là không thể phủ nhận!

Sông Yarlung Tsangpo bắt nguồn từ Tây Tạng, dài 2.906km, với đoạn chảy qua Trung Quốc dài 1.625km, đoạn chảy qua Ấn Độ dài 918km và Bangladesh 363km. Khi chảy vào Ấn Độ, sông Yarlung Tsangpo hợp nhất với hai dòng sông khác, tạo thành sông Brahmaputra. Sông Brahmaputra chảy tiếp vào đất Bangladesh, hợp lưu với sông Hằng (Ganges) tạo nên vùng châu thổ rộng lớn nhất nhì thế giới, trước khi đổ vào vịnh Bengal.
Được biết, đập thủy điện mà Trung Quốc muốn xây trên sông Yarlung Tsangpo nằm ở phía đông nam Lhasa, ở độ cao 3.260m so với mặt nước biển, tại một khu vực khá khắc nghiệt về thời tiết.
Dự kiến, công suất đập thủy điện có thể lên tới 38 gigawatt, lớn gấp rưỡi dự án đập Tam Hiệp (22,5 gigawatt) – đập thủy điện đang được xem là lớn nhất hiện nay. Khi hoàn thành, con đập này có thể cung cấp nguồn năng lượng tương đương 100 triệu tấn than thô hoặc bằng tổng cộng trữ lượng dầu khí trên Biển Đông.

Nguồn: Thiennhien

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn