Cử tri nhận biết khả năng và ý thức trách nhiệm của bộ trưởng qua trả lời chất vấn

clip_image002

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Ngọc Thắng

 

SGTT.VN - Nhiều câu hỏi chất vấn đã được đặt ra với các bộ trưởng các bộ - thành viên Chính phủ - trong hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua. Nhiều thắc mắc, băn khoăn của đại biểu Quốc hội, cũng là của cử tri cả nước về những vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm của đất nước, đã được giải đáp – hoặc trọn vẹn, hoặc chưa trọn vẹn – thông qua phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng.

Những lý giải chưa thuyết phục, những trả lời chưa thỏa đáng của các bộ trưởng trong một số vấn đề đã tiếp tục bị các đại biểu Quốc hội chất vấn ngay trong các phiên làm việc. Bên lề kỳ họp, chúng tôi ghi nhận thêm một số ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh: Còn né tránh trách nhiệm về Vinashin

Tôi cho rằng bộ trưởng bộ Tài chính và bộ trưởng bộ Giao thông vận tải liên quan trách nhiệm đối với vụ Vinashin khá nhiều. Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: từ tốn, điềm đạm, bình tĩnh và cũng khá rõ vấn đề mình phụ trách. Có điều, các thành viên Chính phủ phải nhận thấy trách nhiệm trong lĩnh vực mình đang phụ trách. Tôi và cử tri rất quan tâm nhưng những câu trả lời liên quan đến phần này vẫn còn né tránh trách nhiệm. Tôi thấy cử tri chưa hài lòng và bản thân tôi cũng chưa hài lòng.

Qua phiên chất vấn, cử tri cũng thấy một phần năng lực, trách nhiệm của từng bộ trưởng. Như vậy cũng góp phần làm đổi mới điều hành của Chính phủ đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây cũng là dịp sát hạch năng lực, trình độ, kể cả thay đổi nhân sự các bộ trưởng trong nhiệm kỳ sắp tới. Đó là vấn đề cử tri hiện đang rất mong muốn.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Đường sắt cao tốc không triển khai thì thí điểm làm gì?

Liên quan đến dự án đường sắt cao tốc, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng khẳng định Bộ Chính trị đã có kết luận, nhưng tôi chưa nhìn thấy kết luận này trong hồ sơ trình Quốc hội. Mặt khác, khi nói đây là quyền của Chính phủ, bộ trưởng nên trích dẫn điều luật nào giao thẩm quyền ấy, sẽ thuyết phục đại biểu hơn. Tôi cũng không đồng tình khi bộ trưởng nói đây là kết luận của Quốc hội, vì lời bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, lời phát biểu của chủ tọa phiên họp là phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Tôi nói rằng, đừng có kéo Quốc hội vào, vì chúng tôi không chịu nổi trách nhiệm trước lịch sử. Còn nếu chúng ta không định triển khai dự án, thì làm thí điểm làm gì, nhận vốn của đối tác làm gì?

Liên quan đến vấn đề Vinashin, trong báo cáo của Chính phủ với Quốc hội vào đầu kỳ họp có nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất của Vinashin hiện nay là do tập đoàn báo cáo không trung thực. Hiện nay chúng ta chưa kiểm toán, mới chỉ dựa vào báo cáo của Vinashin mà nói rằng, tập đoàn này còn trên 104.000 tỷ đồng tài sản thì liệu có tin được? Thứ hai, chúng ta phải xem tài sản đó là tài sản gì, nếu là đất, rừng hay cái gì đấy, những công trình rất tốn kém mà nhà nước giao cho Vinashin sử dụng thì làm sao có thể bán được. Mà nếu bán thì chỉ có doanh nghiệp được, nhà nước vẫn mất.

Về trách nhiệm với Vinashin, Nghị định 132 của Chính phủ và Quyết định 104 của Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm rất rõ cho bộ Giao thông vận tải, bộ Tài chính. Nếu hai bộ này tham mưu không đến nơi đến chốn thì hai bộ phải chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, với trách nhiệm giám sát phần sử dụng vốn nhà nước, bộ Tài chính đã giám sát như thế nào, trách nhiệm ở đâu? Nếu bộ đã tham mưu mấy lần rồi, mà Thủ tướng không nghe thì đó là trách nhiệm của Thủ tướng. Nếu bộ Tài chính tham mưu chưa đến nơi đến chốn thì đó là trách nhiệm của bộ.

Tôi rất tiếc là bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng như bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng không xác định trách nhiệm của mình. Tôi chờ đợi Thủ tướng sẽ trả lời câu hỏi về trách nhiệm trong phiên chất vấn ngày 24.11.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Dự án bôxít đã tính đến an toàn trong 70 năm sau?

clip_image004

Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Thắng

 

Trên cả phương diện giao thông đường sắt cũng như giao thông hỗ trợ cho dự án bôxít, qua phần trả lời của các bộ trưởng, tôi thấy rằng chúng ta vẫn ở trong tình trạng không có một quy hoạch tổng thể, bị động, ứng phó, tạo ra những bức xúc xã hội.

Chẳng hạn, với dự án bôxít, chúng ta đang cố chứng minh nếu triển khai sẽ rất có lợi, nhưng với điều kiện, cách làm như hiện nay, những mặt bất lợi cũng không ít và có thể phải khắc phục rất lâu dài.

Bộ trưởng bộ Tài nguyên môi trường khẳng định công nghệ của Hungary đã lạc hậu từ 70 năm trước. Nhưng như vậy cũng cho thấy, 70 năm trước triển khai, 70 năm sau mới xảy ra sự cố. Vậy với công nghệ hôm nay chúng ta đã tính đến khả năng an toàn trong 70 năm sau?

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội): Nhiều câu trả lời còn vòng vo, lan man

clip_image006

Đại biểu Phạm Thị Loan. Ảnh: Ngọc Thắng

 

Phần trả lời chất vấn tôi thấy các bộ trưởng đã rất nỗ lực. Có bộ trưởng đã trả lời trực tiếp và cũng có chính kiến, có những câu hỏi đã được trả lời thỏa đáng.

Tuy nhiên cũng có bộ trưởng chưa thực sự trả lời cụ thể, nội dung chưa thỏa mãn, cách trình bày mang tính vòng vo, lan man, chưa nhận trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri để rồi cùng tìm ra giải pháp, từ đó làm tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội mong muốn Thủ tướng cũng như các bộ trưởng thực sự cầu thị, nhận ra những điểm yếu, khiếm khuyết của mình để khắc phục.

Thảo Nguyễn (ghi)

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn