THƯ KHẨN GỬI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Vũng Tàu ngày 19/11/2010

BỨC THƯ ĐẶC BIỆT CỦA CỬ TRI GỬI QUỐC HỘI

VỀ VIỆC THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

DỰ ÁN MỞ RỘNG VÀ HIỆN ĐẠI HÓA ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM”

Kính gửi: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Cùng toàn thể các đại biểu QH khóa XII kỳ họp thứ 8

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và tất cả các đại biểu QH!

Là cử tri, là một nhà khoa học có trách nhiệm, tôi hướng về Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 với sự quan tâm sâu sắc nhất. Đây sẽ là kỳ họp đặc biệt quan trọng trước một thập niên mới hướng tới công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vào năm 2020. Tôi xin kính chúc Chủ tịch cùng tất cả các ĐB QH lời chúc sức khỏe và lời chúc thành công tốt đẹp!

Với trách nhiệm công dân cao cả tôi xin trình bày sáng kiến yêu nước và nguyện vọng sau đây:

1- Tha thiết đề nghị Quốc hội hãy cứu lấy sự nghiệp đường sắt nước nhà!

Đường sắt (ĐS) Việt Nam khổ 1 mét, qua hơn 110 năm đã lạc hậu, rệu rã xuống cấp, gây ra rất nhiều tại nạn lật tàu, đe dọa đến tính mạng nhân dân, làm suy yếu nền quốc phòng toàn dân và đang đứng trước nguy cơ phá sản do thị phần chỉ còn đạt 6%.

Hiện tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang sử dụng 24.500 tỷ VND, tương đương 1,8 tỷ USD, để đưa tà vẹt bê tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực khổ 1 mét vào kiên cố hóa toàn bộ hệ thống ĐS. Như vậy Bộ GTVT đang trói chặt lâu dài ĐS nước ta trong vòng lạc hậu vĩnh cửu, gây lãng phí lớn 24.500 tỷ VND bằng tiền thuế đóng góp của toàn dân, gây phá sản cho ĐS nước nhà, làm suy yếu quốc phòng và an ninh, làm trầm trọng thêm sự quá tải giao thông và đại họa tai nạn giao thông tại nước ta.

Đáp lời kêu gọi của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ, với lòng yêu nước, thương nòi, tôi đã giải xong toàn bộ bài toán giao thông cho Việt Nam, giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông cho Hà Nội và TP HCM, điều mà nhiều nhóm chuyên gia nước ngoài đến VN nghiên cứu nhưng không đưa ra được giải pháp. Nguyên nhân của ùn tắc giao thông tại VN, đại họa tai nạn giao thông có nguồn gốc từ sai lầm từ ĐS khổ 1 mét đang lạc hậu hơn thời kỳ nô lệ (trước 1945). Tôi đã nghiên cứu thành công luận án Tiến sỹ “Mở rộng và hiện đại hóa ĐS VN” thành khổ tiêu chuẩn quốc tế 1,435 m, tốc độ 150-200 km/h với chi phí 5 tỷ USD, hoàn thành chỉ trong 3 năm. Công trình đã được gửi tới Chủ tịch QH, Thủ tướng, được công khai cho toàn dân biết và đã được UBATGTQG tặng Giải thưởng Quốc gia về hiến kế.

2 – Quốc hội cần giao nhiệm vụ cho Chính phủ phải làm chủ công nghệ ĐS mà không để lệ thuộc vào nước ngoài!

Với 3200 km ĐS, qua quá trình tích lũy lịch sử, trị giá tài sản trên 30 tỷ USD, đây là kho tài sản lớn của quốc gia. Nếu để ĐS phá sản sẽ là tổn thất lớn của nước nhà.

ĐS VN là đại công trình trọng điểm của quốc gia, công trình đặc biệt về an ninh và quốc phòng mang vận mệnh quốc gia, nên không thể giao phó cho chuyên gia nước ngoài điều tra nghiên cứu và nắm công nghệ. ĐS là nguồn tài sản to lớn, là nguồn lợi của cả một dân tộc mà biết bao Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu hy sinh để gìn giữ cho con cháu. Để ĐS khổ 1 mét lạc hậu kéo dài là lãng phí lớn máu xương và tài sản Nhà nước.

Tôi cho rằng đã đến lúc Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ phải cùng thống nhất ý chí và hành động để lãnh đạo trực tiếp toàn diện tuyệt đối sự nghiệp mở rộng và hiện đại hóa ĐS VN, coi đây như một vấn đề quan trọng đặc biệt để bảo vệ bí mật quốc gia, bảo vệ lợi ích to lớn của dân tộc, và là việc làm tiên quyết cho mục tiêu đến năm 2020 VN sẽ trở thành nước công nghiệp.

3 – Việc đưa đất nước thoát khỏi “cuộc chiến tranh” đại họa tai nạn giao thông đang nằm trong tầm tay Quốc hội!

Mắt xích yếu nhất hiện nay trong hệ thống chính trị nước ta đó là mặt trận giao thông vận tải. Chưa bao giờ trong lịch sử, Đất nước ta phải trả giá quá đắt bởi một cuộc chiến hao người tốn của kéo dài, với mỗi năm có 13 ngàn (13000) sinh linh đồng bào chiến sỹ tử nạn, hàng chục ngàn người bị thương, thiệt hại kinh tế 1 tỷ USD. Như vậy tính ra 10 năm qua, chúng ta đã hy sinh 13 vạn (130.000) con người, hàng chục vạn người bị thương, bị tàn phế, thiệt hại kinh tế gần 10 tỷ USD. Đây là cái giá quá đắt ngang với một cuộc chiến tranh và sẽ chưa có hồi kết vì Bộ GTVT không tìm ra được lối thoát mà đang chờ nhân dân hiến kế và chờ Quốc hội quyết định!

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất có quyền “tuyên bố tình trạng hòa bình hay chiến tranh”, tôi xin gửi đến Quốc hội lời khẩn cầu phải mở rộng và hiện đại ĐS để đất nước thoát khỏi cuốc chiến đại họa tai nạn giao thông.

Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của toàn dân – cần đưa ra giải pháp khẩn cấp mở rộng và hiện đại ĐS để “khai thông huyết mạch” bảo vệ tính mạng nhân dân. Đây là giải pháp tối ưu “5 trong 1” vừa cứu được dân, vừa cứu ĐS thoát khỏi phá sản, vừa giảm thiểu tai nạn giao thông, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa tăng cường tiềm lực về quốc phòng và an ninh.

Còn một ngày ĐS lạc hậu là đất nước còn đau thương, cứ để Bộ GTVT loay hoay tìm giải pháp thì 100 năm nữa chúng ta vẫn chưa có ĐS hiện đại và đất nước còn phải trả giá.

Với tính chất đặc biệt quan trọng như vậy, tôi tha thiết đề nghị QH khóa XII hãy vì tính mạng nhân dân và lợi ích dân tộc, nên kéo dài thêm một ngày để bàn thảo mở lối thoát cho ĐS nước nhà bằng việc nhanh chóng thông qua NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 8 VỀ VẤN ĐỀ MỞ RỘNG VÀ HIỆN ĐẠI HÓA ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM.

Đây sẽ là một việc làm vô cùng ý nghĩa của QH khóa XII đầy trách nhiệm lịch sử, khi đưa ra được giải pháp để cứu dân và quyết định tương lai bền vững cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và tương lai cho muôn đời con cháu!

Quyết định nhanh của một kỳ họp QH sẽ cứu được hàng ngàn sinh mệnh đồng bào chiến sỹ. Chưa bao giờ VN mạnh như ngày nay, đây là thời cơ lịch sử cho QH khóa XII chứng tỏ trí tuệ và trách nhiệm trước toàn dân.

Để tiết kiệm thời gian của Quốc hội, tôi xin mạn phép trình bày dự thảo nghị quyết cho QH bằng trí tuệ của khoa học kỹ thuật và công nghệ Đường sắt. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Quốc hội, trước pháp luật về động cơ nghiên cứu, tính đúng đắn và lợi ích to lớn của công trình khoa học này. Tôi xin hứa sẽ đưa hết nhiệt tình và tư duy phục vụ sự nghiệp Mở rộng và hiện đại hóa ĐS, sẵn sàng ứng cử vào ĐBQH cho khóa tới để cống hiến sức lực trí tuệ cho sự nghiệp vinh quang hiện đại hóa ĐSVN!

Mở rộng và hiện đại hóa ĐS là lợi ích to lớn vĩnh cữu của toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân; để ĐS lạc hậu và phá sản là tổn thất nặng nề cho cả dân tộc. Tôi tha thiết đề nghị Chủ tịch QH khóa XII cùng toàn thể các Đại biểu QH hãy vì tính mạng nhân dân, vì lợi ích to lớn, bền vững của dân tộc mà đoàn kết nhất trí cao thông qua nghị quyết lịch sử, huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân vào sự nghiệp mở rộng và hiện đại hóa ĐS VN, nhanh chóng đưa VN trở thành cường quốc về ĐS trong hiệp hội các nước ASEAN!

Vinh quang của sự nghiệp Mở rộng và hiện đại hóa ĐS sẽ thuộc về Quốc hội lịch sử khóa XII, kỳ họp thứ 8!

Kính đơn!

TS. Trần Đình Bá

Cử tri Thành phố Vũng Tàu

Hội Kinh tế và vận tải Đường sắt Việt Nam

clip_image002Sinh 1957 – nguyên “Sinh viên ĐH xếp bút nghiên lên đường cứu nước”, nguyên sỹ quan tác chiến - tham mưu trong QĐND VN, Huân chương Chiến công tại mặt trận, Huy chương kháng chiến, Huy hiệu Đại thắng mùa Xuân 1975, Huy hiệu Vì An ninh Tổ Quốc, Huy hiệu Vì Nghĩa vụ Quốc tế, Huy hiệu Dũng sỹ giữ nước, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Quốc gia về Hiến kế giảm thiểu TNGT.

Tôi xin gửi kèm theo đây một bản Dự thảo Nghị quyết. Vì trong bản Nghị quyết sẽ có một số thuật ngữ chuyên môn về đường sắt, giúp cho ban soạn thảo thuận lợi trong việc thảo luận và soạn thảo nhanh bản Nghị quyết quan trọng này.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

-----------------

NGHỊ QUYẾT (DỰ THẢO)

CỦA QUỐC HỘI SỐ … /2010/NQ-QH12 NGÀY … THÁNG 11 NĂM 2010
VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỞ RỘNG VÀ

HIỆN ĐẠI HÓA ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

- Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

- Căn cứ Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;

- Căn cứ Luật Đường sắt của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam số 35/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005.

- Sau khi xem xét Tờ trình của Chính phủ số 23/TTr-CP ngày 05 tháng 4 năm 2010 về Báo cáo đầu tư dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và biểu quyết thông qua của QH ngày 19/6/2010.

Xét tình hình quá tải về giao thông và tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng do sự xuống cấp của hệ thống đường sắt khổ 1 mét hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như quốc phòng – an ninh.

Xét nguyện vọng của cử tri và ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tha thiết để nghị mở rộng và hiện đại Đường sắt VN để bảo vệ tính mạng nhân dân, tài sản của toàn dân và tăng cường phát triển kinh tế xã hội cũng như quốc phòng – an ninh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Mở rộng và hiện đại hóa hệ thống Đường sắt Việt Nam theo tiêu chuẩn khổ đường sắt quốc tế 1,435 mét để đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đảm bảo về quốc phòng – an ninh và phúc lợi xã hội.

Địa điểm thực hiện: trên toàn bộ hệ thống đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, từ Hà Nội đi Lào Cai, Đồng Đăng, Hải phòng, Quảng Ninh và kết nối với mạng đường sắt quốc tế khổ 1,435 m.

Điều 2

Một số thông số cơ bản của Dự án:

1. Quy mô của Dự án: Mở rộng toàn bộ hệ thống đường sắt khổ 1 mét, đường lồng 1 m + 1,435 m thành khổ tiêu chuẩn thống nhất 1,435 m để tiến tới điện khí hóa đường sắt trên toàn quốc.

2. Công nghệ chính: Mở rộng khổ kỹ thuật của đường sắt bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực 1,435 mét tiêu chuẩn Châu Âu (EU), dùng ray và ghi thép P63 mối nối hàn cứng, sử dụng hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu bằng vệ tinh Vinasas để đạt tốc độ cao trên 150 km/h, đảm bảo hành trình Hà Nội – TP HCM chỉ 12-15 giờ. Khi thực hiện dự án vẫn đảm bảo hoạt động lưu thông bình thường cho Đường sắt hiện tại, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện dự án và đảm bảo hiệu quả kinh tế ngay tại thời điểm lập Dự án đầu tư.

3. Diện tích đất xây dựng: Khai thác triệt để mạng lưới đường sắt trên nền đường hiện có nhằm tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên.Tiết kiệm diện tích đất trong việc nắn chỉnh vòng cua và thực hiện mở rộng các ke ga để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

4. Tổng mức đầu tư: Dự toán khoảng 120.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập Dự án, quý I năm 2010).

5. Thời gian và lộ trình thực hiện:

- Khởi công dự án Mở rộng và hiện đại hóa Đường sắt Việt Nam vào tháng 5 năm 2011, và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 5 năm 2014 (thời gian 3 năm).

- Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công Mở rộng và hiện đại hóa Đường sắt Việt Nam.

Điều 3

Giao Chính phủ quyết định đầu tư và triển khai dự án với các yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản sau đây:

1. Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt hiện tại và ban hành đầy đủ, đồng bộ văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác đường sắt sau khi mở rộng hiện đại.

2. Tính toán thiết kế mở rộng hiện đại theo tiêu chuẩn an toàn đường sắt theo TCVN, bảo đảm bí mật an ninh đường sắt. Nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về các tác động của các đứt gãy kiến tạo địa chất, các hiện tượng biến đổi khí hậu, thoát lũ hiệu quả để bảo vệ hệ thống đường sắt; lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định.

3. Xây dựng phương án thi công mở rộng kỹ thuật đường và chuyển đổi thiết bị đầu máy toa xe đồng bộ và khai thác hợp lý trong quá trình sử dụng. Tổ chức thực hiện tốt công tác di dân tái định cư ở những nơi cần nắn chỉnh vòng cua hay mở rộng ke ga, đầu tư xây dựng hạ tầng cầu cống, cầu vượt cho đường bộ, hệ thống tín hiệu và điều khiển chạy tàu phục vụ cho lưu thông đường sắt được an toàn và hiệu quả cao nhất.

4. Giao cho Tổng cục kỹ thuật Bộ Quốc Phòng thẩm định dự án và quản lý kỹ thuật công nghệ đường sắt để phục vụ phát triển kinh tế xã hột đồng thới phục vụ đắc lực cho quốc phòng và an ninh trong mọi tình huống ;

5. Huy động sức mạnh của toàn Dân, toàn Quân cho sự nghiệp Hiện đại hóa đường sắt. Huy động các sư đoàn Công binh, các Tổng công ty xây dựng quân đội, Tập đoàn Viettel quân đội làm chủ công cùng với việc huy động các đơn vị xây dựng trong ngành Giao thông vận tải cùng lực lượng vật tư tại các tỉnh thành có đường sắt đi qua. Có kế hoạch nâng cao công nghệ sản xuất thiết bị để thực hiện làm chủ hoàn toàn công nghệ đường sắt.

6. Khẩn trương triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong việc điều hành khai thác đường sắt tiêu chuẩn quốc tế, tốc độ cao đảm bảo hiệu quả kinh tế và an toàn.

7. Nghiên cứu, đánh giá hệ thống hạ tầng về cầu, hầm, tín hiệu hiện tại để nâng cấp đảm bảo an toàn và sử dụng tiết kiệm, khai thác tiềm năng phát triển mở rộng mạng lưới đường sắt tiêu chuẩn quốc tế phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Có quy hoạch, kế hoạch tổng thể sử dụng đất để tiến tới mở rộng đường sắt hai chiều riêng biệt cho tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, ưu tiên phát triển giao thông đường sắt để tiết kiệm đất đai cho an ninh lương thực và giảm thiểu tác động của việc biến đổi khí hậu thời tiết, đảm bảo phát triển bền vững.

8. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua nhiều hình thức cụ thể, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhắm mục tiêu “TẤT CẢ CHO SỰ NGHIỆP HIỆN ĐẠI HÓA ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM” góp phần đắc lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020.

Điều 4

Chính phủ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách, cung cấp tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu đường sắt, huy động vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là kiều bào và các doanh nhân nước ngoài tham gia sự nghiệp Hiện đại hóa đường sắt nhanh chóng trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 5

1. Trước khi khởi công dự án Mở rộng và hiện đại hóa đường sắt, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả việc chuẩn bị và kế hoạch thực hiện.

2. Sau khi triển khai Dự án, cứ 6 tháng Chính phủ báo cáo Quốc hội về tiến độ thực hiện.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Quốc phòng – An ninh, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành có đường sắt đi qua và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày… tháng 11 năm 2010.

Người chịu trách nhiệm về bản dự thảo!

Cử tri TS TRẦN ĐÌNH BÁ – Hội Kinh tế vận tải ĐSVN

trandinhbavt@yahoo.com, ĐT 0913758555

Thư và bản dự thảo đã được gửi phát nhanh EMS cho Chủ Tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Phiếu gửi số VE 79567673 9 VN ngày 19/11/2010

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn