Giải bài toán tắc nghẽn giao thông ở Sài Gòn

Tiến sĩ Trần Đình Bá

Hội Kinh tế vận tải ĐSVN – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

clip_image002  

Ảnh : Ùn tắc giao thông hàng ngày tại Sài Gòn –Nguồn Internet.

 

Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại đã lên tới 10 triệu dân, là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, đang gánh chịu những hậu quả về ùn tắc giao thông, ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Nếu không có những “binh pháp” kịp thời, tích cực thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng và việc cứ đổ hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước vào những giải pháp tình thế sẽ trở nên vô nghĩa, tiền mất nhưng tật vẫn phải mang.

Phải nhìn thẳng vào sự thật, do thiếu chiến lược giao thông và quy hoạch giao thông nên Sài Gòn trở thành một điểm nút giao thông khổng lồ bất đắc dĩ của hàng chục triệu dân từ miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ đổ về mỗi ngày, với hàng vạn hành khách cùng phương tiện và hàng hóa. Tắc nghẽn tại cửa ngõ phía đông trên đường bộ là tất yếu, và lại càng nghiêm trọng vì tại đó bị chia cắt bởi sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, tạo nên một “cổ chai” qua cầu cùng trên một trục Quốc lộ 1 A mà đó lại là cửa ngõ duy nhất nối thông với các tỉnh miền Trung, miền Bắc, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Hành khách các tỉnh miền Đông như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận đi máy bay ra Hà Nội đều đổ dồn vào Tân Sơn Nhất, nếu đi đường bộ vẫn đổ dồn vào ga Sài Gòn và bến xe Miền Đông, mỗi ngày có hàng vạn con người và xe cộ thì tắc nghẽn tại cửa ngõ là không thể tránh khỏi. Đáng tiếc, thực trạng này kéo dài hàng chục năm song vẫn chưa ai nhìn thấy!

Giống như một khán phòng cho hàng trăm người, các kiến trúc sư phải tổ chức 2 hay nhiều cửa để lưu thông và thoát hiểm khi có sự cố. Giao thông đô thị cũng vậy.

Trên thế giới, các thành phố có trên 3 triệu dân đều có ít nhất 2 sân bay, 2 nhà ga xe lửa, hai bến xe, bến tàu… ở hai đầu thành phố để thoát người và chi viện cho nhau khi cần thiết. Vậy mà Sài Gòn hiện nay đang ở thế “độc đạo”, chỉ có duy nhất một sân bay, một nhà ga xe lửa, hai bến xe ô tô nằm ngay trong nội đô thì cũng chỉ có tác dụng “hai trong một”.

Tắc nghẽn tại cửa ngõ phía đông, tắc nghẽn ngay tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, ùn tắc giao thông toàn thành phố đang làm đau đầu các nhà quản lý giao thông TP HCM song chưa ai đưa ra được giải pháp!

Vậy tại sao không tổ chức một cửa ngõ giao thông ngay tại phía Đông Sài Gòn để giảm ùn tắc cho nội đô? Đó là câu hỏi nhức nhối cho các “chiến lược gia” về giao thông vận tải của Bộ GTVT và các kiến trúc sư về tổ chức không gian kiến trúc và mạng lưới lưu thông.

Biên Hòa là một thành phố nằm ở phía đông, cách trung tâm Sài Gòn chỉ 30 km, nơi trục nối thông với phía Đông và các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, tại sao chúng ta không khai thác lợi thế đó để giải bài toán ùn tắc giao thông cho TP Hồ Chí Minh?

Tại Biên Hòa có một sân bay được xây dựng cùng thời với sân bay Đà Nẵng, với hai đường băng bê tông có chiều dài 3000 mét, có khả năng tiếp nhận được những máy bay quân sự hạng nặng như B52 lớn nhất trên thế giới, hiện tại đang là sân bay quân sự dùng trong luyện tập và sẵn sàng làm nhiệm vụ. Nếu được xây dựng nhà ga hàng không và trang bị thêm hệ thống dẫn đường sẽ trở thành một sân bay quốc tế hiện đại, có khả năng tiếp nhận được tất cả các máy bay dân dụng cũng như quân sự hiện đại nhất hiện nay, công suất không kém gì sân bay quốc tế Đà Nẵng, song vẫn đảm đương được chức năng của một sân bay quân sự giống như Đà Nẵng và Nội Bài. Sân bay này có khả năng lưu thông được 7-10 triệu hành khách/năm góp phần đáng kể cho giải quyết quá tải hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất và giảm quá tải cho cửa ngõ Sài Gòn, đồng thời giải quyết tắc nghẽn hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp hoặc quá tải.

Nhà ga xe lửa Biên Hòa nằm ngay trên trục đường sắt Bắc Nam, nếu cải tạo nâng cấp có khả năng tiếp nhận được 2-5 triệu lượt hành khách/năm. Vị trí thuận lợi này có thể tiếp nhận một lượng lớn hành khách từ các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, các quận Thủ Đức, quận 9… để không dồn về trung tâm Sài Gòn. Đặt tại Biên Hòa một bến xe liên tỉnh để vận chuyển lượng hành khách, hàng hóa ra Bắc mà không đi vào trung tâm thành phố.

Cách làm trên sẽ nhanh chóng giảm tải ngay cho Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông, giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông do giảm được một lượng người và phương tiện đi vào Sài Gòn, đồng thời giảm được chi phí, thời gian đi lại của nhân dân.

Tình trạng kẹt đường hàng không hiện nay cho thấy TP HCM phải khẩn cấp có thêm sân bay để giảm tải. Sáng kiến mang tính bền vững vì tiết kiệm được vốn đầu tư hàng tỷ USD mà có thêm được một sân bay quan trọng cho thành phố. Dự án “Chuyển đổi sân bay Biên Hòa thành sân bay quốc tế và quốc nội" đã được Chủ tịch UBND TP HCM hoan nghênh, được đông đảo nhân dân ủng hộ, song cho đến nay vẫn chưa được thực hiện là một điều đáng tiếc. Lãng phí sân bay Biên Hòa trên 10 tỷ USD đang là nỗi nhức nhối của những nhà khoa học và những người Việt Nam yêu nước giữa lúc chúng ta đang quá tải nghiêm trọng về giao thông và tắc nghẽn hàng không!

Bài toán tắc nghẽn cửa ngõ phía đông Sài Gòn cũng như bài toán tắc nghẽn giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã có lời giải và đáp số chính xác mà từ trước tới nay chưa một ai đề cập đến. Đã đến lúc Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương… cần có cái nhìn chính xác, khoa học về thực trạng giao thông và có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, tiết kiệm đầu tư cho Nhà nước và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân!

T. Đ. B.

Nguồn: Vnexpress

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn