Nghị quyết “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”: Có còn giá trị?

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Ngày 23/12/2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 63/NQ-CP “Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”. Trong đó, để khuyến khích nông dân giữ đất lúa Nghị quyết qui định: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”. (1)

Như vậy, mua lúa với giá “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất” là cam kết của Chính phủ đối với nông dân sản xuất lúa chứ không phải là một sự hỗ trợ.

Cam kết này được nhắc lại vào vụ đông xuân. Ngày 12/3/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về việc tiêu thụ lúa hàng hóa trong đó: “Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố giá mua lúa bảo đảm lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất. Mức giá nói trên phải được công bố ngay từ đầu vụ sản xuất”. (2)

Mặc dù có sự nhắc lại của Thủ tướng Chính phủ thế nhưng cho hết vụ đông xuân UBND các tỉnh vẫn chưa công bố được giá thành sản xuất lúa, nên không có tỉnh nào công bố được giá mua lúa theo chỉ đạo “đảm bảo lời 30%” của Thủ tướng.

Vì thế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tự tính giá thành sản xuất lúa là 2.200 đồng/ kg, và đưa ra giá thu mua lúa đông xuân là 4.000 đồng/ kg. Mức giá thành 2.200 đồng/ kg đã gặp nhiều phản đối từ các nhà quản lý và nông dân.

Vì bị phản đối nên ngày 27/5/2010 VFA cho biết: “Hiệp hội này sẽ không chủ động tạm tính giá thành để đưa ra giá hướng dẫn thu mua lúa nữa. Thay vào đó, VFA sẽ chờ sự công bố giá thành từ phía Chính phủ làm cơ sở rồi mới bắt tay vào thu mua lúa cho khách quan. Sở dĩ VFA phải làm vậy là do có những phản ứng từ dư luận rằng một Hiệp hội mà tự đưa ra giá thu mua lúa, là không đúng chức năng, là “vừa đá bóng vừa thổi còi” và “ép giá nông dân”. (3)

Dù VFA đã tuyên bố sẽ ngừng mua lúa khi không có giá thành, thế nhưng, khi nông dân thu hoạch lúa hè thu vào đầu tháng 6, Chính phủ vẫn chưa công bố được giá thành. Thế là từ đầu tháng 6/2010 cho đến ngày 15/7/2010, nông dân sản xuất lúa không bán được lúa, hoặc bán với giá rất rẻ, điêu đứng lỗ lã. Vì nông dân chúng tôi buộc phải bán lúa để trả các chi phí thu hoạch và nợ ngân hàng, cả khi giá lúa đã “rớt tận đáy”.

Chính phủ cam kết phải: “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất” thế nhưng, cả hai vụ đông xuân và hè thu năm nay, Chính phủ không đưa ra được giá thành sản xuất lúa thì làm sao thực hiện?

Tôi bán lúa hè thu giá chỉ 3.700 đồng/ kg. Trong khi đó, báo Điện tử Sài Gòn tiếp thị (bài “ Đồng Tháp: nông dân lỗ 300 – 600 đồng/ kg lúa hè thu 2010”) cho biết: “Theo tính toán của ngành nông nghiệp và UBND tỉnh Đồng Tháp, giá thành sản xuất một ký lúa hè thu đã lên đến gần 3.100 đồng, trong khi giá thu mua lúa tại ruộng chỉ dao động khoảng 2.500 đồng/kg đến 2.800 đồng/kg”.

Tôi bán lúa 3.700 đồng/ kg trong khi giá thành 3.100 đồng/ kg vậy tôi chỉ còn lời 600 đồng/ kg. Xin hỏi lời có 600 đồng/ kg tôi có sống nổi không? Vậy mà trong khi đó doanh nghiệp bán gạo lời 1603 đồng/ kg lúa.

Chỉ cần trích hơn phân nửa lợi nhuận bất chính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đủ để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

Chính phủ cam kết phải: “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”, vậy cơ quan nào của Chính phủ thực hiện cam kết này? Nông dân chúng tôi bán lúa dưới giá qui định lời 30% khiếu nại ở đâu để được trợ giá theo cam kết của Chính phủ?

Không hề có một hành động nào để thực hiện Nghị quyết số 63/ NQ-CP. Ngày 30/6/2010 Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định số 993/ QĐ-TTg “ Về mua tạm trữ lúa, gạo hè thu năm 2010”. Quyết định này giao VFA mua tạm trữ 1 triệu tấn qui gạo vụ hè thu, bắt đầu thực hiện ngày 15/7/2010, nhưng không đưa ra giá thành sản xuất lúa, cũng như không ấn định giá thu mua lúa cho VFA, mà lại qui định: “Các doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”. (4)

Mua lúa tạm trữ Chính phủ phải ấn định giá tối thiểu cho VFA. Điều này không khó.

Tôi lấy thí dụ: giả sử giá lúa hiện nay là 3.700 đồng/ kg, và Chính phủ dự định mua 1 triệu lúa tạm trữ, nếu doanh nghiệp để lại trong 2 tháng, vậy chỉ cần tính trong 2 tháng này lãi ngân hàng là bao nhiêu? Chính phủ cho doanh nghiệp vay không lãi vậy số tiền lãi này giả sử tính ra 50 đồng/ kg lúa thì qui định doanh nghiệp phải mua tối thiểu 3.750 đồng/ kg lúa. Như vậy hỗ trợ lãi suất của Chính phủ sẽ đến tay nông dân.

Các doanh nghiệp mua “lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường” nghĩa là họ muốn mua lúa giá bao nhiêu thì mua. Vì cơ chế thị trường lúa gạo là cơ chế mà trong đó VFA độc quyền lúa gạo của nông dân.

Mua lúa tạm trữ mà không ấn định giá mua tối thiểu, có nghĩa là Chính phủ đặt thu nhập của nông dân vào lòng hảo tâm của VFA.

Chúng ta nhận thấy rằng: Quyết định số 993/ QĐ-TTg và Nghị quyết số 63/ NQ-CP đối lập nhau và không thể tồn tại cùng lúc với nhau.

Vậy phải chăng: Quyết định số 993/ QĐ-TTg “Về mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010” do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký, đã xóa bỏ Nghị quyết số 63/NQ-CP “ Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký? Nếu đã xóa bỏ, tại sao trong Quyết định số 993/ QĐ-TTg không nói rõ việc Nghị quyết số 63/NQ-CP không còn hiệu lực?

Nếu Chính phủ không thực hiện cam kết “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất” khi giá lúa gạo trên thị trường xuống thấp như hiện nay, thì nên xóa bỏ Nghị quyết số 63/ NQ-CP, nếu không nó sẽ trở thành công cụ để VFA khống chế giá lúa của nông dân khi giá bán gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới lên cao. Vì theo Nghị quyết này, VFA hoàn toàn có quyền mua lúa của nông dân với giá cho nông dân lời 30,1% (30,1% > 30%), cho dù VFA bán gạo xuất khẩu qui lúa nông dân lời đến 100%.

Nông dân chúng tôi cần được giải thích rõ: Tại sao Chính phủ lại bất lực trong việc thực hiện Nghị quyết số 63/ NQ-CP? Và Nghị Quyết này có còn hiệu lực hay không?

Chính phủ buông tay, không thực hiện Nghị quyết của mình, nông dân chúng tôi còn biết trông cậy vào đâu?

Ngày 22/7/2010

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

(1) Theo http://ipsard.gov.vn/images/2009/12/NQ63CP.PDF

(2) VnEconomy, bài “Nông dân được đảm bảo lãi ít nhất 30%”

http://vneconomy.vn/2010031210461117P0C9920/nong-dan-duoc-dam-bao-lai-it-nhat-30-khi-ban-lua.htm

(3) Nông Nghiệp Việt Nam Online, bài “Lúa hè thu sẽ tiêu thụ ra sao?”

http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/53747/Default.aspx

(4) http://www.chinhphu.vn/vanbanpq/lawdocs/QD993TTG.PDF?id=99936

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn