Thảm họa bùn đỏ: Công nghệ “ướt” không còn phù hợp

TS Nguyễn Thành Sơn

clip_image003

 

Một con thỏ rừng to lớn nằm chết trong đám bùn độc hại ở Hungary.

 

Công nghệ thải bùn đỏ trong thảm họa vừa qua tại Hungary là công nghệ “ướt”, nghĩa là các chất thải tồn tại ở dạng lỏng. Đây là công nghệ được coi là lạc hậu trên thế giới. Ngay cả các nước ở vùng nhiệt đới, có mưa nhiều cũng không áp dụng công nghệ này.

Bùn đỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bùn đỏ là quặng thải ở công đoạn hòa tách trong quá trình sản xuất alumin. Ngoài những thành phần vốn có trong quặng boxit như oxit sắt, oxit silic, oxit titan và các tạp chất khác bùn đỏ còn có chứa một lượng nhỏ xút NaOH và dung dịch aluminat natri mà không thể thu hồi hết được.

Bùn đỏ được thải ra theo 2 công nghệ: thải khô và thải ướt.

- Thải khô là bơm bùn ra hồ chứa với hàm lượng chất rắn rất cao, tiết kiệm diện tích bãi chứa nhưng đòi hỏi công nghệ phức tạp.

- Thải ướt là bơm bùn ra hồ chứa với hàm lượng chất rắn thấp hơn, đỡ tốn kém.

Bùn đỏ chưa xử lý tiềm ẩn khả năng rủi ro cao tại các hồ chứa bùn đỏ, bao gồm:

- Chi phí chôn lấp và quản lý cao, đất đai dùng để lưu trữ bùn đỏ không sử dụng được vào mục đích khác trong thời gian dài;

- Việc ngăn chặn sự phát tán kiềm từ bùn đỏ vào nước ngầm hoặc xử lý nước ngầm ô nhiễm kiềm là rất khó khăn, giá thành đắt và phải tiếp tục sau khi ngừng quá trình thải bùn đỏ.

- Chi phí quản lý và duy trì hồ bùn đỏ cao và liên tục tăng theo không gian và thời gian.

- Tính chất kiềm của bùn đỏ có hại đến sức khỏe của con người và môi trường sinh thái. Thảm họa bùn đỏ đang diễn ra ở Hungarynếu xảy ra ở một vùng có địa hình cao, bùn ướt sẽ trôi xuống những khu vực thấp hơn, mức độ tàn phá chắc hẳn sẽ khủng khiếp hơn gấp nhiều lần.

Những nước “ham rẻ” cũng đang từ bỏ công nghệ “ướt”

Ngay cả Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng đang chuyển dần các nhà máy của mình từ công nghệ thải bùn “ướt” sang công nghệ thải bùn “khô” [nhưng công nghệ áp dụng trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Việt Nam, vẫn cứ là công nghệ ướtBVN]. Ngay cả các nước ở vùng nhiệt đới, có mưa nhiều cũng không áp dụng công nghệ “ướt”.

Trên thực tế, bùn đỏ sẽ ít nguy hiểm đi rất nhiều khi được xử lý bằng công nghệ thải "khô". Nếu sử dụng công nghệ thải “ướt” (chất lỏng >54,4%, chất rắn <45,6%) rất nguy hại bởi các lý do sau:

(i) "Khô" có nghĩa là ít chất sút ăn da lẫn trong bùn đỏ;

(ii) Nếu thải "khô", các thành phần cỡ hạt khác nhau của bùn đỏ sẽ đông cứng lại thành chất rắn, ít nguy hại nếu bị trôi lấp. Còn "ướt" thì dung dịch bùn đỏ sẽ phân ly thành nhiều pha với các cỡ hạt khác nhau, trong đó có pha cỡ hạt siêu nhỏ gồm các kim loại nặng độc hại sẽ ngấm xuống đất, còn các pha cỡ hạt lớn lại không thể liên kết lại với nhau khi gặp mưa rất nguy hiểm, dễ bị trôi lấp;

(iii) Với công nghệ "khô" thì các đập chắn của các hồ bùn đỏ không phải chịu lực, chỉ có chức năng "chắn". Ngược lại, với công nghệ thải "ướt", các đập của hồ bùn đỏ sẽ giống như các đập hồ thủy điện, phải chịu lực do áp lực thủy tĩnh của bùn đỏ ướt tạo ra, nên rất kém an toàn.

Chọn công nghệ rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ với con người và môi trường hay chọn công nghệ hiện đại nhất với chi phí cao hơn hẳn cần tầm nhìn chiến lược của những nhà quản lý cấp cao.

N. T. S.

Nguồn: Bee.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn