Những thông tin cơ bản về quần đảo Senkaku

Kính gửi: Các cơ quan báo chí Việt Nam,

image Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam xin cảm ơn các cơ quan báo chí Việt Nam đã đăng tải nhiều thông tin liên quan tới Nhật Bản và Đại sứ quán.

Về vụ va chạm xảy ra gần đây giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản tại khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku, Đại sứ quán xin cung cấp những thông tin cơ bản nhằm giúp các cơ quan báo chí Việt Nam hiểu đúng về vụ việc này.

Quần đảo Senkaku là lãnh thổ không thể tranh cãi của Nhật Bản cả trên phương diện lịch sử và luật pháp quốc tế. Do vậy, không tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền cần phải giải quyết xung quanh quần đảo này.

Như được trình bày trong tài liệu kèm theo, từ năm 1885, thông qua các cơ quan chức năng của tỉnh Okinawa và bằng nhiều biện pháp, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần tiến hành khảo sát thực địa tại quần đảo Senkaku và xác định một cách thận trọng rằng đây là những đảo không có người ở và không có dấu tích chứng tỏ sự quản lý của nhà Thanh (Trung Quốc lúc đó). Do vậy, ngày 14 tháng 1 năm 1895, Nội các Nhật Bản đã ra Quyết định xây dựng cột mốc tại quần đảo Senkaku, chính thức sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ của Nhật Bản.

Từ đó, nhất quán với phương diện lịch sử, quần đảo Senkaku tạo thành một phần của quần đảo Nansei là lãnh thổ của Nhật Bản, chứ không thuộc Đài Loan và quần đảo Bành Hồ mà nhà Thanh đã nhượng cho Nhật Bản theo Điều 2 Hiệp ước Shimonoseki có hiệu lực từ tháng 5 năm 1895.

Mặt khác, quần đảo Senkaku không thuộc phần lãnh thổ mà Nhật Bản phải từ bỏ theo Điều 2 Hiệp ước hòa bình San Francisco mà do Hoa Kỳ quản lý như là một phần của quần đảo Nansei theo Điều 3 Hiệp ước này. Sau đó, quần đảo Senkaku thuộc phần lãnh thổ được trả lại cho Nhật Bản quản lý theo “Hiệp định giữa Nhật Bản và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quần đảo Ryukyu và quần đảo Daito (Hiệp định trao trả Okinawa)” ký ngày 17 tháng 6 năm 1971.

Những căn cứ pháp lý quốc tế nêu trên đã khẳng định rõ ràng quần đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản.

Hơn nữa, việc trước đây Trung Quốc không có bất kỳ phản ứng gì đối với việc quần đảo Senkaku đã từng thuộc khu vực do Hoa Kỳ quản lý theo Điều 3 Hiệp ước hòa bình San Francisco chứng tỏ rõ ràng Trung Quốc đã không cho rằng quần đảo Senkaku là một phần của Đài Loan.

Sau khi có động thái khai thác dầu khí tại thềm lục địa biển Hoa Đông từ nửa sau năm 1970, Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan chức năng Đài Loan mới đặt vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku.

Lập trường của Nhật Bản là những căn cứ lịch sử, địa lý, địa chất… mà Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan chức năng Đài Loan đưa ra từ trước tới nay đều không thể gọi là những luận cứ có hiệu lực pháp lý quốc tế để chứng minh cho tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku.

Đại sứ quán rất mong nhận được sự hợp tác của các cơ quan báo chí Việt Nam trong việc đăng tải thông tin, trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vấn đề này.

Ngày 11 tháng 10 năm 2010

Yukiko Matsuyoshi

Giám đốc Trung tâm Thông tin văn hóa,

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Nguồn: Anhbasam Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn