Trung Quốc "tiền hậu bất nhất" về chủ quyền các đảo

Vương Cẩm Tư

clip_image001Ảnh minh hoạ.

Nguyên Hải giới thiệu và lược dịch

Liên quan đến 4 đảo mà người Nhật gọi là Lãnh thổ miền Bắc, người Nga gọi là quần đảo nam Kurils, mới đây, trên trang mạng Trung Quốc tiết lộ sự thật rằng Trung Quốc từng ủng hộ Nhật thu hồi các đảo này.

LGT: Ngày 1/11, Tổng thống Nga Medvedev đến thăm đảo Kunashir, hòn đảo lớn nhất trong số 4 đảo người Nhật gọi là Lãnh thổ miền Bắc, người Nga gọi là quần đảo Nam Kurils. Chính phủ Nhật liền triệu đại sứ Nga tại Tokyo đến để phản đối, sau đó còn gọi Đại sứ Nhật ở Moskva về nước để "tìm hiểu tình hình". Thủ tướng Nhật Naoto Kan nói chuyến thăm của Tổng thống Nga là một sự việc "đáng tiếc".

Bộ Ngoại giao Nga cũng triệu Đại sứ Nhật đến nói phản ứng của Nhật trước sự việc nói trên là "không thể chấp nhận".

Sau đó trên mạng Thiết Huyết của Trung Quốc xuất hiện bài dưới đây của Vương Cẩm Tư, tiết lộ một sự thật đáng để dư luận lưu ý về tính hai mặt của Bắc Kinh.

Bốn đảo Nhật gọi là Lãnh thổ miền Bắc nằm giữa đảo Hokkaido của Nhật và bán đảo Kamchatka của Nga. Về địa lý 4 đảo đó thuộc về quần đảo Nghìn đảo, do đó Nga gọi là Quần đảo Nam Kurils. Từ năm 1945 trở đi 4 đảo này do Liên Xô cũ chiếm và cho tới nay vẫn do Nga kiểm soát. Nhật chưa bao giờ từ bỏ yêu cầu chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó. Vì vậy hai nước mãi vẫn chưa ký được Hòa ước với nhau.

Từ năm 1960 khi quan hệ Trung Quốc-Liên Xô bắt đầu xấu đi và từ năm 1972 Trung - Nhật lập quan hệ ngoại giao với nhau, Trung Quốc dần dần tỏ rõ thái độ đối với 4 đảo miền Bắc này.

Năm 1965, Mao Trạch Đông  tiếp phái đoàn Quốc hội Pháp tại Vũ Hán. Trong buổi tiếp, các nghị sĩ Pháp rất muốn qua Chủ tịch Mao tìm hiểu thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền 4 đảo nói trên của Nhật. Mao Trạch Đông tỏ thái độ rõ ràng ủng hộ Nhật có quyền thu hồi 4 đảo miền Bắc. Đây có lẽ là lần đầu tiên người lãnh đạo Trung Quốc tỏ rõ thái độ về vấn đề này.

Bài nói đó sau khi được Mao Trạch Đông đồng ý đã đăng báo tại Nhật, lập tức bị Liên Xô phản đối mạnh mẽ, Liên Xô cho rằng đây là "chủ nghĩa bành trướng công khai" của lãnh đạo Trung Quốc.

Sau đó Chính phủ Trung Quốc đã mấy lần công khai tuyên bố Trung Quốc ủng hộ Nhật thu hồi 4 đảo miền Bắc. Các đài phát thanh của Trung Quốc cũng thường xuyên đưa tin về những cuộc biểu tình kháng nghị của nhân dân Nhật đấu tranh đòi thu hồi 4 đảo miền Bắc, nhắc lại những câu như: "Chính phủ Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Nhật Bản thu hồi 4 đảo miền Bắc", "Ủng hộ nhân dân Nhật Bản phản đối đế quốc xã hội Liên Xô và chủ nghĩa bá quyền Liên Xô".

Nhật báo Nhân dân Trung Quốc thường xuyên đăng ảnh những người Nhật đầu chít khăn trắng trên viết khẩu hiệu "Trả lại 4 đảo miền Bắc". Tất cả nhằm để chống lại kẻ thù chung của hai nước là "Gấu Bắc cực", và cũng để lập quan hệ ngoại giao với Nhật và giành sự ủng hộ của người Nhật đối với việc Trung Quốc thu hồi Đài Loan.

Các bản đồ Nhật Bản do Trung Quốc xuất bản hồi ấy đều vẽ 4 đảo miền Bắc vào bản đồ Nhật; phía sau tên mỗi hòn đảo đều in thêm chữ Nga chiếm trong ngoặc đơn. Màu sắc 4 đảo này đều không dùng màu bản đồ Nga mà cùng màu với màu bản đồ Nhật. Đồng thời đường ranh giới quốc gia cũng vẽ chạy giữa 4 đảo với quần đảo phương Bắc Nghìn đảo.

Ngay cả tên 4 đảo này đều hoàn toàn in tên gọi của phía Nhật, tuy Nga gọi theo tên khác. Qua các sự việc đó có thể thấy rõ Chính phủ Trung Quốc coi 4 đảo này là lãnh thổ Nhật bị Nga chiếm một cách bất hợp pháp.

Ngày nay tình hình địa lý-chính trị đã khác xa trước kia. Từ sau khi Trung Quốc và Liên Xô bình thường hóa quan hệ, rồi Liên Xô tan rã, Trung Quốc và Nga thành đối tác chiến lược của nhau, Nga lại trở thành anh em của Trung Quốc; ngược lại, Nhật trở thành mối đe dọa của Trung Quốc; Trung Quốc không còn tỏ thái độ đối với yêu cầu của Nhật đòi thu hồi 4 đảo miền Bắc. Thế nhưng Nga lại không ủng hộ Trung Quốc thu hồi đảo Điếu Ngư [Nhật gọi là Senkaku].

Từ 1945, Nhật quy định lấy ngày 7 tháng Hai là "Ngày Lãnh thổ miền Bắc". Hàng năm vào ngày này, báo đài Nhật đưa nhiều tranh ảnh tuyên truyền yêu cầu đòi trả lại 4 đảo miền Bắc; dân chúng Nhật tổ chức mít tinh yêu cầu Chính phủ họ cố gắng đòi 4 đảo miền Bắc trở về nước này. Tại các thành thị ở miền bắc Nhật Bản, đài truyền hình địa phương mỗi khi đưa tin dự báo thời tiết 4 đảo miền Bắc bao giờ cũng kèm theo các hình ảnh tuyên truyền chủ trương đòi lại lãnh thổ. Các loại bản đồ, bưu thiếp bày bán tại mọi cửa hàng đều in tư liệu nhấn mạnh 4 đảo miền Bắc là lãnh thổ Nhật.

Suốt 60 năm qua, chính phủ Nhật đều liên tục bổ nhiệm các quan chức hành chính quản lý 4 đảo miền Bắc, song trên thực tế họ chưa ngày nào đến các đảo đó. Hiện nay 47 chính đảng của Nhật đều có lập cơ quan chuyên môn và dự án đòi 4 đảo miền Bắc. Tại tòa nhà làm việc của chính quyền một thành phố trên đảo Hokkaido có treo biểu ngữ viết bằng tiếng Nga "Lãnh thổ miền Bắc là của Nhật Bản".

Tất cả các biểu ngữ, biển hiệu, kể cả biển tên phố đều có kèm tiếng Nga; học sinh bắt buộc phải học tiếng Nga. Các quan chức địa phương cho biết, làm như vậy nhằm để sau này khi 4 đảo trở về Nhật, họ có thể tiến hành ngay việc quản lý người Nga sống trên các đảo này.

Tình hình chính trị quốc tế bao giờ cũng thiên biến vạn hóa; cái duy nhất bất biến là lợi ích quốc gia, ngoài ra còn có quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình.

V. C. T.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn