Bùn đỏ vẫn là nguy cơ đối với các nước Đông Âu

Hoàng Nguyễn / Thụy My

clip_image002[3]  

Các tình nguyện viên làm sạch môi trường sau thảm họa bùn đỏ ở Devecser, cách Budapest 150 km. Ảnh chụp ngày 13/10/2010. Reuters

 

Từ sau khi thảm họa bùn đỏ xảy ra vào đầu tháng 10 tại Hungary làm cho 9 người chết và 150 người bị thương, dư luận chung quanh tai họa sinh thái này đã lắng bớt. Chất lượng nước trong khu vực bị 700 ngàn mét khối bùn đỏ tràn ngập nay đã tốt hơn. Tuy nhiên theo thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest, thì hiểm họa bùn đỏ vẫn treo lơ lửng, đặc biệt là tại các nước Đông Âu.

Xin chào thông tín viên Hoàng Linh [phía trên RFA viết là Hoàng Nguyễn] tại Budapest. Thưa anh, đã một tháng trôi qua sau tai nạn bùn đỏ, tình hình tại Hungary hiện nay như thế nào, có gì mới không?

Một ủy ban điều tra trực thuộc Quốc hội Hungary đã được thành lập theo đề xuất của đảng cực hữu JOBBIK và được sự ủng hộ của các đảng khác trong Quốc hội Hungary, để truy tìm nguyên nhân và thủ phạm của sự cố tràn bùn đỏ vừa qua.

Được biết, Ủy ban kể trên sẽ được ưu tiên hoạt động trong vòng một năm, nhằm xác định vai trò của chính quyền, trách nhiệm của các cá nhân và của tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) trong vụ này.

Cũng trong một động thái có liên quan, cuộc kiểm tra khẩn cấp các bể chứa bùn đỏ trên toàn quốc Hungary, được Bộ Môi trường nước này chỉ đạo ngay sau thảm họa bùn đỏ xảy ra, đã chấm dứt vào cuối tháng 10. Theo kết quả được công bố, hệ bể chứa hoạt động ở mức phù hợp, không cần có những biện pháp phòng ngừa.

Theo những số liệu sơ bộ, ngoài thành phố Ajka là nơi còn hoạt động nhà máy chế biến alumin duy nhất của Hungary hiện nay, ở nhiều vùng ở Hungary, còn tồn tại nhiều bể chứa bùn đỏ, đa phần đã được xử lý và kiểm tra trạng thái thường xuyên. Lượng bùn đỏ trên toàn quốc Hungary ước tính là hơn 50 triệu m3.

Tại các làng bị bùn đỏ tàn phá, chính quyền đã chấm dứt giai đoạn khắc phục hậu quả và đang đi vào ổn định cuộc sống cho cư dân. Người dân có thể lựa chọn giữa các khả năng: hoặc chờ nhà mới sẽ được xây trong tương lai gần, hoặc chọn trong số những căn hộ cũ ở các vùng khác. Một nhóm luật sư nhà nước đã được cử về địa phương để ký kết các hợp đồng sơ bộ trước khi nhà cũ của họ bị phá đi.

Đồng thời, Quốc vụ khanh Bộ Môi trường Illés Zoltán nhấn mạnh việc trong tương lai, luật về môi trường sẽ được sửa để các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến rác thải nguy hiểm đều phải mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc, phòng trường hợp sự cố xảy ra. Hiện tại Hungary có chừng 1.000 – 1.200 hãng như vậy, nhưng với điều luật mới này, trong vòng nửa năm, có thể con số trên sẽ chỉ còn 10-30 vì những chi phí quá cao.

Dư luận bàn tán nhiều nhất về khía cạnh nào, thưa anh?

Thực ra thì dư luận Hungary cũng như dư luận thế giới và như ở VN nhân sự kiện bauxite ở Tây Nguyên [từ đây phần chữ màu đỏ là do Bauxite Việt Nam bổ sung, căn cứ vào băng ghi âm], người ta bàn nhiều về yếu tố kỹ thuật trong tai nạn xảy ra ở Hungary. Đặc biệt, cách xử lý bùn đỏ theo công nghệ thải ướt của Hungary bị nhiều người coi là lạc hậu, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Hàm lượng kiềm quá cao (với độ pH bằng 13) của dung dịch bùn cũng bị coi là một nguyên nhân lớn của thảm họa vừa qua.

Trong thực tế, như đa số các quốc gia khác, tại Hungary, bùn đỏ khi thải chủ yếu được lưu giữ ở dạng lỏng (có nơi tới 70% như ở làng Kolontár). Với tỉ lệ ấy thì bùn đỏ phải được coi là rác thải nguy hiểm – trái với cách hiểu thông dụng của Liên hiệp Châu Âu, vì ở Liên hiệp Châu Âu, bùn đỏ được bảo quản với tỉ lệ nước dưới 25%, và nồng độ kiềm cũng chỉ xấp xỉ 10, tức là chỉ bằng một phần ngàn so với tại Hungary, nên Liên hiệp Châu Âu coi bùn đỏ không phải là rác thải nguy hiểm.

Tuy nhiên, để bù lại, các chuyên viên kỹ thuật Hungary đã thiết kế hệ thống đập chắn bùn rất kiên cố, với những kích cỡ mà Tổng giám đốc MAL Zrt. từng gọi là "biểu tượng của sức mạnh". Báo chí nước này từng đưa tin và ảnh về bể chứa số 10 bị vỡ, đập chắn dày 40-50 m (nơi dày nhất là 65 m), không khác gì một thành lũy bất khả xâm phạm!

Giới chức Hungary cũng thừa nhận rằng thải bùn khô thì tốt hơn bùn ướt và cho biết, Hungary đang tính toán đến việc đổi mới và hiện đại hóa công nghệ luyện alumin và chứa bùn đỏ, giải pháp khả dĩ là chuyển sang công nghệ thải khô.

Có điều, các chuyên gia trong ngành nhắc lại, nước này đã từng áp dụng công nghệ “khô” tại một nhà máy chế biến bauxite khi cơ sở này còn hoạt động (trước năm 2002). Cho dù an toàn hơn, nhưng giải pháp thải bùn khô sở dĩ chưa mấy thông dụng trên thế giới vì nó quá đắt đỏ, phức tạp và khó ứng dụng hơn - vì những lý do trên, ít mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp còn đeo đuổi ngành công nghiệp này.

Tai nạn vẫn xảy ra tại Hungary - một quốc gia có truyền thống lâu đời về chế biến alumin, nhôm - cho thấy, ngoài yếu tố lơ là hoặc bất cẩn khó loại trừ của con người, bản thân công nghệ chế biến bauxite hiện tại vẫn hàm chứa nhiều hiểm họa khôn lường, đặc biệt là với thời gian, khí hậu, môi trường có những biến chuyển không thể tính trước.

Còn tại các nước khác, đặc biệt là các nước Đông Âu khác thì hiện nay có hiểm họa bùn đỏ tương tự không?

Biến cố bùn đỏ tại Hungary khiến nhiều nước tại Đông Trung Âu phải nhìn lại mình. Trong khi ở nhiều quốc gia Tây Âu, các nhà máy luyện bauxite đã được đóng cửa vì những nguy hại đối với môi trường, thì vì nhiều lý do - trong đó, có một phần xuất phát từ di sản của quá khứ - ở vùng Đông Trung Âu vẫn còn hàng loạt cơ sở công nghiệp trong vùng,mặc dù còn hoạt động hay đã chấm dứt, vẫn để lại lượng rác thải độc hại tiềm ẩn những nguy cơ lớn.

Tại Slovakia, hai ngày sau khi sự cố tràn bùn đỏ tại Hungary xảy ra, Bộ Nông nghiệp, Môi trường và Phát triển khu vực đã ra chỉ thị cấp tốc kiểm tra 28 cơ sở chứa chất thải công nghiệp nguy hiểm. Kết quả cho thấy có một trường hợp đáng lo ngại ở tỉnh Košice, cạnh làng Slovinky. Một bể chứa bùn đỏ nằm trong một thung lũng với bức vách chắn cao 113 m - vài trăm ngàn tấn bùn đỏ ở dạng khô, có hàm lượng thạch tín rất cao đang được chứa tại đó.

Giới chức Slovakia cho biết, trong mùa mưa kéo dài thì khả năng hiểm họa là đáng kể: trong trường hợp tràn bùn do đập chắn bị vỡ, lượng bùn đỏ có thể thành cơn lũ với sóng cao 3 m nhấn chìm mọi nhà cửa tại thành phố nhỏ nằm cạnh đó. Mặc dù bùn đỏ chứa trong bể đã tương đối khô, nhưng khi có mưa to, tất cả sẽ biến thành bùn ướt và chắc chắn là trong trạng thái hiện tại, đập chắn sẽ không chịu nổi sức ép khổng lổ đó và một thảm họa như tại Hungary không phải là xa.

Ở Ukraina, tình hình cũng tương tự. Tai nạn tại Hungary khiến Bộ phụ trách các tình trạng khẩn cấp của nước này phải lập tức tiến hành kiểm tra hai nhà máy sản xuất alumin và nhôm, nơi bảo quản một lượng bùn đỏ chừng 26 triệu m3. Kết quả thu được rất đáng lo ngại: lượng bùn đỏ tại đây rất lỏng nên có thể có gây hậu quả tệ hại hơn nhiều so với ở Hungary.

Đặc biệt, tại một trong hai nhà máy trên, bên cạnh hệ bể chứa tồn tại từ 30 năm nay với lượng bùn đỏ là 20 triệu m3, mới đây, một bể chứa khác trên diện tích 150 héc-ta cũng đã đi vào hoạt động và chỉ cần một tai nạn nhỏ là đủ khiến bùn tràn xuống Hắc Hải. Một quan chức môi trường Ukraina cho hay, nếu sự cố xảy ra, hiện trường thảm họa sẽ trở thành vùng đất chết trong 10 năm và Hắc Hải cũng phải đối mặt với một thảm họa sinh thái trầm trọng.

Truyền thông một quốc gia láng giềng khác của Hungary là Rumani cũng cảnh báo rằng rất dễ xảy ra sự cố như ở Hungary vì bể chứa bùn đỏ của nhà máy chế biến bauxite ở TP Oradea (đã đóng cửa) không hề được đưa vào trạng thái an toàn, ngoài ra, một bể chứa khác ở tỉnh Tulcea cũng liên tục xả chất thải ra sông Danube.

Nỗi âu lo ấy cho thấy, bùn đỏ - trái bom sinh thái tiềm ẩn - hiện vẫn là yếu tố đe dọa môi sinh của khu vực Đông - Trung Âu mà việc xử lý chất thải sẽ là vấn đề đau đầu đối với chính giới tại đây...

Xin rất cảm ơn thông tín viên Hoàng Linh [phía trên RFA viết là Hoàng Nguyễn] ở Budapest.

Nguồn: RFI

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn