Xem tình cảnh công nhân Anh, nghĩ về tình cảnh công nhân Việt Nam

(Nhân kỷ niệm 190 năm ngày sinh Friedrich Engels)

Mạc Văn Trang

 image Chương trình Thời sự trên VTV1 tối nay (28/11/2010) có đưa tin Kỷ niệm ngày sinh Friedrich Engels, tôi chợt nhớ đến một lần đã đọc cuốn “Tình cảnh giai cấp lao động ở Anh” của ông. Bỗng nhiên lại liên tưởng đến “Tình cảnh giai cấp công nhân Việt Nam” khi nghe đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng phát biểu trước Quốc hội chiều 2/11/2010. Hai người nói về công nhân ở hai hoàn cảnh khác nhau, cách xa nhau 166 năm (1844 – 2010) mà sao có nhiều nét tương đồng thế!

Tôi giở cuốn C.Mac và Ph. Ăng- ghen toàn tập, tập 2, của NXB Chính trị QG, HN, 1995 ra xem. Trong đó tác phẩm “Tình cảnh giai cấp lao động Anh” dầy tới 381 trang (từ trang 217 đến trang 698). Như Enghels nói, ông đã trực tiếp quan sát, trực tiếp tiếp xúc, tìm hiểu đời sống của người công nhân trong suốt hai mươi mốt tháng trời... Tôi xin trich ra vài đoạn mô tả của ông:

…“Mỗi thành phố lớn đều có một hoặc nhiều khu nhà ổ chuột là nơi giai cấp lao động sống chen chúc. Thực ra thì nhiều khi người nghèo ở ngay trong những ngõ chật chội sát nách các lâu đài của những kẻ giàu sang; nhưng thông thường thì người ta dành cho họ một khu riêng biệt ở cái nơi khuất mắt những giai cấp được may mắn hơn, và họ phải tự lo liệu lấy được chừng nào hay chừng ấy…”. “Đấy là những căn nhà tồi tàn nhất trong những khu tồi tàn của thành phố, thường là những dãy nhà gạch một hai tầng, hầu hết được xếp đặt lộn xộn, phần lớn đều có nhà hầm để ở. Những căn nhỏ ấy thường chỉ có ba bốn phòng và một bếp, thường được gọi là cốt-ta-giơ và được xây dựng ở khắp nước Anh, là chõ ở thông thường của người lao động. Đường phố ở đây thường không được lát, bẩn thỉu, có nhiều ổ gà, đầy rác rưởi và xác sinh vật, không có cống rãnh thoát nước, nhưng ngược lại, thường xuyên có nhiều vũng nước hôi thối. Do sự xây dựng luộm thuộm và lọn xộn của những khu như thế làm cho không khí không lưu thông, và vì rất nhiều người sống trong một không gian nhỏ hẹp nên có thể dễ tưởng tượng được bầu không khí của các khu lao động ấy như thế nào.

Ngoài ra khi đẹp trời, đường phố còn là chỗ phơi phóng: từ nhà nọ sang nhà kia, người ta chăng dây ngang qua đường, treo lủng lẳng những quần áo ướt sũng, rách nát”… “Chợ họp ở giữa phố, các rổ rau và hoa quả- tất nhiên đều thuộc loại tồi và hầu như không thể ăn được- làm cho lối đi lại càng hẹp thêm, ở đó cũng như ở các hàng thịt, xông lên một mùi khó ngửi”…”Cung cấp thức ăn cho công nhân là những người buôn bán nhỏ. Họ mua các thực phẩm tồi nhất và chính vì hàng kém phẩm chất họ mới bán giá rẻ vậy”… “Xung quanh, chỗ nào cũng có những đống rác rưởi, tro bụi, nước bẩn đổ hắt ra cửa đọng lại thành những vũng nước hôi thối”…”Đây là nơi ăn, chốn ở của những người lao động ít lương, họ sống lẫn lộn với kẻ cắp, những kẻ bịp bợm, với những nạn nhân của tệ bán dâm”…”Những ai còn chưa bị cuốn vào vòng xoáy nước trụy lạc tinh thần bao trùm quanh mình, thì ngày càng sa ngã hơn và ngày càng mất dần sức chống lại ảnh hưởng của trụy lạc của nghèo đói, của bẩn thỉu và của môi trường ghê tởm”… “Những nơi trú ngụ của những người nghèo khổ cùng cực ấy thường thấy ở ngay gần những ngôi nhà lộng lẫy của kẻ giàu”. “Vậy mà những kẻ nghèo bất hạnh ấy, nhà cửa xơ xác đến nỗi kẻ cắp không tìm thấy cái gì để lấy, còn bị các giai cấp có của bóc lột dưới sự che chở của pháp luật”... “Phải nói rằng không có chế độ nào làm bại hoại cơ thể và tinh thần người lao động hơn là chế độ này”…

Trong bài phát biểu, bà Hồng cho biết hiện nay nước ta có hơn 10 triệu công nhân lao động đang có mặt trong mọi doanh nghiệp, trong các nhà máy, phân xưởng với tình cảnh rất khó khăn. Xin trích theo Lao Đông online 3/11/2010:

… “Đa phần họ đều ở độ tuổi rất trẻ từ khoảng 18 - 40. Điều hết sức đáng trăn trở là đời sống của họ hiện nay đang quá nhiều khó khăn với mức lương chỉ 1,3 triệu đến 1,5 triệu đồng/1 tháng, người công nhân phải tự cân đối mọi nhu cầu chi tiêu trong đồng lương ít ỏi đó.” …

“Một điều đáng quan tâm hơn nữa là đời sống hôn nhân gia đình của nam nữ công nhân lao động, họ yêu nhau nhưng không dám cưới vì không có tiền, cưới thì không dám có con, vì có con không có chỗ ở, có con không có chỗ gửi trẻ và không đủ tiền để nuôi, đành xa cách tình mẫu tử và gạt nước mắt để gửi con về quê mà nhớ con da diết. Do vậy, một thực trạng đáng lo ngại hiện nay công nhân trẻ hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân, thậm chí nhiều công nhân lao động trẻ sa vào tệ nạn xã hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người công nhân, đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất của chính bản thân doanh nghiệp mà hệ lụy lớn hơn nữa là chất lượng nguồn lực của chính mỗi doanh nghiệp, của cả nền kinh tế và trong tương lai gần có tính bền vững của đời sống gia đình.”…

“Đảng đã có một nghị quyết hết sức quan trọng là Nghị quyết 20 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong từng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ cũng đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20… Tuy nhiên, giữa nghị quyết và chính sách luôn luôn có khoảng cách quá xa”…

“Nếu chúng ta không có chính sách thỏa đáng quan tâm giải quyết những vấn đề của giai cấp công nhân thì chỉ sau một vài năm làm việc trong các khu công nghiệp, người công nhân bị suy kiệt về sức khỏe, nghèo về kinh tế, mòn về đời sống tinh thần”… “Một lực lượng như vậy khó lòng có thể đảm đương được một sứ mệnh lịch sử đã giao phó cho họ là giai cấp lãnh đạo cách mạng”…

Còn Engels thì khuyên giai cấp công nhân: “… Các bạn hoàn toàn có lý khi các bạn không mảy may mong chờ họ (giai cấp tư sản) giúp đỡ bất cứ một điều gì. Lợi ích của họ hoàn toàn trái ngược với lợi ích của các bạn, mặc dầu họ luôn luôn cố gắng chứng minh ngược lại và cố làm cho các bạn tin là họ thật tình thông cảm với số phận của các bạn. Hành động của họ đã bác bỏ lời nói của họ. Tôi hy vọng tôi dã thu thập thừa chứng cớ chứng minh rằng, dù cho trên lời nói giai cấp tư sản có quả quyết thế nào chăng nữa, trong thực tế họ không có mục đích nào khác là làm giàu bằng lao động của các bạn chừng nào còn có thể bán được sản phẩm của lao động ấy, và một khi mà cái lối buôn bán người gián tiếp ấy không còn mang lại lợi nhuận cho họ nữa thì lập tức họ bỏ mặc bạn chết đói”.

Một người Thầy của giai cấp công nhân đã nói vậy, thật đáng suy nghĩ, cảnh giác!

Đêm 28/11/2010

M. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn